Nghệ sĩ K-pop chật vật sau ánh hào quang

15/10/2020 - 15:17

PNO - Sau 30 tuổi, hầu hết các thần tượng K-pop đều không duy trì được sức hút, một số chuyển hướng sang đóng phim, làm kênh YouTube… chỉ có số ít trụ lại được với nghề.

Mọi dòng chảy đều có lúc lên lúc xuống và ngôi sao K-pop cũng vậy. Thành viên của các nhóm nhạc thần tượng có thể tận hưởng những ngày tháng vinh quang khi còn trẻ nhưng sau khi tan rã, các ngôi sao ở độ tuổi cuối 20 đầu 30, phải đối mặt với "thế giới thực", khi sức hút của bản thân đã dần tàn lụi trong lòng khán giả.

Theo Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc, 7 năm là thời hạn hợp đồng dài nhất giữa công ty quản lý và ca sĩ. Sau đó, cả hai phải thống nhất gia hạn để duy trì mối quan hệ kinh doanh, nhưng thường thì họ không chọn cách làm như vậy.

Có rất nhiều lý do lý giải: các nhóm không đủ lợi nhuận hoặc một trong số các thành viên muốn phát triển ước mơ cá nhân của mình. Ngay cả những nhóm nhạc nữ đình đám một thời như Sistar, Girls 'Day và 2NE1, cũng không thoát khỏi "lời nguyền 7 năm" (tại Hàn các nhóm nhạc nữ thường tan rã trước 7 năm, sau khi ra mắt).

Sau khi tan rã, nhiều ngôi sao như Youngjae (BAP), HyunA (4Minute), CL (2NE1) và Hyolyn (Sistar) - tiếp tục theo đuổi sự nghiệp solo, một số ít thì chuyển sang diễn xuất như Bora (Sistar) và Sohee (Wonder Girls). "Tất cả các ca sĩ đều lựa chọn con đường khác nhau bởi họ có nhiều kỹ năng và suy nghĩ riêng của mình. Nhưng nói chung, sẽ an toàn hơn khi các idol tiếp tục sự nghiệp ca hát hoặc diễn xuất vì họ hiểu khá rõ ngành nghề này" - Nhà phê bình văn hóa Jung Min-jae nói với The Korea Times.

HyunA tập trung phát triển sự nghiệp cá nhân trong những năm gần đây.
HyunA tập trung phát triển sự nghiệp cá nhân trong những năm gần đây

Ngày càng có nhiều ngôi sao chuyển hướng kinh doanh và điều hành các kênh YouTube. Điển hình như Mir - thành viên của nhóm nhạc nam MBLAQ - sau khi nhóm tan rã vào năm 2015, nam ca sĩ đã mở kênh Mir Bang (2017), chia sẻ về cuộc sống cá nhân của mình, thu hút hơn 640.000 người đăng ký. 

Tương tự, cựu thành viên nhóm nhạc nữ Crayon Pop - Way cũng thiết lập kênh YouTube, tiết lộ những câu chuyện hậu trường của các nhóm nhạc nữ K-pop, từ những khó khăn mà các ngôi sao phải chịu đựng cho đến các mẹo làm đẹp.

Way ra mắt kênh YouTube cá nhân vào năm 2017, sau khi nhóm Crayon Pop ngưng hoạt động.
Way ra mắt kênh YouTube cá nhân vào năm 2017, sau khi nhóm Crayon Pop ngưng hoạt động

Nhà phê bình văn hóa nhạc pop Kim Hern-sik cho biết: “Một khi các ngôi sao K-pop buộc phải leo xuống từ trên đỉnh cao, họ sẽ mất các nền tảng để giao tiếp với người hâm mộ (do các trang mạng xã hội của nghệ sĩ phần lớn do công ty chủ quản quản lý). Đối với họ, YouTube là nơi hiếm hoi họ có thể tiếp tục tương tác với khán giả".

Tuy nhiên, vẫn có một số ngôi sao "kiên cường" theo đuổi nghệ thuật dù đã ngoài 30. Các nam nghệ sĩ K-pop TVXQ và Super Junior, lần lượt có 17 và 15 năm kinh nghiệm ca hát, nhưng họ vẫn được yêu thích trên toàn thế giới.

"Các ca sĩ K-pop ngày nay tương tác với người hâm mộ và công chúng thường xuyên hơn thông qua mạng xã hội và các kênh truyền hình. Họ phát hành album liên tục - thường là dưới dạng EP (đĩa CD) - bởi vì công ty quản lý muốn tận dụng tối đa sức hút của nghệ sĩ trong vòng 7 năm và giữ cho nghệ sĩ luôn nhận được sự chú ý từ công chúng. Những nhóm nhạc như Super Junior đã có một lượng khán giả quốc tế vững chắc, không dễ gì mất đi" - Nhà phê bình Jung Min-jae chia sẻ nguyên do TVXQ và Super Junior được yêu mến lâu dài.

TVXQ và Super Junior bền bỉ hoạt động sau hơn 15 năm ra mắt.
TVXQ và Super Junior bền bỉ hoạt động sau hơn 15 năm ra mắt

Với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, kéo theo vô số tài năng trẻ đang hoạt động, nhiều chuyên gia cho rằng các ngôi sao nên lập kế hoạch dài hạn thay vì tập trung vào “việc kiếm tiền bây giờ”. 

Nhà phê bình Kim nói: “Tôi nghĩ các ngôi sao nên có những mục tiêu và kế hoạch dài hạn. Họ có thể thử điều hành công việc kinh doanh liên quan đến âm nhạc hoặc sử dụng tài năng và kinh nghiệm của mình một cách khôn ngoan. Tôi tin rằng các công ty quản lý nên có trách nhiệm giúp nghệ sĩ lên kế hoạch cho cuộc sống sau sự nghiệp âm nhạc của họ".

Tương tự, nhà phê bình Jung cũng đồng quan điểm, ít nhất các công ty chủ quản nên giúp các ngôi sao phát triển với tư cách là một nhạc sĩ để họ có thể tiếp tục sự nghiệp của mình trong làng giải trí. "Sau khi sức hút của các nhóm nhạc giảm sút, các công ty thường không cung cấp cho họ bất kỳ bài hát hay nào hoặc kết nối họ với những nhạc sĩ giỏi".

Chung Thu Hương (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI