Nghề nhặt rác ở nơi giàu có nhất thế giới

09/04/2019 - 10:00

PNO - Cách nơi ở trị giá 10 triệu đô-la của ông chủ Facebook tại San Francisco chỉ ba tòa nhà là studio nghèo nàn của Jake Orta sống bằng nghề nhặt rác.

Trong căn phòng nhỏ chứa đầy rác có một chiếc nón bảo hiểm xe đạp màu hồng cho trẻ con mà ông Orta vừa bới được từ bãi rác thải trong khu phố nơi ông chủ Facebook sinh sống. Cùng với đó là một máy hút bụi, một máy sấy tóc, một máy pha café, tất cả còn chạy tốt, và một mớ quần áo cũ.

Là một cựu chiến binh sống trong khu nhà ở xã hội, ông Orta dành toàn bộ thời gian của mình để đi nhặt rác, một nghề khá phổ biến là và một phần của nền kinh tế ngầm tại San Francisco, nơi nhiều người sống nhờ vào vỉa hè của những căn nhà triệu đô.

Tuy nhiên, ông Orta, 56 tuổi, lại cho rằng mình đang đi tìm kho báu. “Thật là tuyệt khi nhặt được những thứ còn tốt mà người ta bỏ đi”, ông hào hứng mỗi khi tìm được một chiếc quần jean thiết kế rất đẹp, một chiếc áo khoác còn mới, đôi giày Nike hay một chiếc bơm xe đạp. “Bạn không bao giờ biết mình sẽ tìm được thứ gì”.

Nghe nhat rac o noi giau co nhat the gioi
Ông Orta tìm kiếm thùng rác bên ngoài nhà Mark Zuckerberg

Mục tiêu của ông là kiếm được từ 30 đến 40 đô-la mỗi ngày, mức thu nhập vào khoảng 300 đô-la/tuần, đủ để sống qua ngày ở thành phố đắt đỏ này.

Ông Orta sinh ra ở San Antonio trong một gia đình gồm 12 người con. Ông đã trải qua hàng chục năm làm lính không quân, tham chiến ở vùng Vịnh vào năm 1991, rồi sau đó được điều sang Đức, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi. Khi quay trở lại Mỹ, vợ ông đã bỏ ông. Ông lao vào nghiện ngập rồi trở thành vô gia cư. Ông chuyển đến San Francisco và từ năm năm nay được hưởng chế độ nhà ở cho cựu chiến binh vô gia cư.

Khi trời chạng vạng tối, ông bắt đầu rời căn hộ của mình để đến khu phố sang trọng. Nhưng ông hề không để ý đến kiến trúc, cảnh quan của nơi giàu có bậc nhất thế giới. Ông đi trên vỉa hè, đôi khi dừng lại, mắt chăm chú nhìn xuống đất cùng với chiếc đèn pin. Bạn bè gọi ông là Người tìm kiếm.

Ông đi theo những lộ trình khác nhau nhưng đều dừng lại ở những bãi rác. Ở đây, đôi khi ông có thể tìm thấy cả những chiếc ly bạc, những chén, đĩa cổ thường thấy trong các lâu đài ở châu Âu. “Rác của người này có thể là kho báu của người khác”, ông nói.

Ông Orta còn nhặt được cả điện thoại, iPads và những đồ điện tử khác. Vào cuối tháng 8, tháng 9, khi những khách du lịch trở về từ lễ hội Burning Man ở sa mạc Nevada, ông còn mang về được cả những chiếc xe đạp phủ đầy cát.

Thành phố San Francisco còn là nơi tập trung những người trẻ tuổi, giàu có với những chuyến đi dài ngày. Và họ sẵn sàng vứt bỏ lại những chiếc quần jean hay những đồ điện tử đã cũ. “Chúng tôi có rất nhiều rác thải công nghệ do ngày càng có nhiều người đến và đi nhanh chóng”, người phát ngôn của công ty thu gom rác Recology cho biết.

Nghe nhat rac o noi giau co nhat the gioi
Nhặt rác ở San Francisco là bất hợp pháp

Công ty cũng nhấn mạnh rằng nhặt rác là bất hợp pháp ở California. Theo quy định của tiểu bang này, một khi thùng rác được chuyển ra vỉa hè thì những gì chứa trong đó thuộc về công ty thu gom rác. Tuy nhiên, luật này ít khi được thực thi.

Có đến hàng trăm người nhặt rác ở San Francisco. Nhặt rác được chia làm nhiều loại. Phụ nữ và đàn ông lớn tuổi thường nhặt thùng các-tông, giấy, vỏ lon, chai lọ, túi xách… rồi đem bán lại cho các trung tâm tái chế. Nhặt rác kiểu ông Orta là một loại khác. Ông nhắm đến những món đồ không tái chế được mà chỉ có nghiền nát, nén chặt và chuyển đi.

Ông Orta bán những thứ nhặt được tại các phiên chợ trời. Đồ chơi trẻ em rất ít khi bán được vì tâm lý cha mẹ không thích mua lại cho con những thứ từ bãi rác. Quần áo phụ nữ cũng không chắc lắm. Nhưng đàn ông thì không quan tâm lắm nguồn gốc những thứ mình mặc, nên những chiếc quần jean khá dễ bán với giá từ 5 đến 10 đô la.

Nhưng có một thứ mà ông không bán, đó là bộ sưu tập những tờ báo về Thế chiến thứ 2. Ông tự hỏi sao người ta lại vứt bỏ chúng.

Tuy nhiên, ông Orta tỏ ra thất vọng vì không tìm được gì đáng giá từ thùng rác của ông chủ Facebook. Trong thùng rác tái chế có địa chỉ nhà Mark Zuckerberg chỉ có vỏ lon bia, thùng các-tông và một số thư quảng cáo. Còn trong thùng rác sinh hoạt thì chỉ có vài hộp thức ăn nhanh Trung Quốc.

Minh Nhiên (The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI