Có những vở kịch thiếu nhi mà khi sân khấu vừa mở màn, khán giả đã đồng thanh “ồ, à”..., diễn viên khi diễn thì “tìm mọi cách để cãi nhau với khán giả” và luôn khép lại bằng hình ảnh các bé chạy lên sân khấu chụp hình với các cô chú diễn viên. Đó là không khí những buổi diễn Chuyện thần tiên, Ngày xửa ngày xưa của nhà hát kịch IDECAF - luôn đầy ắp tiếng cười vui nhộn và cảm động.
2 trong nhiều người có đóng góp quan trọng cho sân khấu thiếu nhi của IDECAF là đôi bạn nghệ sĩ Đình Toàn - Quang Thảo. Mỗi năm vài lần, đạo diễn Đình Toàn và biên kịch Quang Thảo đều dành thời gian để thủ thỉ kể cho trẻ con nghe những câu chuyện lung linh như thế. Bởi vì, tuổi thơ nào cũng đáng nâng niu và ánh mắt trong trẻo nào cũng nên được giữ gìn, tránh khỏi mọi tổn thương.
|
Đình Toàn trong vở Chuyện thần tiên 5: Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê |
Chọn 1 nhân vật trung tâm để kể những câu chuyện dài là công thức cũ
Phóng viên: Khán giả nhí đã được tái ngộ chàng thuyền trưởng Sinbad trong một cuộc phiêu lưu khác của Ngày xửa ngày xưa (NXNX) 35 với vở Huyền thoại mắt thần. Phải chăng từ hiệu ứng rất tốt của NXNX 33 (Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá), đạo diễn Đình Toàn và tác giả Quang Thảo thấy rằng nên tiếp tục kể câu chuyện về Sinbad?
Đạo diễn Đình Toàn: Chúng tôi không làm NXNX 35 chỉ để phục vụ cho khán giả số 33 và kể một câu chuyện tiếp nối mà lần này là một câu chuyện hoàn toàn mới lạ, chỉ có nhân vật Sinbad là như cũ. Như nhiều người đã biết, trong Ngàn lẻ một đêm, Sinbad có 7 cuộc phiêu lưu, vậy thì tại sao ta không tưởng tượng tiếp các cuộc phiêu lưu thứ tám, chín với sự sáng tạo của mình.
Nghệ sĩ Quang Thảo: Ở góc độ là một tác giả kịch bản, tôi thấy rằng dùng nhân vật đã được yêu thích để dẫn khán giả đi khắp nơi trên thế giới qua các hành trình khác nhau dễ hơn tạo ra một nhân vật mới.
Trên bàn viết, tôi chính là Sinbad vì khi đó, cậu ấy chính là tác giả kể cho khán giả về cuộc phiêu lưu của mình. Trên sàn diễn, Đình Toàn là Sinbad và tôi đóng vai nhà vua. Thật ra, công thức chọn một nhân vật trung tâm để kể nhiều câu chuyện khác nhau không có gì mới nên đây chẳng phải là sự tính toán thông minh gì cả. Tuy nhiên, nếu hỏi tôi: “Sau NXNX 35 sẽ tiếp tục với Sinbad chứ?” thì câu trả lời là: “Không” vì đặc trưng của nhân vật Sinbad đi lại bằng thuyền, di chuyển trên biển mà diễn cho thiếu nhi thì tôi không muốn viết hoài bối cảnh biển khơi.
* Mỗi số NXNX đối với các anh có lẽ thuận lợi vì đã làm nhiều lần và rất hiểu khán giả của mình?
Quang Thảo: Trời ơi, mỗi kịch bản NXNX với tôi là một sự thử thách và lần nào cũng khiến tôi mất sức khủng khiếp (cười).
Đầu tiên, viết cho thiếu nhi, tôi có thể bay bổng tới mức chân không cần chạm đất nhưng các bé là những trang giấy trắng, mình phải tỉnh táo khi muốn nhắn gửi bất cứ thông điệp gì từ câu chuyện vừa kể, để khiến các bé tin, nghĩ và làm những điều tốt đẹp. Thứ hai, trong mỗi số NXNX có hơn 20 nhân vật nên tôi phải tạo ra rất nhiều hình thức và các tình huống riêng cho mỗi nhân vật mà phải làm sao để tất cả đều hợp lý, nhịp nhàng trong câu chuyện chung của toàn bộ tác phẩm.
Có thể hình dung như tôi đang chơi ghép hình, nhiều khi phải thức 5-7 đêm để tạo được các mảnh ghép, đến khi gần hoàn thành thì thấy chỗ này chỗ kia không đúng nên phải phá đi làm lại.
|
Hiệu ứng từ ánh sáng sân khấu làm vở diễn lung linh, đến nỗi những khán giả khó tính vẫn phải trầm trồ |
Đình Toàn: Dù quen thuộc đến đâu, khi dựng NXNX tôi vẫn có những áp lực nhất định vì làm cho trẻ con tin và thích là điều không dễ dàng. Nó phải cuốn hút từ câu chuyện đến tiết tấu trên sân khấu, phục trang, ánh sáng, cảnh trí... phải hấp dẫn và nhất là không bao giờ được lặp lại những điều cũ kỹ. Lần này, tôi bàn với Quang Thảo kể một câu chuyện người lớn hơn một chút và đưa khán giả trở về với kết thúc thường thấy trong những câu chuyện cổ tích, Sinbad nhận được nụ hôn của công chúa.
Nụ hôn đó xuất hiện cuối cùng trong Cuộc phiêu lưu của Sinbad: Huyền thoại mắt thần nhưng là lần đầu tiên nụ hôn có trong NXNX vì tôi nhận thấy khán giả của NXNX đã lớn. Nhân vật công chúa cũng mới mẻ hơn, không còn là người xinh đẹp và để cho người khác định đoạt số phận của mình mà rất mạnh mẽ, chẳng hạn như chủ động viết thư cho Sinbad.
Về dàn dựng, tôi tạo nhịp nhanh và có những cú “twist” như kiểu điện ảnh. Ban đầu, tôi định dùng màn hình LED để tạo hiệu ứng nhanh, mạnh nhưng nếu diễn 60 suất thì phải tháo ra ráp lại 20 lần nên phải bỏ phương án này, thay bằng đèn laser và thấy vẫn tạo ra được những hiệu ứng tốt. Sân khấu rất lộng lẫy với phục trang, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng được làm chỉn chu.
|
Cảnh Sinbad bắt cóc công chúa trong Ngày xửa ngày xưa 35 là một cú twist như phim điện ảnh khiến khán giả thú vị |
Dù sao, sân khấu vẫn phải sáng đèn để đón khán giả
* Thiếu vắng 2 nghệ sĩ rất được khán giả yêu thích là Thành Lộc và Hữu Châu, việc dàn dựng của anh có gì phải lo lắng hơn trước hay có những gánh nặng nào không, thưa anh Đình Toàn?
Đình Toàn: Những ai có theo dõi sẽ biết Chuyện thần tiên từ trước đến nay không có anh Lộc vẫn bán được nhiều vé, múa rối vẫn hấp dẫn mọi người nên tôi không quá lo lắng về điều này. Khán giả vẫn sẽ gặp lại những diễn viên quen thuộc như Đại Nghĩa, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Hồng Ánh, Đình Toàn... và làm quen với một số gương mặt mới của NXNX như Hòa Hiệp, Quốc Thịnh... Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận, trước mắt, khán giả vẫn chưa quen với sự thiếu vắng này nhưng cuộc sống không có điều vĩnh cửu, tất cả đều có sự thay đổi qua từng giai đoạn và rồi chúng ta phải thích nghi với cái mới. Không có các nghệ sĩ gạo cội là một mất mát lớn nhưng không thể là sự xáo trộn và càng không thể là sự kết thúc của IDECAF. Mọi người vẫn phải tồn tại, sân khấu vẫn phải sáng đèn đón khán giả.
Là đạo diễn, tôi cần những diễn viên tài năng giúp vở diễn thăng hoa nhưng nếu bảo rằng đạo diễn phụ thuộc hoàn toàn vào diễn viên thì rất tội cho công sức dàn dựng của họ. Tôi tin trong các tác phẩm mình dựng đều có dấu ấn rõ nét của Đình Toàn. Hiện tại, tôi thấy không có gánh nặng nào khi dựng NXNX. Trong tương lai, tôi sẽ kêu gọi những người bạn nghề cùng đến nếu họ có tác phẩm và có khả năng dàn dựng.
|
Ở các vở Ngày xửa ngày xưa, sân khấu rất lộng lẫy với phục trang, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng được làm chỉn chu |
* Và đạo diễn Đình Toàn sẽ trao kinh nghiệm của mình cho những người bạn mới?
Đình Toàn: Chắc chắn rồi. Các bạn làm, chúng tôi đứng sau chia sẻ bằng kinh nghiệm và bằng cái có sẵn trên tiêu chí chung của nhà hát kịch IDECAF. Mọi người sẽ cùng nhau thảo luận và chúng tôi phải biết ai đang làm gì để mục đích cuối cùng là cho ra tác phẩm đúng tiêu chuẩn chứ không phải kiểu ai muốn làm gì thì làm.
* Vai trò mới của các anh như thế nào sau khi IDECAF có những thay đổi như đã nói ở trên?
Đình Toàn: Khi có một số thay đổi, tôi ở đây lâu nhất, biết định hướng và quá quen với cách làm việc của IDECAF nên là người đứng ra chịu trách nhiệm về nghệ thuật. Nhìn chung, mọi thứ vẫn gần như cũ thôi, gọi tôi là giám đốc hay giám đốc nghệ thuật làm tôi... hơi sợ. Thật ra ở đâu cũng vậy, cần có một người đứng ra trao đổi và gút lại để thống nhất mọi việc trước khi bắt tay vào làm, nếu không thì sẽ loạn và tôi chỉ đơn giản là làm công việc ấy.
Quang Thảo: Tôi vẫn là tác giả của những kịch bản thiếu nhi như trước và hiện tại thêm vai trò diễn viên trong một số vở kịch mới của IDECAF, như mới nhất là vai nhà vua trong NXNX 35: Huyền thoại mắt thần và vua Minh Mạng trong Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử.
|
Diễn viên Đại Nghĩa (bìa trái) - người bạn diễn lâu năm của đạo diễn Đình Toàn - trở lại sân khấu sau một thời gian gián đoạn vẫn đem lại không khí “rần rần” trên sân khấu như đã từng |
Người tốt là một sự lựa chọn
* Các anh đã trải qua tuổi thơ như thế nào mà người thì chọn viết kịch bản thiếu nhi và người thì chọn dựng kịch thiếu nhi? Có thể thấy hình ảnh cậu bé Đình Toàn, Quang Thảo trong những tác phẩm của 2 anh không?
Quang Thảo: Tuổi thơ của tôi không may mắn, thiếu thốn đủ thứ, chưa bao giờ biết phim ảnh, nhà hát hay sở hữu bất kỳ món đồ chơi nào. Tôi khát khao những thứ đó. Sự thiếu thốn đã làm tôi rung cảm nhiều hơn khi viết kịch bản. Tôi hoàn toàn không có chất liệu gì về đời sống thường có của đa số trẻ em mà chỉ có sự thèm muốn. Ước mơ của tuổi thơ, bây giờ tôi được đắm chìm vào đó để thỏa mãn mình qua những kịch bản viết cho thiếu nhi.
Nhiều người hỏi tôi chắc được ba mẹ cưng chiều lắm hay sao mà thường viết về các chi tiết gia đình rất cảm động. Tôi chẳng có gia đình trọn vẹn như nhiều người nên gia đình hạnh phúc là một thèm khát khác của tôi. Nếu tuổi thơ tôi có cha mẹ và được sống trong nhung lụa thì biết đâu tôi sẽ thấy gia đình đủ đầy là bình thường, khi không có hoặc bị mất đi điều gì, tôi mới thấy cần và quý nó.
Đình Toàn: Tuổi thơ tôi là những ngày dài đọc truyện cổ tích. Mỗi sáng Chủ nhật, tôi được ba chở đi nhà sách mua sách. Sau đó, nhà tôi mở tiệm sách nên tôi có cơ hội đọc nhiều hơn. Tây du ký, Phong Thần, Thủy hử... tôi đều đọc hết. Mùa hè, tôi thường được gia đình đưa đi chơi và lần nào tôi cũng đem sách theo đọc. Tôi đã sống trọn vẹn với tuổi thơ đúng nghĩa. Đến giờ, tôi vẫn hạnh phúc vì sống trong một gia đình ấm êm nên trong các vở kịch của tôi, yếu tố gia đình rất quan trọng. Có lẽ đến giờ tôi là người hiếm hoi ở tuổi này vẫn còn tin vào những câu chuyện cổ tích, vào phép lạ và sự lãng mạn trong cuộc sống. Khán giả để ý sẽ thấy rất rõ điều này trong các vở kịch của tôi.
* Tuổi thơ của các anh thật khác nhau nhưng vì sao lại gặp nhau trong việc chọn cách kể chuyện hòa ái?
Quang Thảo: Có những lúc tôi đứng ở ngã ba đường, biết rằng chọn đường này sẽ có lợi nhưng không tốt vì trái lương tâm và ngược lại. Những khi ấy, tôi phải đấu tranh để giữ mình. Cuộc sống là sự đấu tranh liên tục với bản thân để mạnh mẽ lựa chọn trở thành người tốt. Điều này không dễ dàng. Cũng có khi tôi suýt trở thành người xấu, may mà biết nhìn lại. Tôi khám phá ra bản thân và luôn tự nhủ mình chỉ nên nhìn ngắm mọi người và nhận thấy sự khác biệt giữa có và không có. Nó khiến mình thấy thèm khát, xúc động và nâng niu chứ không phải thứ gì mình không có mà người khác có thì mình ghét.
Tôi chúc mừng những người có được điều họ muốn. Tôi thích ca ngợi điều tốt đẹp chứ không thích bĩu môi, quay lưng và oán hận cuộc đời. Tôi ca ngợi hạnh phúc của mọi người vì đó là điều quý giá. Cái mình không có là định mệnh của cá nhân mình và cuộc đời này không có lỗi gì với mình. Sự yêu thương là chất liệu để tôi viết kịch bản. Nếu hằn học thì tôi không thể viết những kịch bản khiến khán giả cảm thấy đầy lòng nhân ái, sự vị tha. Tôi tin rằng mỗi người đều có một định mệnh nên luôn có lý do để điều gì đó xảy ra trong cuộc đời mình. Đây là phước báu của tôi, trời đất đã cho tôi biết suy nghĩ tích cực.
Đình Toàn: Tôi luôn thích đề cao vẻ đẹp của tình gia đình, tình anh em, bạn bè, đồng đội và cách nhân vật chọn làm điều tốt, điều này thấy rõ trong NXNX 35. Trong hoàn cảnh bình thường, làm người tốt là đương nhiên. Chỉ khi rơi vào nghịch cảnh, khốn khó, việc bạn chọn làm điều tốt hay xấu mới cho thấy rõ nhân cách của bạn. Tuy nhiên, làm người tốt là một sự lựa chọn. Có những người bất hạnh tận cùng mà vẫn thiện lương và có những người hạnh phúc đủ đầy nhưng vẫn căm ghét cuộc đời nên làm những điều tệ hại. Phải làm người xấu quả là điều bất hạnh! Tôi sẽ sống tốt hơn khi rơi vào cơn tuyệt vọng nhưng vẫn thấy có điều gì kéo mình lên, tin rằng ngày mai đời sẽ khác để không nhìn cuộc đời đầy cộc cằn và luôn muốn trả thù đời.
* Trẻ con quan trọng thế nào đối với các anh?
Quang Thảo: Thường thì trẻ con được chào đời với các mục đích khác nhau như: có con để gia đình đủ đầy, có con để nối dõi và nhờ con chăm sóc khi về già, cho con thừa hưởng gia tài... Kiểu gì thì trẻ con cũng chào đời theo ý người lớn nên chúng quan trọng thế nào sẽ tùy thuộc vào mục đích của mỗi gia đình. Tôi chỉ mong cha mẹ nhớ rằng, dù hoàn cảnh nào cũng cố gắng cho các con một tuổi thơ đúng nghĩa vì nó trôi qua nhanh lắm. Khi tuổi thơ trôi qua rồi, không cách nào quay trở lại được.
Ví dụ như tôi, bây giờ tôi có thể mua được lồng đèn hoặc vô số món đồ chơi khác mình từng khao khát nhưng tôi không thể mua được tuổi thơ mình, không thể trở thành cậu bé Quang Thảo để chơi đùa với chúng. Một đứa trẻ đôi khi thiếu thốn một chút về vật chất nhưng được sống với cha mẹ qua tuổi thơ trọn vẹn, đẹp đẽ là đã có một tài sản quý để mang theo sau này. Một người sinh ra không có tuổi thơ thì không gì có thể bù đắp được, không ai có thể chữa lành được.
Đình Toàn: Tôi kể cho bạn một chi tiết nhỏ, khi diễn cảnh đắm thuyền trong NXNX 35, nghệ sĩ Bạch Long (vai Sin Bếp) thoại, đại loại: tìm nước ngọt ở đâu, bây giờ phải có nước ngọt thì có một cô bé cầm chai nước suối chạy lên sân khấu đưa cho Sin Bếp. Tình huống “đâm hông” đó có làm ảnh hưởng một chút đến vở kịch đang diễn nhưng rõ ràng là sự hồn nhiên đó quá dễ thương. Thế giới của con trẻ đầy sự thiện lương, có thể xoa dịu những tổn thương của người lớn. Vậy nên, mỗi đợt diễn NXNX là một mùa hội của nhà hát IDECAF, ai cũng đùa vui và đầy hào hứng.
* Cảm ơn các anh đã chia sẻ.
Lam Hạnh (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp