Hàng loạt nghệ sĩ kỳ cựu xuất hiện
Trong buổi phát hành hồi ký Sống cho người sống cho mình dưới dạng audio, NSND Kim Cương cũng giới thiệu kênh YouTube mang tên Kỳ nữ Kim Cương, fanpage cùng tên trên Facebook, và một trang web mang tên bà. Thông tin này khiến không ít khán giả bất ngờ, bởi trước nay, NSND Kim Cương hầu như không dùng đến mạng xã hội hay internet.
Điều đáng mừng là không chỉ NSND Kim Cương, trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt nghệ sĩ kỳ cựu cũng cho ra mắt fanpage, kênh YouTube, TikTok. NSƯT Thanh Điền lập kênh YouTube mang tên ông và người vợ quá cố - NSƯT Thanh Kim Huệ - chỉ sau bốn tháng đã có gần 20.000 người đăng ký theo dõi. NSND Thanh Tuấn cũng vừa lập kênh YouTube Danh ca Thanh Tuấn, trang cá nhân và fanpage trên Facebook vào cuối năm ngoái. NSND Lệ Thủy cũng có fanpage với hơn 8.000 khán giả yêu mến theo dõi.
|
NSND Kim Cương vừa ra mắt bản audio của hồi ký Sống cho người sống cho mình. Đồng thời bà cũng cho ra mắt kênh YouTube, fanpage và trang web mang tên Kỳ nữ Kim Cương |
NSƯT Diệu Hiền đã không còn biểu diễn rất nhiều năm qua vì sức khỏe yếu. Gần đây, bà cũng cho ra mắt kênh YouTube, dành để đăng tải những sản phẩm cũ, và cả sản phẩm mới thực hiện gần đây. Nghệ sĩ Chí Tâm cũng có kênh YouTube với hơn 8.000 khán giả đăng ký. Một nghệ sĩ kỳ cựu hoạt động khá sôi nổi trên mạng không thể không nhắc đến là NSND Bạch Tuyết. Bà đã lập fanpage, kênh YouTube, trang web cách đây nhiều năm. Gần đây, bà còn lấn sân sang TikTok, nền tảng đang được rất nhiều giới trẻ ưa chuộng.
Hiện, trong số này, có những nghệ sĩ đã biết đến mạng xã hội, có sức khỏe tốt sẽ tham gia vào việc quản lý tài khoản và sử dụng chúng. Nhưng cũng có những nghệ sĩ có nhân sự hỗ trợ để quản lý, vì họ không quen, cũng không nắm hết được phương thức sử dụng, như trường hợp NSND Kim Cương, NSƯT Diệu Hiền… Tuy nhiên, họ đều có thể tham gia vào quá trình sản xuất và quản lý nội dung đăng tải.
Trích đoạn hồi ký NSND Kim Cương (bản audio) - Đêm trắng thất ngàn
NSƯT Diệu Hiền chia sẻ: “Tôi không biết về YouTube, cũng chưa từng có ý định lập kênh. Nhưng Bạch Tuyết nói hãy để lại điều gì đó cho khán giả thông qua việc lập kênh, đăng tải sản phẩm, tôi đồng ý ngay. Các bạn trong ê-kíp và Bạch Tuyết hỗ trợ tôi tất cả từ việc thu âm sản phẩm, đăng tải. Tôi mong sau này nếu Diệu Hiền không còn, thì tiếng hát vẫn sẽ ở lại”.
Trong khi đó, NSƯT Thanh Điền hiện đã 75 tuổi, lại đang quản lý cùng lúc fanpage Facebook và kênh YouTube của mình. Ông nói: “Dĩ nhiên, tôi cũng có những trở ngại nhất định vì không rành mạng xã hội như người trẻ. Nhưng để lưu giữ ký ức về Huệ, đáp lại tình cảm của khán giả, tôi đã cố gắng sử dụng và tương tác với khán giả”.
Đưa cải lương, nghệ thuật truyền thống đến người trẻ
Hiện phần lớn các kênh của nghệ sĩ nói chung thường dùng đăng tải các sản phẩm, hoặc vlog đời thường. Trong khi đó, NSND Bạch Tuyết lại chọn một con đường khác. Thời gian qua, bà có nhiều dự án để phát triển cải lương, đưa nghệ thuật này gần hơn với công chúng thông qua YouTube, TikTok. Bà cover nhiều ca khúc nhạc trẻ thành phiên bản vọng cổ, chia sẻ trên mạng. Năm nay, bà còn phát triển dự án Tinh hoa cải lương, gồm nhiều video clip ngắn trên TikTok, YouTube, với mục đích cung cấp kiến thức cũng như những thông tin thú vị về những vở diễn kinh điển cho người xem. Mỗi video, NSND Bạch Tuyết sẽ cùng tương tác với những bạn trẻ thuộc nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau… Thời quan qua, NSND Bạch Tuyết cũng thường xuyên kết hợp với các trường đại học để giao lưu, chia sẻ về cải lương với sinh viên thông qua các buổi nói chuyện với chủ đề rất đa dạng. Tất cả đều được cập nhật liên tục trên các nền tảng này.
|
Gần đây, nhiều hoạt động của NSND Thanh Tuấn được cập nhật trên YouTube, Facebook |
Mục tiêu lớn nhất của bà là đưa cải lương hiện diện trong họ, ít nhất để họ có thể biết và tiếp tục lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống. NSND Bạch Tuyết nhận định: “Không phải bây giờ mà từ vài năm trước, tôi đã thấy được tiềm năng, lợi thế của YouTube, các mạng xã hội, nhưng đến nay mới đủ duyên thực hiện các dự án. Rõ ràng, muốn đến với người trẻ, chúng ta phải bước trên con đường của họ đang đi. Bản chất cải lương là cải cách hát ca theo tiến bộ. Yếu tố tiến bộ phải được chú trọng. Từ biết rồi mới yêu, hoặc có thể biết nhưng không yêu cũng chẳng sao. Ít nhất, khi cải lương hiện diện trong họ, đã là một điều đáng quý”.
Các video của NSND Bạch Tuyết khi được đăng tải lên mạng, thường có lượt xem từ vài ngàn đến hàng trăm ngàn. Dù mới tham gia TikTok, nhưng bà cũng có nhiều video đạt lượt xem đến vài trăm ngàn trên nền tảng này. Những con số ấy, giữa cơn bão của rất nhiều trào lưu, xu hướng giải trí đơn thuần, nội dung sốc… thật sự rất giá trị. Đó cũng là tín hiệu cho thấy con đường bà đang đi có những hy vọng nhất định.
Có lẽ không cần bàn nhiều về tình hình khó khăn của cải lương trong những năm vừa qua. Một trong những nỗi lo lớn là việc người trẻ, đối tượng gìn giữ, phát huy văn hóa không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống này nữa. Đã có nhiều cuộc hội thảo, bàn luận được tổ chức thực hiện. Tuy không phủ nhận sự nỗ lực của các bên, nhưng việc truyền tải theo cách thức cũ, thông qua các hội thảo, chuyên đề… không thể tiếp cận được sâu rộng. Trong khi đó, mạng xã hội, các nền tảng phát hành trực tuyến ngày càng thể hiện rõ sức mạnh, sự ảnh hưởng của nó trong bối cảnh số hóa. Hiện có khoảng 40 triệu người trên 18 tuổi tại Việt Nam dùng TikTok, khoảng 70 triệu người dùng YouTube, mà phần lớn đều là người trẻ.
NSND Bạch Tuyết dạy người trẻ ca diễn cải lương:
NSND Thanh Tuấn nói, chỉ một thời gian ngắn tiếp cận, ông đã thấy được sức lan tỏa đáng kinh ngạc của các nội dung được chia sẻ trên YouTube. Vì thế, ông nghĩ đây cũng là con đường hiệu quả để tiếp tục quảng bá, gìn giữ cải lương, đặc biệt khi đưa chúng tiếp cận với người trẻ. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở nhiều điều. “Tôi chắc chắn các anh chị em nghệ sĩ gạo cội đều muốn cải lương được sống, được lan tỏa. Vì thế, nếu có bất kỳ dự án nào để phát triển, thúc đẩy cải lương, họ sẵn sàng tham gia, bởi chuyện làm nghề với họ không khó. Nhưng để khai thác hiệu quả, cần phải có chiến lược bài bản, cụ thể. Ai sẽ là người đầu tư: Nhà nước hay tư nhân? Ai sẽ giúp sức cho nghệ sĩ trong khâu sản xuất?… Tôi mong các bên gồm cơ quan chuyên trách về văn hóa, hội sân khấu cần ngồi lại với nghệ sĩ để tìm được hướng đi”, NSND Thanh Tuấn chia sẻ.
Hiện, NSND Bạch Tuyết đầu tư kinh phí hoàn toàn cho các dự án của bà. Nhưng thực tế không phải nghệ sĩ nào cũng có điều kiện như thế. Và đây là điểm gút cần phải gỡ. Nhìn lại giới cải lương, các nghệ sĩ gạo cội còn lại không nhiều. Trong việc thực hành truyền nghề, quảng bá, đây là những nhân tố có vai trò và giá trị vô cùng to lớn. Nếu không sớm có ý thức gìn giữ, e rằng lại lãng phí, thậm chí đánh mất một tài sản quý của nghệ thuật truyền thống.
Trong một cuộc trao đổi, NSND Bạch Tuyết nhấn mạnh sự quan trọng của nhân lực trẻ. Bà nói nghệ sĩ gạo cội có nghề, còn người trẻ lại có kỹ thuật, tính sáng tạo cao, nắm bắt xu hướng tốt. Điều đó dễ dàng nhận thấy qua các sản phẩm của bà được đăng tải. Chính họ - những người hiểu rõ thế hệ họ nhất, sẽ góp phần tạo ra những điều gần gũi, hợp thời nhất. Vì thế, theo bà, không được xem nhẹ nguồn nhân lực này.
Trung Sơn