|
Nghệ sĩ Đình Toàn |
Xem vở nhạc kịch Tiên Nga, khán giả sẽ khó quên một Bùi Kiệm vừa tham lam vừa ngu dốt qua nét diễn của anh. Lê Long Đĩnh trong phim Khát vọng Thăng Long qua diễn xuất của anh cũng liên tục biến đổi tính cách đầy ấn tượng: mạnh mẽ, mưu mô sâu thẳm, đa nghi, nhiều tham vọng… Đình Toàn vắt sức mình cho từng vai diễn, dù là những ngày đầu đến với sân khấu bằng vai quân lính hay là những vai nhiều đất diễn hơn khi đã trở thành một diễn viên quan trọng...
Bạn hãy chơi với Đình Toàn để thấy một con người luôn sục sôi nhiệt tình với bất cứ điều gì, bất kỳ người bạn nào. Không thể thấy buồn tẻ khi ở bên anh. Giả sử bạn cố tình thử anh bằng cách “bẻ lái” sang chuyện tiêu cực thì coi chừng, bạn sẽ bị anh đưa về cái nhìn tích cực. Khi đã là bạn của Đình Toàn thì hãy yên tâm, anh đủ sức chia sẻ với bạn, làm bạn vui cười và an lòng.
“Sinbad” đã qua "những ngày sóng gió"
Phóng viên: Sau sáu năm trở lại dựng Ngày xửa ngày xưa 33 với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá, cảm giác của anh thế nào?
Nghệ sĩ Đình Toàn: Trước hết là thấy áp lực vì lần dựng kịch này nằm ngoài dự tính của tôi, trong khi tính tôi quen làm việc gì phải có kế hoạch ngay từ đầu chứ không vội vã được, đặc biệt là với những tác phẩm nghệ thuật.
Khi đạo diễn Vũ Minh qua đời, sân khấu yêu cầu tôi tiếp tục hoàn thiện vở kịch cho chương trình Ngày xửa ngày xưa (NXNX) mà anh ấy đã chuẩn bị nhưng không diễn được vì dịch. Tuy vậy, tôi thấy tốt hơn nên dựng một vở của mình để theo nó ngay từ đầu. Quang Thảo lo việc viết kịch bản, còn tôi phải soạn lại những cảnh trí có sẵn của vở cũ xem tận dụng được gì vì không thể bỏ hết mà phải cố gắng sửa lại cho phù hợp với kịch bản mới và xếp lịch với diễn viên.
|
Tạo hình trong vở Mơ giấc tình tình |
Thời gian rất gấp, chúng tôi chạy hơn 100% sức mình có. Kịch bản phải viết “ép” vào cảnh trí và đạo cụ sẵn có, số còn lại thì làm mới. Để hoàn thành kịch bản, Quang Thảo phải sống trong những ngày “sóng gió” vì hơn một tuần gần như chỉ suy nghĩ và viết chứ không dám ngủ một giấc trọn vẹn. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được một câu chuyện đúng như ý mình và diễn viên ở IDECAF thì luôn ưu tiên thời gian cho NXNX.
* Gấp gáp như vậy nhưng không thấy có sự vội vã hay cẩu thả. Khán giả đã thưởng thức một vở diễn được dàn dựng hấp dẫn, chỉn chu.
- À không, nó chỉ gấp gáp so với tôi khi dựng các vở trước đó. Ví dụ bình thường tôi chỉ làm một đến hai việc trong một ngày thì với vở này, tôi phải làm năm đến bảy việc nên cảm thấy bị vắt kiệt sức. Còn tính tôi xưa nay vẫn là người cầu toàn trong công việc.
* Ngoài áp lực thì cảm hứng của anh trong lần đạo diễn này là gì?
- Áp lực và cảm hứng thường song hành. Sau sáu năm tôi mới quay lại dựng NXNX, tính từ vở Bảo tàng quái vật, thì phải vắt chân lên cổ mà chạy. Tuy vậy, sự kiện này đã cho tôi nhiều kinh nghiệm làm nghề và cách bình tĩnh giải quyết các vấn đề nảy sinh. Tiếp theo áp lực là những lo lắng kéo dài từ lúc tập cho đến ngày phúc khảo và những suất diễn đầu tiên.
Lần này, tôi quyết định dựng vở ngắn hơn và cách kể câu chuyện cổ tích hiện đại như thế nào thì hợp mới là vấn đề. Vở vẫn có yếu tố thần tiên nhưng không còn mơ màng, lãng đãng mà phải nhanh gọn, đánh trực tiếp vào giác quan của các bé. Một vở dễ thương, lãng mạn, giữ được phong cách của mình và có các thông điệp giáo dục là điều tôi hướng đến, nhưng tôi rất lo vì không biết tác phẩm của mình sẽ được đón nhận như thế nào.
Vé đợt này được bán hết quá nhanh khiến tôi vừa vui vừa mang một áp lực khác là không thể làm khán giả thất vọng vì khán giả đã chờ đợi NXNX khá lâu. Khi suất diễn đầu tiên mở màn, chiếc thuyền kéo Sinbad ra sân khấu, khán giả đồng thanh la lớn một cách thích thú, tôi biết mình được đón chờ. Tất cả diễn viên trở lại cuộc chơi vui vẻ với thiếu nhi, tung tăng, hồn nhiên trên sân khấu. Trong suốt thời gian diễn, trong tôi đan xen giữa cảm giác lo lắng và lâng lâng. Tôi thường thừ người ra vì không biết phải làm gì để cảm ơn những bạn diễn, anh em kỹ thuật, hậu đài… và khán giả đã yêu mến chương trình.
|
Vai Bùi Kiệm |
* Anh có quan sát khán giả của mình không? Tôi thấy có suất người lớn còn nhiều hơn trẻ con.
- Nếu những ngày đầu, khán giả của ngày xưa là thiếu nhi thì những năm gần đây có rất nhiều khán giả tuổi teen. Điều này buộc đạo diễn và biên kịch viết câu chuyện cho trẻ con nhưng nên phù hợp với nhiều lứa tuổi để tuổi teen và ông bà, cha mẹ cũng phần nào thấy mình trong đó. Tôi nhớ hoài hình ảnh nhiều khán giả đã lặng người và một cô bé đã tháo kính lau nước mắt khi anh Thành Lộc (vai tiên cá Mê La) thoại câu: “Mẹ biết không, con quá mệt mỏi với những ước mơ của mẹ? Mẹ cứ muốn con giống con nhà người ta trong khi con chỉ muốn là con của mẹ”. Khán giả không cảm thấy mất thời gian vì đã xem tác phẩm này, tôi mừng vì điều đó.
|
Đi du lịch cùng mẹ |
* Tôi thường thắc mắc tại sao các nghệ sĩ không dựng câu chuyện về cái chết để các bé tập làm quen với việc nghĩ về sự mất mát, về cái chết, vì cuộc sống không bao giờ trọn vẹn. Tôi nghĩ NXNX hoàn toàn làm được điều này.
- NXNX dù có thay đổi thì vẫn là một chương trình cho thiếu nhi nên nếu có đề cập đến cái chết thì cái chết đó phải được giải quyết bằng cách cho sống lại vì tình yêu thương, khi các con yêu thương một ai đó thì họ sẽ không rời xa các con. Tôi không bao giờ muốn các bé rời sân khấu mà trong lòng trĩu nặng vì một nhân vật đã chết. Tôi muốn các bé sẽ kể với bạn bè mình về một vở kịch có cái kết hạnh phúc. Tôi làm đạo diễn và dẫn chương trình cho rất nhiều chương trình thiếu nhi nên biết các bé sẽ hụt hẫng, buồn và khóc nhiều như thế nào khi các nhân vật mình yêu mến bị tai nạn, bị đau hay chết…
Trẻ con rất quan trọng
* Từ những ngày đầu cho đến nay, anh kỳ vọng lồng yếu tố giáo dục vào tác phẩm của mình như thế nào?
- Gần như không và chưa bao giờ tôi muốn thay đổi một đứa trẻ bằng một vở kịch. Dạy con thuộc về cha mẹ và nhà trường. Cha mẹ phải có trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ con cái. Tôi chỉ muốn dựng một vở kịch đẹp về hình thức và nội dung, trong đó có chứa những thông điệp tốt đẹp. Đó là quan điểm xuyên suốt của tôi từ năm 2006, khi lần đầu dựng NXNX cho đến nay. Tôi cũng không đặt ra những vấn đề quá lớn trong một vở kịch. Ví dụ, với vở lần này, thiếu nhi sẽ thấy xả rác là không tốt, tuổi teen đừng kỳ thị bạn bè vì họ khác biệt, cha mẹ đừng bắt con vẽ tiếp ước mơ của mình, ông bà sẽ thấy đã lâu rồi ta chưa kể cho con cháu nghe những điều tốt đẹp của gia đình mình. Tôi không có khát vọng và cũng không có quyền năng để thay đổi một đứa trẻ nhưng vẫn tin nghệ thuật sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con người.
* Vì sao anh yêu thích làm chương trình cho thiếu nhi?
- Ban đầu, tôi không chủ động lựa chọn làm chương trình thiếu nhi, nhưng từ khi làm Chuyện ngày xưa phát trên HTV và NXNX thì đài truyền hình và các công ty thường mời làm. Đó là cơ hội để hiểu trẻ con vì được tiếp xúc nhiều. Với tôi, trẻ con rất quan trọng và phải luôn được quan tâm. Cuối mỗi suất diễn NXNX, khán giả thường chạy lên sân khấu để chụp hình với nghệ sĩ, tôi để ý thấy các bé nhỏ khó chen được để đi lại chỗ chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi thường chủ động đến nắm tay các con chụp hình và thường đứng thấp xuống hơn các bé khi trò chuyện.
May mắn là vì tôi được sống trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương của mọi người dành cho nhau nên muốn lan truyền tình yêu thương ấy càng xa càng tốt. Trong các câu chuyện tôi làm đạo diễn đều đề cao tình yêu thương gia đình: An Ly và thần băng giá nói về tình mẹ con, Hoàng tử gấu và hạt đậu thần nói về tình chị em, Cuộc chiến ông kẹ và các bà mẹ nói về tình cha con, Bảo tàng quái vật nói về tình yêu thú cưng… Thật may mắn khi một đứa bé được sinh ra trong một gia đình đầy tình yêu thương.
* Trẻ em có trí tưởng tượng không giới hạn, nghĩa là một đạo diễn muốn dựng được chương trình thiếu nhi hấp dẫn bắt buộc phải có trí tưởng tượng ngang bằng hoặc hơn trẻ. Làm thế nào để anh nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sự sáng tạo?
- Ngay từ nhỏ, tôi đã thích đọc truyện cổ tích và thích sự mạo hiểm. Ngay lần dựng kịch đầu tiên (vở Nữ thần nhảy múa), tôi cho nhân vật của mình đạp xe lơ lửng trên không trung, ở vở An Ly và thần băng giá, tôi “xây” ngục tù từ những trái châu thả hoặc vở mới nhất có cảnh rất đẹp là Sinbad leo lên mảnh lưới cheo leo. Tại sao xe đạp thì phải đi dưới đất?… Làm nghệ thuật cần sự bay bổng, nó đòi hỏi sự tưởng tượng rất lớn để làm được điều mới mẻ trong tác phẩm. Khi kỹ thuật sân khấu không đáp ứng được những tưởng tượng bay bổng thì nghệ sĩ phải đem thân thể của mình để thực hiện điều mình muốn, dĩ nhiên nhiều lúc phải đối mặt với nguy hiểm. Khi diễn cảnh Sinbad cheo leo trên lưới cao, tôi đã bị trượt chân té.
|
Trong vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá |
Sẽ tự tay khép lại cánh cửa sân khấu khi muốn dừng
* Là một diễn viên, anh sợ nhất điều gì?
- Tôi chỉ sợ vì sức khỏe hay tai nạn làm mình không diễn được và sợ cạn kiệt sức sáng tạo. Khi còn trăn trở với vai diễn, còn hồi hộp chờ đợi xem khán giả đón nhận vở kịch của mình như thế nào… thì tôi vẫn còn có thể sáng tạo trong nghề. Tôi sợ nhất là khi ra sân khấu, diễn viên diễn sao cũng được, mong diễn nhanh cho xong… thì rất buồn.
* Tôi tin điều anh nói vì luôn thấy anh đầy cảm hứng với nhân vật của mình trong từng suất diễn, dù là kịch người lớn hay thiếu nhi. Anh có nghĩ rằng làm diễn viên và đạo diễn là phù hợp với mình nhất?
- Thật ra lúc đầu tôi không muốn làm diễn viên. Đầu những năm 2000, khi HTV phát sóng chương trình Chuyện ngày xưa, nhóm Líu Lo rất nổi tiếng, nhưng tôi vẫn không muốn làm diễn viên nên làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi không biết vì sao lại vậy, dù lúc ấy vẫn đều đặn diễn rối và NXNX. Đến giờ, tôi vẫn còn phân vân không rõ nếu được lựa chọn lại, liệu mình có làm diễn viên không. Nhưng nếu làm nhân viên văn phòng hay nghề gì khác thì tôi đâu có thể làm những chuyện “điên khùng” đầy thú vị như lâu nay (cười).
* Để cuộc sống được tự do, thoải mái và làm được việc mình thích, với anh có khó không?
- Không khó chút nào! Từ lâu, tôi đã xác định mình phải sống vui và luôn có xu hướng nhìn mọi thứ ở mặt tích cực. Tôi biết, dù là nghệ sĩ hay là ai thì sự lựa chọn của mỗi người sẽ đem lại cho họ cảm giác tự do hay không. Bao nhiêu mét vuông thì tự do? Hai mét vuông trong nhà tắm của mình cũng là tự do, ra thuyền lớn vượt biển cũng tự do, quan trọng là mình tìm thấy niềm vui ở những nơi đó.
* Theo anh, điều đáng buồn nhất của một nghệ sĩ là gì? Ví dụ như tôi thì thấy đó là khi họ đánh mất sự mơ mộng…
- Với tôi, đó là khi nghệ sĩ đánh mất sự rung động. Khi một nghệ sĩ không còn cảm thấy xúc động với bất cứ điều gì trong cuộc sống thì rất đáng buồn. Đó không chỉ đối với nghệ sĩ mà là con người nói chung, dù nghệ sĩ có thể nhạy cảm hơn. Rung động trước mọi thứ trong cuộc sống là điều cần thiết, vậy nên đừng vội vã chạy đi mà không kịp ngắm nhìn mọi thứ xung quanh.
* Định nghĩa của anh về nghệ sĩ sẽ như thế nào?
- Đó phải là người làm ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Điều tôi sợ nhất là mang quá nhiều danh xưng trước cái tên của mình. Khi là nghệ sĩ, bạn sẽ phải đương đầu với thách thức của sự sáng tạo và cả sự phán xét của công chúng. Ngày nay, mọi người đều có internet và họ có thể nói bất cứ điều gì, còn nghệ sĩ thì không thể giải thích hết được. Khi bạn là một nghệ sĩ nổi tiếng thì sẽ nhận được rất nhiều thứ từ những người xa lạ và phải đáp lại cho họ những điều tốt đẹp. Những người ấy có quen biết nghệ sĩ đâu. Họ bỏ tiền ra thì đòi hỏi được thưởng thức một tác phẩm tốt và sáng tạo. Đáp ứng được đòi hỏi đúng đắn của khán giả thì giá trị của nghệ sĩ sẽ được nâng lên rất nhiều.
Đôi khi, tôi hơi buồn vì có những vụ lùm xùm khiến hai chữ nghệ sĩ không còn lung linh nữa. Nhưng rồi tôi nghĩ, ai sai người đó chịu trách nhiệm. Khi khán giả tiếp cận quá gần với nghệ sĩ thì từ chỗ quen nghệ sĩ sẽ dẫn đến chỗ nghĩ nghệ sĩ thuộc về họ và như vậy dễ đánh mất sự tôn trọng dành cho nghệ sĩ.
"Tôi trân trọng những yêu thương mà khán giả dành cho mình và sẽ không phụ tấm lòng ấy. Tôi vui vẻ, hòa đồng nhưng luôn giữ khoảng cách nhất định với khán giả. Không thể đem thước đo vật lý ra đo nhưng khoảng cách lý tưởng nhất là nghệ sĩ và khán giả cần lùi lại đủ để nhìn nhau đẹp, ở gần quá thì không nhìn thấy nhau. Giữ sự tôn trọng dành cho nhau là cần thiết, tôi luôn luôn cúi đầu cảm ơn khán giả sau mỗi suất diễn để thể hiện sự tôn trọng và cũng mong muốn khán giả tôn trọng nghệ sĩ”. Nghệ sĩ Đình Toàn |
* Anh có hình dung ra một Đình Toàn vào khoảng 60, 70 tuổi sẽ như thế nào?
- Tôi không biết lúc đó mình còn diễn được không, nhưng khi về già, tôi sẽ xem lại những tác phẩm của mình hồi trẻ và kể cho con cháu nghe hồi đó tôi đã làm chúng như thế nào. Dù ở độ tuổi nào, tôi cũng muốn mình là một nghệ sĩ sống yên ổn trong không gian riêng tư của mình.
* Đã từng không nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với công việc của một diễn viên nhưng cánh cửa sân khấu vẫn mở ra và giữ anh ở lại, vậy anh có hình dung ra cánh cửa ấy sẽ khép lại như thế nào không?
- Cho dù cánh cửa ấy khép lại hay tiếp tục được mở ra thì tôi muốn chính tay mình sẽ làm. Khi không làm nữa, tôi sẽ quyết định dừng lại chứ không phải vì ai bắt mình dừng và hài lòng với quãng đường đã qua vì đã làm hết sức. Tôi muốn khi giải nghệ, con cháu mở thông tin trên mạng sẽ không thấy thông tin xấu về mình. Chúng có thể đọc thấy những dòng khen hay chê tôi diễn chứ không phải là người đã từng làm những điều xấu.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Lam Hạnh (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp