Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Hồng Sáp: Đời ai cũng từng rực rỡ

02/11/2021 - 06:13

PNO - Vào chặng cuối cuộc đời, nghệ sĩ Hồng Sáp tóc đã bạc phơ, lưng khòm, màu thời gian cũng phủ lên da bà những vết nhăn nheo, đồi mồi.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”

Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống

Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn:

Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom

Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi

Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc 

Bài 28: Nghệ sĩ Lê Thiện: Sau những ngày mưa, trời lại cao xanh

Bài 29: NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm

Ở tuổi 85, nếu những người khác được con cháu phụng dưỡng, không phải lo toan chuyện cơm áo, thì nghệ sĩ Hồng Sáp không có được may mắn đó, bà phải chật vật gom từng đồng bạc lẻ lo tiền nhà, chạy ăn từng bữa.

Đời hắt hiu buồn 

Mắt đỏ hoe, nghệ sĩ Hồng Sáp rưng rưng khi nhìn lại cuộc đời mình: “Đời tôi sao khổ quá! Đến giờ vẫn nhọc nhằn kiếm cơm, số không được nhờ con cháu. Nhưng biết làm sao, mình sinh ra chúng, chúng kêu mình là mẹ, thì cả cuộc đời mình phải lo cho con, làm sao bỏ mặc”.

Sau nhiều tháng ở nhà vì dịch bệnh, nghệ sĩ Hồng Sáp lần đầu trở lại đình Nhơn Hòa trên đường Cô Giang (Q.1, TP.HCM) do có người hẹn gặp. Hơn 50 năm qua, kể từ lúc còn là cô diễn viên biết làm duyên làm dáng trên sân khấu đến khi quá tuổi, phải về làm công việc phục trang, bà lui tới nơi này không biết bao nhiêu lần. Rồi dịch COVID-19 bùng lên, công việc duy nhất kiếm ra tiền cũng không còn. Cuộc sống vốn thiếu trước hụt sau của nghệ sĩ Hồng Sáp nay càng khó khăn gấp bội, chủ nhà trọ đòi cắt điện vì bà không có tiền đóng, chiếc nồi cơm điện - một trong những món đồ giá trị lớn trong nhà - cũng vừa bị hư.

Nghệ sĩ Hồng Sáp thời điểm hiện tại
Nghệ sĩ Hồng Sáp thời điểm hiện tại

Nghệ sĩ Hồng Sáp mò mẫm từng phím số trên chiếc điện thoại cũ, bà bảo muốn gọi cho một người quen để hỏi họ có thể giúp bà không. Trong suốt những tháng dịch, không thể đi làm, nghệ sĩ Hồng Sáp lực bất tòng tâm, liên tục phải cầu cứu người quen như thế…

“Trước dịch, tôi được thuê đi lo việc mặc phục trang cho các diễn viên. Dù thỉnh thoảng mới có việc, nhưng ngày nào làm là hôm đó được trả 300.000 đồng, cũng đủ tiền ăn uống, nhà trọ. Còn nay, dịch bệnh không ai thuê đồ đã đành, nghệ sĩ Kim Phượng - chủ tiệm cho thuê phục trang - cũng qua đời vì COVID-19, nên tôi chưa biết bao giờ có thể làm lại”, nghệ sĩ Hồng Sáp chia sẻ.

Suốt mấy tháng cao điểm dịch bệnh tại TP.HCM vừa qua, nghệ sĩ Hồng Sáp nói bà sống cậy nhờ vào những nhà hảo tâm, những đồng nghiệp cũ. Bà bảo mỗi lần gọi điện xin tiền cũng ê chề, xấu hổ lắm. Nhưng bà không đi làm, con trai 60 tuổi - làm nhạc công tự do - cũng không thể đi làm, đứa cháu trai ngoài 20 tuổi - con của người con trai đã khuất - cũng mất việc vì dịch, nên không có tiền trang trải. Mọi chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào những lần bà ngỏ lời nhờ người khác giúp đỡ.

Nghệ sĩ Hồng Sáp từng lập gia đình với một nhạc công, sinh bảy người con, nhưng ba người không may qua đời từ nhỏ, một người thì từ giã cõi tạm khi trưởng thành, chồng bà cũng đã mất vì bạo bệnh. Bà còn hai cô con gái nay đã có gia đình riêng, sống xa mẹ và hiếm khi gặp hay liên lạc. Còn anh con trai, vì thấy bản thân không làm ra tiền, chưa tự lo nổi cho hai mẹ con nên cũng không dám cưới vợ. Nghệ sĩ Hồng Sáp bảo ngày trước, cái thuở hôn nhân còn hạnh phúc, bà sinh nhiều con vì nghĩ “trời sinh voi” ắt “sinh cỏ”. Nhưng sau này, bà phải dành cả phần đời còn lại để hối lỗi, ân hận do sinh con mà không lo lắng, nuôi dưỡng con tốt nhất.

Nghệ sĩ Hồng Sáp thời điểm hiện tại
Nghệ sĩ Hồng Sáp thời điểm hiện tại

Khoảng thời gian đẹp nhất đời

Nghệ sĩ Hồng Sáp kể năm tám tuổi, bà theo cha mẹ từ Hà Nội vào Sài Gòn mưu sinh. Cha mẹ bà cũng là nghệ sĩ, hoạt động trong các đoàn hát Kim Chung, Nam Hồng, Đức Quy, nên từ nhỏ, cô bé loắt choắt, tinh nghịch đã được tiếp xúc với nghệ thuật. Lớn thêm vài tuổi, vì không muốn xin tiền ba mẹ, nghệ sĩ Hồng Sáp bán đồ ăn vặt tại rạp hát. “Đến năm 10 tuổi, ba mẹ tôi qua đời, tôi không nơi nương tựa. Sau này, tôi được bà bầu đoàn hát Huỳnh Long thương tình mua rau cải cho bán, kiếm tiền lời sống qua ngày. Sang 14 tuổi, tôi bắt đầu được tham gia các vở tuồng với vai trò múa minh họa. Tôi múa dẻo lắm nên lâu dần, từ múa chuyển sang diễn. Nhưng lạ một điều, hầu như tôi toàn đảm vai ác ôn, dữ tợn”, nghệ sĩ Hồng Sáp kể. 

Trong sự nghiệp, nữ nghệ sĩ nói vai diễn bà yêu thích cũng như ấn tượng nhất là vai mẹ của Cám trong tuồng Tấm Cám. Ngoài ra, bà còn đảm các vai đào lẳng, đào độc trong một số tuồng cải lương Hồ Quảng như Tình sử A Nàng, Lưu Kim Đính, Sấm dậy hận lòng thơ, Hai dòng sữa mẹ… Nghệ sĩ Hồng Sáp diễn vai ác đạt đến nỗi mà khán giả xem tuồng la lớn lên rằng: “Bà ác quá, coi chừng tui gặp ở đâu là tui quánh đó nha!”. 

Chỉ đến khi nhắc về khoảng thời gian tươi đẹp nhất đời, nghệ sĩ Hồng Sáp mới nhoẻn miệng cười, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Bà bảo ngày còn trẻ, đẹp, ca hay, đàn ông tán tỉnh không thiếu, có người giàu sang và hứa nâng đỡ bà suốt phần đời còn lại. Nghệ sĩ Hồng Sáp lúc đó có quyền chọn lựa. Nhưng rồi, bà phớt lờ tất cả những lời mật ngọt để đi theo tiếng gọi con tim. Bà yêu say đắm người nhạc công trong đoàn Huỳnh Long, chọn sống cuộc đời rày đây mai đó, lênh đênh vô định. Chỉ vì chữ yêu, bà chấp nhận cái khổ như một lẽ tự nhiên, bởi hơn ai hết, nhìn vào hoàn cảnh của ba mẹ mình, bà quá rõ những chướng ngại trong cuộc hôn nhân giữa một cô đào và anh nhạc công.

Nghệ sĩ Hồng Sáp hỗ trợ các diễn viên trẻ trong một chương trình gameshow truyền hình
Nghệ sĩ Hồng Sáp hỗ trợ các diễn viên trẻ trong một chương trình gameshow truyền hình

Thực tại khổ đau nên nữ nghệ sĩ hay nhớ về thời quá khứ rực rỡ để xoa dịu tâm hồn, nhưng cái nghèo không cho bà mơ mộng quá lâu. Mỗi tháng, nghệ sĩ Hồng Sáp phải trả gần ba triệu đồng tiền thuê nhà. Còn tiền ăn, dù tằn tiện cách mấy thì ba người cũng tốn vài triệu đồng nữa. Nghệ sĩ Hồng Sáp nói, điều bà lo lắng nhất là một mai, khi đau bệnh không có tiền chạy chữa, làm khổ con cháu. Còn lại, ngày qua ngày, bà vẫn ráng đi xin từng đồng để sống vì… “hết cách rồi”. Tiếng thở dài của nghệ sĩ Hồng Sáp nghe sao nặng nề, ai oán. 

Đời ai cũng từng có những phút giây rực rỡ, hạnh phúc, dù ngắn ngủi. Niềm hạnh phúc ấy, vừa xuất hiện nơi đôi mắt đã mờ của nghệ sĩ Hồng Sáp, khi có người cho bà 400.000 đồng để dành đi chợ vài hôm. Chỉ bấy nhiêu mà bà cúi người cảm ơn, mắt đỏ lên tưởng chừng sắp khóc. Bà chúc người vừa cho mình tiền có nhiều niềm vui, cuộc sống luôn sung túc. Còn họ, họ mong cho bà hai chữ bình an trong những tháng ngày còn lại. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI