Nghệ sĩ guitar Thế Vinh: Ông giáo làng và đàn trẻ mồ côi

18/06/2017 - 12:00

PNO - Đã có hàng trăm bài báo viết về anh. Khán giả cũng từng xem anh biểu diễn guitar và thổi harmonica trên sân khấu. Học trò anh đã quen với “ông thầy thương học trò nhất quả đất”. Nhưng có một Vinh khác mà không nhiều người biết.

Vinh nói anh từng nghĩ chí ít cũng phải đến 60 tuổi mới viết hồi ký - khi “đời đã lắm thăng trầm, nếm trải đủ ngọt bùi đắng cay, đủ an nhiên để xem mọi bình yên biến động đều nhẹ như một áng mây”. Nhưng rồi anh đã đồng ý ra mắt tự truyện ở tuổi 47, khi nhận ra rằng cuộc đời này dù ngắn hay dài, thì cũng có ý nghĩa nhất định của nó.

Giá trị của tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái không chỉ là câu chuyện một cuộc đời nghị lực, mà còn truyền cảm hứng. Cả cuộc đời người nhạc sĩ - thầy giáo Nguyễn Thế Vinh cứ như thể không phải sống cho mình mà cho tha nhân, cho những cuộc đời kém may mắn, dẫu chính anh cũng kém may mắn khi mất một cánh tay.

Nghe si guitar The Vinh: Ong giao lang va dan trẻ mò coi
 

Đã có hàng trăm bài báo viết về anh. Khán giả cũng có thể đã từng xem anh biểu diễn guitar và thổi harmonica trên sân khấu. Học trò anh đã quen với “ông thầy thương học trò nhất quả đất”. Nhưng có một Vinh khác mà không nhiều người biết.

Vinh thành lập cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương khi trong tay không có đất, không có tiền; chỉ có “sự liều mạng” như anh đã nói thật trước những tổ chức từ thiện quốc tế.

Rồi khi đi về những miền quê xa xôi tìm học trò nghèo, anh còn bị nhiều người nghi là… lừa đảo. Vinh sống trên tầng gác mái, không có tiện nghi gì ngoài “tấm đệm ngủ, hai “tri kỷ” là cây đàn guitar và chiếc kèn harmonica, một chiếc tủ nhỏ cất giữ kỷ vật và một kệ sách”. Nhiều người hỏi sao sống khổ, anh chỉ cười nói vì anh thích vậy.

Câu nói “mình thích thì mình làm thôi” người ta vẫn nói cho vui, nhưng lại đúng trong trường hợp Nguyễn Thế Vinh. Không chỉ đào tạo được những thế hệ học trò thành danh ở Việt Nam, anh còn mở đường du học cho các em sang Nhật.

Qua những chuyến lưu diễn, từ thiện ra nước ngoài, Vinh tình cờ gặp được những người có cùng trái tim nhân hậu thuộc tổ chức Femen - Hội phụ nữ hòa bình tranh đấu cho quyền bình đẳng của phụ nữ ở Nhật (trong đó có một du học sinh từng sống ở Làng Hy Vọng - Đà Nẵng, được Hội Femen giúp đỡ sang Nhật học). Từ kết nối này, thầy trò trường Hướng Dương đã nhận được sự bảo trợ của công ty Asahi với chỉ tiêu mỗi năm nhận 10 học sinh từ trường Hướng Dương sang Nhật học, để mai này các em có thể tự sống và sống tốt thay vì trở thành gánh nặng cho xã hội.

Nghe si guitar The Vinh: Ong giao lang va dan trẻ mò coi

Anh vì học trò mà có thể bất chấp cả vết thương nghiêm trọng, vẫn bay sang Nhật để gặp gỡ những người giúp đỡ các em. “Vết thương là có thật, nhưng chữ “tín” phải giữ. Vết thương không làm mình chết được, còn chuyến đi lại liên quan đến tương lai của các em” - Vinh bộc bạch.

Nói về mình, Vinh chỉ nhẹ nhàng: “Cuộc đời mà phẳng lặng quá có khi lại vơi bớt đôi ba phần ý nghĩa. Những người có đời sống nhiều chông gai có khi do chính ông trời ưu ái để họ được trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó tích lũy vốn sống, cảm xúc, kinh nghiệm và ngày một trưởng thành. Đời mình không có gì để vui thì kiếm ra chuyện mà vui”. 

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI