Lần thứ hai trở lại Việt Nam sau mười năm, một mình và trưởng thành hơn, tham gia vào quá trình lưu trú nghệ thuật mang tên Spraying Board Vietnam do Viện Pháp tại Việt Nam và Hội Superposition tại Lyon tổ chức, Bouda - họa sĩ vẽ tranh tường và tranh minh họa gốc Việt - nói cô cảm nhận được nguồn năng lượng đặc biệt tỏa ra từ các nghệ sĩ Việt.
Văn hóa Việt vô cùng đa dạng
“Về Việt Nam lần này, tôi rất vui và xúc động. Lần trước tôi về đã cách đây mười năm. Chuyến đi cùng gia đình lần đó có rất nhiều hoạt động và cũng là lần đầu tôi trở về quê mình. Lần này, tôi về một mình để sáng tác và gặp gỡ mọi người” - Bouda mở đầu câu chuyện. Nếu không có dịch COVID-19, chuyến đi đã có thể sớm hơn một năm. Thế nhưng, mọi sự chờ đợi đều có giá trị của nó.
|
Nghệ sĩ Bouda |
Bouda chia sẻ: “Vì dịch, chúng ta phải tạm dừng nhiều hoạt động, ý tưởng thì ít rõ ràng hơn, còn cơ thể thì ít vận động hơn so với bình thường. Tôi đã phải mất một khoảng thời gian để bắt mình sáng tác trở lại. Nhưng khoảng thời gian dịch bệnh cũng là dịp giúp tôi xem xét lại một số vấn đề trong công việc cũng như cuộc sống cá nhân”.
Chuyến trở về Việt Nam lần này còn giúp cô khám phá văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa mà theo Bouda là “vô cùng đa dạng và phong phú” khiến cô cảm thấy luôn tràn đầy năng lượng. Bouda đặc biệt yêu thích không khí sôi động tại TP.HCM và ẩm thực nơi đây. Hai món ăn yêu thích của cô là phở mực và cua.
Bouda là nghệ sĩ vẽ tranh tường và tranh minh họa tại Paris. Đam mê nghệ thuật thị giác và truyện tranh ngay từ khi còn nhỏ, cô đã hình thành một phong cách phóng khoáng và trực diện, cùng với những đường viền đen sắc nét. Tranh của cô đặc biệt được lấy cảm hứng từ nguồn năng lượng dồi dào của những thành phố lớn và những con người ở đó. |
“Tôi đã có dịp gặp gỡ đội ngũ của Viện Pháp tại Việt Nam, các nghệ sĩ địa phương như Kleur. Tôi đã cùng anh ấy thực hiện bức tranh tường ở phường Đa Kao, Q.1, TP.HCM trong khuôn khổ dự án nghệ thuật Saigon Urban Arts. Ở đây, tôi cảm nhận một nguồn năng lượng rất đặc biệt. Tôi ấn tượng với phong cách sáng tác và tâm hồn của các nghệ sĩ Việt Nam. Các bạn ấy khao khát sáng tác và yêu cuộc sống” - Bouda khẳng định và chia sẻ thêm: “Tôi ấn tượng với niềm đam mê sáng tác của các nghệ sĩ Việt, thán phục cách các bạn ấy lan tỏa tình yêu nghệ thuật và chia sẻ với nhau về chuyên môn”.
Tại các nước phát triển, họa sĩ vẽ tranh tường, tranh minh họa thường có thể dễ dàng tìm được nguồn kinh phí sáng tác từ các quỹ hỗ trợ, các nhãn hàng, đơn vị quảng cáo nhưng hình thức này ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chưa được chấp nhận. Để duy trì đam mê và tiếp cận với cộng đồng yêu nghệ thuật thế giới, theo Bouda, các nghệ sĩ trẻ Việt nên tham gia càng nhiều càng tốt triển lãm tập thể, các lễ hội về nghệ thuật đường phố hay các dự án sáng tác tập thể… giúp tác phẩm được nhiều người biết đến hơn.
|
Bouda sáng tác tranh tường tại phường Đa Kao, Q.1, TP.HCM |
Sáng tạo không phân biệt giới tính
Sinh năm 1994 tại TP.HCM, vài tháng tuổi, Bouda được mẹ đẻ người Việt gửi vào trại trẻ mồ côi Phú Mỹ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ít lâu sau, cô được vợ chồng nghệ sĩ người Pháp Anne France Lecair và Vincent Legait nhận làm con nuôi. Trong gia đình Bouda còn có hai người con khác đều được nhận nuôi từ TP.HCM. Điều này thôi thúc cô tìm hiểu về nguồn gốc của bản thân dù cô không nói được tiếng Việt hay biết nhiều về văn hóa Việt.
Bouda từng sống một thời gian dài ở Đức trước khi trở về Pháp. Việc lớn lên trong những nền văn hóa khác nhau giúp cô có cái nhìn cởi mở và đa dạng trong thực hành nghệ thuật; luôn dành năng lượng dồi dào cho nhịp sống và con người nơi đô thị thay vì choáng ngợp; cũng như dễ tiếp nhận nguồn gốc của bản thân.
|
Bouda (trái) với bà Emmanuelle Pavillon-Grosser - Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM |
17 tuổi, Bouda theo chân cha mẹ về thăm lại trại mồ côi từng cưu mang cô thuở nhỏ. Tiếp xúc với các em bé tại đây, lòng Bouda đan xen nhiều xúc cảm khó diễn tả. Có chút gì đó nghèn nghẹn, xúc động; có chút gì đó day dứt, trăn trở. Trên hết, trái tim Bouda tràn ngập lòng biết ơn. Cô biết, nếu không được cha mẹ nhận nuôi, cuộc sống của cô hiện tại đã là một trang rất khác. Ở lứa tuổi thiếu niên ấy, Bouda cất giữ tất cả cảm xúc. Cho đến khi chúng chín muồi, Bouda bắt đầu chuỗi tác phẩm khám phá cội rễ. Triển lãm ấy có tên Crevette, tổ chức tại Paris, nơi nam nghệ sĩ chiếm tỷ lệ lớn hơn rất nhiều so với nữ giới.
“Tôi đã gặp rất nhiều nghệ sĩ, cả nam và nữ, ở nhiều nơi khác nhau rồi mới bắt đầu sáng tác và giới thiệu tác phẩm của mình. Khi mới bắt đầu vẽ, tôi đã có dịp biết đến các tác phẩm của Kashink trên các con đường ở phía Bắc Paris. Kashink là nữ nghệ sĩ đường phố truyền cho tôi nguồn cảm hứng và động lực lớn. Tôi đã bắt đầu sáng tác cho những sự kiện văn hóa lớn, có dịp gặp gỡ nhiều nghệ sĩ và học hỏi được rất nhiều từ họ. Tôi tin rằng những cuộc gặp gỡ, những chia sẻ về công việc là rất quan trọng và giúp nghệ sĩ chúng tôi giữ vững tình yêu với công việc, bất kể là nam hay nữ” - Bouda chia sẻ về những nỗ lực của cô trong việc xóa nhòa ranh giới về giới.
Nói về tình yêu với nghệ thuật, Bouda thừa nhận cô chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ. Mẹ cô, họa sĩ Anne France Lecair, đã truyền cho cô niềm đam mê hội họa. “Tôi đã có một hành trình nghệ thuật gần giống mẹ”. Cha cô thì rất yêu truyện tranh. Ông đã giúp cô khám phá thế giới thông qua chúng. “Khi tôi quyết định theo đuổi hội họa và vẽ minh họa, cha mẹ rất ủng hộ. Cảm hứng sáng tác của tôi đến từ các tác phẩm truyện tranh như Gaston Lagaffe, Lucky Luke, Kid Paddle. Cách vẽ minh họa đầy ngẫu hứng và hiệu quả của truyện tranh làm tôi rất thích thú- Bouda chia sẻ.
|
Tác phẩm của Bouda tại Spraying Board Vietnam |
Nếu đề tài đô thị trở thành dấu ấn trong tranh Bouda thì những nhân vật với nét vẽ tròn trịa và khuôn mặt đặc trưng là điểm khó trộn lẫn trong các tác phẩm của cô. Ở đó, người xem bắt gặp hơi thở của đời sống thường ngày, những quan sát, những gặp gỡ của Bouda và cả những nền văn hóa cô tiếp xúc, những đô thị cô đi qua. Bouda là tiếng nói lớn lên từ thị thành và phản chiếu tất cả nguồn năng lượng tích cực, trẻ trung ở đó.
Bouda từ chối những câu hỏi liên quan đến cá nhân nhưng ngắm tranh của cô, có thể cảm nhận được sự vui vẻ và con đường tự tin của một người đã tìm được hướng đi cho bản thân. Có lẽ vậy nên sau một thời gian dài sáng tác với hai sắc màu cơ bản là đen và trắng, tranh Bouda bắt đầu có nhiều màu sắc hơn.
Nhã Ca
Ảnh: Dat Vinh Tran