Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Nghệ sĩ rơi vào cảnh bị “đóng băng” hoàn toàn khi không có nơi hoạt động. Cảm giác không được đứng trên sân khấu khiến cuộc sống của họ như “khuyết” đi một phần.
Chuyện cơm áo gạo tiền gặp khó, mỗi nghệ sĩ có thể xoay sở với nhiều nghề tay trái khác nhau, nhưng sự im ắng của sàn diễn khiến người làm nghề như cá mắc cạn. Nói về những ngày sân khấu tạm đóng cửa, suy nghĩ chung của đa phần nghệ sĩ không phải là khó khăn về kinh tế mà là nỗi nhớ sàn diễn, nhớ khán giả...
|
Hồng Trang và các đồng nghiệp diễn online để đỡ nhớ nghề, nhớ khán giả |
Cái khó ló cái khôn, họ tìm cách xoay chuyển tình thế để giải tỏa nỗi nhớ của mình. Thay vì ngồi chờ đợi, diễn viên Hồng Trang tập hợp một số bạn diễn của nhóm kịch Đời: Nghinh Lộc, Võ Ngọc Tân, Tiết Duy Hoà, Hồng Đào... để diễn kịch online. Mỗi buổi diễn khoảng 40 - 60 phút, sẽ giới thiệu một trích đoạn hoặc một cảnh trong số các vở diễn quen thuộc của nhóm như Nợ sữa, Thời con gái đã xa...
Chia sẻ về ý tưởng này, Hồng Trang cho biết: “Thay vì dùng thời gian rảnh rỗi để livestream trò chuyện, bông đùa với khán giả, tôi muốn làm điều gì đó cho họ xem trong những ngày này. Trước hết, chúng tôi được diễn cho “đã nư”, thoả nỗi nhớ nghề. Nếu may mắn, khán giả ủng hộ thì không còn niềm hạnh phúc nào bằng”.
Có một điều rất thú vị, hiện các diễn viên của nhóm đã về quê ở nhiều địa phương khác nhau như Bến Tre, An Giang, Châu Đốc, Long An, Thủ Đức... Mỗi buổi diễn, họ kết nối với nhau thông qua ứng dụng cuộc gọi nhóm trong Messenger của Facebook.
Các diễn viên thoại lời của nhân vật với đầy đặn cảm xúc, dù họ không thể tương tác trực tiếp với nhau. Vì thế, mỗi diễn viên gánh trên mình thử thách gần như giống với độc thoại, đồng thời vẫn phải kết nối với bạn diễn, giữ chắc tiết tấu của nhân vật để đảm bảo mạch kịch không rời rạc.
Không có sân khấu nhưng họ vẫn tỉ mỉ, cẩn trọng trong khả năng cho phép bởi các diễn viên đều cho rằng đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với người xem. Họ đều hoá trang theo đúng hình tượng nhân vật và chuẩn bị đạo cụ để tạo cảm giác chân thật cho khán giả. Bối cảnh ngôi nhà thu mua ve chai được Hồng Trang dựng nên ở khu nhà bếp của gia đình tại Bến Tre.
Có hôm, Tiết Duy Hoà vừa về nhà sau khi đi công việc đã phải vẽ râu ngay lập tức để 30 phút sau lên sóng. Nghinh Lộc cũng dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để ủi trang phục, trang điểm, làm tóc. Mọi hoạt động trước giờ lên sóng đều tất bật như thật ở sân khấu.
Trích đoạn Thời con gái đã xa của nhóm Hồng Trang:
Hồng Trang kể: “Trong vở diễn có cảnh hai nhân vật trao nhau một chiếc túi đựng quà, theo kịch bản gốc, đó là cái túi màu đen, nhưng Nghinh Lộc không tìm được, vì thế hai bên phải cố gắng tìm một chiếc túi màu trắng cho ăn khớp với nhau. Túi của tôi thì đã cũ, nhàu, còn của Nghinh Lộc lại mới hơn nên phải nhờ Lộc bóp nhàu nó đi để tạo nên sự ăn khớp.
Từng chi tiết đều được chúng tôi chú trọng như trên sân khấu. Diễn để đỡ nhớ nghề nhưng không có nghĩa được phép làm tuềnh toàng, qua loa”.
Nghệ sĩ Ái Như cũng vừa có 2 tiểu phẩm khá thú vị: Phòng dịch mùa COVID cùng Uyên và Chuyện cách ly nhà bà Hai, được chia sẻ trên fanpage của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Với thế mạnh của tác giả kiêm đạo diễn, chị khéo léo đưa những vấn đề thời sự liên quan đến dịch bệnh vào lớp diễn của các nhân vật đã tạo nên thương hiệu Hoàng Thái Thanh.
Mỗi tiểu phẩm chỉ khoảng hơn 4 phút, vừa hóm hỉnh, vừa mang ý nghĩa tuyên truyền trong mùa dịch COVID-19. Đó là cô bé Uyên của Người điên trong ngôi nhà cổ với lời khuyên phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, ăn trái cây có nhiều vitamin C... để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh. Hay bà Hai trong Nửa đời ngơ ngác và lời nhắc nhở không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm, hạn chế ra đường khi không có việc thật sự cần thiết.
Không khó để "đọc" nỗi nhớ sân khấu của nghệ sĩ Ái Như. Cả bà Hai lẫn Uyên được chị chăm chút đến từng chi tiết trong tạo hình nhân vật, diễn xuất. Dù chỉ là những tiểu phẩm rất ngắn, nhưng những khán giả là fan của Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ nhận ra ngay nhân vật yêu thích của mình ngay từ giây phút đầu tiên xem clip. Họ cảm nhận mình luôn được trân trọng hệt như khi bước vào khán phòng của Sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Nghệ sĩ Ái Như và tiểu phẩm Chuyện cách ly nhà bà Hai:
Dù kéo dài đến 60 phút hay chỉ vài phút ngắn ngủi, tất cả đều mang đến niềm vui cho nghệ sĩ giữa nỗi nhớ khán giả, sân khấu. “Thông thường, chúng tôi sẽ gặp khán giả vào hai ngày cuối tuần ở sân khấu. Nhưng nay do dịch bệnh nên việc gặp gỡ đó không thể diễn ra. Bằng những clip ngắn này, chúng tôi mong muốn mọi người đều có cảm giác Hoàng Thái Thanh vẫn đang ở bên cạnh họ" - nghệ sĩ Ái Như chia sẻ.
Trước khi lên sóng vào tối 7/4, Nghinh Lộc có buổi giao lưu ngắn với khán giả trên trang cá nhân. Nữ diễn viên tâm sự “nay lại được trang điểm, được diễn cho khán giả xem” với nụ cười đong đầy hạnh phúc. Câu chuyện của Hồng Trang nối tiếp với những tiếng cười giòn giã khi được sống cùng nhân vật.
Niềm hạnh phúc còn được tô đậm bởi sự đón nhận của khán giả. Trên fanpage của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, nhiều khán giả bày tỏ niềm nhớ nhung và mong sớm được gặp lại các nghệ sĩ. Trong khi đó, nhóm của Hồng Trang nhận được tiền ủng hộ từ một số khán giả, xem như cát-sê dành cho diễn viên. Họ quyết định dành số tiền này để ủng hộ cho quỹ phòng, chống COVID-19, thông qua diễn viên Đại Nghĩa.
|
Uyên (Người điên trong ngôi nhà cổ) đang rửa tay để phòng dịch COVID-19 |
“Được sống với nghề trong thời điểm khó khăn này là niềm hạnh phúc quá lớn, đặc biệt, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ của khán giả. Những ân tình này chúng tôi tiếp tục trao đi để chúng ta cùng sớm vượt qua” - Hồng Trang nói.
Trung Sơn