Nghệ sĩ Võ Minh Lâm vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam. Niềm vinh dự ấy được tạo nên từ con đường vượt khó của anh để thành danh với cải lương, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
“Tôi vinh dự được là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam. Tôi thấy mình may mắn vì còn nhiều người giỏi giang và đang đóng góp tích cực cho xã hội”, anh nói.
Từng muốn bỏ nghề vì áp lực
Phóng viên: Chạm đến thành công, hẳn anh cũng đi qua vấp ngã, có sự thất bại nào không thể quên?
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm: Hơn 15 năm trước, khi tôi theo nghề, không ít người thắc mắc vì sao là cải lương chứ không phải con đường khác. Trong bối cảnh khó khăn, họ hoài nghi về những gì tôi sẽ có trong tương lai.
Sau khi đăng quang Chuông vàng vọng cổ, tôi nhận nhiều chê bai, lắc đầu hơn là ủng hộ. Có thời điểm, tôi khủng hoảng giữa những ánh mắt dò xét. Có người nói tôi là trường hợp “đãi vàng tìm cát”. Họ không tin một chàng trai 17 tuổi sẽ có thể làm được gì cho cải lương. Hôm nay, những điều tôi có được, như một câu trả lời.
* Điều gì giúp anh vượt qua chướng ngại đó?
- Tôi trân trọng giải thưởng đã có. Thời điểm đó, tôi không thể giải thích hay thuyết phục mọi người rằng mình xứng đáng. Sau cuộc thi, tôi trở về quê hoàn thành việc học, sắp xếp lại những xáo trộn trong cuộc sống với nhiều áp lực. Nếu không thành danh, tôi thua cuộc trước dư luận. Hơn nữa, là quán quân đầu tiên của cuộc thi, tôi phải khẳng định mình để đảm bảo thương hiệu cho một sân chơi uy tín.
Danh hiệu quán quân là bước đệm để tôi có thể thay đổi mọi thứ. Thời điểm đó, một show đi diễn ở đình, chùa cũng khó khăn, tôi bắt đầu thu âm những bài vọng cổ. Khi có cơ hội chọn lựa show diễn hay sân khấu, tôi đã chọn sân khấu.
|
Võ Minh Lâm đăng quang Chuông vàng vọng cổ năm 17 tuổi. Chiến thắng đó kéo theo nhiều tranh cãi, hoài nghi. |
* Anh có từng giằng xé giữa dừng lại hay bước tiếp?
- Thời gian đầu tôi lên sân khấu, có người khen, người chê. Có người trước mặt khen, nhưng sau đó quay ngoắt. Nhiều lời đàm tiếu “hát vậy thì đi hát làm gì”, rồi so sánh tôi với những nghệ sĩ đi trước. Bị áp lực, tôi tự hỏi “tại sao phải chọn con đường này” và muốn bỏ nghề.
Bây giờ, tôi thoải mái hơn với những khen, chê. Ngần ấy năm cũng giúp tôi tự soi để thấy cái hay, cái dở; tìm khuyết điểm để tự hoàn thiện. Một khi chỉ thấy mình giỏi, nghĩa là ta đang đi thụt lùi.
* Anh có dự định gì để đối thoại với người trẻ, từ câu chuyện của mình?
- Ngoài cải lương, tôi có nhiều điều để chia sẻ với các bạn trẻ, có thể giúp họ thêm động lực từ hành trình lội ngược dòng của tôi. Ai cũng có giá trị riêng, sẽ toả sáng khi được đặt đúng vị trí; một nụ cười, cái nắm tay đúng lúc cũng là động lực để ta mạnh mẽ hơn.
Tôi có ý định tổ chức một cuộc thi ca diễn cải lương, có phần thưởng, mỗi năm 1 lần, khuyến khích khán giả trẻ tham gia. Nếu tìm được tài năng mới là điều tốt và ít nhất, chúng ta có thêm khán giả trẻ cho cải lương.
|
Nam nghệ sĩ mong câu chuyện của anh có thể truyền năng lượng tích cực đến những bạn trẻ để họ có thêm động lực trong cuộc sống. |
Sân khấu vẫn là ưu tiên
* Cải lương đang gặp khó khăn lại thêm dịch bệnh, người làm nghề chắc hẳn “nóng ruột nóng gan”?
- Vở Ngũ hổ Bình Tây chuẩn bị công diễn thì phải hoãn vì dịch bệnh. Dù tiếc nuối nhưng sức khoẻ người dân vẫn quan trọng nhất. Tôi tận dụng thời gian này để thu âm, cho ra mắt sản phẩm trên kênh YouTube để khán giả vẫn có thể thưởng thức cải lương.
Tạm ngưng biểu diễn nhưng kế hoạch tập luyện vẫn được giữ để kịp thời ra mắt khán giả khi dịch bệnh qua đi, như vở Đoạt hồn (Sân khấu Đại Việt), chương trình Ngân mãi chuông vàng, Vầng trăng cổ nhạc...
* Nhiều người chọn chạy show để đảm bảo chén cơm khi sân khấu gặp khó. Anh thì ngược lại?
- Nghệ sĩ vẫn đắt show sự kiện, đám tiệc, nhưng đó không phải thánh đường của cải lương. Làm nghề chuyên nghiệp, nghệ sĩ cần có vai diễn sân khấu, ít nhất là diễn trích đoạn, chứ không thể chỉ ca cổ.
Thời gian tập vở thường kéo dài 1 tháng, nhưng chỉ diễn được vài suất, đó là thực tế đau lòng. Tiền, ai không cần, nhưng sau đó, nghệ sĩ như tôi sẽ có gì? Tôi suy nghĩ rất nhiều và chọn trau dồi, rèn nghề trên sân khấu.
Tôi từ chối nhiều show vì muốn được làm nghệ sĩ đúng nghĩa, được ca, diễn trên sân khấu. Khi nghệ sĩ giỏi nghề trên sân khấu thì sẽ đi được đường dài. Khi đó, tôi tự tạo cơ hội cho mình. Không có sự đầu tư nghiêm túc nào là phí phạm.
|
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm và NSƯT Quế Trân trong vai Vịnh và Thanh trong vở cải lương Hòn vọng phu.
|
Qua bến đò xưa - Võ Minh Lâm, Cao Thúy Vy
* Nhưng cũng có lúc anh tham gia gameshow, đóng kịch, làm MC... và bị nhận xét giọng ca "đi xuống"?
- Tôi không phủ nhận điều này. Đi phim, quay gameshow, có hôm tôi thức đến 4, 5g sáng khiến ảnh hưởng sức khoẻ, giọng ca. Nhận ra điều đó, tôi không tham gia nhiều nữa. Tôi cũng chú trọng việc ăn, ngủ đúng giờ, tập luyện thể thao...
Không ai biết trước chuyện ngày mai. Sẽ có lúc, tôi cần tìm một hướng đi khác khi tuổi ngày một lớn hoặc không còn được đứng sân khấu. Tôi nghĩ đến việc làm chỉ đạo sản xuất.
* Gần đây anh đẩy mạnh hoạt động trên YouTube, liệu quỹ thời gian có còn đủ cho sân khấu?
- Làm YouTube mất nhiều thời gian, tốn không ít tiền bạc. Nhưng, tôi không phải là nhà đầu tư để thu lợi từ YouTube. Tôi không cố sức để trong một thời gian nhất định lấy vốn, thu lời từ nền tảng này. Tôi chỉ làm khi có thời gian rảnh rỗi.
Nếu làm cải lương theo hướng chính thống sẽ khó hút khán giả trẻ trên YouTube. Vì thế, thời gian tới, tôi sẽ kết hợp với những nghệ sĩ hài, ca sĩ như: Chí Tài, Lê Giang, Phi Nhung... để thực hiện các sản phẩm. Họ chỉ diễn xuất hoặc cũng có thể hát cải lương. Thêm màu sắc, gia vị mới sẽ giúp người trẻ thích thú hơn. |
Làm YouTube giúp củng cố thêm hoạt động của tôi. Hiện tại, sân khấu cải lương chỉ hoạt động chủ yếu tại TPHCM, khán giả ở xa ít có cơ hội thưởng thức. Sản phẩm YouTube giúp họ tiếp cận cải lương dễ hơn. Sẽ có những quan điểm khác nhau, nhưng tôi nhìn ở phía tích cực nhiều hơn.
* Chuyện tình Khâu Vai và Thầy Ba Đợi cho thấy một hình ảnh khác của Võ Minh Lâm với vai kép độc, anh thấy thú vị chứ?
- Tôi đóng vai chính từ năm 18 tuổi. Sau đó, các đạo diễn lựa chọn, cho tôi thêm nhiều màu sắc khác, hài có, độc cũng không ít. Tôi đã sống với nhiều nhân vật, tính cách đa dạng, nhờ đó hoàn thiện hơn cuộc sống của mình từ lẽ thiện - ác.
Với tôi, vai chính diện hay phản diện không quan trọng bằng cảm xúc của khán giả: yêu, ghét, căm phẫn... nhân vật. Điều tôi quan tâm là kịch bản có hấp dẫn với mình hay không. Kịch bản hay có thể "tạo dựng" những vai diễn hay. Ngược lại, kịch bản dở, dẫu đóng vai chính vẫn không có tác dụng gì. Tôi thích những vai diễn nhiều thử thách, đòi hỏi bản thân phải rèn luyện, vận dụng nhiều kỹ năng.
|
Tạo hình nhân vật Cố Sầu của Võ Minh Lâm trong vở Chuyện tình Khâu Vai. |
Đau khổ, thất bại là gia vị cho cuộc sống
* Sự tự lập giúp con người mạnh mẽ, nhưng điều đó có gây trở ngại?
- Tôi không chia sẻ nhiều với gia đình về những gì mình trải qua. Tự lập khiến tôi có thể tự xoay sở tất cả. Đôi khi, tôi mong có ai đó bên cạnh để chia sẻ, để tôi bớt hoài nghi, mở lòng hơn, nhưng tìm được một ai đó đủ tin tưởng là vô cùng khó. Tôi không thích nói nhiều về đời tư, vì khi chia sẻ là ta đã trao quyền cho người đó, họ có thể làm tổn thương ta nếu câu chuyện bị lan truyền.
* Gia đình, sự nghiệp, tình yêu - đâu là điều anh quan tâm nhất?
- Gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Ta thành công hay thất bại thì gia đình vẫn là nơi luôn sẵn sàng chào đón. Có gia đình, chúng ta mới có sự nghiệp, tình cảm cá nhân.
Nhưng sự cân bằng giúp chúng ta thoải mái hơn. Gia đình là quan trọng nhất, nhưng không vì thế mà chúng ta quên bạn bè, không chăm sóc tình cảm cá nhân. Tất cả luôn cần được bồi đắp.
|
Nam nghệ sĩ xem gia đình là quan trọng nhất, nhưng cũng không bỏ quên những mối quan hệ khác. |
* Anh có hạnh phúc?
- Ba mẹ vẫn để tôi tự do quyết định cuộc sống của mình, có duyên sẽ tự đến. Tôi hạnh phúc với những gì mình đang có, tiền bạc chỉ là phương tiện để có cuộc sống thoải mái.
Đau khổ, thất bại là điều không ai muốn, nhưng chúng như gia vị cho cuộc sống. Đau khổ đã qua là động lực để tôi phải hạnh phúc hơn. Khi còn ngày mai, chúng ta vẫn còn cơ hội để được hạnh phúc.
* Cảm ơn anh!
Thành Lâm (thực hiện)