Khi Mạnh Thường mới xuất hiện, nhiều người cứ ngỡ anh là một ca sĩ chuyên nghiệp của phòng trà nào đó, như 6 giọng ca mà anh “đối đầu” trong chương trình Tình bolero hoan ca, ít ai biết anh trước nay chỉ là một giọng ca đường phố.
Phải “đối đầu” với 6 ca sĩ phòng trà, đi hát chuyên nghiệp lâu năm nhưng nghệ sĩ đường phố Mạnh Thường không hề bị “lép vế” mà ngược lại, anh được khá nhiều khán giả của dòng nhạc bolero yêu thích.
Công việc đi hát của nghệ sĩ Mạnh Thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ sáng mỗi ngày tại các quán cà phê, quán ăn ở khu vực Phú Nhuận. Đến 10 giờ, anh trở về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi và chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo. Đến với cuộc hẹn phỏng vấn, anh quyết định bỏ luôn buổi đi hát sáng thứ 7 nhưng vẫn mang theo chiếc loa kéo quen thuộc để “cho nhà báo thưởng thức”.
Dù bỏ một buổi hát để kiếm tiền nhưng với nghệ sĩ Mạnh Thường, anh không quá quan trọng bởi “Cứ xem đây như một buổi giải lao cho mình, cà phê tán dóc cuối tuần”. Anh nói thêm: “Với ai thì tôi không biết nhưng với chính bản thân mình, mỗi khi hát tôi đều đặt cái tâm của người nghệ sĩ lên trên hết, hát hết mình, hết lòng hết dạ với khán giả chứ không đơn thuần là để kiếm đồng tiền”.
Chỉ về hướng chiếc xe cũ kĩ, anh cho biết đã chạy được 7, 8 năm trời rồi:“Lúc mua có 1 triệu à, giờ đi đâu hát, bỏ nó giữa đường thì cũng chẳng ai thèm lấy”. Và “con ngựa sắt” này cũng là người bạn đồng hành của anh trong suốt 2 năm nay từ khi theo nghiệp cầm ca đường phố.
Nghệ sĩ Mạnh Thường cho biết, anh đam mê ca hát từ nhỏ nhưng cách đây 2 năm thì mới bắt đầu sử dụng lời ca tiếng hát để kiếm cơm. Trước đó, anh thử qua nghề bán trái cây dạo hay sửa xe máy nhưng “làm đồng nào lại hết đồng đó, xoay mãi cũng không kịp”. Cơ duyên đi hát của anh lại đến từ cậu con trai tên Mạnh Nguyên - người cũng sở hữu giọng hát đẹp như anh.
“Đến khi đứa con trai lên trên Sài Gòn làm ăn thì nó thấy người ta bán kẹo kéo, thu nhập cũng đỡ đỡ nên nó mới nói “thôi ba đi bán thử đi”. Làm lụng một thời gian, hai cha con đủ tiền sắm cái loa và nghiệp hát bắt đầu. Mình nghĩ nếu cố gắng đưa giọng hát của mình đi vào lòng người thì chắc cũng được”, anh kể.
“Ở nhà lúc nào cũng có dàn karaoke sẵn để hát hết. Hồi đó nhạc nào hay thì mình hát thôi, riết rồi thành quen miệng. Nhưng những năm về trước con cái còn quá nhỏ, cuộc sống làm lụng ở quê khổ cực quá nên cũng không có nghĩ nhiều về đam mê này. Cũng chính vì thế mà lời ca tiếng hát của mình chưa đến được với công chúng. Ước mơ được đứng trên sân khấu lớn, tỏ hết nỗi lòng của mình với khán giả vẫn âm ỉ mấy mươi năm nay trong lòng”, anh nói thêm.
Khi anh xuất hiện tại Tình bolero hoan ca, nhiều người khá bất ngờ bởi giọng hát của anh có chút gì đó giống cố ca sĩ Duy Khánh. Tuy nhiên, anh cho biết ngay từ khi biết hát anh đã hát như vậy, anh chưa từng học qua trường lớp nào và cũng không cố hát giống ca sĩ Duy Khánh bởi “có học cũng chẳng được”.
Nói về cuộc sống hiện tại với nghề hát, anh đầy tự tin để khoe rằng đã ổn định hơn trước, dù không giàu có hay dư dả nhưng đủ để chi tiêu và quan trọng là sống được với nghề. “Tôi có 9 người con và đến nay đều lập gia đình hết rồi, mỗi đứa đều tự kiếm kế sinh nhai. Mỗi khi đám tiệc mà tất cả tụ họp lại thì nhà chẳng có đủ chỗ mà ngồi. Hiện tại, tôi sống với vợ và mẹ già trong căn nhà thuê từ khi lên Sài Gòn đến nay. Chỗ ở cũng hẹp lắm, có cái gác với nền dưới đủ 2 người ngủ, là cỡ đủ 4 người. Hiện tại đi hát cũng có thu nhập ổn định nhưng nói thật không dư nhiều vì đâu ai làm mà không chi tiêu, ít gì cũng 200, 300 ngàn mỗi ngày”, anh bộc bạch.
Giọng người nghệ sĩ 57 tuổi bỗng trầm đi khi nhắc đến kế sinh nhai hiện tại, nhưng bên trong đó vẫn lấp lánh niềm vui và sự tự hào của anh khi giọng hát được mọi người đón nhận: “Nói thiệt có những chỗ mình chạy ngang mà không ghé hát người ta cũng kêu lại nữa, thậm chí tôi hát khách còn kêu tắt nhạc chỉ để nghe giọng. Nhiều người thương mến, họ lấy số gọi mình phục vụ đám tiệc tại nhà, mỗi lần vậy cũng được 500, 700 nghìn. Đi hát mà khách boa nhiều một chút mình cảm thấy mang ơn lẫn nợ họ nhiều lắm. Từ lúc đi hát đến giờ tôi nợ nần khán giả nhiều lắm rồi”
Khoảng lặng lại được lấp đầy khi nghệ sĩ Mạnh Thường tiếp lời: “Phải thừa nhận rằng mình thuộc dạng người có khả năng đó nhưng dường như mình chưa gặp thời. Suốt thời tuổi trẻ cứ lẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói, cơm áo gạo tiền nhưng ước mơ thì chưa bao giờ tắt”.
Câu chuyện bỗng đầy nhiềm hy vọng và đâu đó là sự tự hào của nghệ sĩ Mạnh Thường khi nhắc đến con trai Mạnh Nguyên, cũng là người duy nhất theo nghiệp cầm ca của cha. Lạp gia đình từ năm 19 tuổi, cuộc sống của ông bố trẻ Mạnh Thường sau đó xoay vần với vớ cái ăn cái mặc. Đến ăn no cũng khó, nên việc học hành của con cái anh là một điều xa vời.
"Sau này kinh tế đỡ hơn thì 2 đứa con là con Út và Mạnh Nguyên đi học nhưng tới lớp 6 cũng nghỉ vì nó không chịu học nữa. Mấy người con đầu thì cũng học không đến đâu, thậm chí đứa con lớn nhất còn chưa bước chân đến trường. Tương lai cũng trông chờ vô thằng con trai Mạnh Nguyên nhiều lắm, nó còn trẻ và tương lai còn nhiều cơ hội. Nó đẹp trai, sáng sân khấu và việc tôi tham gia cuộc thi quan trọng nữa là để đường dài cho con. Mình có tiếng tăm thì con mình nó cũng đỡ”, anh kể.
Giờ, mỗi ngày đi hát của anh bắt đầu từ 8 giờ sáng, “hát một ngày mấy chục bản” nhưng dường như tình yêu của anh với công việc đã lấn át mọi mệt nhọc để có được một Mạnh Thường chưa biết khan giọng là gì. Anh tự hào nói: “Tôi cứ hát được tới ngày nào hay ngày đó, không còn hát được nữa thì thôi”.
NSUT Vũ Thành Vinh – đạo diễn chương trình Tình bolero hoan ca:
Mạnh Thường đúng kiểu người Nam bộ, sống thoải mái, bay, bổng. Anh cũng chẳng cần gồng mình để xin tình cảm của khán giả bằng cách kêu khổ kêu cực. Với anh, khổ hay sướng không quan trọng mà bản thân cảm thấy đủ là đủ. Trong chương trình, thậm chí ban giám khảo phải gọi anh là “cao bồi bolero”.
Thời gian đầu hát trên sân khấu, anh chê âm thanh sao dở quá bởi nó bị gói lại trong một không gian, còn trước nay anh hát ngoài lề đường, hàng quán thì độ vang nó xa hơn. Nhưng giờ thì không còn cảm giác ban đầu đó nữa rồi, anh cứ đứng lên và hát một cách hùng hồn, tự tin nhất có thể.
|
Thanh Hà