Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

22/07/2021 - 18:23

PNO - Hầu hết nghệ sĩ trong gia tộc đều thờ Tổ nghề hát, riêng nghệ sĩ Công Minh còn thờ thêm Tổ nghề may. Nếu nghề hát cho ông tên tuổi, thì nghề may phục trang đã nuôi sống gia đình ông mấy mươi năm qua.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Nổi danh nhờ những lần thế vai

Nghệ sĩ Công Minh là con thứ chín của ông bầu Minh Tơ (đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, gia tộc Vĩnh Xuân ban, một trong ngũ đại gia tộc của cải lương Việt Nam), trên ông có nghệ sĩ Xuân Yến, NSND Thanh Tòng, Thanh Loan…
12 tuổi, ông bước lên sân khấu với vai quân sĩ, không có thoại. Lần đầu tiên ông được chú Tư - nghệ sĩ Khánh Hồng - vẽ mặt, cảm giác hạnh phúc khó tả. 15 tuổi, ông tìm đến nghệ sĩ Bảy Đực (cha NSƯT Trường Sơn, chú của nghệ sĩ Công Minh) xin văn để học hát cho hoàn chỉnh hai câu thôi mà tối đó ông vui đến mất ngủ. Như một sự sắp đặt, đời ông sinh ra là dành cho sân khấu.

Sau khi đất nước thống nhất, sự nghiệp của ông mới khởi sắc. Công Minh thành danh trên sân khấu Minh Tơ với nhiều vai phản diện, từ những cơ hội bị người khác bỏ.

Nghệ sĩ Công Minh trong vai Quách Hòe  (vở Bích Vân Cung kỳ án)
Nghệ sĩ Công Minh trong vai Quách Hòe (vở Bích Vân Cung kỳ án)

Nghệ sĩ được giao đóng vai Tào Tháo (vở Tờ huyết thệ, tên gọi trước Mã Siêu báo phụ cừu) đòi tăng lương, bỏ vai. NSND Thanh Tòng tiến cử em trai. “Ba tôi hoài nghi hỏi lại: “Có được không?”. Anh Tòng cam đoan sau một tuần tôi có thể hát được. Tôi chưng hửng” - ông nhớ lại.

Khi đó, ông đương tuổi mới lớn, mê hát nhưng cũng mê chơi. Sau ba ngày, ông vẫn không thể nhập vai, bị nghệ sĩ Thanh Tòng mắng ngay trên sân khấu. “Anh ấy nói: “Có muốn mang tiếng cha làm thầy con đốt sách hay không?”. Tôi hiểu anh ấy nóng ruột là có lý do. Đêm đó, tôi khóc, không ngủ được vì thấy mình tệ quá” - ông nhớ lại, như chuyện mới hôm qua.

Tào Tháo là nhân vật rất quan trọng trong vở diễn này, đa nghi, lạm quyền, nhiều tham vọng… NSND Thanh Tòng chỉ bảo cho em trai từng chút một, chẳng hạn mắt phải liếc thế nào, vuốt râu ra sao, hay thậm chí phải chỉnh giọng để phù hợp với tuổi nhân vật. Hình ảnh các bậc tiền bối từng đảm nhận vai diễn này cứ hiện về, ông nhớ và rút tỉa thêm kinh nghiệm. Trên cả, bảng hiệu Minh Tơ, sự vẻ vang của gia tộc là động lực để Công Minh cố gắng chạy đua với thời gian, tập luyện cật lực ngày đêm không ngơi nghỉ. 

Sau khi phúc khảo vở diễn tại rạp Hào Huê, một số thành viên trong hội đồng vào hậu trường tìm người đóng vai Tào Tháo. Nhìn dáng vẻ nhỏ xíu của chàng trai 17 tuổi đang tranh thủ gột rửa lớp son phấn, ai cũng bất ngờ, không tin đó là Tào Tháo to lớn trên sân khấu lúc nãy. 

Các đêm diễn đều đông nghẹt. Khán giả càng thương nhân vật chính diện, lại càng ghét nhân vật phản diện. “Một lần, đoàn diễn ở rạp Olympic, khán giả quăng chai dầu gió lên vì quá ghét Tào Tháo, khiến tôi giật mình, nhưng nhanh chóng định thần để hoàn thành vai diễn. Tôi cũng vui vì khán giả tin đó là Tào Tháo, nghĩa là tôi đã thành công. Tôi luôn nhớ ơn anh Thanh Tòng, vì không có sự khích tướng ngày đó, chắc sẽ không có vai diễn này”, ông kể.

Sau đó, cũng vì một nghệ sĩ bỏ vai, ông nhận vai Quách Hòe trong vở Bích Vân Cung kỳ án. Cái ác của nhân vật này lại được thể hiện khác, đến từ lòng thù hận, tham vọng quyền lực, thượng đội hạ đạp. 

Nghệ sĩ Công Minh tiết lộ vai diễn này thành công nhờ ông vô tình xem được một bộ phim tài liệu của Hàn Quốc, nói về hoạn quan, chiếu ở một tụ điểm trên đường Phan Kế Bính. Ông ghi nhớ cử chỉ, điệu bộ, đặc biệt là giọng nói để mang vào vai diễn này, cộng thêm một số kinh nghiệm học hỏi được từ đoàn hát để giúp vai diễn có màu sắc riêng.

Ông nói, suốt những suất diễn, hầu như thấy Quách Hòe xuất hiện, khán giả đều căm phẫn. Có hôm, ông nghe rõ tiếng nói từ dưới sân khấu: “Thằng này ra đường mà gặp sẽ đánh cho một trận. Ác gì ác dữ vậy không biết”, hoặc cũng có khi ông lãnh trọn mớ rác khán giả bức xúc ném lên. 

Vai thái giám Từ Hy trong vở Tô Hiến Thành xử án cũng ghi dấu con đường chuyên trị vai độc của Công Minh. Cái ác đến từ lòng tham. Vì thế, ông tập trung vào phần nội tâm, ngôn ngữ, giọng điệu để làm bật tính cách. Nhờ kinh nghiệm với vai Quách Hòe trước đó, nghệ sĩ Công Minh vào vai này khá “ngọt”. Những lần lên giọng xuống giọng của Từ Hy, nghe thôi đã ghét rồi. Với bản ghi hình, ông đóng cùng nghệ sĩ Thanh Tòng, Thanh Loan, Vũ Linh… Cát-sê ông nhận được ngang ngửa anh trai.

Đóng vai phụ, còn bị ghét, nhưng chưa bao giờ ông thấy phiền lòng, bởi quan niệm sự cống hiến nào cho khán giả cũng đáng giá, đáng trân trọng. Có được thành quả nhất định, nhưng chưa bao giờ Công Minh và các anh chị em gia đình nhận được lời khen từ cha. Chỉ cần thấy ông bầu đứng chắp tay phía sau, đầu gật nhẹ, họ biết đã ổn. 

Nghệ sĩ Công Minh bảo: “Cha tôi không muốn từ lời khen con cái sinh ra ngạo mạn, ngủ quên trên chiến thắng. Cũng chính lẽ đó khiến anh, chị, em chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu mỗi ngày”.

Nghệ sĩ Công Minh và phục trang do ông làm
Nghệ sĩ Công Minh và phục trang do ông làm

Năm 19 tuổi, ông cắt amidan, trở lại sân khấu chỉ chưa đầy một tháng. Mẹ cản nhưng ông vẫn liều vì quá nhớ khán giả. “Nghệ sĩ mười người như một, có bệnh, đau mấy, nhưng cứ bước lên sân khấu là như không có chuyện gì xảy ra”, ông nói. Đêm đó, ông hát đến hộc máu, nhưng giấu nhẹm. Chẳng ngờ, việc đó lại khiến ông dần mất giọng, đây là điều kinh khủng nhất với một nghệ sĩ. 

Hối hận hay không, ông không trả lời, chỉ tiếc thời trẻ suy nghĩ non dại. Bởi lẽ, nếu không vì sự cố này, sự nghiệp của ông có thể đã tiến thêm nhiều bước nữa.

Người thờ hai Tổ

Từ nhỏ, các anh em của ông được cha “thả” vào đoàn hát để học việc, từ hậu trường đến trên sân khấu, để đảm đương đoàn hát về sau. “Chuyện gì không biết, thắc mắc, chúng tôi sẽ tự hỏi, tự học. Điều đó giúp anh em chúng tôi tự giác hơn trong công việc và hoạt động sau này. Cha tôi quan niệm, làm nghệ sĩ cái gì cũng phải biết. Chẳng hạn, tôi cũng có thể đánh trống, chỉnh âm thanh, ánh sáng”, ông tâm sự.

Nghệ sĩ Công Minh từ nhỏ đã có niềm đam mê với phục trang. Ông nhớ như in cảm giác thích thú khi được nhìn những bộ trang phục cầu kỳ, lộng lẫy từ các gánh hát Quảng Đông sang diễn. Mỗi lần họ về, ông bầu Minh Tơ lại mua mão toàn bộ, giao cho nghệ sĩ Thanh Loan trông coi. Ông lót tót theo chân chị gái để được “sống trong nhung lụa”. Vì thế, từ nhỏ ông đã thành thạo chuyện xếp áo mão, gấp trang phục sao cho chỉn chu, cẩn trọng.

Nghệ sĩ Công Minh vai Thái giám  (vở Tô Hiến Thành xử án)
Nghệ sĩ Công Minh vai Thái giám (vở Tô Hiến Thành xử án)

Ông cũng chẳng ngờ, niềm vui ngày nào, đã trở thành cái nghiệp gần 30 năm qua. Cụ thể, sau năm 1992, khi đoàn Minh Tơ tan rã, nghệ sĩ Công Minh và vợ chuyển sang làm phục trang, với sự đồng hành của cố nghệ sĩ Chí Tiên, một người em vợ, suốt 15 năm. 

Nghề hát cho ông danh tiếng, nghề làm phục trang thì giúp ông nuôi sống cả gia đình. Nghệ sĩ Công Minh tâm sự: “Thời điểm trước, nghệ sĩ có gì mặc nấy, miễn được hát là vui. Vì thế, khi chuyển sang làm phục trang, tôi tâm niệm phải làm những bộ cánh đẹp nhất, chỉn chu nhất”.

Thời gian đầu, ông làm theo thói quen, kinh nghiệm đã có ở đoàn Minh Tơ. Chẳng hạn, nhân vật uy nghi, quyền thế thì tà áo dài, nhiều chi tiết; nhân vật hiền thì dùng màu nhu, dịu mắt… Nhưng, một lần nọ, ông bị chê trang phục không mang nét Việt, mà giống Trung Quốc. 

“Tôi giật mình. Sau đó, tôi tìm đến nhà sách mua sách sử để đọc, cũng như tìm đến người có hiểu biết để góp nhặt kiến thức. Tôi không tự ái vì bị góp ý. Tuổi nào cũng cần học để làm cho đúng, cho đẹp. Sự cầu thị luôn có những kết quả tốt đẹp”, ông nói.

Nghề diễn hay nghề may, thì tử tế vẫn là điều quan trọng hàng đầu. Vì thế, cần phục trang, Công Minh là cái tên đầu tiên người làm nghề nhớ đến. Ông cười bảo mình kỹ tính đến mức nhiều người sợ. “Một số lần nhìn người ta thuê, đặt trang phục nhưng mặc không đúng cách, không giữ gìn, tôi xót. Chẳng hạn, tôi không thích diễn viên khi mặc phục trang xong lại ăn uống, vì nhiều loại thức ăn bám mùi rất khó chịu. 

Chưa kể, một số diễn viên không biết giữ gìn trang phục khi mặc vào. Vì thế, tôi có thói quen sẽ đi cùng ê-kíp để mặc trang phục cho diễn viên. Khi nào tôi không đi được cũng cử người đi theo”, ông tâm sự.

Ông nói cả đời này dành trọn cho sân khấu. Ngày trước đó là những vai diễn thì nay mọi tâm huyết đều được thể hiện qua những trang phục. Gần đây, ông huy động lực lượng của gia tộc để gầy dựng lại bảng hiệu Minh Tơ, với mong muốn con cháu sẽ tiếp tục gìn giữ. Đêm diễn đầu tiên diễn ra vào ngày 1/5. Sau đó, hoạt động tạm ngưng vì dịch COVID-19. Ông bảo ở tuổi này, còn làm được gì cho sân khấu, gia tộc, ông sẽ dốc hết lòng, để mai này không có gì phải hối tiếc. 

Thành Lâm

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI