Minh Cảnh được biết đến là một trong những nam nghệ sĩ kỳ cựu của nghệ thuật cải lương với chất giọng đặc biệt, sánh ngang tầm với những cái tên danh tiếng như: Hữu Phước, Hùng Cường, Minh Vương... Đặc biệt, con đường nổi tiếng của Minh Cảnh như một sự sắp đặt của số mệnh bởi chỉ sau 1 đêm bước lên sân khấu ông đã trở thành ngôi sao mới của đoàn Kim Chung.
Minh Cảnh cũng là nghệ sĩ sáng tạo ra lối ca hơi dài và đưa hò Huế vào trong các bài vọng cổ. Sự nghiệp của Minh Cảnh gắn liền với nhiều sáng tác của soạn giả Viễn Châu, một cây bút kỳ cựu của cải lương Việt Nam.
Bước sang tuổi 80, bụi thời gian đã hằn in lên vẻ ngoài của Minh Cảnh, duy chỉ có giọng hát vẫn còn đủ thách thức mọi sương gió. Gần 60 năm theo nghiệp ca hát, từng đi qua những đỉnh danh vọng cao nhất, Minh Cảnh nghĩ về hào quang, sự nổi tiếng như gió thoảng, mây bay, là chuyện của trời, của số mệnh. Ở tuổi xế chiều, Minh Cảnh chuẩn bị cho đời mình những suy nghĩ lạc quan nhất, nhưng rồi có lúc những giọt nước cũng chực trào khi nghĩ về một quá khứ vàng son.
|
Nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh ở thời điểm hiện tại |
Tôi là đứa trẻ sống trên đống rác
* Theo nghề khá muộn so với nghệ sĩ cùng thời nhưng nổi danh chỉ sau 1 đêm bước lên sân khấu, cú chuyển mình này theo ông do may mắn hay thực tài?
- Tôi đi hát từ năm 22 tuổi, khá muộn. Nhưng sống ở đời, việc gì đến sẽ đến, nếu chưa đến mà cưỡng cầu cũng không được. Gia đình tôi ngày đó thuộc thành phần thứ ba trong xã hội, ngày chỉ lo cơm 2 bữa là quá đủ rồi chứ đâu dám mơ mộng xa xôi nữa.
Nhưng tôi thích nghi khá nhanh với sự nổi tiếng. Dường như đó là phước phần ơn trên đã ban. Tài năng và sự may mắn là song song, cùng một lượt, một thể. Nếu không có cơ hội tốt, tôi chẳng thể nào phô diễn tài năng. Nhưng nếu tài năng không có, không đủ thì dẫu có cơ hội tốt thì chẳng ai sử dụng được.
|
Hình ảnh hiếm hoi thời trẻ của nghệ sĩ Minh Cảnh |
* Là kép chánh nhưng lại bị nhận xét không có ngoại hình của loại vai này. Ông đã bao giờ chạnh lòng?
- Tôi chưa bước ra sân khấu, người dẫn chỉ mới giới thiệu Minh Cảnh thì khán giả đã vỗ tay rồi. Vì thế, chẳng có lý do gì để tôi buồn lòng hay than trách cả. Trong nghiệp này nếu thanh, sắc, tướng mạo mà cùng tồn tại trong một con người thì quả thật toàn hảo. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là giọng ca.
Tôi xin lỗi khi phải đề cập đến người đã khuất là anh Hữu Phước, người được xem là đại danh ca với cải lương, cũng là thần tượng của tôi. Nếu nhìn hình ảnh của anh ấy tôi chắc chắn mọi người sẽ tìm được câu trả lời được thanh, sắc có tầm quan trọng ra sao.
* Giọng của ông trong, vang xa nhưng lại da diết nỗi buồn mênh mông. Đây là sự tự nhiên hay góp nhặt từ bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc đời mà hình thành nên?
- Chính tôi bây giờ khi nghe lại những bài ca ngày xưa tôi ca thì còn xúc động, huống gì đến khán giả. Sinh ra, tôi là con nhà nghèo, là đứa trẻ sống trên đống rác, phải đi lượm từng đôi guốc, từng món đồ bể, vành thúng rách... Cuộc sống ấu thời không như mình mong muốn đã là một nỗi buồn nằm sẵn trong tim.
Ngày nổi danh, tôi luôn mong sự giàu có để mang lại an lành cho cha mẹ tôi vì lúc đó gia đình quá nghèo khổ. Cha mẹ tôi làm tất bật từ sáng đến 1, 2h sáng hôm sau mới trở về. Nhìn cảnh đó tôi luôn đau lòng.
Có lẽ cộng hưởng những điều này, giọng ca của tôi chất chứa những nỗi buồn mênh mang. Những người có tâm sự buồn khi nghe tôi hát, họ dễ đồng cảm hơn. Vì thế, người nữ đứng chung sân khấu với tôi, kết hợp vừa ý, vừa lòng chính là Mỹ Châu - giọng ca cũng có nỗi buồn uất nghẹn.
|
Nghệ sĩ Minh Cảnh và Mỹ Châu |
Video clip nghệ sĩ Minh Cảnh chia sẻ về nghề, ngẫm về quá khứ:
Rất nhiều nước mắt đã rơi cho quá khứ
* Tuổi xế chiều cũng là lúc người nghệ sĩ nếm những trái đắng của nghề, ở đó có sự cô đơn, sự lãng quên của khán giả... Có giọt nước mắt nào đã rơi cho quá khứ hay chưa, thưa ông?
- Không phải một mà rất nhiều nước mắt đã rơi cho quá khứ. Tôi khóc vì tủi thân. Tôi khóc vì mừng vui. Tôi khóc cho những ai đã từng sống trong hoàn cảnh như mình. Những giọt nước mắt ấy buồn, vui lẫn lộn, xen lẫn những sự tủi nhục. Nhưng tôi phải tạ ơn trên vì đến hiện tại vẫn chưa rơi vào những ngày như thế.
Bây giờ bên đất Mỹ tôi vẫn được khán, thính giả trân trọng. Khi đến tham dự một buổi tiệc sinh nhật thì chủ nhà ít nhất phải bỏ phong bì cho tôi 500 USD. Đồng thời khi tôi biểu diễn, khán thính giả đều thưởng cho tôi từ 100 USD trở lên. Cho nên, ở tuổi này tôi vẫn sống được với nghề. Vả lại ở Mỹ, tôi cũng có nhận dạy học trò nên có thêm thu nhập.
|
Nghệ sĩ Minh Cảnh cho rằng sự cạnh tranh, hơn thua trong giới nghệ thuật không chờ thời gian, không gian mới xuất hiện mà luôn luôn tồn tại |
* Mỗi người nghệ sĩ có một vai diễn mà chính họ thấy cuộc đời mình trong đó. Ông đã tìm được tấm gương phản chiếu đó hay chưa?
- Cuộc đời và con người tôi nằm trọn trong vai Bách Kiếm Vương Hồ Vũ, vở Mùa thu trên Bạch Mã Sơn của soạn giả Yên Lang. Thứ nhất, nếu yêu mà cho nhau toàn trái ngọt thì đó là lẽ thường của nhân thế rồi. Yêu trong tâm hồn cao thượng, yêu mà hy sinh cho người mình yêu, nếu không lấy được mình thì ít nhất họ cũng tìm được một người khác yêu thương họ, và chúng ta hoàn toàn hoan hỉ nnhư thế mới là yêu.
Thứ hai, về khía cạnh đời, dù là người tài năng, nếu dừng lại ở một nơi nào đó mở lò luyện võ thì có lẽ Bách Kiếm Vương Hồ Vũ đã có một cuộc sống huy hoàng. Nhưng không, anh ta một mình một bóng đi khắp nơi, xông pha tương tự cuộc đời nghệ sĩ của chúng tôi. Ngày còn nhỏ, tôi có suy nghĩ rằng nếu muốn được đi đây đi đó trong khi gia cảnh nghèo khó thì cách tốt nhất là trở thành nghệ sĩ, được đi chơi mà còn kiếm tiền nuôi cha mẹ, nuôi gia đình. Tôi không muốn điều gì ràng buộc cuộc sống mình cả. Đói thì ăn, khát thì uống, có tiền ngủ nhà trọ, không tiền ngủ gầm cầu, có tiền thì ăn sang trọng, không tiền thì mua bánh bao ngồi gầm cầu mà ăn. Đó là khí phách của người anh hùng.
Thứ ba, đó là việc đem tài nghệ của mình để cứu giúp những người yếu đuối. Đây là những việc hợp lòng người, đúng ý trời.
Video clip nghệ sĩ Minh Cảnh chia sẻ về vai diễn gắn với cuộc đời ông:
Sẽ không diễn ra thảm cảnh bi ai với cải lương
* Mấy năm gần đây, người ta nói nhiều về “cái chết” của cải lương. Riêng ông nghĩ gì?
- Tôi khẳng định nền văn học nghệ thuật cổ truyền của nước Việt ta không bao giờ chết, nhưng chắc chắn bị ảnh hưởng bởi thời cuộc. Nếu như ngày xưa, cải lương phát triển hưng thịnh ở mức 100% thì nay chỉ còn lại khoảng trên trung bình. Tôi mong mọi người an tâm rằng sẽ không diễn ra những thảm cảnh bi ai đối với cải lương.
Những luồng dư luận để phân tích vì sao cải lương xuống dốc trong thời gian qua đều đúng cả. Mọi ngành nghề, sự bền bỉ xuất phát từ chất lượng sản phẩm đó có sử dụng được lâu dài hay không cộng với yếu tố mỹ thuật nữa.
* Cải lương được mang lên các gameshow, được xem như một cách để bảo tồn, để phát huy giá trị. Nhưng bản chất của loại hình sân khấu này vốn dĩ tồn tại khi khán giả mua vé đến xem. Ông nghĩ gì về trường hợp này?
- Những tổ chức, cuộc thi hiện tại tôi hoan nghênh. Đây là cơ hội để người yêu mến cải lương được bộc lộ tài năng của mình. Nhưng tôi chỉ mong rằng những người có tài, có sở thích nên có lựa chọn chín chắn, đừng nghiêng bên này, ngả bên kia. Một vài lần tôi thoáng nghe trên truyền hình có nhiều giọng ca của các em sau này thực sự có thực lực. Nhưng các em phải có thời gian trui rèn, tập luyện thêm. Có giọng ca tốt như một thân gỗ quý nhưng khúc gỗ đó có được đặt ở cung vàng của vua hay không còn tuỳ thuộc vào người đục đẽo có nên hình rồng, hình phượng hay không?
|
Nghệ sĩ Minh Cảnh và học trò của ông - nghệ sĩ Minh Minh Tâm |
* Nhận đào tạo học trò để cải lương còn được tiếp nối, nhưng đã có trường hợp nào ông nói lời từ chối hay chưa?
- Với tôi tiên học lễ, hậu truyền nghề. Đặc biệt, tôi dạy học trò mình bằng những bài ca do tôi viết nên mà nội dung chủ yếu về chữ lễ. Khi học viên đến, tôi hỏi họ vì sao đi học nghề hát. Nhiều người bảo học vì thích. Tôi liền phải giải thích rõ với họ rằng thích để hiểu biết hay thích để nổi tiếng.
Có người bảo thích được nhiều người biết đến nhưng tôi đành nói thẳng với giọng ca như thế thì chớ nên đeo đuổi nghề này. Nếu không nói thật để họ cứ ôm mộng thì chính tôi là người có tội. Thứ nhất, chớ để người ta hiểu lầm rằng mình câu thời gian để họ đến học là vì mình cần tiền, điều này rất xấu. Thứ hai, đừng để người ta mất đi tương lai, sự nghiệp của họ.
* Vào năm 2013, con trai bị sát hại nhưng ông không thể trở về vì lý do sức khoẻ. Điều này có khiến ông day dứt trong 5 năm qua?
- Tôi đã am tường được lẽ sống, chết ở đời. Có cuộc vui nào mà không tàn, hợp rồi tan, đây là lẽ thường của sự thế. Tuy nhiên, làm sao tránh được nỗi buồn khi con mình qua đời mà mình không có mặt. Nhưng nỗi buồn này cũng không phải khiến tôi phải than trời, trách đất, kêu khóc thảm thương. Tôi mong ở thế giới bên kia con trai mình được ơn trên cứu độ để được về nơi cực lạc.
* Nhưng anh Sơn (người con trai bị sát hại của NS Minh Cảnh - PV) là người nối nghiệp duy nhất, trong khi ông lại sắp trăm năm tuổi già. Rồi một lúc nào đó cái tên Minh Cảnh chỉ còn dư âm...
- Ai có sự nghiệp to lớn cũng mong muốn con, cháu nối nghiệp để tên tuổi đừng mất đi nhưng riêng tôi thì mọi sự đều vô thường. Phước phần cho đến đâu, chúng ta hưởng đến đó. Nếu đã không tạo được hoặc đã hết mà cố cầu cạnh thì cũng chẳng có được. Tôi không có gì phải lo lắng cả.
Dây chùng thì khó đứt
* Cuộc sống bao nhiêu năm định cư ở Mỹ của ông như thế nào?
- Những năm đầu tôi sang Mỹ cuộc sống khá thoải mái do điều kiện kinh tế lúc đó còn ổn định. Sự tiếp tế về tiền bạc được rộng rãi. Tuy nhiên, khoảng năm thứ 5, năm thứ 7 trở đi thì cuộc sống bắt đầu khó khăn hơn, mọi thứ dần eo hẹp lại. Có một khoảng thời gian khoảng 7 năm khi bệnh tim của tôi được phát hiện cho đến khi giải phẫu thì phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm lo của vợ. Chúng tôi kết hôn đã được hơn chục năm.
Một ngày ở Mỹ, tôi thức dậy được bà xã chuẩn bị cho sữa và cháo. Sau đó, tôi xem các băng đĩa về Phật pháp, sáng tác các bài ca mới khi có cảm hứng. Bà xã tưới cây, ra vườn hoặc làm các công việc nhà khác. Trong khuôn viên nhà tôi, bà xã vẫn trồng rau trái đậm chất Việt Nam, mỗi thứ một ít. Còn tôi thì không hề biết những công việc này, tôi chỉ biết đi hát mà thôi. Việc gia đình tôi cũng không thạo. Vợ tôi hoàn toàn hiểu nên không phàn nàn.
|
Nghệ sĩ Minh Cảnh và người vợ hiện tại - bà Tuyết Minh |
* Là người thoả chí tang bồng nhưng lại bất ngờ lệ thuộc vào vợ, điều này đôi lúc có lẽ chẳng dễ chịu chút nào...
- Tôi là người có lòng tự trọng lớn. Đàn ông mà sống dưới chéo áo của đàn bà thì đúng là sự tủi nhục. Nhưng tôi may mắn vì vợ tôi rất thương yêu, hết lòng, tận tâm chăm lo cho tôi từng chút một. Cô ấy cũng là người giúp đỡ cho tôi hoàn thành hết các thủ tục để có thể ở lại đất Mỹ và sống trọn tình, trọn nghĩa. Đó là điều đáng quý. Ông bà mình đã dạy vợ chồng là chữ tình chữ nghĩa, nhưng chữ tình lúc nào cũng nhẹ hơn chữ nghĩa cả. Chữ nghĩa là khi chúng ta đau ốm thì có người sẵn sàng hy sinh, chăm sóc... còn chữ tình vốn dĩ chỉ là cảm xúc yêu đương nam nữ nên nó cạn lắm.
* Một cuộc hôn nhân khi đã đi qua nửa con dốc của cuộc đời có khác nhiều so với thời trẻ hay không, thưa ông?
- Tuổi trẻ thì bồng bột, sôi nổi hơn, không suy cùng, nghĩ tận. Còn khi đã đi qua hơn nửa đời người, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm, suy nghĩ kỹ càng hơn trong mọi việc, không còn vội vã. Nhưng tôi nghĩ rằng dù tình trẻ hay già thì quan trọng nhất vợ chồng phải biết yêu thương, chiều chuộng, vỗ về nhau trong lúc tủi hờn, giận tức.
Nếu vợ chồng khi có chuyện mà cứ đôi chối với nhau thì chẳng hay chút nào. Dây chùng thì khó mà dây căng thì dễ đứt, ông bà mình nói chẳng có sai.
Video clip nghệ sĩ Minh Cảnh chia sẻ về cuộc sống trên đất Mỹ:
* Hạnh phúc giờ đây được ông định nghĩa như thế nào?
- Là vợ chồng phải thực sự yêu nhau, hiểu nhau và lo vun vén, xây đắp, khoan hồng, độ lượng cho nhau. Có như thế thì mới bền bỉ bên nhau cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Có đôi khi vợ tôi cũng hỏi: “Anh là nghệ sĩ, nhiều vợ, nhiều người yêu thì có bao giờ anh còn nhớ về họ hay không, rồi tính sao?”.
Ở đời con người có nhân, có nghĩa thì phải sống và cư xử với nhau sao cho phải đạo. Từng đến với nhau, từng bên cạnh nhau thì đều có những điều tốt đẹp, mà đã là tốt đẹp thì chẳng ai dại đem vứt bỏ bao giờ. Tôi vẫn nhớ, vẫn quý trọng những người cũ nhưng giờ đây tôi đã có gia đình, đã có bà xã bên cạnh thì mọi việc cũng nên dừng lại ở một chừng mực nào đó.
* Trong những ngày tại đất khách quê người, đã bao giờ nỗi nhớ quê hương thôi thúc ông trở về?
- Cuộc sống ở Mỹ đôi lúc cũng cô đơn lắm. Hiện tại, các con của tôi cũng ở Mỹ nhưng khác tiểu bang. Nếu đi máy bay, các con phải mất 3, 4 tiếng còn đi xe hơi phải mất cả ngày nên chủ yếu chúng tôi vẫn liên lạc qua điện thoại. Nhớ thì có nhớ nhưng đành chịu thôi.
Tôi cũng từng nghĩ về chuyện trở về Việt Nam nhưng chưa phải lúc thực sự cần thiết. Nếu mình biết sống thì ở nơi nào sống cũng được. Vả lại, hiện tại tôi đang có hợp đồng giảng dạy với các học trò. Khi bổn phận được hoàn thành thì chuyện ở Mỹ hay về Việt Nam sẽ thoải mái hơn. Trên mọi sân khấu mà tôi từng đứng, ở nơi đâu tôi cũng giới thiệu mình là người Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Bài: Thành Lâm
Ảnh: Diễm My, tư liệu
Clip: Diễm Mi