Quy định bất thành văn
Hiện nay, theo đánh giá của giới bầu sô, ca sĩ chia thành ba hạng chính. Ngôi sao hạng A thì đếm trên đầu ngón tay. Ở lĩnh vực ca nhạc những ngôi sao này có thể có mức cát-sê từ 6.000 - 8.000 đô. Những ngôi sao của sân khấu cải lương cát-sê có thể dao động ở mức 25 - 30 triệu đồng. Cũng thuộc hạng A nhưng chưa được xem là sao thì cát-sê thấp hơn đáng kể. Ca sĩ, nghệ sĩ xếp hạng B cũng có nhiều mức giá nhưng thường không dưới 10 triệu/sô lớn đối với ca sĩ và từ ba-năm triệu đồng đối với nghệ sĩ. Còn lại, số đông các ca sĩ, nghệ sĩ có giá thấp hơn, thậm chí thấp đến mức nhận trên dưới một triệu đồng/lần cũng không hiếm.
Nghề người mẫu, MC, diễn viên, dự tiệc cũng không khác. Vị trí "ngôi sao" sàn diễn như Thanh Hằng, MC Thanh Bạch, Trấn Thành, diễn viên Tăng Thanh Hà, Hoài Linh, hoa hậu Mai Phương Thúy… đều có thù lao tính bằng ngàn đô cho một lần xuất hiện.
Nhưng, đó chỉ là… “giá niêm yết” dành cho các sự kiện, chương trình lớn có tài trợ... Giá thực tế là con số vô chừng, tùy theo mối quan hệ, khả năng thương thảo của người tổ chức sô, tính chất của sô diễn và… thường thì thấp hơn “giá niêm yết”. Những sô diễn định kỳ tại Trống Đồng, 126… cát-sê “đỉnh của đỉnh” dành cho ngôi sao ăn khách nhất (Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh) cũng chỉ hơn 50 triệu. Các sao khác như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà không đến 30 triệu/sô. Ngôi sao cải lương tham gia những chương trình lớn ở tại TP.HCM thường cũng chỉ nhận mức thù lao khoảng 10 triệu/chương trình.
Bên cạnh những quy định “bất thành văn” về mức cát-sê của từng nghệ sĩ, ca sĩ, giới showbiz không ít lần “choáng váng” trước những thông tin ca sĩ, nghệ sĩ hét cát-sê cao ngất ngưởng. Giới bầu sô từng “sốc” với cát-sê của những “ngôi sao vừa lên” xuất thân từ các chương trình truyền hình thực tế. Được chú ý trong Cặp đôi hoàn hảo (CĐHH), Phạm Văn Mách ra giá vài chục triệu/sô khiến ai nấy tối tăm mặt mũi. Những trường hợp khác như Uyên Linh, Bùi Anh Tuấn… cũng từng gây lùm xùm khi vừa mới thoát khỏi chiếc áo thí sinh đã kêu giá không kém gì ngôi sao hạng A. Trong một chương trình xã hội - giáo dục do một nhật báo lớn của TP.HCM tổ chức, quản lý của ca sĩ H. (lúc ấy cũng vừa đoạt giải á quân cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt sau khi nghe “trình bày” về ý nghĩa chương trình đã lạnh lùng: cát-sê của H. phải là 30 triệu đồng.
Một gương mặt nam MC có tiếng luôn nhã nhặn dễ thương với nhiều người khi sau nhiều năm có giải trong cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình TP.HCM, tham gia nhiều hoạt động như đóng kịch, tấu hài… vẫn chưa được công chúng biết đến. Thế nhưng, vừa đoạt giải cuộc thi CĐHH, anh đã vội vàng đẩy giá lên gấp ba lần so với trước đó trong một chương trình truyền hình về ẩm thực.
Thuận mua vừa bán?
Dĩ nhiên, khi tên của ca sĩ trở thành yếu tố bảo chứng doanh thu, chuyện “thuận mua vừa bán” là tất yếu, như bất kỳ một thị trường với mặt hàng nào khác. Nhưng, nói như thế không có nghĩa là mọi quy luật của thị trường đều nên được áp dụng trong showbiz, bởi tính đặc thù của nó. Theo NSƯT Kim Tử Long, khi chương trình ông tổ chức bị thua lỗ, có nhiều nghệ sĩ không ngần ngại giảm bớt cát-sê để chia sẻ kinh phí. Điều đó cũng được ca sĩ Phương Thanh trong vai trò bầu sô thừa nhận. Tuy nhiên, không phải tất cả ca sĩ đều thế. “Cũng có nhiều ca sĩ không cần biết bầu sô lời lỗ ra sao, cứ theo hợp đồng mà lấy tiền. Dĩ nhiên là về phương diện pháp lý thì họ không có gì sai, có phán xét thì chỉ ở phương diện tình cảm mà thôi”, ông Nguyễn Duy Khánh - Giám đốc Công ty Nhạc Xanh chia sẻ.
Trong câu chuyện về thái độ kém chia sẻ được lan truyền trong giới bầu sô, một nam ca sĩ của dòng nhạc trữ tình vẫn thường được nhắc đến sau khi anh khăng khăng giữ nguyên cát-sê trong đêm diễn thuộc khuôn khổ của một festival, dù anh thừa biết đêm diễn bị lỗ khiến bầu sô (cũng là một ca sĩ) phải bỏ không ít tiền túi ra bù và nhiều đồng nghiệp của anh đã tình nguyện bớt cát-sê để chia sẻ. Dù không bằng lĩnh vực ca nhạc nhưng ở sân khấu cải lương cũng từng xảy ra những chuyện tương tự. Nghệ sĩ không cần quan tâm đến chuyện khán giả nhiều hay ít, chỉ biết hát xong nhận tiền theo đúng hợp đồng, dù khi cầm tiền họ biết chắc chắn toàn bộ tiền bán vé của đêm diễn đó chỉ vừa suýt soát khoản cát-sê họ đang cầm trên tay!
Thực tế, đa phần việc chia sẻ này còn được thể hiện dựa trên nhận định từng tính chất của chương trình, vì chương trình phi thương mại sẽ khác với một chương trình mang tính thương mại. Tuy nhiên, nếu như nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi… vẫn sẵn sàng hát miễn phí cho những chương trình mang tính cộng đồng hay tuyên truyền, thì không ít gương mặt mới dường như cho rằng giọng hát chỉ là một thứ hàng hóa đơn thuần và mang yếu tố bất di bất dịch. Một nữ ca sĩ trẻ - quán quân của cuộc thi Thần tượng âm nhạc mùa thứ ba từng khiến đạo diễn một chương trình miễn phí dành cho sinh viên ngã ngửa khi hét giá 20 triệu đồng. Cô còn yêu cầu đơn vị tổ chức phải chi trả tiền di chuyển, khách sạn... Một MC vốn là một kép đẹp trên sân khấu kịch, gần đây tham gia vào một nhóm tam ca nam, nhiều lần tuyên bố sẵn sàng biểu diễn miễn phí cho những chương trình từ thiện. Nhưng, khi được mời hát một bài cho thiếu nhi trong một chương trình tặng quà 1/6 cho trẻ em huyện Cần Giờ đã đặt thẳng vấn đề: “Cát-sê bao nhiêu cho nhóm hát ba người?!”. Khi biết thù lao chỉ mang tính tượng trưng từ 2 - 2,5 triệu đồng, anh đã thoái thác.
Dính “nghi án” hét giá cát-sê, ca sĩ không chỉ bị ban tổ chức các chương trình loại khỏi cuộc chơi mà còn mất điểm trong mắt công chúng - Ảnh P.M.
Tại ai?
Có một điều phải công nhận ở đây chính là các đơn vị truyền thông, các trang mạng đã góp phần không ít cho tình trạng hét giá này. Sức mạnh của truyền thông, đặc biệt là các trang mạng, đã làm cho nhiều nghệ sĩ “ảo tưởng” về danh tiếng, tài năng của mình. Một số khác thì tranh thủ thời gian đang “hot” để kiếm tiền, vì họ biết hào quang ảo sẽ mau chóng qua đi.
Có hai trường hợp định giá sai phổ biến trong giới nghệ sĩ, đó là hét giá trên trời, hành xử theo kiểu cách vượt xa giá trị mà họ có. Hai là lấy giá quá cao trong những chương trình mang ý nghĩa về chính trị, xã hội, hiếu hỷ, lễ nghĩa…
Rơi vào trường hợp thứ nhất, Phạm Văn Mách từng thừa nhận sự sai lầm trong việc nhận định độ “hot” của bản thân, khi “một bước thành sao” trên truyền thông.
Việc Mỹ Tâm bị “ném đá” trong việc kêu giá 6.000 USD cho hai bài hát trong lễ hội pháo hoa thuộc trường hợp thứ hai. Theo bầu T., giá 6.000 USD không cao hơn cát-sê bình thường của Mỹ Tâm, thậm chí là lỗ cho cô, vì trong hai ngày lễ đó, nếu ở TP.HCM cô có thể kiếm được nhiều hơn. Nhưng, những ý kiến trên mạng, phản hồi trên báo đã chỉ trích Mỹ Tâm vì đặt cô trong bối cảnh “hát cho quê hương”, cho một chương trình quảng bá du lịch của UBND TP. Đà Nẵng.
Không rạch ròi sòng phẳng như ca sĩ, đa phần nghệ sĩ cải lương thỏa thuận cát-sê dựa trên cảm tính và mối quan hệ với bầu sô. Đặc biệt, khi không ít bầu sô cũng là nghệ sĩ như hiện nay thì chuyện cát-sê lại càng mang tính cảm tính nhiều hơn. Nhưng “vấn đề” lại nảy sinh từ chính sự “cảm tính” này. Bầu sô - nghệ sĩ có mối quan hệ tốt, tin tưởng lẫn nhau thì cát-sê sao cũng được. Nhưng cũng có trường hợp, nghệ sĩ “hét giá” không phải vì thích làm giá mà chỉ vì… không ưa bầu sô! Thế nên mới có chuyện “lời đồn râm ran” là nghệ sĩ này làm giá, nghệ sĩ kia chảnh… Với những người biết tường tận vấn đề, chỉ cần nghe tên bầu sô và tên nghệ sĩ hét giá là đã hiểu nội tình.
Nói đi cũng phải nói lại, chuyện ca sĩ, nghệ sĩ “hét giá” cũng có một phần lỗi từ phía các nhà tổ chức. Vì ít có hợp đồng giấy trắng mực đen, các bầu sô cũng nhiều lần nhập nhằng đánh lận con đen, lừa lọc, ăn chặn tiền ca sĩ, nghệ sĩ khiến họ không biết đâu là chương trình từ thiện thật, đâu là giả… “Cứ lấy đúng giá chắc ăn”, “Lấy tiền trước cho yên tâm” là tâm lý của một số ca sĩ.
Thay vì cho ca sĩ, nghệ sĩ biết rõ quy mô, điều kiện tổ chức… của chương trình và đưa ra mức cát-sê cho ca sĩ, nghệ sĩ, nhiều bầu sô lại lấp lửng khiến nghệ sĩ hoài nghi khi hỏi “giá cát-sê của anh/chị là bao nhiêu?” Bị đẩy vào tình huống đó, lẽ đương nhiên ca sĩ, nghệ sĩ phải đưa ra mức giá trần mà họ từng được ký trước đó và vô tình trở thành “người hét giá”.
Ngoài ca sĩ tự “hét”, việc “thổi giá”, “đôn hạng” nhiều khi xuất phát từ chính công ty sự kiện trung gian. “Giá sự kiện vô chừng, miễn là khách hàng thích, khách hàng chịu chứ họ đâu có nắm được chính xác giá thị trường” - giám đốc một công ty sự kiện thẳng thắn.
Căn bệnh “hét giá” có phải đã hết thuốc chữa? Rõ ràng là không! Trong một lần mời một nam ca sĩ kiêm MC một số chương trình truyền hình thực tế những mùa đầu tiên, hát cho hội nghị khách hàng, một công ty dược phẩm được báo giá 25 triệu (dù ca sĩ này lúc đó chỉ thuộc hạng B), vậy là họ đã quay sang mời ca sĩ khác, không… thèm “trả giá”.
Song Hà - Phương Minh
Ông Nguyễn Duy Khánh - Giám đốc Công ty Nhạc Xanh: Phải nói rõ với nhau! * Là bầu sô của nhiều chương trình, thương mại có từ thiện có, ông có thể nhận định sơ bộ về tình trạng “hét giá” của ca sĩ? - Thật ra chuyện giá cả cũng tùy mối quan hệ. Nhiều ca sĩ ban đầu hét giá trên trời, nhất là với bầu sô lạ, sau đó hai bên tự thương thảo để tăng-giảm, không được thì bầu sô mời người khác. Thường thì khi nhận sô, hai bên sẽ nói rõ với nhau đó là chương trình dạng gì, phục vụ ai. Với những chương trình có thương hiệu nào đó tài trợ, nghĩa là không phụ thuộc vào tình trạng may rủi trong việc bán vé, giá cát-sê sẽ được chốt ngay từ đầu và đương nhiên không thay đổi. Dĩ nhiên là cát-sê của những chương trình này tương đối cao, tùy vào mức độ tiếng tăm của từng ca sĩ. Riêng những chương trình doanh thu phụ thuộc vào bán vé thì khác. Trong trường hợp khán giả ít, chương trình bị lỗ, ca sĩ có thể chia sẻ một ít với bầu sô, bằng cách nhận ít cát-sê hơn so với mức thỏa thuận. Nói chung là mọi thứ tùy thuộc vào mức độ thân thiết giữa ca sĩ và bầu sô. * Anh có nói tùy tính chất chương trình mà định giá cát-sê, vậy theo cá nhân anh, chương trình nằm trong Festival pháo hoa của Đà Nẵng có phải là một chương trình thương mại? - Tôi không muốn nói cụ thể về chương trình này hay đích danh chương trình nào khác, vì như vậy sẽ không hay cho lắm, nhưng tôi có thể nói một nhận định chung thế này: Thường thì chương trình có bán vé, có doanh nghiệp tài trợ thì được xem là chương trình thương mại chứ không phải chương trình mang tính cộng đồng, cứ “thuận mua vừa bán”. Dĩ nhiên, đôi khi quy chuẩn chung để nhận định cũng sẽ có chút nhầm lẫn, ví dụ như công ty sự kiện mời nhưng kinh phí tổ chức lại lấy từ ngân sách của tỉnh. Cái đó thì khó biết được. Nói chung, nếu là một chương trình nằm trong hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương thì tôi nghĩ ca sĩ sẽ chia sẻ ngay nếu quả thật địa phương khó khăn về kinh phí tổ chức. Võ Hà (thực hiện) |
● Ca sĩ Phương Thanh: “Thật ra chuyện hét giá cũng có muôn hình vạn trạng và nhiều lý do lắm. Nhiều người “hét” vì tưởng mình có giá cao thật, nhưng cũng có người vì lý do khác. Như tôi thỉnh thoảng cũng hét giá thật cao, vượt giá cát-sê thật của mình vì không muốn diễn cho chương trình đó. Lý do cho việc không muốn diễn thì cũng nhiều lắm, đôi khi nói thẳng thì thiếu tế nhị, nên hét giá là cách khá tốt để họ không gọi mình nữa”. ● Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy: “Giá cát-sê của ca sĩ phụ thuộc vào thực tế cung-cầu của thị trường thời điểm đó và cũng phụ thuộc vào kỹ năng “làm giá” của bầu sô, nên đôi khi không thể phản ánh được đúng giá trị thực. Có ca sĩ/nhạc sĩ từng đạt được mức giá rất cao, nhưng không phải lần nào cũng được như vậy, mà có khi đó là “mức trần”, chỉ đạt được một lần duy nhất rồi thôi”. • S.H. (ghi) |