Nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa kỳ vọng gì trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội?

21/05/2021 - 18:48

PNO - Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV vào ngày 23/5 tới, Báo Phụ Nữ TPHCM ghi nhận một số ý kiến và lắng nghe kỳ vọng của các nghệ sĩ, những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

 

NSND Minh Vương
NSND Minh Vương

NSND Minh Vương: Giữ gìn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống

Kỳ nào cầm lá phiếu đi bầu, tôi cũng có nhiều cảm xúc. Đó là nghĩa vụ, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi cử tri, chúng ta phải tận dụng hết quyền của mình. Trong những năm qua, có không ít các vấn đề nóng, nhức nhối của đời sống xã hội cũng như những nguyện vọng của người dân được đưa ra trên nghị trường. Theo đó, cùng với những ngành nghề khác, văn hóa đã và đang có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng tích cực hơn.

Ở mỗi nhiệm kỳ, đều có những tiếng nói đại diện cho giới nghệ sĩ, có như thế, chúng tôi mới yên tâm mà làm nghề và cống hiến hết sức mình. Là nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, bên cạnh những vấn đề thuộc về dân sinh, tôi rất mong muốn, Quốc hội có những chính sách nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đất nước nào cũng vậy, phải phát triển từ gốc thì mới vững.

Nhà văn Võ Thu Hương
Nhà văn Võ Thu Hương

Nhà văn Võ Thu Hương: Có những quyết sách phát triển văn hóa đọc

Dưới góc độ là công dân, tôi mong những vấn đề an sinh xã hội sát sườn nhất của người dân được giải quyết trong nhiệm kỳ này: tránh được ngập lụt, tắc đường, kẹt xe khi ra phố; vào bệnh viện không phải xếp hàng mệt mỏi; con cái đi học không bị áp lực vào điểm số thành tích, để trẻ con được phát huy đúng năng lực, sở trường và niềm vui thích của chúng.

Bản thân là nhà văn trẻ, chủ yếu viết sách cho thiếu nhi, tôi hy vọng sẽ có những thay đổi về cách nghĩ, cách làm nâng cao văn hóa đọc cho trẻ em. Đặc biệt, Quốc hội sẽ đưa ra được những quyết sách, để văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở chủ trương hoặc làm một cách hình thức mà được thực tiễn hóa, có giá trị trong đời sống nhân dân.

Trong những chuyến đi thực tế các vùng miền, tôi để ý thấy, ngoài thiếu ăn, thiếu mặc, các em nhỏ còn thiếu cả sách hay để đọc. Có nhiều dự án đưa sách về cho trẻ em vùng sâu vùng xa nhưng có không ít nơi, nhận được những cuốn sách không phù hợp, không có giá trị đối với trẻ... Dù rằng sách hay cho thiếu nhi khá nhiều nhưng việc đưa sách dở đến cho thiếu nhi vẫn diễn ra không hề ít.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang: Kiến nghị giải quyết cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Những bất cập ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) kéo dài mấy năm qua, sau khi thực hiện cổ phần hóa vào năm 2016. Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa VFS có nhiều sai phạm; sau đó, Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn.

Tháng 4/2019, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản kết luận yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư, xây dựng phương án củng cố, phát triển VFS. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.

Bấy nhiêu năm bất cập, là bấy nhiêu năm anh chị em nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên (trong đó có rất nhiều NSND, NSƯT, những người được giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật) sống trong tình trạng “không nhà”, các chế độ lao động cũng không được giải quyết khi ốm đau, hoạn nạn, buộc phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi.

Không dễ gì có một VFS - viên gạch đầu tiên, cánh chim đầu đàn của điện ảnh nhà nước, có lịch sử 60 năm với nhiều bộ phim ghi dấu ấn. Trước thềm ngày bầu cử, tôi hy vọng tới đây, nguyện vọng của anh chị em nghệ sĩ chúng tôi được lắng nghe, câu chuyện cổ phần hóa VFS được giải quyết một cách dứt điểm.

CEO Nguyễn Văn Phước
CEO Nguyễn Văn Phước

CEO First News Nguyễn Văn Phước: Đừng quên câu chuyện bản quyền

Người dân rất mong muốn, mỗi kỳ bầu cử, có thể chọn ra được những đại biểu có tài, tâm, có tầm để giúp đất nước ngày một phát triển hơn, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Là người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, tôi rất quan tâm tới câu chuyện bản quyền; bản thân tôi cũng là người đã có những đấu tranh rất mạnh mẽ trong vấn đề này. Đây là một trong những điều mà bất cứ độc giả trí thức nào cũng mong muốn được tôn trọng. Song, thực tế hơn 10 năm qua cho thấy, tình trạng vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, nhiều nơi tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu… mà vẫn chưa được xử lý, hoặc mức độ xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc trước các vụ làm bằng cấp giả, thuốc giả, nước nắm giả, sách giả… Tôi nghĩ, để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiến bộ, văn minh, chúng ta phải có những quan tâm đầy đủ về câu chuyện bản quyền và phải thực thi luật về bản quyền một cách nghiêm túc.

Cốc Vũ (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI