Trang cuối trong quyển sách về cuộc đời của nghệ sĩ cải lương Mộng Lành đã đặt dấu chấm hết ở tuổi 72. Nữ nghệ sĩ ra đi sau hơn 10 năm chống chọi với khá nhiều bệnh tật và tai biến nặng. Từng một thời rực rỡ hào quang trên sân khấu, sống giữa vòng vây của khán giả cùng những lời tán dương, khen ngợi nhưng lúc nằm xuống, bà lại cô đơn trong cảnh không gia đình.
|
Nữ nghệ sĩ cải lương Mộng Lành |
Những năm cuối đời, nghệ sĩ Mộng Lành sống trong vòng tay của các anh, chị, em đồng nghiệp tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, toạ lạc ở Q.8, TP.HCM. Trong số các nghệ sĩ sống tại đây, bà được xem là em út khi tuổi đời nhỏ nhất. Cũng chính vì thế, sự ra đi của nghệ sĩ Mộng Lành khiến không ít người ở lại xót xa cho một phận đời buồn.
Trong hồi ức của nghệ sĩ Lệ Thẩm, Mộng Lành là người em khá dễ chịu, vui tính và hoà đồng với mọi người. Nhưng những năm gần đây, do bị tai biến, chỉ nằm một chỗ nên nghệ sĩ Mộng Lành cũng không còn nhiều cơ hội để giao lưu, tiếp xúc với mọi người.
|
Linh cữu của nghệ sĩ Mộng Lành được quàn tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, Q.8, TP.HCM |
Em trai của nghệ sĩ Mộng Lành: ‘Chị ba là người con hiếu thảo’
Những ngày qua, ông Lương Thành Khải, em trai của nghệ sĩ Mộng Lành là người túc trực để lo hậu sự cho bà. Năm nay, người đàn ông này đã 61 tuổi, bước qua nửa con dốc của cuộc đời. Gương mặt rám nắng, có nhiều nếp nhăn cùng đôi chân gân guốc phần nào đã cho người đối diện hình dung về một cuộc sống không mấy khá giả của người đàn ông miền Tây này. Từng câu nói của ông chứa đầy tự hào khi nhắc về người chị từng một thời nổi tiếng.
|
Ông Lương Thành Khải, em trai nghệ sĩ Mộng Lành |
Gia đình nghệ sĩ Mộng Lành có tổng cộng 5 anh, chị, em. Mẹ bà là nghệ sĩ Đặng Mỹ Lộc, cha là nghệ sĩ Võ Thành Đô, cả hai từng đảm nhận một đoàn hát. Vì thế, ngay từ ngày còn trong bụng mẹ, máu nghệ thuật đã ăn sâu vào người bà.
Nghệ sĩ Mộng Lành tên thật là Võ Hiếu Nghĩa. Lý giải về sự khác biệt trong họ của 2 chị em, ông Khải cho biết mẹ có 2 đời chồng. Trong đó, chị cả và nghệ sĩ Mộng Lành là con của mẹ với người chồng đầu tiên, 3 anh em trai là con của mẹ với chồng sau.
Năm 1962, khi ông Khải lên 4 thì mẹ không còn làm bầu gánh. Gia đình chuyển về Đồng Tháp sinh sống cho đến hiện tại. Riêng nghệ sĩ Mộng Lành từ năm 13 tuổi bắt đầu theo nghiệp ca hát và không còn sống chung với gia đình. Đầu tiên, bà hoạt động ở đoàn Khánh Hồng với những vai phụ. Sau đoàn Khánh Hồng, nghệ sĩ Mộng Lành chuyển sang hát ở đoàn Minh Tơ. Cũng tại nơi đây bà đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp của nữ nghệ sĩ.
|
Hình ảnh hiếm hoi còn sót lại của nghệ sĩ Mộng Lành trên sân khấu tuồng cổ |
“Từ năm 13 tuổi cho đến ngày bị tai biến cách đây hơn 10 năm, chị Lành không thường xuyên về nhà. Thậm chí, có thời đoạn vài năm, chị chỉ về thăm nhà một lần. Chị ấy đi hát bôn ba, rày đây mai đó, trong khi đó cải lương cực thịnh nên hầu như không có thời gian nghỉ”, ông Khải tâm sự. Dẫu vậy, không một ai trong gia đình lên tiếng trách cứ vì hiểu hết những nhọc nhằn, gian khổ đặc trưng trong công việc của bà.
Theo lời ông Khải, phần lớn những cuộc gặp mặt với nghệ sĩ Mộng Lành trước năm 1975 đều do mẹ nhớ nhung con gái nên "đèo" cả gia đình lên Sài Gòn thăm. Về sau này, khi tình hình đất nước ổn định, nữ nghệ sĩ mới chủ động về Đồng Tháp. Giữa tình cảnh như thế, mẹ nghệ sĩ Mộng Lành vẫn ủng hộ bà theo nghề hát bởi hơn ai hết bà hiểu nếu mang con gái về quê thì cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài chuyện đờn ca, hát xướng.
Trong bức tranh ký ức bị vẩn đục bởi màu của thời gian, hình ảnh nghệ sĩ Mộng Lành còn hằn sâu trong tâm trí của ông Khải là “người chị rất thương em út, rộng rãi, hiếu thảo với cha mẹ. Tôi còn nhớ khi chúng tôi đi học, thời điểm đó rất khó khăn nhưng chị vẫn mua cho mỗi đứa một cái nón khiến đứa nào cũng vui, thích thú”.
|
Sau khi hoả táng, tro cốt của nghệ sĩ Mộng Lành sẽ được mang đến chùa nghệ sĩ để trong 49 ngày |
Tuy nhiên, dù là nghệ sĩ có tiếng nhưng thu nhập của bà lại không cao nên cũng không hỗ trợ được cho gia đình. “Thi thoảng khi mẹ lên thăm, chị ấy lại cho mẹ ít tiền để về xe, ăn uống. Chị ấy đi diễn, cực khổ chứ chẳng sung sướng gì nên gia đình cũng chẳng đòi hỏi”, ông Khải tâm sự.
Ông Khải là người theo dõi nhiều nhất các vai diễn trong sự nghiệp của nghệ sĩ Mộng Lành. Thậm chí có lần, ông còn trốn học cả tuần ở quê để lên thành phố đi theo xem chị gái hát cải lương. Nhưng về sau này, khi ai cũng có cuộc sống riêng thì những ngày tháng ấy chỉ còn lại trong mớ ký ức. Dẫu vậy, đó vẫn là những kỷ niệm đẹp hiếm hoi giữa ông và người chị gái tài danh. Ông cười bảo vẫn nhớ những đêm hát xong, được chị gái dẫn đi ăn khuya, rồi về chui vào căn phòng ở đình để ngủ. Cuộc sống cứ như thế tiếp diễn ngày qua ngày.
Nghệ sĩ Mộng Lành có 2 cuộc hôn nhân. Người chồng đầu tiên của bà là nghệ sĩ Long Ẩn. Cả hai gặp nhau trong đoàn hát. Họ rời xa nhau do không thể có con. Người chồng thứ hai của bà là nghệ sĩ Tấn Đạt. Ông qua đời vào khoảng năm 1980 do bệnh. Từ đó về sau bà sống cùng một người bạn, người chị khá thân thiết mà mọi người vẫn hay gọi là bà Bảy.
|
Bà Bảy, người chị em kết nghĩa thân thiết với nghệ sĩ Mộng Lành |
“Đến khi cải lương xuống dốc, cuộc sống chị ấy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt từ sau khi bị tai biến không còn đi hát được nữa. Chúng tôi dẫu có thương chị nhưng cũng lực bất tòng tâm vì nhà ai cũng chỉ đủ lo cho các miệng ăn. Chị ấy cũng hiểu nên không làm phiền. Chỉ khi nào bệnh tình trở nặng hoặc những lần bị té ảnh hưởng xương, trên này mới gọi về báo để chúng tôi sắp xếp chăm sóc, thăm nom”, em trai nghệ sĩ Mộng Lành tiếp chuyện.
Theo ông, thời điểm tai biến nặng, nghệ sĩ Mộng Lành có phần mặc cảm khi không thể tự tay cầm chén để ăn cơm. Cũng chính vì thế mà bà cũng không đi đâu. Dẫu gì bà cũng đã một thời oanh liệt trong mắt khán giả.
Trước khi mất, nữ nghệ sĩ không trăn trối được điều gì vì đã rơi vào hôn mê sâu. Tuy nhiên, những ngày còn ở viện dưỡng lão, bà bảo muốn sau này khi nằm xuống, sẽ được hoả táng và mang tro cốt rải ngoài sông lớn hoặc biển. “Chị bảo đời chị đã từng có những phút huy hoàng thì lúc mất cũng phải có những khoảnh khắc như thế. Chúng tôi sẽ thoả theo ý nguyện của chị. Sau 49 ngày, tro cốt của chị Lành sẽ được mang rải xuống sông, biển. Còn việc thờ cúng chị Lành, sau này tôi sẽ đảm nhận. Đời chị ấy mong được nằm lại trên sân khấu. Có thể, sân khấu lớn ngày xưa không còn nhưng còn sân khấu nhỏ tại viện dưỡng lão như một niềm an ủi”, ông Khải nói.
Nghệ sĩ Xuân Yến: ‘Có lần, chị Lành nghẹn ngào, Yến ơi, chị hết hát được rồi’
Hiếu Nghĩa, Mộng Lành, 2 cái tên đẹp và đầy ý nghĩa ấy dường như trái ngược với cuộc đời của cô đào chánh của đoàn Minh Tơ. Câu chuyện về nghệ sĩ Mộng Lành lại rơi vào một khoảng lặng vô hình khi nghệ sĩ Xuân Yến, bạn thân của bà lần giở những trang ký ức còn sót lại.
|
Nghệ sĩ Xuân Yến (áo sọc đen, trắng) và nghệ sĩ Thanh Thế là những người bạn thân thiết của nghệ sĩ Mộng Lành khi còn hoạt động ở đoàn Khánh Hồng, Minh Tơ |
Mộng Lành, Xuân Yến, Thanh Thế và Bửu Truyện là 4 nghệ sĩ sinh cùng năm. Trong đó, Xuân Yến, Thanh Thế và Bửu Truyện chơi thân với nhau từ đoàn Đồng Ấu Minh Tơ. Sau này, nghệ sĩ Mộng Lành mới gia nhập khi về hát tại đoàn Khánh Hồng.
Nói về sự nghiệp của người chị, người bạn thân, nghệ sĩ Xuân Yến kể vanh vách từng vai diễn, trong đó bà ấn tượng vai người mẹ trong tuồng Mẹ tôi là thủ phạm của nghệ sĩ Mộng Lành, kể về thân phận của một người phụ nữ bị hàm oan, bị chính con trai mình xử tội, uất ức mà treo cổ chết. “Có thể nói, đây là vai diễn lấy nước mắt nhiều nhất của chị ấy khi còn hoạt động ở đoàn Khánh Hồng”, nghệ sĩ Xuân Yến nói.
Sau năm 1975, khi hoạt động ở đoàn Minh Tơ, nghệ sĩ Mộng Lành lại có những vai mới ấn tượng như: Hàn Tố Mai trong vở Đào Tam Xuân phục hận, vai mẹ của Long Xưởng trong Tô Hiến Thành xử án, vai Mế Hoa trong tuồng Xuân về trên đỉnh Mã Vi... “Công bằng mà nói, về giọng hát chị Mộng Lành có thể không bằng mọi người nhưng chị ấy lại có ưu điểm là diễn tốt, gương mặt rất sáng sân khấu, có duyên. Với nghệ sĩ, đâu thể đòi hỏi 10/10 ở mọi mặt”, nghệ sĩ Xuân Yến thẳng thắn chia sẻ. Bà bảo, ngày còn hoạt động chung đoàn, cả bà và nghệ sĩ Mộng Lành đều bộc trực như thế, với mong muốn đồng nghiệp đều cùng nhau tiến bộ.
|
Nghệ sĩ Mộng Lành (áo tím) cùng các đồng nghiệp: Thanh Loan, Ngọc Đáng, Xuân Yến, Thanh Thế, Bạch Mai (từ trái qua) |
Nhắc về thời ấy, nghệ sĩ Xuân Yến cho biết không hề có sự so đo thiệt hơn. Cũng chính vì thế mà tình bạn của họ mới kéo dài đến hiện tại. Dẫu vậy, thời ấy, khi còn là những người trẻ, Mộng Lành, Xuân Yến, Thanh Thế hay Bửu Truyện đều không tránh khỏi những va chạm. Nhưng họ chọn giải pháp nói thẳng để hiểu nhau và bỏ qua tất cả.
Câu chuyện về thời thanh xuân của nghệ sĩ Mộng Lành qua lời kể của nghệ sĩ Xuân Yến bỗng rơi vào nốt trầm: “So với chúng tôi, chị Lành kém may mắn hơn khi phải sống cảnh về già đơn chiếc, không con, không chồng. Vì thế, tôi lại càng thương chị ấy hơn”.
Câu chuyện về ngày xưa được nối tiếp dưới mái đình Cầu Quang, nơi đoàn hát dựng rạp, cũng là nơi sinh sống của các nghệ sĩ. “Ngoài những giờ hát, chúng tôi thường rủ nhau qua rạp Đại Nam, Long Phụng, sang đoàn của chị Thanh Nga hay thậm chí đi xem đoàn chị Kim Cương diễn kịch. Thời còn trẻ, chúng tôi mang nhiều lý tưởng nên cứ muốn mỗi cơ hội sẽ rèn nghề tốt hơn. Chúng tôi toàn đi bộ thôi. Có hôm xem xong vừa giãn tuồng lại phải tức tốc về đình để hoạ mặt lên sân khấu”, nghệ sĩ Xuân Yến còn nhớ như in.
|
Trước khi vào sống tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, nghệ sĩ Mộng Lành từng có thời gian đi bán vé số để mưu sinh |
Trong 4 cái tên được kể trên của đoàn Minh Tơ, nghệ sĩ Thanh Thế là người hiền, dễ chịu nhất, còn nghệ sĩ Mộng Lành lại có phần khó tính hơn. “Chị ấy rất trực tính, điều nào không vừa ý, không phải sẽ nói ngay. Đã làm con người ai cũng có cái tốt, cái xấu nên đâu thể trách được”, nghệ sĩ Xuân Yến nói.
Sau khi đoàn Minh Tơ tan rã, nghệ sĩ Mộng Lành đi theo các đoàn hát tỉnh như Ngọc Khanh, Tiền Giang, Trúc Thanh để được hát và trang trải cuộc sống. Ngày đó, nghệ sĩ hát ngày nào ăn ngày đó, chứ không dư giả. Tuy nhiên, mỗi khi ra đường, họ lại phải trang điểm, chải chuốt để tránh khán giả có cái nhìn không hay.
|
Viện dưỡng lão nghệ sĩ ngày càng neo người khi nghệ sĩ Mộng Lành qua đời |
“Chị Lành ít nhắc lại những chuyện cũ vì hay buồn và tủi. Trước khi chị ấy nhập viện, tôi có đến thăm và cho 200 nghìn đồng. Mấy túi tã người già mà các con mua cho tôi cũng mang đến vì nghe bảo chị sử dụng đến 4, 5 miếng một ngày. Ngồi bên cạnh, chị ấy nhắc lại những chuyện ngày xưa. Có lần chị ấy muốn hát nhưng chỉ nghẹn ngào bảo, Yến ơi, chị hát hết được rồi”, nghệ sĩ Xuân Yến nói. Có lẽ, không còn gì chua chát hơn khi một con chim lại bị gãy cánh giữa trời. Một đời tung hoành ngang dọc, kiếm chén cơm, manh áo từ chính giọng hát mà lúc về già, ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng chẳng thành hiện thực.
“Tối đêm qua, tôi ở lại và hát cho chị ấy nghe bài Tằm vương tơ. Tôi thì thầm bảo bài này ngày xưa chị thích, em hát xem như tiễn đưa chị. Năm ngoái, tôi bị một trận bệnh rất nặng, tưởng như không qua khỏi. Nhưng ơn trời, cuối cùng vẫn bình phục. Tôi đến thăm chị ấy, có lần chị đùa bảo nghĩ tôi đi trước, mà giờ tôi còn khoẻ mạnh thì chắc chị ấy đi trước. Có ai ngờ lời nói đùa hôm nào lại thành sự thật”, câu chuyện khép lại với ánh mắt nhìn xa xăm của nghệ sĩ Xuân Yến. Có lẽ, trong ánh nhìn đó, có một nỗi buồn man mác cho người ra đi, nhưng cũng ánh lên không ít những tia sáng của niềm tự hào khi họ từng có một thời vàng son, từng là những mảnh ghép làm nên lịch sử cải lương Việt Nam.
Cuối cùng, một đời người cũng khép lại, nhưng mỗi người lại có một cách đi riêng để về với đất mẹ. Mộng Lành, cái tên nghe đã bình yên, nhưng chẳng sự bình yên nào mà không xót xa, đau khổ. Có lẽ, điều bà nuối tiếc nhất không phải là một cuộc sống giàu sang, một căn nhà khang trang, đẹp đẽ, mà chính là một câu hát để chia ly người ở lại.
Thuỵ Khuê