Nghe Nhung hát về Hà Nội

27/04/2024 - 08:37

PNO - "Đài phát thanh công cộng" - album Hà Nội thứ ba của Hồng Nhung - vừa chứa đựng những ký ức đẹp đẽ một thời của Hà Nội thời tem phiếu vừa hiện đại trong cách phối khí, hòa âm.

Một album thật đẹp và lãng mạn, giản dị về ca từ dẫu chỉ vỏn vẹn 6 ca khúc, trong đó Góc Hà Nội Tôi đọc báo công cộng có 2 bản phối. Và vì là một album quá đẹp nên có chút tiếc nuối lẫn ao ước giá mà có thêm nhiều bài hát hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu nay người yêu nhạc thường rỉ tai rằng hát về Hà Nội thì Hồng Nhung hát ra chất nhất trong số những giọng ca đương đại. Giọng hát của chị có sự trong trẻo, mềm mại, đầy đặn, ấm áp và tươi sáng. Tôi từng có dịp hỏi Hồng Nhung, chị nhớ gì nhất ở Hà Nội. Chị bảo, thật không dễ để chọn ra cái gì là nhất, bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Từng góc phố, con đường, mái trường xưa, ly cà phê phố cổ hay những thứ mùi, vị, không gian rất khó để gọi tên. Có lẽ đây cũng là hoài niệm của Nguyễn Duy Hùng - chàng nhạc sĩ sinh trưởng ở Hà Nội lập nghiệp ở Sài Gòn. Sự “gặp nhau” giữa Hồng Nhung và Nguyễn Duy Hùng đã tạo nên một album đẹp thuần khiết.

Bìa album Đài phát thanh công cộng - Nguồn ảnh: Hãng đĩa Thời Đại
Bìa album Đài phát thanh công cộng - Nguồn ảnh: Hãng đĩa Thời Đại

Tôi không biết nhiều về Hùng, trừ đôi lần nói chuyện cùng anh và Sa Huỳnh. Song, mỗi lần nhắc đến âm nhạc, Hùng luôn mang đến cho tôi suy nghĩ anh là kẻ lãng mạn cuối cùng còn sót lại của thế kỷ trước. Tình yêu của Hùng đối với âm nhạc thuần khiết và trong trẻo đến độ ánh ban mai có thể xuyên qua. Đồng thời, ở Hùng có sự nhạy cảm đặc biệt với âm thanh và những kỹ thuật phối khí mới. Hùng luôn tìm tòi, miệt mài thử cái này, cái kia, đầu tư thiết bị tốt nhất. Cho nên, ở album này của Hồng Nhung, Hùng đã có màn kết hợp tài tình giữa những âm thanh của nhạc sàn thập niên 1980, 1990 với âm nhạc đương đại cực kỳ bắt tai. Một Hà Nội hoài niệm nhưng không cũ kỹ hiện lên, tiệm cận với đời sống hôm nay. Xen lẫn trong tiếng nhạc là tiếng rao, tiếng còi, tiếng đài phát thanh qua loa phường… làm người nghe xốn xang, thương nhớ.

Sở dĩ album có một cái tên gợi hình gợi âm như vậy vì đài phát thanh công cộng là biểu tượng của Hà Nội một thuở và cũng gắn liền với biệt danh “Bống loa phường” của Hồng Nhung. Giọng hát của chị vang trên sóng đài phát thành đã ăn sâu và trở thành ký ức đáng nhớ về Hà Nội của nhiều thế hệ. Dường như đến độ tuổi nào đó, người ta thường chợt nhớ về những ngày đã qua.

Ca khúc Góc Hà Nội:

Mẫu số chung cho những ký ức ấy chính là khoảng thời hoa niên, sau những tháng ngày non dại ấu thơ. Một cành phượng vĩ, tình cảm trong veo thuở cắp sách đến trường hay phố cổ hàng rong, mùi tóc bay trong gió, con phố mùa đông lạnh căm mà ấm áp tình người… - Hùng đã chắt lọc những chi tiết điển hình nhất để đưa vào ca từ, những giai điệu điển hình nhất đưa vào giai điệu. Bằng cách này, Hùng đã biến ký ức của cá nhân thành ký ức tập thể, ký ức của một thời: “Phố cổ người thưa thớt bóng người/ Nóc nhà kề bên phố lên đèn/ Ngõ nhỏ đường trơn ướt lối về/ Tiếng gà tàn canh vẫn trong lành/ Phố của ngày mưa gió”.

Hồng Nhung hát album này trong veo, dễ chịu đến lạ lùng. Không phơi bày kỹ thuật, chị cứ như đang thong dong nhìn ngắm lại từng góc phố, con đường, trong ký ức của chính chị và của nhiều người.

Một album làm người nghe thêm yêu Hà Nội.

Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI