Đứng giữa tòa nhà của Tổng Lãnh sự quán Pháp, Daos501 - một trong những đại diện của nghệ thuật graffiti tại Sài Gòn - kể chuyện mình từng bị bắt vì “vẽ bậy”. Sự việc ngày đó khiến Daos501 sợ hãi nhưng giúp cậu nhận ra không phải lúc nào tiếng nói cá nhân cũng được chào đón và thật sự có giá trị.
Đã hơn hai thập niên, graffiti tại Việt Nam vẫn tồn tại trong bóng tối như một mạch ngầm. Thứ ánh sáng khả dĩ giúp bộ môn nghệ thuật đường phố ấy sáng sủa là ở đâu đó, nhiều hội nhóm, cá nhân vẫn tồn tại, hoạt động độc lập; trong đó có Daos501 - chàng trai lớn lên cùng sự đổi thay của đô thị Sài Gòn.
|
Daos501 được xem là một trong những đại diện của nghệ thuật graffiti tại Sài Gòn |
Daos501 là mảnh ghép tiêu biểu trong bức tranh graffiti Việt Nam. Suốt 16 năm tìm tòi và khẳng định bản thân, vô số lần Daos501 nghe người khác gọi nghệ thuật graffiti là vẽ bậy, bôi bẩn và “ném” vào đó những ánh nhìn không mấy thiện cảm. Với Daos501, nghệ thuật được cất lên trong điều kiện khắc nghiệt là thứ nghệ thuật thuần chất, giàu cảm xúc nhất và dẫu chuyện đúng - sai chưa bao giờ ngã ngũ, có là gì nếu người vẽ graffiti cứ chăm chỉ và đưa những sáng tạo đi đúng hướng.
Không phải ai vẽ graffiti cũng là nghệ sĩ
Phóng viên: Từ lâu, graffiti đã tồn tại giữa hai thái cực công nhận và phản bác. Cho đến nay, anh thấy sự đón nhận của mọi người với loại hình nghệ thuật này như thế nào?
Daos501: Tôi thấy vẫn có những ý kiến ủng hộ và những người gọi graffiti là trò chơi của những đứa trẻ ngỗ ngược, bôi bẩn đô thị. Sự đối nghịch cảm xúc này đã tồn tại từ khi graffiti xuất hiện và nếu bạn nghĩ càng về sau, mọi người càng cởi mở thì không phải, sự tranh cãi chưa bao giờ ngừng.
* Điều đó đồng nghĩa với việc sân chơi dành cho cộng đồng graffiti tại Việt Nam sẽ luôn trong tình trạng thiếu hụt?
- Tại TP.HCM hiện nay, những mảng tường lớn và các khu vực cho phép vẽ graffiti đã không còn. Nhiều lúc bức bối hay nói một cách ngụy biện rằng vì thiếu sân chơi, những người vẽ graffiti buộc phải tìm đến một số mảng tường, bất chấp để được vẽ. Với một đô thị phát triển, pháp trị, điều đó không được phép. Còn cư dân thành thị vốn lo sợ mảng tường sạch đẹp của mình sẽ bị bôi bẩn nên thay vì nhận định graffiti là một bộ môn nghệ thuật, họ không muốn “dâng” những mảng tường cho người “vẽ bậy” dù có dư không gian.
* Nhưng tại Sài Gòn, vẫn có những mảng tường được vẽ graffiti một cách hoàn chỉnh, không phải kiểu nguệch ngoạc. Có nghĩa, tác phẩm đó đã được cho phép?
- Đó là tác phẩm hợp tác giữa người vẽ graffiti với các thương hiệu/nhãn hàng hoặc thực hiện cùng một số tổ chức xã hội. Thế nhưng, cái khó của vẽ graffiti hay street-art (nghệ thuật đường phố) nói chung là nếu vẽ cho thương hiệu, người ta sẽ nói bạn làm vì tiền và đánh đồng điều đó với chuyện đánh mất tính nghệ thuật. Còn nếu thực hiện theo đúng sự thôi thúc từ bên trong, bạn sẽ bị cho là kẻ phá hoại.
Cách đây hai năm, tôi nhận lời một thương hiệu bia, thực hiện bức vẽ cho một tòa nhà bốn tầng ở Đà Lạt. Bức vẽ khá lớn và nhờ tác phẩm ấy, tôi được nhiều người biết đến hơn. Đương nhiên, không phải thương hiệu nào cũng chọn hình thức vẽ graffiti và cũng không phải ai vẽ graffiti cũng được mời. Bạn cần có một quá trình nỗ lực không ngừng, sáng tạo ngay cả khi gặp khó khăn, giới hạn trong sáng tác.
|
Daos501 vẽ tại sự kiện Jam - Vietnam Urban Arts 2021 |
* Theo anh, năng lực của những người vẽ graffiti tại Việt Nam hiện đang ở mức nào so với các nước?
- Tôi không nghĩ mình có thể đưa ra câu trả lời chính xác về năng lực của tất cả mọi người. Cộng đồng graffiti của chúng tôi vẫn còn nhỏ lắm, chỉ khoảng vài chục người và họ cũng không thường xuyên vẽ. Chúng tôi không phân hơn thua, thứ bậc. Hiện có những người chơi graffiti nhận mình là nghệ sĩ, cá nhân tôi chưa dám gọi mình như thế vì để đạt được một danh xưng nào đó, tôi phải trải qua quá trình cống hiến rất lớn. Tôi phải làm việc, chăm chỉ đủ nhiều mới được công nhận.
* Nói vậy có quá khiêm tốn không khi anh là một trong hai khách mời danh dự của sự kiện Jam - Vietnam Urban Arts 2021 do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức?
- Tôi thấy vinh dự khi được mời xuất hiện trong một sự kiện đáng vui mừng cho cộng đồng graffiti Việt Nam. Tôi có mặt ở đó có lẽ vì mọi người thấy được hành trình tôi bắt đầu, lớn lên cùng graffiti. Còn lại, tôi không thấy mình quá vượt trội hay là người dẫn đầu mà chỉ có hành trình đủ dài để chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng nếu mọi người cần.
Càng dễ dàng càng cần giữ mình
* Sự kiện Jam cho thấy mức độ quan tâm của cộng đồng, của các đơn vị nhà nước với nghệ thuật đường phố và đầu tháng 12 này, dự án sẽ tiếp tục phủ sắc màu cho hai địa điểm tại quận 1, TP.HCM. Sự cởi mở đó ảnh hưởng thế nào đến anh và cộng đồng graffiti?
- Một con thú hoang nếu đưa vào sở thú, thoạt nhìn bạn sẽ thấy chúng hiền và có vẻ khuất phục con người nhưng suy cho cùng, bản tính của con thú là thuộc về nơi hoang dã. Sự cởi mở với người vẽ graffiti cũng vậy. Chúng sẽ có thể làm cho cộng đồng graffiti trở thành “thú cưng”, có thể mất đi cá tính, sở trường và những kỹ năng đặc biệt mà chỉ những người vẽ graffiti thế hệ trước có được.
Bạn hãy thử hình dung giữa một người sáng tạo trong môi trường chịu nhiều áp lực, có sự cạnh tranh đè nén và đối mặt với những bản án phạt so với một người có thời gian lên ý tưởng, nhẩn nha sơn vẽ làm sao cho đẹp, hoàn thiện mà chẳng hề sợ hãi thì tác phẩm của ai có cảm xúc hơn, độc đáo hơn. Tôi tin quả bóng càng bị đè mạnh càng nảy lên cao.
* Nói như thế, sự cởi mở ở đây không hẳn được hoan nghênh?
- Không đúng. Tôi đã rất vui trước sự ủng hộ của Lãnh sự quán Pháp và một số cơ quan tổ chức sự kiện. Trong hành trình lao động nghệ thuật, điều chúng tôi luôn tìm kiếm là sự đón nhận của cộng đồng và sự kiện Jam - Vietnam Urban Arts 2021 là cơ hội tốt để gần hơn với người xem. Tuy nhiên, điều kiện sáng tác càng dễ càng đòi hỏi những người vẽ graffiti phải đặc biệt và độc đáo hơn. Bằng mọi giá, đừng đánh mất cá tính của mình. Hãy giữ lấy tiếng nói cá nhân mà không phải ai cũng cất lên được. Khi ai cũng có cùng điều kiện sáng tạo như nhau, bạn làm được gì, thể hiện được gì mới quan trọng. Hãy nắm bắt cơ hội tuyệt vời này nhưng phải nhớ rằng bản thân bạn mới là mối quan tâm lớn nhất.
* Vậy 16 năm qua, anh làm gì để giữ mình không bị lung lạc?
- Tôi thực hiện chỉ một điều là giữ sự chân thật. Khi nhiều người vẽ graffiti ngại đối chất, sợ những lời không hay về thứ mình đang theo đuổi, tôi không ngại và cũng không sợ điều đó vì mình không lừa lọc và gây hại đến ai. Tôi không muốn phải dựng nên một câu chuyện hoa mỹ về graffiti rằng tôi đang làm nghệ thuật, mọi người phải tôn trọng mà sự thật là graffiti cũng có phần nào làm xấu đô thị nên đáng nhận về những lời chỉ trích. Tôi không chiều lòng ai, cũng không cố vẽ hợp nhãn ai để được tung hô. Đơn cử như khi làm việc với nhãn hàng, nếu có cùng trường suy nghĩ, chúng tôi sẽ hợp tác còn không, tôi vẫn là chính mình, không thỏa hiệp với yêu cầu phi lý. Làm nghệ thuật là thể hiện tiếng nói cá nhân, bày tỏ suy nghĩ cốt để người khác hiểu và cho họ tiếp cận với thế giới của mình. Vì vậy, nếu nhún nhường quá mức, cố hoa mỹ đến mức đánh mất mình thì mãi mãi, chẳng ai có thể hiểu được điều bạn muốn nói.
* Anh đã từng nói những điều gì thông qua tác phẩm?
- Từ yêu thích đơn thuần trở thành đam mê, graffiti với tôi không chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà còn thể hiện văn hóa, con người và mang tính cá nhân cực kỳ cao. Chính lúc nhận ra graffiti là tiếng nói cá nhân, tôi biết mình không thể dạo chơi nữa mà phải nghiêm túc học hỏi, tìm hiểu để ngày càng độc đáo, có kỹ năng cao hơn.
Triển lãm đầu tiên - Animal - là cái chạm của tôi đến những thực thể sống khác; mượn hình ảnh những con thú để nói lên những cảm xúc, mong mỏi bản thân không thể thổ lộ. Ở triển lãm lần hai - The Humanimal - nối tiếp lần đầu, tôi đến gần hơn với các loài vật và đi sâu hơn vào đời sống của chúng. Ví như tôi đối thoại với một con cá heo bị rác thải sinh hoạt bao vây. Chúng sẽ nói gì? Triển lãm thứ ba - The Reality - là bước ngoặt để tôi nhìn lại đoạn đường mình đã đi và nói nhiều hơn về nghệ thuật graffiti đằng sau những con thú tôi vẽ. Cả ba triển lãm đều xoay quanh câu chuyện về những sinh vật sống trên hành tinh này. Đôi khi chúng là chúng nhưng có khi, chúng là tôi hay thậm chí đại diện cho nhân loại. Có quá nhiều điều để nói.
Thời khắc được ví như “chất tẩy” cực mạnh
"Các triển lãm của tôi mang quy mô của... một kẻ vô danh. Bạn đừng nghĩ tôi khiêm tốn, tôi không thể quá tự hào vì tôi thấy mình chưa thật giỏi. Hiện tại là khoảng thời gian tôi tự học hỏi nhiều nhất từ trước đến nay. Ngày bé, cũng như những đứa trẻ khác, tôi thích đọc truyện tranh, mê hội họa. Lớn lên, với tính hiếu thắng của một đứa trẻ, tôi phạm lỗi và chuỗi ngày sau đó đến cùng những thay đổi. Tôi thấy cuộc đời như chiếc gương: mỗi lần soi, một lần khác - không khác ngoại hình thì suy nghĩ khác, trí tuệ khác nên theo thời gian, con người cứ thế mà trưởng thành, còn hỏi cụ thể về cột mốc khiến tôi trưởng thành thì thật khó nói, đó là một hành trình dài”. DAOS501 |
* Tác phẩm graffiti đầu tiên vẽ, anh có còn nhớ?
- Tôi lớn lên ở Sài Gòn. Khi được lòng vòng nhiều nơi, nhìn đâu tôi cũng muốn vẽ nhưng bức đầu tiên, vì sợ nên tôi chỉ thực hiện ở bức tường gần nhà, đúng ngay vị trí khi ngồi ăn cơm, tôi nhìn ra tường và thấy tác phẩm “vĩ đại” đầu tiên của mình (cười lớn). Thời đó, vẽ xong, trong tôi ngập tràn cảm giác hân hoan. Đến khi lớn lên nhìn lại, tôi thấy bức tranh đó trông thật trẻ con. Tôi vẽ một chữ vớ vẩn hệt như ký tự riêng để mọi người nhớ đến.
* Là một cậu nhóc lớn lên khi graffiti chỉ mới vừa xuất hiện tại Việt Nam, hẳn anh đã phủ lên đô thị này kha khá bức vẽ, thậm chí cả lỗi lầm?
- Mười năm trước, tôi vẽ trên tường của một trường mầm non mà không biết chúng thuộc sở hữu của cơ quan lãnh sự và tôi bị bắt. Sự việc như một cú tát thật mạnh để tôi nghiêm túc nghĩ về những việc làm của bản thân đã ảnh hưởng đến gia đình. Nửa đêm, mẹ bảo lãnh tôi về. Khi về đến nhà, tôi thấy cậu, dì và mọi người khóc rất nhiều. Họ la mắng, khuyên can nhưng mọi lời nói không ám ảnh tôi bằng ánh mắt của mẹ trước cơ quan chức năng, lúc xin tha lỗi cho con mình. Tôi ngày đó là đứa trẻ ngỗ ngược, không nghe lời ai nhưng sau vụ việc, tôi nghĩ rất nhiều về con đường của bản thân trong tương lai: Làm sao để không còn mông lung, làm sao để đam mê phải được đặt trong giới hạn, không thể chỉ làm theo cảm xúc. Sau đó, tôi lên đại học. Ngoài học thì vẽ, tôi cứ sống tự do cho đến khi quyết định nhập ngũ.
* Một người trẻ phóng khoáng đi vào nơi chốn của kỷ luật, hẳn là sau đó, quan điểm về nghệ thuật lẫn cuộc đời của anh đã khác?
- Sau khi bị bắt vì vẽ bậy, quan điểm nghệ thuật của tôi đã thay đổi. Đến khi đi nghĩa vụ quân sự thì càng thay đổi mạnh mẽ hơn. Bước vào môi trường quân đội, tôi tạm gác đam mê, sự tự do, những suy nghĩ nổi loạn để hòa nhập. Tôi được gặp nhiều người nhưng càng gặp gỡ, tôi càng nghiêng về thế giới nội tâm, tìm hiểu chính bản thân. Ngày đó, để không nhàm chán với cuộc sống, tôi tìm đến những con thú trong tưởng tượng, tập trung khai thác góc nhìn của chúng khi sống trong thế giới loài người. Cứ thế, tôi vẽ liên tục trên giấy. Bây giờ, dù đã rời quân ngũ sáu năm, tôi vẫn không thể nào quên khoảng thời gian đó.
|
Daos501 và tác phẩm tại sự kiện Jam |
* Người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn hay tiếc nuối trước sự đổi thay của nhịp sống hiện đại, những xa lạ trong thiết kế hạ tầng. Là đứa trẻ rong ruổi phố xá thị thành mấy chục năm qua để vẽ vời, cảm xúc trong anh thế nào?
- Nghệ thuật của tôi bị ảnh hưởng lớn bởi một số yếu tố, trong đó có cuộc sống đô thị, đời sống cá nhân và một số mối quan hệ thân quen bên cạnh.
Đối với đô thị này, sự thay đổi mang tính tất yếu nên hãy làm quen với điều đó. Thử hỏi có ai đối diện với những mất - còn mà không dễ xúc cảm, tiếc nuối. Những khoảng đất trống giờ thành các khu dân cư đông đúc. Những tòa nhà chọc trời lấy đi nơi sống của nhiều cây xanh. Ai tiếc cây thì lưu luyến. Ai thích không gian đã từng quen thuộc thì bồi hồi. Cuộc đời là chuỗi những đánh đổi, sinh ra, mất đi, cũ kỹ, tươi mới. Tôi không quá bị tác động từ ngoại cảnh.
Còn với những mối quan hệ, tôi quan trọng việc giao tiếp trực tiếp. Ngày trước, mọi người tìm đến tôi để trao đổi chủ yếu qua mạng xã hội nhưng từ khi tôi ngừng sử dụng, sự tương tác này ít dần. Tôi ngưng dùng vì cảm thấy mạng xã hội ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Bất kể chuyện gì, tôi cũng muốn gặp gỡ trực tiếp thay vì một cú chạm trên mạng nhưng có vẻ điều này khiến tôi gặp nhiều trở ngại, cần thay đổi.
* Nếu không phải 16 năm trước mà bắt đầu ở thời điểm hiện tại, anh nghĩ đường đến thành công của mình có được rút ngắn hơn?
- Những người bắt đầu vẽ graffiti bây giờ rất khác chúng tôi ngày xưa nên tôi không thể đánh giá chính xác. Bây giờ, các bạn có điều kiện để tiếp cận thông tin nhanh chóng. Nhưng, cùng với sự phát triển của công nghệ số, sự trải nghiệm thực tế ngày càng ít lại buộc các bạn phải chăm chỉ hơn, tìm cách phù hợp để thể hiện mình. Tôi cũng thích nghi với hiện tại bằng cách thay các tranh khổ lớn bằng các bức khổ nhỏ hơn, nghĩa là bức tranh đó phải được vẽ lên tường lớn nhưng tôi thu nhỏ không gian sáng tạo thành khổ giấy có kích thước vừa vặn. Đó cũng là cách thưởng thức graffiti mới lạ,
hợp thời.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Diễm Mi
Ảnh Diễm Mi, nhân vật cung cấp