Là diễn viên, đạo diễn nổi tiếng ở lĩnh vực sân khấu kịch nhưng nghệ sĩ Công Ninh lại khá giản dị từ suy nghĩ lẫn hình thức bên ngoài trong cuộc sống. Ở tuổi 50, nam diễn viên vẫn cần mẫn đứng trên giảng đường làm công việc của người "chèo đò" đưa những thế hệ diễn viên trẻ "sang sông" và khi chứng kiến thành công của từng học trò, anh không giấu được sự hạnh phúc.
"Nhiều người tưởng vợ tôi là con gái tôi"
- Thừa nhận rằng tính tình đã thay đổi rất nhiều kể từ khi lập gia đình, không còn cực đoan và hiếu thắng như trước nữa. Cụ thể, thời gian còn độc thân, anh đã cực đoan và hiếu thắng ra sao?
Ngày trước, tôi lúc nào cũng nghĩ là mình đúng, nhiều khi dẫn đến những hậu quả không tốt. Tôi cố chấp bảo vệ nhận định và quan điểm của mình, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp mà không cần biết hậu quả. Tôi không sợ gì hết bởi tôi nghĩ nếu để xảy ra hậu quả thì bản thân tôi chịu trách nhiệm.Tuy nhiên sau khi lập gia đình, tôi thấy mình cần phải bình tĩnh lại và không cực đoan như vậy, làm gì cũng phải nghĩ đến gia đình nhỏ.
- Sự cách biệt về tuổi tác đôi khi dẫn đến cách biệt về suy nghĩ. Anh làm gì mỗi khi có sự cách biệt đó trong gia đình?
Tôi hiện đã 50 còn vợ tôi mới 30 nên quan điểm sống, hưởng thụ có chút gì đó không đồng nhất. Chẳng hạn như cô ấy thích đi chơi, du lịch hay shopping... còn tôi thì không thích. Tôi thấy cái gì đáng mua thì mua, khi nào điều kiện thuận lợi nhất thì tôi đi du lịch. Hoặc là khi đi ăn, tôi nghĩ ăn ở đâu cũng được, miễn no là được rồi, còn bà xã thì phải tới chỗ ăn cô ấy cảm thấy ngon...
Tôi không trách cô ấy bởi dù sao thế hệ trẻ cũng năng động hơn mình, tôi thì thích “giấu” mình ở một tĩnh tại nào đó, còn họ thì thích chuyển động, vấn đề là mình chấp nhận được hay không!
Thường thì tôi im lặng và tìm một nơi yên tĩnh để ngồi tịnh tâm chứ không la lối gì hết, để cho đối tượng của mình tự suy ngẫm về sự việc xảy ra. Tôi cũng không thường góp ý với bà xã khi cãi nhau. Nếu là lỗi của bà xã thì cô ấy sẽ tự nhận ra và thay đổi, chứ tôi không ra lệnh hay buộc vợ phải đổi thay. Có thể nói, tôi phản ứng rất thụ động trong những xung khắc trong cuộc sống và thường nhận về mình phần thiệt thòi, cho nên nhiều khi nhiều người cũng ăn hiếp tôi dữ lắm (cười).
- Tâm lý phụ nữ thường thích sự cưng chiều...
Tôi không phải là không chiều vợ, trong những khoảnh khắc, thời điểm cho phép thì tôi vẫn chiều bà xã. Cũng may là vợ tôi thấu hiểu, biết rõ khả năng tài chính của tôi cũng có hạn nên không đòi hỏi nhiều về nhu cầu shopping, chỉ những món đồ nào cô ấy thích lắm thì cô ấy mới mua.
Nếu cô ấy thuộc típ người đòi hỏi cao thì chắc tôi “bó tay” rồi, khả năng đâu mà cung ứng. Cái nghề của tôi thu nhập cao chỉ rơi rớt vào những “siêu cao”, còn nghệ sĩ lèng phèng như tôi thì thấp lắm.
- Có khi nào anh chạnh lòng khi nhìn thấy thành công đến nhanh với các bạn trẻ, trong khi một nghệ sĩ Công Ninh dành cả đời theo đuổi và cống hiến nhưng cái anh nhận lại chưa tương xứng?
Không, cái đó nó đúng quy luật rồi. Họ trẻ, đẹp, tài năng và xã hội, khán giả cần những tên tuổi đó nên nhà sản xuất phải cung ứng cho họ điều kiện vật chất tương xứng, điều này rất bình thường. Một số em học trò của tôi giờ vô trường toàn chạy xe hơi không, trong khi thầy nó chạy xe gắn máy chết mồ luôn, có sao đâu (cười)!
Đó là quy luật của cuộc sống và thậm chí mình còn phải mừng cho các em nữa, vì ở góc độ giảng dạy, học trò là sản phẩm của mình đưa ra xã hội, mình cũng mừng và hãnh diện chứ. Tôi làm sao bằng các em được, tuổi tác không bằng, những sáng tạo của thế hệ trẻ mình không nắm bắt được.
|
Nghệ sĩ Công Ninh và vợ con |
- Lập gia đình muộn và sinh con trễ, liệu có bao giờ anh gặp phải trường hợp trớ trêu của cảnh “cha già con mọn”?
Nhiều lần lắm. Thậm chí nhiều người còn tưởng vợ tôi là con gái tôi không à (cười). Tôi vẫn bình thường trả lời "đây là vợ con tôi", vì tôi đã xác định chuyện này khi chấp nhận lấy vợ trẻ. Họ lầm là chuyện bình thường, tại mình thôi, mình đi nghịch với cuộc sống thì mình phải chấp nhận suy nghĩ đó của người ta.
Nói đúng hơn là tôi không sống đúng quy luật của cuộc sống, đến tuổi cập kê, lấy vợ thì mình lại không làm, giờ lấy vợ trễ thì phải sẵn lòng đối diện với dư luận. Có những khoảnh khắc cũng hơi “nhột nhột” chứ không phải không có nhưng không trách người ta được.
- Nếu được quay lại khoảng thời gian thanh xuân, anh có nghĩ mình sẽ lập gia đình sớm hơn để không chịu dị nghị của xã hội hay không?
Bản thân tôi muốn lập gia đình trễ là vì muốn ổn định công việc, có một nền tảng tài chính tốt rồi lấy vợ sinh con để đủ sức nuôi vợ con. Nếu được trở lại thì tôi cũng phải chờ đến tuổi nào đó mình có cuộc sống ổn định, làm ra được tiền thì tôi mới dám nghĩ đến.
Thời trẻ tôi nghèo lắm, cơm không đủ ăn nữa thì lấy vợ đẻ con lấy gì mà nuôi... Thời điểm mới về trường dạy, tôi nghèo đến mức không đủ tiền ăn cơm bình dân. Từ từ, tôi cố gắng làm việc hết sức, xã hội bắt đầu công nhận thì cuộc sống tôi mới ổn định được chút chút.
Nghĩ lại thời 30 tuổi của mình, tôi cũng buồn và tủi thân chứ, đàn ông 30 tuổi mà không có gì trong tay. Như các em học trò tôi bây giờ, hai mươi mấy tuổi các em đã có nhà lầu, xe hơi rồi, cũng một phần do xã hội hiện tại khác ngày xưa nhiều.
- Nếu là một người khác, có lẽ thời điểm đó họ đã bỏ nghề để chọn một công việc khác có thu nhập tốt hơn. Nhưng anh thì khác, vẫn bám trụ với nghề...
Thời đó tôi biết làm gì bây giờ? Thật sự tôi không biết làm gì hết, vốn liếng không có, người đỡ đầu, rồi khuynh hướng đầu tư kinh doanh gì đó, tôi cũng không có... Lúc đó tôi chỉ biết đi dạy thôi, thỉnh thoảng cũng có đi phim nhựa mà phim nhựa thời đó quay lâu lắm chứ không nhanh như bây giờ. Tôi nhớ lần nhận cát-sê phim Ai xuôi vạn lý được 6 triệu đồng nhưng phải trang trải chi phí cho cả năm thì sao mà còn tiền để dành được (cười).
Đến năm 2000, khi phim truyền hình phát triển thì tôi mới bắt đầu có thu nhập chút đỉnh khi đi đóng mấy vai phụ. Nói chung bây giờ tôi may mắn có chút đỉnh tiền để mua thức ăn, quần áo, giày dép, xe cộ... vậy thôi!
Hiện tại, tôi không đòi hỏi gì cao vì mình cũng lớn tuổi rồi. Tôi quan niệm nếu giờ phim truyền hình còn mời đi đóng vai phụ để mình có thu nhập chút ít thì cũng mừng lắm rồi! Không phải ai ở lứa tuổi của mình còn làm nghề được đâu, nhiều người cũng lụm khụm rồi hay có người chưa được khán giả biết đến... Mình như vậy là được nhiều lắm rồi, cuộc đời cũng ưu đãi cho mình nhiều chứ không đến nỗi bạc đãi và tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
- Nhắc đến nghệ sĩ, nhiều người vẫn nghĩ đến hình ảnh bóng bẩy vẻ ngoài với “quần là áo lượt”, nhưng với nghệ sĩ Công Ninh, dường như anh không quan trọng việc này. Anh luôn ăn vận giản dị, thậm chí có đôi lúc hơi xuề xòa...
Thật ra tôi cũng muốn “quần là áo lượt” lắm chứ, muốn lên xe xuống ngựa lắm chứ nhưng mà điều kiện nhiều khi không cho phép.
Bên cạnh đó, tôi lại không thích việc mỗi lần ra đường phải cẩn thận về quần áo, ngồi ở đâu phải dòm xem chỗ đó có đáng ngồi hay không... tôi không muốn hình thức bên ngoài nó xáo trộn những suy nghĩ quan trọng hơn của tôi. Thành ra nhiều lúc tôi ra đường hơi xuề xòa vì tôi không phải mất thời gian nhiều về quần áo hay đầu tóc, mà tôi dành thời gian cho những vấn đề khác quan trọng hơn.
Thực ra tôi đã suy nghĩ và cố gắng thực hiện rất nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa làm được. Tôi rất ủng hộ nghệ sĩ chú trọng hình thức khi xuất hiện trước công chúng. Tôi rất quý những nghệ sĩ “quần là áo lượt” vì tôi cho đó là một đạo đức.
Còn những người lè phè như tôi là đang có lỗi với khán giả và tôi nhận lỗi! Ở góc độ nào đó, tôi không có điều kiện sắm sửa nhiều trang phục đẹp, bên cạnh đó tôi cũng không chịu được sự chi phối của hình thức, nó khiến tôi mất nhiều thời gian và tôi muốn dùng thời gian của mình để nghĩ những chuyện quan trọng hơn.
"Đừng trách nghệ sĩ trẻ chạy theo gameshow"
- Vốn là người kiệm lời và hiếm khi xuất hiện trước công chúng, tuy nhiên vừa qua, anh đã đảm nhận vai trò giám khảo cuộc thi Kịch cùng bolero, động lực nào đã thúc đẩy anh làm điều này?
Điều kích thích tôi nhận lời làm giám khảo cuộc thi truyền hình mới đây bắt nguồn từ nội dung chương trình và sự tò mò của bản thân. Khi xem format Kịch cùng bolero, tôi thấy ngồ ngộ và muốn ngồi xem để học hỏi cũng như thử nghiệm nghiên cứu mới về thể loại này.
- Nghệ sĩ Hữu Châu từng có ý kiến nhận đình cho rằng: “Gameshow giết chết diễn viên, loạn diễn viên, sản sinh ra một số diễn viên không chấp nhận được”, anh nghĩ sao về quan điểm trên của NSƯT Hữu Châu.
Thực ra nghệ sĩ Hữu Châu nói không sai nhưng ở góc nào đó, quan điểm trên vẫn chưa đúng lắm. Cuộc sống mà, nó muôn mặt lắm. Mình đứng ở góc độ này thì thấy như vậy nhưng đứng ở góc độ khác thì mình sẽ thấy nó khác. Tuy nhiên, ý kiến trên cũng giúp các nghệ sĩ nhìn nhận lại công việc và hiệu quả của gameshow đối với diễn viên lẫn công chúng.
Có thể, Hữu Châu chứng kiến một số trường hợp diễn viên trẻ thi gameshow và gây ra những tiêu cực nên dẫn đến nhận định trên.
Nếu đứng ở góc độ khác nhận xét, không thể phủ nhận gameshow đã phát hiện cho xã hội một số tài năng tiềm ẩn. Tôi cũng xem rất nhiều và nhận thấy một trong những yếu tố khiến gameshow cuốn hút khán giả là việc luôn mang đến sự bất ngờ cho khán giả, từ tiết mục biểu diễn của thí sinh đến việc ban giám khảo nhận xét hay những phản ứng tương tác giữa giám khảo với thí sinh...
Việc gameshow bị phê phán, vấn đề nằm ở chỗ nhà sản xuất, những người làm chương trình, họ lạm dụng nó, đưa vào những cái dung tục, méo mó về cuộc sống, cái đó thì cần phải chê trách.
- Phải chăng việc nhiều nghệ sĩ trẻ vì lo chạy show gameshow nên lơ là sân khấu, tập dợt qua loa, thiếu sáng tạo cho vai diễn khiến khán giả chán, sân khấu chết dần...
Tôi thấy điều này cũng khó nói lắm, bởi công việc của các em bây giờ nhiều hơn xưa nên việc chia thời gian là điều dễ hiểu. Chúng ta không trách nghệ sĩ trẻ được bởi họ có mưu cầu hạnh phúc và muốn khẳng định bản thân với khán giả. Họ chơi gameshow, nếu thành công thì sẽ có lợi về danh tiếng, cũng có thêm một ít kinh phí cho cuộc sống nên không thể buộc họ bỏ đi quyền lợi lớn từ gameshow chỉ để tập trung cho sân khấu. Bản thân mình nếu rơi vào tình huống đó thì cũng xử lý vậy thôi, nên không trách được.
Ai lên tiếng trách nghệ sĩ như vậy thì tôi thấy hơi bị bất công. Muốn trách họ thì phải hiểu họ trước. Nếu cảm thấy diễn viên nào bận quá thì đừng mời, mời người khác rảnh hơn thay vào. Nhưng nếu mời người khác thì chất lượng không bằng người cũ thì bạn phải chấp nhận thôi, chứ cái gì cũng muốn đâu có được!
Bạn thử tưởng tượng, một diễn viên giỏi thuộc hàng “siêu sao” diễn liên tục mỗi tuần, một tuần 4 suất tại sân khấu kịch với thù lao cao nhất là 1 triệu đồng, chứ diễn viên trẻ mới ra trường chỉ tầm 250 – 300 ngàn đồng là hết mức, thu nhập mỗi tháng của “siêu sao” cũng chỉ tầm 16 triệu đồng, họ sống nổi không? Chứ chưa nói đến diễn viên trẻ, lương thấp, ít suất diễn... thì làm sao họ sống? Cho nên chúng ta phải thông cảm việc họ đi làm thêm, chạy show kiếm sống.
- Với mức thu nhập bấp bênh như anh vừa chia sẻ, liệu có còn đủ động lực để các bạn trẻ giữ “lửa” với nghề?
Phải đứng trong cuộc chơi này thì mới biết được nghệ sĩ cực và khổ như thế nào! Họ phải nỗ lực ra sao để khẳng định tên tuổi thì mới có mức cát-sê ổn định và đáng mơ ước. Nhìn người khác đi xe hơi, nhà lầu, quần là áo lượt... cũng chạnh lòng chứ! Cho nên phải ở trong cuộc mới hiểu nghệ sĩ khổ lắm.
- Nhiều sân khấu kịch hiện đagng hoạt động èo uột, cầm chừng... Trước thực trạng này, theo anh cần yếu tố gì để kịch phát triển mạnh mẽ trở lại?
Nếu như bạn bước vào một sân khấu và theo dõi vở kịch được dàn dựng chu đáo, đầu tư công phu từ nội dung kịch bản đến diễn xuất của diễn viên, cảnh trí hấp dẫn, âm thanh ánh sáng cuốn hút thì bạn có vui vẻ bỏ tiền ra mua vé không? Quá đáng đồng tiền đúng không! Còn nếu bước vào nhà hát mà chỉ thấy vài cái bục chuyển qua chuyển lại, mấy bóng đèn tắt mở liên tục, diễn viên thều thào trên sân khấu... thì tôi không muốn bỏ tiền ra mua vé xem.
Điều tôi muốn nói ở đây là sân khấu kịch cần đầu tư đến nơi đến chốn. Dàn diễn viên diễn giỏi, sân khấu hoành tráng, bàn tay đạo diễn dàn dựng tinh tế cùng sự tổ chức thật nghiêm túc... thì làm sao mà vắng khán giả được?
Khán giả đâu có bỏ sân khấu, là do những người làm sân khấu bỏ khán giả đấy thôi! Họ làm những việc coi thường khán giả như đưa ra nhiều vở diễn quá dễ dãi và tầm bậy tầm bạ, thiếu đầu tư, tập dợt ba trợn, diễn viên ba chớp ba nháng, cảnh trí thì lều khều vài cái bục, ánh sáng cũng chỉ le lói vài bóng đèn... Họ nên tự trách mình trước khi trách khán giả!
Thanh Hương thực hiện