Nghệ sĩ Hát bội: Còn đâu một thời vang bóng

16/04/2020 - 07:56

PNO - Trong quá khứ, nghệ sĩ Hát bội từng rất được yêu thích, họ sống khỏe nhờ nghề. Nhưng nay, nghệ sĩ Hát bội sống trong cảnh chật vật, khó khăn khi bộ môn nghệ thuật này lao dốc.

Những ngày không quên

Trong ký ức của những nghệ sĩ hát bội, lễ hội Kỳ Yên phương Nam là thời điểm nhộn nhịp nhất của nghệ thuật hát bội. Các đoàn hát theo những chiếc ghe bầu xuôi ngược đi khắp các tỉnh miền Tây. 

NSƯT Ngọc Khanh luôn hoài niệm về tuổi thơ khi theo mẹ lưu diễn ở đình miễu miền Tây, Bà Rịa - Vũng Tàu. Rộn ràng nhất là từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch năm sau, đây là thời điểm các hội cúng đình diễn ra liên tục. 

“Từ xưa, nghề hát dẫu có cực nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn, nuôi sống cả gia đình. Dù vậy, nghệ sĩ đều có nghề tay trái để có thêm thu nhập trong 6 tháng ít đi diễn” - nghệ sĩ Ngọc Khanh chia sẻ.

Nghệ thuật hát bội từng rất thịnh hành ở phương nam, gắn liền với các lễ hội cúng đình, miễu...
Nghệ thuật hát bội từng rất thịnh hành ở phương Nam, gắn liền với các lễ hội cúng đình, miễu...

Thập niên 1980, tại Sài Gòn, hát bội từng có lúc đường đường "cạnh tranh'' với cải lương. NSƯT Ngọc Dung nhớ lại: “Lần đó, đoàn hát bội được giới thiệu sẽ hát vào cuối tuần ở rạp Trần Hữu Trang. Có người bảo, nếu biết đoàn hát bội diễn sẽ không kéo hàng về bán, vì sợ ế ẩm. Nhưng lần diễn đó, khán giả đông nghẹt, phải chen chúc nhau mua vé chợ đen vào xem. Ai nấy đều bất ngờ”.

Có khán giả lặn lội từ tỉnh lên Sài Gòn để xem hát bội, có người lại lội bộ đến 4 cây số để “xí” chỗ ngồi tốt trước khi đêm diễn bắt đầu... Họ ra về trong hoan hỉ khi cánh màn sân khấu khép lại, giữa những đốm lửa lá dừa bay vào màn đêm tĩnh mịch. Đó cũng là minh chứng cho sức sống của hát bội một thuở đã xa.

Nghệ sĩ Ngọc Dung vẫn nhớ vanh vách những vai bà từng diễn qua, lẫn những chuyện buồn, vui thở hát bội còn thịnh hành
Nghệ sĩ Ngọc Dung kể vanh vách về những vai bà từng diễn qua, lẫn những chuyện buồn, vui thuở hát bội còn thịnh hành. (Ảnh: Tam Nguyên)

Nhưng nghề hát bội không chỉ có niềm vui, vinh quang mà còn nhiều khổ cực, đắng cay. Đời nghệ sĩ gắn liền với những chuyến đi dài trên chiếc ghe bầu. Có nơi, sân khấu mục nát, không có cả chỗ  nghỉ ngơi.

Những đêm cả đoàn hát phải ngủ nhờ trên sạp thịt, sạp rau củ khi chợ đã vãn không phải là chuyện cá biệt. Sáng đến, nghệ sĩ phải thức dậy thật sớm để trả lại nơi buôn bán cho người dân. Có người sinh con khi trên đường lưu diễn, có người phải nằm lại nơi đất khách trong những chuyến đi không biết ngày, tháng.

Bao nhiêu khổ cực ấy được đổi lại bằng sự tán thưởng của khán giả, khiến người nghệ sĩ muốn sống trọn kiếp tằm nhả tơ. “Đoàn đến nơi, con nít chạy theo rần rần. Tối đến, sân khấu đông ken khán giả, nhìn xuống chỉ thấy những mái đầu san sát nhau. Khán giả reo hò, cổ vũ khiến bao nhiêu mệt nhọc tiêu tan hết. Đi hát, cực mà vui. Niềm vui đó, chúng tôi vẫn giữ đến nay như niềm an ủi chính mình” - nghệ sĩ Ngọc Khanh tâm sự.

Nhưng đó là chuyện của ngày đã xa...

Bao nhiêu gian lao, khổ cực của nghề được đổi bằng những tràn pháo tay của khán giả
Bao nhiêu gian lao, khổ cực của nghề được đổi bằng những tràng pháo tay của khán giả

Nghệ sĩ hát bội chật vật mưu sinh

Thời nay, hát bội không còn được chuộng vì khán giả trẻ không ham thích, người yêu hát bội thuộc lứa khán giả đã quá lớn tuổi và cũng dần ra đi. 

Hát bội gặp khó khăn, đời sống nghệ sĩ càng thêm ngặt nghèo. Để được đứng trên sân khấu, họ phải mất cả quãng đời tuổi trẻ để học; mỗi nghệ sĩ cũng chỉ gắn bó với một đoàn, mà theo họ, đó là biểu hiện của chữ tín và lòng trung. Đời nghệ sĩ hát bội cũng vì thế mà chìm nổi theo từng lúc thịnh, suy của đoàn.

Nếu không gắn bó với đơn vị nghệ thuật công lập, nghệ sĩ các gánh hát bội tư nhân phải chạy xe ôm, bốc vác, sửa xe, bán vé số, phụ quán... để chờ cơ hội được bước lên sân khấu trong lời ca, tiếng đờn. Bởi phần lớn họ đều sớm theo cha mẹ lênh đênh ở các gánh hát, rồi học nghề nên không thể trọn vẹn con đường học vấn để có một nghề nghiệp ổn định.

NSND Kim Cương và NSND Bạch Tuyết đến thăm nghệ sĩ Ngọc Khanh vào sáng 14/4 để trao tặng quà giúp nghệ sĩ hát bội vượt qua khó khăn trong mùa dịch
NSND Kim Cương và NSND Bạch Tuyết đến thăm nghệ sĩ Ngọc Khanh vào sáng 14/4. Ảnh: Tam Nguyên

Một suất hát chầu, số tiền trọn gói cho cả đoàn khoảng 16 triệu đồng. Con số đó quá ít so với nhiều loại hình nghệ thuật khác, thậm chí chẳng bằng cát-sê của một nghệ sĩ, nhưng công sức bỏ ra lại khá nhiều. "Chưa kể sự cạnh tranh của các đoàn hát nhỏ, thời điểm hát bội khó khăn càng khiến cát sê giảm, số suất diễn bị chia nhỏ" - nghệ sĩ Ngọc Khanh cho hay.

Mỗi suất diễn, đào, kép chánh sẽ nhận được cát-sê khoảng 600.000 đồng, các vai còn lại dao động 300.000 - 400.000 đồng, nhạc công được trả 700.000 đồng. Ngay cả nghệ sĩ Ngọc Khanh, dù là bà bầu gánh, nhưng nghề chính nuôi sống gia đình lại là may mũ mão, kết cườm để bỏ mối tại quận 5, TPHCM. Bởi nếu trông chờ vào nghề hát mà mong no bụng là chuyện không thể. Dẫu vậy, đến nay gia đình bà đã có 4 đời gắn bó với hát bội.

Một sản phẩm thủ công của gia đình nghệ sĩ Ngọc Khanh làm để kiếm thêm thu nhập khi không đi hát. (Ảnh: Tam Nguyên)
Một sản phẩm thủ công do gia đình nghệ sĩ Ngọc Khanh làm để kiếm thêm thu nhập khi không đi hát. Ảnh: Tam Nguyên

"Đến bây giờ, tôi và mẹ (nghệ sĩ Hồng Hạnh, cũng là nghệ sĩ hát bội) vẫn phải ở nhà thuê, giá 700.000 đồng/tháng, cộng với điện nước thì hết khoảng 1 triệu đồng. Tháng nào thu nhập tốt, chỉ đủ dư để chi xài cho tháng sau, chưa tính chuyện ốm đau. Cứ như thế, cả đời không dư giả” - anh Phụng Hoàng, người gắn bó với hát bội 20 năm, chia sẻ. Nước da đen sạm cùng gương mặt khắc khổ của người đàn ông quê Tiền Giang dường như nói thay cho tiếng lòng anh trong ngần ấy năm theo nghề. Để nuôi tình yêu với hát bội, anh và mẹ cũng nhận may, đính kết mũ, mão để bán cho các đầu mối tại Sài Gòn.

Những khó khăn được giấu kín sau lớp phấn son, phục trang lộng lẫy khi họ bước lên sân khấu. Nghệ sĩ Kim Hiền, đào chánh của đoàn Ngọc Khanh vất vả mưu sinh bằng nghề làm móng dạo. Kép chánh Khánh Minh phụ việc cho một cơ sở mai táng. Đêm hôm trước, khán giả vỗ tay tán thưởng họ trên sân khấu, nhưng sáng hôm sau, họ bước ra đời trong lặng lẽ, không ai biết mặt, gọi tên.

Hát bội lao dốc khiến cuộc sống của nghệ sĩ trở nên chật vật, khó klhăn trăm bề
Hát bội lao dốc khiến cuộc sống của nghệ sĩ trở nên chật vật, khó khăn trăm bề

Nghệ sĩ Ngọc Điệp cũng là một tên tuổi lão làng của nghệ thuật hát bội, nay đang sống trong căn nhà thuê ở quận 12, TPHCM với giá 3 triệu/tháng. Con trai của bà là một nhạc công của đoàn hát bội, nhưng vì thu nhập thấp lại bấp bênh nay đã chuyển sang làm thợ hồ.

Thế nhưng, “trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào họ cũng không bỏ nghề. Không có suất hát, họ tỏa về quê ở khắp các tỉnh thành  Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ... Nhưng khi bầu gánh hô một tiếng, tất cả tập hợp đầy đủ. Có hôm diễn đến 2-3 suất, mưa gió thế nào họ cũng không quản ngại. Nghệ sĩ gắn bó với nghề bởi tình yêu quá lớn dành cho sân khấu” - nghệ sĩ Ngọc Khanh trầm ngâm.

Nghệ sĩ Ngọc Khanh trong một buổi biểu diễn vào năm 2019
NSƯT Ngọc Khanh trong một buổi biểu diễn vào năm 2019

“Thật lòng, chúng tôi chỉ nguyện được hát đến cuối đời. Cuộc sống có chật vật nhưng những chén cơm có được lúc nào cũng ngọt và hạnh phúc. Nhưng bây giờ muốn diễn cũng không còn nhiều cơ hội” - anh Hoàng nói với đôi mắt đỏ hoe.

NSƯT Ngọc Dung dù rời xa sân khấu vẫn đang cố truyền nghề cho lớp trẻ. Không có chỗ dạy vũ đạo, cô trò dắt nhau ra công viên Tao Đàn. "Sau này mình mất đi có thể không mang theo được gì, nhưng sẽ để lại được điều gì đó" - bà chia sẻ. 

Cháu nội của nghệ sĩ Ngọc Khanh lập một gánh hát bội nhỏ để tiếp nghề của cha ông. Chắt nội của nữ nghệ sĩ mới 6 tuổi cũng đã hát, diễn ngon lành. Thời thế thay đổi, duy tình yêu với nghề của những nghệ sĩ hát bội là bất biến.

Quá khứ và hiện tại, nghệ sĩ hát bội như đang đứng ở hai cực của thế giới. Thịnh suy là lẽ thường tình, nhưng sự lao dốc của một bộ môn nghệ thuật có giá trị văn hoá truyền thống là nỗi đau rất lớn của người làm nghề.

Trong căn nhà cấp 4 chật chội ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, nghệ sĩ Ngọc Khanh hai mắt đỏ hoe cho biết từ sau tết đến nay, do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nên các suất diễn bị huỷ toàn bộ. Tài sản nào cầm, bán được để duy trì cuộc sống, bà đã mang đi hết. Cuộc sống vốn đã khó khăn trong nhiều năm qua, nay dịch bệnh càng khiến giới nghệ sĩ hát bội đối diện với ngặt nghèo, túng bấn.

Trong ngôi nhà đó, những nghệ sĩ vang bóng một thời quây quần bên nhau ôn lại chuyện cũ, dẫu lòng ngổn ngang trăm mối trước tương lai mịt mờ...

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI