Nổi tiếng tại Pháp với dòng nhạc dân ca kết hợp Jazz, được mệnh danh là Sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Âu châu nhưng khi trở về Việt Nam, đứng cạnh chị của mình là Hương Lan, nghệ sĩ Hương Thanh không chỉ vui vẻ thừa nhận bản thân là "cái bóng" của chị, mà còn khẳng định rằng mình cảm thấy hãnh diện khi là con gái nghệ sĩ Hữu Phước, em gái Hương Lan.
Hương Lan có sự tuyệt vời của chị, tôi có cái hay nhỏ nhỏ riêng tôi
* Cảm xúc của chị ra sao trong lần trở về nước để tham gia liveshow Hương Lan và lần đầu tiên cùng chị gái hát cải lương?
- Đối với tôi, đây là niềm hãnh diện vô cùng lớn lao, hơn cả những thành tựu mà tôi đã đạt được trong suốt mấy chục năm đi hát ở nước ngoài. Bởi đây là lần đầu tiên khán giả Việt Nam nhìn thấy tôi góp mặt biểu diễn chung trong chương trình của chị mình và mọi người sẽ biết tôi là em gái Hương Lan.
Tôi vô cùng cảm động khi liveshow lần này của chị Hương Lan có nhiều tiết mục cải lương để tưởng nhớ và ngợi ca về ba Hữu Phước. Tôi thấy ấm lòng khi chị Hương Lan chọn biểu diễn cải lương cho phần xuất hiện của hai chị em bởi đây là bộ môn nghệ thuật mà ba tôi đã dành cả cuộc đời để cống hiến, ông cũng là người đã truyền lửa đam mê cải lương cho chị em chúng tôi.
|
Nghệ sĩ Hương Thanh và chị gái - Hương Lan
|
Điều khiến tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là mình không được trưởng thành ở quê nhà để khán giả Việt Nam biết mình là ai, là nghệ sĩ như thế nào... Tuy nhiên, tôi cảm thấy may mắn khi mình vẫn giữ được truyền thống nghệ thuật của gia đình.
Cùng chị đứng chung sân khấu hát cải lương trong liveshow sắp tới, tôi có đôi chút khớp khớp vì chị Hai hát hay, giỏi... và đủ thứ cảm xúc lẫn lộn. Tôi rất thương chị Hương Lan và xem chị như mẹ bởi trong gia đình, hai chị em gần gũi nhau nhiều nhất, tôi sống cùng chị từ nhỏ đến năm 16 tuổi rồi mới sang nước ngoài.
* Cố nghệ sĩ cải lương Hữu Phước và chị gái Hương Lan đóng vai trò ra sao trong bước đường nghệ thuật của chị kể từ những ngày đầu lập nghiệp?
- Ba Hữu Phước không chỉ là thần tượng mà còn lại tấm gương để tôi luôn soi mình trên hành trình cống hiến cho nghệ thuật. Tôi đã được đi hát với ba nhiều lần khi sang Pháp và được ông chỉ dẫn cách biểu diễn phục vụ khán giả là người nước ngoài sao cho chiếm được tình cảm nhưng không khiến bản thân lo sợ.
Với chị Hương Lan, do hai chị em không sống gần nhau nên chỉ những khi đi diễn chung chương trình thì chúng tôi gặp gỡ và chị nhớ ra điều gì về nghề sẽ chỉ dạy lại tôi, mà dạy như vậy còn hay hơn cả khi tôi đi học ở trường. Có thể nói, ba và chị có tầm ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp của tôi!
Nhiều người cho rằng điều khó khăn nhất với tôi là khi đứng kế chị, tôi sẽ là “chiếc bóng” và sự thật thì... mình đúng là cái bóng thiệt nhưng cũng đâu có gì phải buồn. Bởi, mỗi người sinh ra đều có một con đường đi và có giọng hát thiên phú nên mình không thể nào so sánh được.
Tôi học được nhiều điều từ ba lẫn chị Hương Lan và giữ được hồn Việt trong con người mình dù sinh sống tại nước ngoài. Tôi đam mê dân ca thì tôi sẽ hát dòng nhạc này đến khi 60 tuổi, đối với tôi nghề này không có tuổi và đâu phải đẹp, phải trẻ mới thành công!
Clip Hương Thanh tập hát với Hương Lan:
* Hai chị em Hương Lan – Hương Thanh cùng theo đuổi con đường nghệ thuật dù ở khía cạnh khác nhau nhưng tên tuổi nghệ sĩ Hương Lan thì quá nổi tiếng trong khi Hương Thanh lại ít người biết đến. Có khi nào chị cảm thấy chạnh lòng vì điều này?
- Tôi có 3 điều may mắn mà không phải ai cũng gặp được, đó là việc tôi được sinh ra trong gia đình nghệ sĩ, có cha là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và chị gái cũng là một danh ca. Tất cả điều đó đã phần nào giúp con đường phát triển sự nghiệp tại hải ngoại của tôi thành công nhiều hơn. Tôi không thấy buồn khi bị so sánh với chị Hương Lan bởi hai chị em vốn dĩ không cùng hoạt động nghệ thuật trong một đất nước, tôi ở Pháp còn chị lại ở Mỹ.
Và hơn hết, tôi nghĩ rằng chỉ khi nào chị em không thương nhau thì mới thấy buồn, hoặc khi tôi đi hát mà khán giả chê rằng tôi hát dở quá thì tức là tôi đã chọn không đúng nghề nên làm ba và chị phải xấu hổ, lúc đó tôi mới thấy buồn.
Ai cũng có điểm tốt riêng mình, tôi nghĩ vậy! Chị Hương Lan có cái hay, sự tuyệt vời của chị thì tôi cũng có cái hay nhỏ nhỏ riêng tôi. Tại sao tôi hát “ầu ơ” bên nước ngoài mà người ta khóc?
Quá trình xây dựng sự nghiệp của tôi không thể so sánh với chị Hương Lan bởi cả hai thành danh ở mỗi quốc gia khác nhau và chuyện nghệ sĩ nổi tiếng nước này khi qua nước khác không ai biết không có gì lạ.
* Chị cũng không buồn nếu khán giả chỉ gọi mình là “em gái Hương Lan” thay vì nghệ sĩ Hương Thanh – “Sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Âu châu”?
- Người nào mà nói buồn vì điều này là vô lý! Chừng nào tôi ở cùng xứ, lớn lên và đi hát chung với chị Hương Lan mà tôi lại hát dở quá đến nỗi người ta chỉ gọi mình là “em gái Hương Lan” thôi thì cái đó mới buồn.
|
Vợ chồng nghệ sĩ Hương Thanh chụp ảnh lưu niệm cùng nhạc sĩ Đức Trí và vợ chồng Hương Lan
|
Khán giả không biết tôi cũng là điều bình thường. Chẳng hạn như ca sĩ nam nổi tiếng Việt Nam hiện nay là Đàm Vĩnh Hưng nhưng khi qua Pháp, người Pháp họ đâu biết là ai.
Tôi cũng mong muốn có nhiều cơ hội về Việt Nam trình diễn nhưng không phải dễ. Nhưng dù có điều kiện hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam hay không thì tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả, đến 60 – 70 tuổi cũng vẫn muốn hát vì tôi yêu tiếng hát, yêu quê hương, nguồn cội của mình.
"Không có loại nhạc nào chết luôn đâu"
* Hơn 40 năm xa quê hương, nhớ lại quá trình thích nghi với môi trường sống mới buổi ban đầu, chị đã vượt qua nỗi niềm xa xứ ra sao?
- Năm 16 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Pháp định cư, tôi đã khóc và rất nhớ quê nhà, nhớ con đường nơi mình ở, nhớ lớp học, thầy cô... Nỗi nhớ ấy kéo dài, khiến tôi gặp khó khăn trong quá trình thích nghi khoảng 1-2 năm đầu.
Tôi đã khóc rất nhiều khi phải rời Việt Nam sang Pháp, vì điều đó đồng nghĩa với từ bỏ giấc mộng trở thành nghệ sĩ, cộng với sự hoang mang không biết khi qua Pháp mình sẽ làm gì.
Nhưng rồi tôi vẫn cứ hát và làm theo đam mê mà chưa bao giờ biết sợ, dù không gắn bó với cải lương nhưng hiện tại, mỗi khi có dịp hòa giọng trong những làn điệu ca cổ, tôi đều hết lòng và háo hức được lên sân khấu. Mỗi khi có cơ hội học hỏi về cải lương với các nghệ sĩ lão thành, tôi đều tranh thủ học để làm giàu cho vốn cải lương đã có sẵn trong người.
Cũng may mắn sao khi sang Pháp, tôi được tiếp tục học và có cơ hội đi hát nhạc dân ca, gặp gỡ những nhạc sĩ nước ngoài. Và sau gần 20 năm, tôi mới gặp nghệ sĩ Nguyên Lê, người chuyên biên soạn nhạc Jazz và tạo cơ duyên cho tôi tiếp xúc, làm quen với dòng nhạc này.
* Sinh ra từ một cái nôi cải lương, giờ về nước biểu diễn trong giai đoạn sân khấu cải lương không còn hưng thịnh, chị có cảm thấy buồn?
- Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, có những thời đoạn mà một số bộ môn nhạc cổ bị “chìm” nhưng rồi cũng sẽ “nổi” lên.
Tôi tin rằng sẽ không thể loại nhạc nào chết luôn đâu mà nó sẽ có một thế hệ khác để trở lại và đó cũng là lý do vì sao tôi vẫn tiếp tục “ầu ơ”, vẫn hát những bài dân ca mộc mạc hòa cùng Jazz.
|
Hương Thanh khẳng định bà rất thương chị gái Hương Lan
|
* Là người nối nghiệp nghệ thuật gia đình suốt mấy chục năm qua, vậy chị đã có hậu duệ nào kế thừa “di sản” của mình chưa?
- Tôi có 3 người con đã trưởng thành nhưng rất tiếc cả 3 cháu đều không muốn làm nghệ thuật. Tuy nhiên, các con tôi đứa nào cũng biết chơi một loại nhạc cụ và chơi rất giỏi. Các cháu có sự yêu thích nghệ thuật nhưng không đam mê theo đuổi và tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn đó.
Ông xã tôi thì đã về hưu, cuộc sống hiện tại của vợ chồng tôi khá yên bình và thoải mái vì các con đều đi làm hết rồi. Công việc chính của tôi bây giờ chỉ là đi hát và thực hiện một số dự án âm nhạc. Sắp tới, tôi sẽ có một đêm nhạc biểu diễn cùng các nghệ sĩ nước ngoài tại nhà hát VOH, TP.HCM. Sau đó khi trở về Pháp, tôi sẽ thực hiện dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi.
* Cùng là nghệ thuật đặc trưng dân tộc, cải lương thì sa sút, nhưng bolero khi bỗng dưng "sống dậy" mạnh mẽ cũng lại bị chỉ trích, cho rằng đó là "sự thụt lùi". Là một người gìn giữ nghệ thuật dân tộc, chị nghĩ gì về điều này?
- Bản thân tôi cũng hát được bolero và rất yêu thích dòng nhạc này vì tôi trưởng thành trong giai đoạn bolero cực kỳ phát triển. Sự trở lại của bolero càng khẳng định suy nghĩ của tôi là hợp lý, rằng không có dòng nhạc nào chết luôn và bây giờ đang là thời của bolero. Vậy thì đến một lúc nào đó cũng sẽ đến thời của cải lương.
Tôi cho rằng những nhận định không đúng về bolero là sự sai lầm và đó là suy nghĩ rất nông cạn! Phải bước ra nước ngoài rồi thấy, tại sao mình phải từ chối những cái đẹp của thời xưa và không tạo cơ hội cho tuổi trẻ khám phá? Bolero đang trở lại nhưng chắc gì nó sẽ “sống đời”, có thể nó chỉ tồn tại vài năm rồi sẽ có dòng nhạc khác lên ngôi, cuộc đời cứ thế mà xoay chuyển thì mới vui.
Tại Pháp, người ta rất bảo thủ và luôn giữ lại những cái đẹp xưa.
* Nhưng không phải ca sĩ nào hát bolero thuần túy, một số người đã làm mới lại bài hát bằng cách remix. Sự phá cách này đôi khi đã khiến một vài ca khúc bị “biến dạng”, gây bức xúc trong giới chuyên môn, ý kiến của chị ra sao?
- Nếu nói về phá cách thì chắc tôi là người phá cũng nhiều bài dân ca (cười). Trong xã hội đông người, chúng ta không thể nào bắt mọi người cùng suy nghĩ với mình, phải có người này người kia.
Khi kết hợp giữa dân ca với nhạc Jazz, tôi phải “biến tấu” nhiều để làm sao sau khi nghe bản phá cách của mình, khán giả sẽ tìm nghe phiên bản thuần túy để thưởng thức, đó là cách mình hướng dẫn người nghe tìm cái thuần túy.
Quang Hùng