Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

15/06/2021 - 06:27

PNO - Trên sân khấu, Hồng Nga khiến khán giả căm phẫn trong nhiều vai phản diện, và cũng lấy không ít nước mắt của họ với vai người mẹ. Ngoài đời, bà cũng nặng nỗi niềm khi làm mẹ.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Hơn nửa thế kỷ làm mẹ của bốn thế hệ nghệ sĩ

Hơn nửa thế kỷ làm nghề, niềm đam mê cải lương của nghệ sĩ Hồng Nga chưa bao giờ thôi nồng nhiệt. Trong mớ ký ức còn lại, bà nói ngày đó luôn ước được về đoàn Thống Nhất, đứng diễn cạnh NSND Út Trà Ôn, “có chết cũng mãn nguyện”. 

Ước mơ đó thành hiện thực, mở ra chặng đường mới trong sự nghiệp của nghệ sĩ Hồng Nga. Nhưng con đường ấy không bằng phẳng. Đêm ra mắt, những cái tên Bạch Tuyết, Phượng Liên được khán giả hân hoan đón nhận. Nhưng khi nghe hai tiếng Hồng Nga, họ im lặng, xen vào đó những tiếng xì xào: “thấy ghê”, “xấu quá”... Nhớ lại, bà chỉ cười, tự nhận mình xấu thật, vì đã thấp người, lại nặng đến 60kg với gương mặt rất tròn. 

Hồng Nga thời thiếu nữ chưa có khái niệm làm đẹp, cũng chẳng biết cải thiện vóc dáng bằng cách mang giày cao gót. Tài sản duy nhất của bà là giọng hát tốt, chỉ cần cất lên sau bức màn nhung, khán giả đã vỗ tay rần rần.

Hồng Nga khóc, than thở với NSND Út Trà Ôn. Ông khuyên bà chuyển sang đóng đào mụ và bà đồng ý. Bà nhớ như in lần đầu được hóa trang vai mụ, bà nhìn vào gương giật mình hỏi NSND Út Trà Ôn: “Vì sao con trông giống như con cọp trên bia La De vậy?”. Ông mắng: “Mặt mày bự như thế làm sao vẽ cho đẹp được”.

Bỏ lại những tủi hờn, lo lắng sau lưng, bà bước lên sân khấu đầy tự tin, kiêu hãnh với vai mẹ trong tuồng Yên Ly Sơn, còn NSND Út Trà Ôn đóng vai con. Một lần, Hồng Nga đứng sai vị trí khiến NSND Út Trà Ôn nổi giận, chửi lẩm bẩm trên sân khấu. Bà ghé tai nói: “Cậu nên nhớ con đang… làm mẹ cậu đó”. Với tính khí của NSND Út Trà Ôn, bà biết cần phải trốn ngay sau đêm diễn để tránh “hậu họa”.

Từ bước khởi đầu này, Hồng Nga tiếp tục làm “mẹ” của ba thế hệ nghệ sĩ nữa, trong đó thế hệ thứ hai gồm: NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSƯT Thanh Sang... Một lớp nghệ sĩ khác đóng vai con của Hồng Nga gồm: NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ, NSND Thanh Ngân, Tài Linh, Thanh Hằng... Trên sân khấu kịch, bà đóng vai mẹ của các nghệ sĩ trẻ hơn như: cố nghệ sĩ Anh Vũ, Gia Bảo...

Hồng Nga trong vở Duyên kiếp
Hồng Nga trong vở Duyên kiếp

Khán giả, hậu bối đều gọi bà là quái kiệt, bởi vai nào cũng không thể làm khó Hồng Nga. Nhiều thế hệ vẫn run rẩy khi xem Hồng Nga đóng vai Thanh Đề (vở Mục Liên Thanh Đề), vai bà mẹ chồng (vở Duyên kiếp). Từng cái nhếch mép, bĩu môi của Thanh Đề, hay từng câu nói cử chỉ của bà mẹ chồng đều khiến khán giả phẫn nộ.

Hồng Nga kể: “Tôi lãnh đủ mọi sự oán ghét sau những vai này. Đi đến đâu cũng có thể bị khán giả chửi. Tôi giải thích với họ đó chỉ là vai diễn chứ không phải tôi ngoài đời thật. Họ bảo hiểu, nhưng vẫn chửi cho đỡ tức. Nhưng tôi không buồn hay xem đó là thiệt thòi. Bởi khi có kẻ ác, mới làm nổi bật người hiền, từ đó khán giả biết phải trái, đúng sai cũng là một bài học. Hơn nữa, với tôi, đây là nghề, diễn phải thật, phải tới nơi tới chốn”.

Thường những vai mụ, đặc biệt mụ độc, nghệ sĩ khác thường chê không đóng, có khi đến tay Hồng Nga vì quá “ế”. Nhưng bà không buồn, xem đó là cơ hội để thử sức. Khi diễn được nhiều vai, cũng là lúc cơ hội được mở ra nhiều hơn. Hơn nữa, theo quy định của hợp đồng ký vào thời điểm đó, bà phải làm hết mọi việc gánh hát giao mà không được lựa chọn hay từ chối.

Và cũng Hồng Nga, vai cô giáo Lan (vở Tuyệt tình ca), bà Hương Cả (vở Tô Ánh Nguyệt), bà Hậu (vở Tóc trắng mẹ bay)... khiến khán giả rưng rưng nước mắt với tình thương con bao la, những cay đắng, nghiệt ngã phải chấp nhận trong đời. Chất giọng thổ pha đồng, trầm nhưng lại vang buồn như tiếng chuông của Hồng Nga trở nên đắt giá hơn bao giờ hết.

Hồng Nga kể, có lần sau đêm diễn, bà gặp khán giả bên ngoài và trêu: “Tôi bảo họ: Biết xem sẽ khóc đi xem làm chi vậy không biết? Họ quay sang trách tôi làm họ khóc. Tôi cự lại: Thì tôi diễn mà bà không khóc sao được”. 

Hơn nửa thế kỷ, Hồng Nga chỉ đóng vai thứ, vai phụ. Nhưng nhắc đến tên bà, ai cũng biết, và không thể quên những vai Hồng Nga từng đảm nhận. Bà tâm sự: “Tôi cười, khán giả cười. Tôi khóc, họ khóc theo. Tôi ác, họ cũng căm phẫn. Đời nghệ sĩ như thế là quá đủ, không mong gì hơn”.

Người mẹ nặng nỗi niềm

Cha Hồng Nga qua đời khi bà còn rất nhỏ. Vì thế, bà luôn khao khát một mái ấm gia đình đủ đầy. Nhưng ước mơ đó vẫn dở dang, qua ba lần đò. 

Người chồng đầu, khi bà có con, vài ba bữa gặp nhau một lần, cuối cùng Hồng Nga nhận ra bà bị lợi dụng. Người chồng thứ hai, có với nhau ba mặt con, nhưng bà vẫn một mình gồng gánh, bởi người ta không thương bà, cũng chẳng có trách nhiệm. Đến người chồng cuối cùng, bà vẫn chịu đau khổ. Bởi tình yêu, sự nhẫn nhục của bà cũng không thắng nổi con “ma men” trong con người ông ấy.

Nữ nghệ sĩ tự miêu tả bà như một chiếc ghe cũ và nhỏ, chòng chành giữa sóng nước qua bao nhiêu năm tháng. Bà chấp nhận xem đó là số phận. “Người phụ nữ một thân một mình vượt qua nỗi buồn hôn nhân, tự đứng lên bằng thực lực trong sự nghiệp, vượt qua mọi chèn ép, cay đắng của nghề, đôi lúc cũng phải mỏi mệt chứ. Nhưng điều đó thúc đẩy tôi phải làm việc tốt hơn, đóng được vai người khác không dễ thay thế là vai người mẹ”, bà tâm sự. 

Nghệ sĩ Hồng Nga trong trích đoạn Duyên Kiếp:

 

 

Mạnh mẽ, bản lĩnh, nhưng những chuyện buồn của quá khứ đôi lúc khiến bà chạnh lòng. Bà vẫn nhớ như in những tháng ngày cày cật lực để đủ tiền nuôi năm miệng ăn, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Nữ nghệ sĩ mang hai đứa con gái gửi cho người bạn. Ba năm sau, người bạn đó sang Thụy Sĩ định cư, mang theo hai con của bà rồi bị thất lạc. Bà chỉ biết con đã đến trời Âu, nhưng bặt vô âm tín.

 

Bà không nhớ đã bao nhiêu đêm sống trong lo lắng, sợ hãi, day dứt, tự trách bản thân vì ký ức kinh hoàng này. Ai đã làm mẹ sẽ hiểu, khi con mình sống hay chết, đói hay no đều không biết, thì lòng có lúc nào được bình yên? 18 năm ròng, bà giấu nước mắt vào trong để tiếp tục nuôi dưỡng những đứa con còn lại.

Năm 1996, trong một chuyến lưu diễn châu Âu, nhờ sự hỗ trợ của khán giả, bà tìm lại được con, nhưng lòng Hồng Nga lại vụn vỡ vì cả hai đều không nhận mẹ. Trời lạnh ở xứ người khiến lòng bà như đóng băng. Nhưng sau đó một năm, một trong hai người con đã đến xem Hồng Nga biểu diễn, cầm trên tay một bông hồng tặng mẹ. Bà mừng đến ngất xỉu. Năm sau nữa, chị lại về Việt Nam thăm bà. Dù chị không thể nói tiếng Việt để giao tiếp với mẹ, nhưng nhiêu đó cũng đủ xoa dịu nỗi niềm của bà bấy lâu. Hồng Nga vẫn nhiều ưu tư, trăn trở, dẫu hiểu bàn tay con người không thể đủ sức níu thời gian quay trở lại. Lắm lúc, hai tiếng “giá như” thật chua chát trong cuộc đời một con người.

Hồng Nga ít nhắc lại chuyện cũ. Bà bảo có khi ông trời công bằng, cho bà thành công với vai mẹ trên sân khấu, nhưng vai mẹ trong đời thật lại không được may mắn như vậy. Những giọt nước mắt Hồng Nga từng rơi trên sân khấu, có lúc cho nhân vật, có khi cho chính bà, lẫn lộn vào nhau. Nhưng khổ đau nào cũng qua, nước mắt nào rồi cũng khô dần.

NS Hồng Nga biểu diễn cùng NSND Ngọc Giàu:

 

 

Năm 2020, bà đưa con gái sang Mỹ định cư, tìm việc làm. Bà nói bây giờ đỡ lo vì con cũng đã có công việc ổn định. Vì dịch COVID-19, nên nữ nghệ sĩ bị kẹt ở Mỹ một thời gian dài, và mới về lại Việt Nam cách đây không lâu. Hiện bà đang sống một mình tại TP.HCM. Hằng ngày, con trai và con dâu sẽ nấu cơm mang sang. 

 

Những người con còn lại của bà hiện sống tại Áo, Thụy Sĩ và đều có gia đình riêng ổn định. Bà bảo chỉ cần các con sống tốt, có ích cho xã hội, là bà yên tâm. Sau bao buồn đau, giờ đây bà luôn giữ tâm thế bình thản để hưởng trọn vẹn những năm tháng tuổi già. Mong ước lớn nhất của Hồng Nga là vẫn khỏe mạnh để được thường xuyên gặp khán giả, cho trọn kiếp con tằm nhả tơ. 

Thành Lâm

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI