Tiếng hát, kể theo âm điệu hơ mon của người Ba Na bên bếp lửa nhà sàn ở H.Vĩnh Thạnh (Bình Định) - nơi cộng đồng người Ba Na ở Bình Định đang sinh sống - từng làm mê mẩn bất kỳ khách lạ nào đặt chân đến đây. Tiếng hát như đưa người nghe về với dòng sử thi oai hùng, cùng những trận chiến giữ đất giữ làng, bảo vệ chính nghĩa. Những nghệ nhân hơ mon lần lượt nhẹ về mây núi, theo Giàng, theo ngọn gió rong ruổi đại ngàn... Vĩnh Thạnh giờ vắng bặt tiếng hơ mon.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh - người được cộng đồng Ba Na ở Vĩnh Thạnh gọi là “Từ điển sống của người Ba Na” - bảo rằng: “Giờ người có thể hát, kể hơ mon ở Vĩnh Thạnh này chỉ còn đôi, ba người…”. Trong số đó, ông nhắc nhiều đến một nữ nghệ nhân mà theo ông, là người hát, kể hơ mon hay nhất, nhuần nhuyễn nhất và nắm giữ nhiều bài hơ mon nhất hiện nay. Bà cũng là nữ nghệ nhân duy nhất của đồng bào người Ba Na ở Vĩnh Thạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đó là nghệ nhân Yă Xuâng, tên thật là Đinh Thị H'Lên, sinh năm 1936 ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
|
Nghệ nhân ưu tú Yă Xuâng chia sẻ về hơ mon |
Nhiều năm nay, vợ chồng Yă Xuâng hay ở trên nhà rẫy, cách làng K2 hơn 10km. Đường vào nhà bà khó đi bởi đồi dốc gập ghềnh, và những đoạn đường đất nhão trơn trượt. Nhưng khi đến nơi, một không gian bình yên mở ra chan hòa với thiên nhiên khiến ai nấy cũng đều thích thú. Nhà của Yă Xuâng lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ, bao quanh là chập chùng núi đồi và những thửa ruộng nước trầm mặc.
Hơn mười tuổi, trong lần theo cha mẹ lên thăm người thân ở Kbang (Gia Lai) và nghe họ hát hơ mon, bà đã bị hơ mon mê hoặc. Cha bà cũng là một người hát hơ mon rất hay. Học từ cha và nhiều nghệ nhân đi trước, nghệ nhân Yă Xuâng nắm giữ kỹ năng, kỹ thuật hát, kể hơ mon sinh động, truyền cảm. Khi bà còn trẻ, hằng đêm, đặc biệt là những ngày hội làng, mọi người trong làng K2 và cả những làng lân cận tập trung về nhà nghệ nhân Yă Xuâng để nghe bà biểu diễn. Bà còn truyền dạy hơ mon cho nhiều người.
Nghệ nhân Yă Xuâng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2007. Năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Hơ mon còn gọi là sử thi hay trường ca, được trình bày dưới dạng hát, kể với những làn điệu âm nhạc có ngữ điệu, sắc thái, cường độ thay đổi linh hoạt theo mạch kể của câu chuyện. Hơ mon thể hiện xen kẽ văn vần với văn xuôi. Đề tài chủ yếu hơ mon hướng đến là về những người anh hùng.
|
Nhắc chuyện xưa, giọng bà chùng lại: “Giờ đây, những người từng truyền dạy cho tôi đều đã theo Giàng. Tôi cũng đã hơn 80 tuổi. Trước đây, có một số người trong làng đến xin học hơ mon. Ngày ấy, tôi trình diễn hơ mon từ 7 giờ tối đến 2-3 giờ sáng. Chợp mắt một tí, tờ mờ sáng đã phải lên rẫy. Vậy mà chẳng thấy mệt mỏi gì. Giờ thì già mất rồi…
Hơ mon chủ yếu được truyền lại bằng phương thức truyền miệng. Khó học lắm. Vì dài, khó nhớ. Hồi trước có người theo học một thời gian rồi thôi. Họ bảo khó, học hoài mà không hát, không kể thành bài được. Những người trẻ bây giờ cũng ít ưng hơ mon. Họ tìm đến những thứ hiện đại khác. Bao thứ nhạc xập xình đó mình không quen. Chỉ thấy hơ mon, những cái xưa cũ của ông bà mới thực sự gần gũi với mình, những thứ ấy nó giữ mình lại. Thì đành vậy thôi chớ biết sao giờ. Mỗi thời một khác mà. Nhưng vẫn cứ thấy tiếc tiếc…”.
|
Nhiều năm nay vợ chồng NNƯT Yă Xuâng sống trên rẫy nên bà cũng ít hát hơ mon |
Suốt nhiều năm nay, Yă Xuâng ở trên nhà rẫy. Vợ chồng bầu bạn cùng nhau. Hằng ngày họ chăm vườn mì, nuôi đàn gà, nấu rượu ghè. Thuở trước, lâu lâu nhớ con, vợ chồng Yă Xuâng lại lụi hụi đi bộ về nhà cũ. Giờ tuổi cao sức yếu, cứ mười hôm nửa tháng thì con lại lên đón. Cứ thế, những năm gần đây, cuộc sống của nghệ nhân Yă Xuâng thêm phần lặng lẽ... Hơn 5 năm nay, vì tuổi cao sức yếu, Yă Xuâng không thể tiếp tục truyền dạy được nữa.
Những nghệ nhân còn nắm giữ và có khả năng trình diễn hơ mon như Nghệ nhân ưu tú Yă Xuâng rất hiếm. Một nghệ nhân hơ mon thực thụ phải là người có giọng hát tốt, khỏe, phải thuộc nhiều làn điệu. Họ còn phải biết xử lý cốt truyện, biết phân đoạn phân câu, nhuần nhuyễn câu chuyện của mình kể mà xử lý âm điệu, lấy hơi, chọn nơi luyến láy nhằm dẫn dắt câu chuyện sinh động.
Nghệ nhân ưu tú Yă Xuâng hội đủ các yếu tố ấy. Bà là vốn quý của hơ mon hiện nay, có lẽ sau bà sẽ không còn kiếm được nghệ nhân nào như vậy nữa. Hơ mon rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na, nhưng việc lưu giữ hơ mon hiện nay gặp không ít khó khăn.
Chúng tôi đang tìm một số nghệ nhân nắm giữ các hơ mon, trong đó có nghệ nhân Yă Xuâng để nghe hát, ghi âm, phiên dịch lại. Mong rằng, các cấp, các ngành văn hóa sẽ cùng chung tay với những nghệ nhân như chúng tôi, để bảo lưu, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo này.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh
|
Hơ mon phải có người nghe, phải đông khán giả, mà những năm nay, bà sống tách bạch nơi thung vắng này, chắc lời hơ mon kia cũng đã lặng về phía ngày cũ. Hỏi bà: "Yă vẫn còn hát hơ mon chứ?". Người nghệ nhân già cười hiền: “Còn chứ! Có khi, những đêm ngồi bên bếp lửa đỏ nhà sàn một mình, tôi lại hát. Nhưng giờ già yếu rồi, hát một đoạn ngắn bất kỳ mà mình nhớ, chứ không hát được nguyên bài như xưa nữa".
Như hiểu sự háo hức của khách lạ, bà nhóm thêm củi vào bếp, rồi cất lời. Tiếng hát dìu dặt, đầy ắp nỗi say mê như xua đi bao lặng lẽ, hoang vắng. Bà bảo, hơ mon người Ba Na hay kể lại những câu chuyện tình yêu lứa đôi tuổi trẻ, những chuyện anh hùng giữ đất giữ làng đánh đuổi kẻ xâm lấn. Có khi hơ mon kể lại những chuyện gần gũi như chuyện đi thăm bà con, đi thăm rẫy, vào rừng…
Bản thân bà biết nhiều bài hơ mon như Prăng Cắt, Mung Mol, Chum Chrai, Chom Proông… Gần cả cuộc đời sống với hơ mon, điều mà lâu nay Yă Xuâng chưa nguôi trăn trở, là trong bối cảnh cuộc sống có nhiều biến đổi, nhiều giá trị văn hóa cổ truyền - trong đó có hơ mon - đang dần bị lãng quên, mai một, không tránh khỏi nguy cơ sẽ mất đi mãi mãi.
Phi Vân