Biến cố gia đình vào tháng 11/1978 đã lấy đi của Hà Linh những người thân yêu nhất. Mẹ của anh, NSƯT Thanh Nga và ba anh đã mất trong vụ sát hại gây rúng động Sài Gòn vào ngày 26/11/1978. Hà Linh lúc đó là nhân vật chính trong một vụ bắt cóc bất ngờ và bố mẹ anh đã chống cự đến phút cuối cùng để bảo vệ con trai.
Hà Linh lớn lên giữa những buồn vui, giữa một gia tộc nổi tiếng, giữa những ám ảnh bi kịch không thể xóa nhòa, giữa những ngã rẽ số phận và rồi cuối cùng anh chọn đi theo nghiệp của mẹ.
Nhưng, dưới cái bóng quá lớn của người mẹ quá cố, chiếc áo nghệ thuật mà Hà Linh khoác vào dường như vẫn quá khổ, để đến giờ này, anh vẫn chưa đủ sức chạm vào thành công của riêng mình.
Gần nửa phận đời long đong
Hà Linh mê cà phê và anh hay ví von cuộc đời mình "đen như ly cà phê". Giữa bóng tối và ánh sáng, cuộc đời nghệ thuật của anh nhá nhem khoảng giữa. Tiến thoái lưỡng nan, ánh sáng phía trước thì vẫn luôn lơ lửng như một sự mời gọi mà gần nửa đời người cố gắng, Hà Linh vẫn chưa chạm tới.
|
Cậu bé Cúc Cu - Hà Linh trong vòng tay cha mẹ thuở ấu thơ |
Dù sinh trưởng trong đại gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu cải lương và có hơn 24 năm đứng trên sân khấu nhưng có lẽ bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ thay đổi số phận “đen đủi” của Hà Linh mà lại tiếp tục đưa anh xoay vần với đầy thăng trầm và lắm lận đận!
Ở tuổi 44, khi nhắc đến cuộc đời mình, trong suy nghĩ của người đàn ông từng trải Hà Linh chỉ vỏn vẹn vài từ như... “xui triền miên” hay “người không gặp thời”.
Từng chấp nhận lao động với không ít công việc khác nhau như bán vé, soát vé, hậu đài... hay thậm chí là bán micro và đi giao hàng để kiếm tiền nuôi ước mơ nghệ thuật từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường cho đến lúc ra nghề, thế nhưng giờ đây khi ngồi chìm đắm trong muôn vàn suy nghĩ về quá khứ và khả năng thành công của mình ở tương lai, Hà Linh cười đắng ngắt bảo: “Bây giờ, tấu hài đã tới lúc mạt rồi và tôi cũng không thích nghi được với hiện tại”.
“Nếu tính theo tử vi thì tôi sinh vào giờ không tốt, cung mệnh gặp nhiều truân chuyên và bằng chứng là tôi đã gặp nhiều chuyện xui đến nỗi... 1.000 người mới có 1 người bị như tôi”.
Gần đây nhất, cụ thể là trong vòng một tháng qua, Hà Linh liên tiếp “gặp hạn” khi bị hủy phim dù đã ký hợp đồng, bị ép giá đóng phim “chỉ cao hơn diễn viên quần chúng một chút” hay việc một đơn vị sản xuất gameshow hài buộc Hà Linh phải casting mới xem xét cho anh tham gia với lý do “sợ anh diễn không cười giống ngày xưa”...
Cái "mác" gia đình khiến anh gần như... chơi riêng một mình. Không phải kiêu căng mà bởi anh không cho phép mình dễ dãi. Hà Linh thừa nhận bản tính cầu toàn, không chấp nhận thất bại nhưng cũng không thỏa hiệp với việc chạy đua theo những trào lưu nhảm hay làm điều gì sống sượng để “hâm nóng” tên tuổi.
Cho nên đôi lúc, dù thấy anh ở trên một sân khấu, dù nhỏ thôi, cũng thấy anh cháy hết mình. Bởi ở đó, là thánh đường dành riêng cho những nghệ sĩ như anh.
|
Hà Linh thời thiếu niên |
Dù đang mang trong đầu nhiều nghĩ suy hỗn độn về cuộc đời, về sự nghiệp nhưng Hà Linh vẫn luôn tự mỉm cười để trấn an mình, anh bảo: “Đúng là tôi vẫn đang có cơm Tổ để ăn nhưng là có cơm thôi, lẽ ra ngày xưa tôi nên xin ăn bữa tiệc thì giờ này có lẽ tốt hơn”.
Như lời Hà Linh tâm sự, anh không chết đói nhưng cuộc sống của anh hiện tại cũng chẳng có gì vui. Tương lai với anh vẫn mù mịt và vô định...
Hơn hai mươi năm trước, gia đình đã mở cho Hà Linh một hướng đi khác, một công việc không liên quan đến nghệ thuật và dễ thở hơn. Nhưng anh một mực từ chối. Hà Linh vẫn muốn theo đuổi nghệ thuật hơn là trở thành một gã công nhân đi xuất khẩu lao động dù nghệ thuật vẫn là một cô nàng kiêu sa nhưng đỏng đảnh với anh.
|
Là con trai của "bà hoàng sân khấu" Thanh Nga nhưng số phận cuộc đời của cậu bé Hà Linh lại lắm lận đận và gian truân |
Vậy bây giờ anh có nghĩ lại? Hà Linh nói rằng anh cũng đã cảm thấy đôi chút hối tiếc vì đã không nghe lời gia đình năm xưa...
“Nếu Tổ lấy nghề lại thì tôi cũng không biết sống bằng gì nhưng nếu như có công việc khác ổn định hơn, thì thật sự tôi cũng muốn buông hết...”, anh vừa bẻ ngón tay vừa nói.
Và có lẽ từ những vất vả mà mình đã đi qua nên Hà Linh không mong muốn con anh sẽ nối nghiệp cha, bởi “mình anh khổ đủ rồi”!
Muốn khóc thì vào toilet mà khóc...
Dù giỏi che giấu cảm xúc nhưng đằng sau cặp kính dày cộm quen thuộc, đôi mắt Hà Linh trầm ngâm như chất chứa nhiều nỗi buồn mà chính anh cũng thừa nhận rằng... không biết phải tâm sự cùng ai...
Hà Linh chẳng thích trải lòng cùng người thân hay bạn bè, anh và nghiệp diễn cứ tựa vào nhau mà sống. Từ ngày này sang ngày khác, cả hai cứ bám víu, giữ rịt lấy nhau để đắp đổi qua ngày. Và dù trong lòng có đang “bão giông” và u ám thế nào thì với bản tính của mình, Hà Linh sẽ không bộc lộ hay thể hiện ra ngoài cho người đối diện biết. “Tôi quen rồi, lúc nào tôi cũng cô độc một mình”, anh cười xuề xòa nói.
|
Hà Linh đứng tần ngần trước di ảnh người mẹ quá cố |
Mất cả cha lẫn mẹ từ khi lên 5 tuổi, cuộc sống của Hà Linh từ sau biến cố kinh hoàng đó là chuỗi ngày buồn tủi và cô đơn, anh bảo lúc nhỏ khi bị ai ức hiếp, anh đều tìm đến chiếc gương được đặt trong... toilet để khóc và tự an ủi chính mình.
Dù sống cùng bà ngoại nhưng Hà Linh sớm phải học cách tự lập vì không muốn làm bà bận lòng. Bởi bà ngoại Hà Linh là “bầu Thơ” - trưởng đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, hằng ngày phải tất bật mưu sinh để lo cho cuộc sống của các thành viên trong đoàn hát nên không thể “hở một chút là méc ngoại vì ngoại rất nhiều việc”... Khi nhớ lại những nỗi oan mà anh từng gánh chịu trong ký ức tuổi thơ, Hà Linh ngậm ngùi bảo... nhiều vô số kể, bởi “thời đó còn con nít mà, hơn nữa tôi lại là trẻ mồ côi...”.
Hà Linh trầm lặng hẳn khi nghĩ đến kiếp sống “không cha, không mẹ” nhiều thiệt thòi mà không biết kể cùng ai... “Nếu như tôi may mắn còn cha mẹ thì chắc chắn cha mẹ sẽ bảo vệ, nhưng mà... tôi không có!”.
|
Hà Linh sở hữu gương mặt khá giống cậu ruột NSƯT Bảo Quốc |
Lời tâm sự đắng ngắt về cảm xúc cô độc giữa cuộc đời mà Hà Linh sớm phải đối diện và vượt qua như bóp nghẹn trái tim người đối diện. Thật khó có gì diễn tả nỗi đau nơi sâu thẳm trong tâm hồn cậu bé 5 tuổi từng tận mắt chứng kiến cái chết của cha mẹ...
Vết thương dù đã lành sau gần 39 năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó và mãi đeo đẳng bên Hà Linh, chỉ đợi mỗi lúc “trái gió trở trời” thì cơn đau ấy lại oằn mình trỗi dậy! Và mỗi lúc như thế, anh không cho phép mình rơi nước mắt trước người đối diện, “muốn khóc thì vào toilet mà khóc”, anh cứng rắn nói.
Tâm sự với mẹ... trong giấc mơ
Cho đến bây giờ, khi đã có cho riêng mình một gia đình nhỏ nhưng sự cô độc vẫn bám lấy Hà Linh. Niềm an ủi lớn nhất với anh hiện tại là hai người con đang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, Hà Linh bộc bạch rằng dẫu có buồn thế nào, anh cũng không tâm sự với con bởi anh không muốn khiến các con bị ảnh hưởng tinh thần. Với bà xã cũng vậy, Hà Linh không có thói quen than vãn với người bạn đời bởi anh đã quen rồi và chỉ muốn tự mình vượt qua.
Hơn ai hết Hà Linh biết rằng, anh sợ cảm giác khó chịu khi bắt gặp ánh mắt thương cảm từ một ai đó dành cho mình, sợ phải nghe những lời động viên, an ủi và cũng không thích được người khác khen tặng!
Cứ như đùa... Hà Linh nghiêm túc nói rằng điều khiến anh vui hơn hết chính là... đừng ai nói đến anh! Suy nghĩ có phần khó hiểu và ngược ngạo với quan điểm của nhiều người ở Hà Linh được anh giãi bày rằng: “Tôi cũng thấy mình kỳ cục thiệt nhưng mà tôi thích như vậy”. Kể cả chuyện được khán giả khen ngợi về những vai diễn của mình, Hà Linh cũng thấy kỳ kỳ và không quen, anh nói: “Khán giả không nhắc đến mình cũng vui, chứ khen tới vai diễn là mặt tôi xụ liền”. Nghĩ cũng ngộ, ở đời mấy ai lạ lùng như Hà Linh vậy đâu!?
|
Giữa những thất bại và cô đơn trong cuộc sống lẫn công việc, Hà Linh chỉ muốn được tâm sự cùng mẹ... trong giấc mơ |
Và giữa sự cô độc đặc quánh do chính anh tạo ra để khép mình lại với mọi người xung quanh thì vẫn còn đó một người mà Hà Linh có thể mở lòng tâm sự, đó là mẹ – cố NSƯT Thanh Nga, và cách mà anh lựa chọn để “giao tiếp” với mẹ không phải là việc ngồi tỉ tê trước bàn thờ mà là... khóc cùng mẹ trong giấc mơ!
Anh bảo: “Mỗi lần nằm mơ gặp mẹ, tôi kể chuyện cho mẹ nghe và thấy mình khóc dữ lắm nhưng tỉnh dậy là hết khóc”.
Chất chứa trong lòng không ít buồn phiền về cuộc sống, sự nghiệp thế nhưng với Hà Linh, thà anh tự lực cánh sinh chứ nhất quyết không nài nỉ van xin công việc từ ai, kể cả là xin mẹ, vì anh nghĩ, xin để làm gì, xin xỏ là làm phiền người khác, Hà Linh không thích như vậy!
“Mỗi lần đi thăm mộ cha mẹ, tôi chỉ xin cuộc sống bình an” và đó là điều duy nhất mà Hà Linh xin cha mẹ quá cố phù hộ cho anh chứ không phải một điều gì quá lớn lao.
|
Hà Linh bên người cháu ruột Gia Bảo |
Trưởng thành từ danh tiếng lẫy lừng của gia tộc nhưng trên bước đường sự nghiệp và cuộc đời, Hà Linh vẫn độc hành bước đi. Đó không phải là chuyện anh bị người thân bỏ mặc hay một vấn đề nào khác, mà đó là truyền thống giáo dục của gia đình Hà Linh bao đời nay, con cháu đều phải tự lực cánh sinh, không có chuyện nâng đỡ để mỗi người phải tự thân vận động để biết sức mình đến đâu.
Bởi thế, khi đứng dưới “chiếc bóng” quá lớn từ hào quang của gia tộc mà chưa thoát ra được, dù buồn nhưng Hà Linh vẫn mong rằng mình sẽ được ăn cơm Tổ suốt đời như những gì anh từng xin khi đứng trước bàn thờ Tổ thuở lập nghiệp.
44 năm sống trên đời, trải qua quá nhiều biến cố cùng nhiều cố gắng, thứ Hà Linh xứng đáng được nhận hơn đó chính là sự trân trọng thay vì cái bạc bẽo của lòng người...
Hà Linh nói cuộc sống của anh bây giờ vẫn đầy đủ những cung bậc cảm xúc, lúc vui, lúc buồn. Anh vẫn được mời đi quay tiểu phẩm cho một số đài tỉnh, lịch chạy show dù không nhiều như trước nhưng vẫn sống được, tiêu ít một chút cũng không sao.
Thời gian rảnh rỗi, anh muốn dành để học thêm ngoại ngữ và đạo diễn điện ảnh, mở rộng kiến thức và nâng cao trình độ bản thân trên bước đường sự nghiệp ở tương lai ở cái tuổi xế chiều. Vậy là vui.
Thanh Hương