Nghề quê về phố

10/02/2024 - 06:21

PNO - Những làng nghề truyền thống theo chân người vào Nam mở cõi, theo bước người đến thành thị mưu sinh. Lâu dần, nghề quê gắn bó, trở thành một phần hồn giữa phồn hoa phố thị. Tại TPHCM, qua bao thăng trầm, nhiều người vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề như gìn giữ phần hồn của cha ông, tổ tiên bao đời trao gửi.

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai đang làm những sản phẩm đan lát thủ công để xuất khẩu
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai đang làm những sản phẩm đan lát thủ công để xuất khẩu

Nếp xưa gìm giữ chút này... 

Trong ngôi nhà vườn ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM), 8 anh chị em bà Nguyễn Thị Tư tề tựu đầy đủ trong ngày giỗ lần thứ 19 của mẹ bà. Các con, cháu nội - ngoại trong gia đình cũng tụ lại hơn 40 người, nói cười rôm rả.

Như một bếp trưởng, bà Tư ngồi sắp xếp những phần ăn vừa được nấu chín vào từng chiếc đĩa lớn để chuẩn bị dọn lên bàn, thắp hương. Bày xong các món, bà Tư gọi con gái mang mấy đòn bánh tét ra. Chị Bùi Thị Anh Đào - con gái lớn của bà Tư - lần lượt tháo dây 3 đòn bánh tét trong số hơn 100 đòn đang treo trên gác bếp mang lại cho mẹ.

Các đám giỗ ở thành phố hay thậm chí ở các vùng quê bây giờ cũng dần vắng bóng món bánh tét. Nếu có, cũng chỉ là những đòn bánh mua ở chợ. Trong cuộc sống bộn bề cơm áo, hiếm gia đình ngồi lại thâu đêm gói hàng trăm đòn bánh như nhà bà Tư. Bà nói: “Giỗ, không được thiếu bánh tét. Hồi xưa ông bà mình làm sao thì giờ mình làm y như vậy”. Câu nói như lời răn dạy của bà Tư với con cháu. Dù bây giờ, thế hệ con cháu của bà Tư đã không còn co cụm trong miếng ruộng, vườn rau ở bán đảo Thanh Đa mà đã vươn ra khắp thành phố này mưu sinh, nhưng cái nét truyền thống cha ông, họ vẫn giữ.

Ngồi giúp mẹ gỡ lá chuối từ đòn bánh tét, chị Anh Đào cười nói thêm: “Không phải lâu lâu mới gói đâu. Em vô Thanh Đa là được ăn bánh tét suốt, vì 1 năm có vài chục cái đám giỗ. Đám nào cũng gói cả trăm đòn bánh tét. Mình gói, trước là cúng ông bà, sau làm quà cho khách mang về. Nhà nào không gói bánh tét thì gói bánh ít, bánh ú”. Chị giơ tay ra bấm đốt, nhẩm tính: “Nay giỗ ngoại, bữa kia là đến đám ông cố bên phía ba. Đầu tháng Mười hai là tới giỗ ông nội. Trong tháng Chín âm lịch vừa rồi có tới 10 cái đám loanh quanh trong dòng họ. Ở khu này toàn bà con chớ không có người lạ”.

Cụ Ích tỉ mẩn làm  chiếc bánh tét mang đậm hương vị truyền thống
Cụ Ích tỉ mẩn làm chiếc bánh tét mang đậm hương vị truyền thống

Cứ đến đợt cúng giỗ, không đợi má nhắc, trước đó 2 ngày, chị Đào lo đi rọc lá chuối để chuẩn bị gói bánh. Những ngày gói bánh cũng là dịp để người đi trước kể lại chuyện xưa - chuyện hồi tổ tiên, ông bà về Thanh Đa khai hoang lập xóm, rồi tham gia cách mạng, hy sinh như thế nào. Thế hệ sau nghe, thấm thía để ghi nhớ gia phả của dòng họ mà không cần ghi chép, cũng từ đó thêm yêu vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên. 

“Đó cũng là dịp để chị em, họ hàng tụi mình kể nhau chuyện làm chuyện ăn, rồi yêu thương, đùm bọc nhau hơn trong muôn nẻo khó khăn của cuộc sống. Những lần giỗ chạp như vầy, con cháu ai cũng biết trách nhiệm mà về, mỗi người góp một tay làm, hòa thuận vui vẻ với nhau, xong giỗ thì ai về nhà nấy, không tiếng to, tiếng nhỏ nào cả” - chị Đào tự hào nói thêm.

Có lẽ, chính truyền thống xưa đã biến Thanh Đa thành nơi lưu giữ nghề truyền thống giữa một đô thị hiện đại như TPHCM. Hiện nay, chị em họ hàng của chị Đào sống ở Thanh Đa, không ai không biết gói bánh. Riêng chị Đào lấy đó làm nghề mưu sinh của gia đình. Đến tết Đoan Ngọ và tết Nguyên đán, chị và mẹ lụi cụi gói bánh theo đơn đặt hàng. Bánh tét thì vài trăm đòn, còn bánh ú, bánh ít thì lên đến 4.000, 5.000 cái. Ngày thường thì ai đặt đâu làm đó. Ngay cả con gái chị, quanh năm cắp sách tới trường, chuẩn bị ra làm cô giáo nhưng cũng gói bánh rất dẻo, vì mỗi lần như vậy, chị đều gọi con dự phần. 

“Hồi mình còn nhỏ, mỗi lần má với các dì gói bánh thì chị em mình lau lá, nặn nhân. Đến giờ, mình ngồi gói thì con mình cũng làm những việc tương tự như vậy. Nhờ đó, qua bao nhiêu đời, gói bánh trở thành cái nghề truyền lại trong họ mình ở Thanh Đa mà chẳng ai chỉ ai bày” - chị Đào khẳng định.

Người dân ở Thái Mỹ đang  phơi tre, trúc trước khi chẻ ra  làm sản phẩm đan lát thủ công
Người dân ở Thái Mỹ đang phơi tre, trúc trước khi chẻ ra làm sản phẩm đan lát thủ công

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ có 2 hàng tre xanh ngun ngút ở ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, căn nhà của bà Nguyễn Thị Ích (83 tuổi) vẫn luôn rộn rã tiếng cười. Ở đó, những dịp lễ, tết, gia đình 3 thế hệ của bà lại quây quần, cùng nhau nấu bánh tét. Với cụ Ích, đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là dịp để cả gia đình ôn lại hương vị tết xưa.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình - con gái thứ bảy của cụ Ích - kể đã nối nghiệp mẹ từ lúc ngoài 20 tuổi. Hơn 20 năm qua, chị vẫn bám trụ với nghề, bởi đơn giản đó là một phần hương vị tết của gia đình. Không chỉ vậy, mỗi cặp bánh tét được trao tay cũng là cách chị gửi vị tết đến muôn người, muôn nhà.

Mỗi năm, từ ngày cúng ông Táo trở đi, từ lúc hừng đông cho đến cuối ngày, giữa khuya, cả gia đình cụ Ích không ai rảnh rỗi. Trong lúc chị Bình xách giỏ đi chợ lựa mua thịt heo thì anh Trực - con trai cụ Ích - ra vườn chặt lá chuối, chẻ lạt buộc bánh. Sau khâu chuẩn bị, cả nhà cụ Ích tập trung ở bộ ván bên hông nhà, người xé lá, xếp lá, người phân nếp, nhân cho từng đòn bánh. 

Cụ Ích chia sẻ, để bánh được thơm ngon và đúng vị, ngoài nếp dẻo, cốt dừa phải thật béo, nhân bánh phải làm sao cho thật đậm đà. Khâu buộc bánh cực kỳ quan trọng, phải siết dây cho thật chặt, ngoáy dây cũng phải thật đều tay. Trước khi cho bánh vào nồi, cụ cẩn thận kiểm tra từng đòn bánh, từng nuộc dây. “Đòn bánh thành phẩm phải đều tăm tắp, phải thật dẻ, hạt nếp nở ra hết cỡ như bột nhưng nén chặt nên vẫn còn nguyên hình dạng. Luộc bánh phải cho lửa thật đều liên tục trong 8 tiếng. Bánh vừa chín thì vớt ra cho vào thùng nước lạnh trong 20 phút rồi vớt ra, treo lên, để ráo. Làm như vậy, bánh vừa đạt được vị ngon, khi cắt ra cũng rất dẻ và ngon” - cụ Ích cười chia sẻ bí quyết.

Cụ Ích tâm sự, gói bánh tét là nghề quê, theo chân những người mở cõi vào Nam. Lâu dần, chiếc bánh được “biến tấu” ra nhiều hương vị để phù hợp với mỗi vùng đất khác nhau. Tuy nhiên, dù ở đâu thì mỗi chiếc bánh đều là hiện thân của những giá trị văn hóa, tinh thần. Như ở gia đình cụ Ích, nồi bánh tét là nơi kết nối thế hệ. Nhiều đêm, gia đình hàng chục người ngồi quây quần bên nhau trò chuyện đến sáng chờ bánh chín. Rồi sau đó, những chiếc bánh này lại theo chân con gái cụ Ích ra chợ, mang niềm vui đoàn tụ đến cho gia đình khác. Đây cũng là lý do vì sao đã ngoài 80 tuổi, sức đã yếu, nhưng cụ Ích vẫn “giữ lửa nghề” cùng các con. 

Mang đồ thủ công vươn ra thế giới 

Những ngày cuối năm, lò bánh tráng của gia đình chị Hồ Quế Châu - xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi - cũng tất bật hơn. Làng bánh tráng Phú Hòa Đông từng vang danh một thời, nhưng theo thời gian, số người theo nghề ít dần. 

Chị Hồ Quế Châu bên lò bánh tráng của gia đình
Chị Hồ Quế Châu bên lò bánh tráng của gia đình

Chị Quế Châu cũng không rõ làng bánh tráng Phú Hòa Đông có từ bao giờ. Tuy nhiên, với chị, những lò bánh tráng là một phần ký ức khó phai. Bánh tráng nơi này được ưa chuộng vì ngoài đôi tay khéo léo, tỉ mẩn của người làm bánh, còn nhờ vùng đất này có nguồn nước ngọt quanh năm. Nước trong, có vị thanh mát, không nhiễm phèn, nên bánh khi tráng ra ngon và ngọt hơn những khu vực khác. Chị Châu bám trụ với nghề cũng là muốn lưu giữ những ký ức đẹp đó và để làng nghề không bị mai một trong cuộc sống hiện đại.

Cũng làm bánh tráng, nhưng chị Lâm Thị Trung đã cải tiến sản xuất kết hợp thủ công và máy móc để bánh tráng Phú Hòa Đông có thể “xuất ngoại”. Chị Trung nối nghiệp làm bánh của cha mẹ đến nay đã gần 25 năm. Với chị, nhiệm vụ của mình không chỉ theo nghề mà còn phải truyền nghề cho thế hệ sau. Để cái nghề làm bánh tráng vang danh một thời không bị thất truyền. “Giờ có máy móc hỗ trợ nên nghề bánh tráng không còn phụ thuộc vào thời tiết. Sản phẩm làm ra cũng chất lượng hơn, người làm bánh cũng đỡ cực nhọc và có thu nhập cao hơn nên tôi cũng có thêm động lực bám trụ với nghề” - chị Trung chia sẻ.

Cùng với nghề bánh tráng, ở Củ Chi, xã Thái Mỹ cũng nổi tiếng với nghề đan lát đã tồn tại hơn 100 năm. Nhiều vị cao niên vùng này kể, từ thời khai khẩn, đất Thái Mỹ tre trúc bạt ngàn, phủ kín lối đi nên nông dân đã tận dụng làm ra các sản phẩm sinh hoạt hằng ngày như rổ, thúng. Lâu dần, tay nghề càng nâng lên, tinh xảo, sản phẩm được mang đến các vùng khác để trao đổi, mua bán, nhờ đó đưa nghề đan lát Thái Mỹ nổi tiếng gần xa và được lưu giữ cho đến ngày nay.

Trong nhịp sống hiện đại, nhiều lò làm bánh tráng thủ công ở Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi vẫn đỏ lửa
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều lò làm bánh tráng thủ công ở Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi vẫn đỏ lửa

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai - người dân xã Thái Mỹ - cho biết, chị vốn là người vùng khác đến Thái Mỹ lấy chồng và sinh sống. Thấy nghề đan lát nhà chồng hay hay nên chị tập làm theo. Rồi từ lúc nào không hay, chị trở thành một thợ đan lát thực sự và gắn bó với nghề hơn 20 năm. 
Khó khăn hiện nay là sản phẩm đan lát đang bị các sản phẩm làm từ nhựa, inox… cạnh tranh mạnh. Cùng với đó, diện tích trồng tre, trúc, mây dần thu hẹp nên thiếu hụt nguyên liệu. Để giữ làng nghề, chị Mai đã kết nối với các đối tác trong nước để gia công các sản phẩm kệ, chậu cây với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau; đồng thời, hợp tác với các hộ gia đình nhận làm gia công từng công đoạn sản phẩm cho các cơ sở lớn để tiết kiệm nhân công, thời gian, tạo điều kiện cho công nhân lớn tuổi, có tay nghề lâu năm được làm việc mà sản phẩm vẫn đạt chất lượng cao. Nhờ vậy, sản phẩm đan lát của gia đình chị Mai đã đến được thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Anh, Hà Lan… 

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông hiện có 70 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã và 15 hộ tráng bánh thủ công. Quy mô sản xuất 90 tấn bánh tráng/ngày, doanh thu khoảng 100 tỉ đồng/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc với nhiều dòng sản phẩm đa dạng, chất lượng, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động nông thôn. Tương tự, xã Thái Mỹ hiện có 4 cơ sở làm đầu mối cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm và 192 hộ gia công sản phẩm như rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, nia, sọt… và cũng đã vươn ra thế giới, góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế địa phương, giúp đời sống của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, thể hiện tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch cộng đồng. 

“Chúng tôi đã hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, vốn tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, lễ hội… nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản làng nghề đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, huyện đã xây dựng đề án bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, mong muốn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đi đôi với việc kết hợp giữa du lịch làng nghề gắn với các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, tham quan ẩm thực đối với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn” - bà Phạm Thị Thanh Hiền chia sẻ. 

Tú Ngân - Thiên Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI