Một người bạn dí dỏm so bì: “Đời này không ai sướng bằng ông A Biu. Ngoài 60 tuổi rồi mà đi đâu cũng được các cô gái xúm lại, chụp hình: gái Tây, gái Việt, gái trẻ, gái già… Cứ đợi ông đánh dứt bản mà coi!”. Nhưng thực ra, nếu không bên dàn cồng chiêng thì A Biu chỉ là một già làng bình thường thôi!
“Khách chuộng âm nhạc dân tộc, tôi vui lắm!”
Ông A Biu là người dân tộc Ba Na được phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) năm 2019. Homestay A Biu tại nhà ông ở xã Ngọc Bay (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) níu chân du khách bởi âm điệu cồng chiêng đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Bản nhạc dứt vẫn còn dư âm réo rắt, bổng trầm, NNƯT A Biu giải thích: trong sân nhà, nhạc cụ hiện đại như đàn guitar được ông cố tình trưng bày bên trái, còn bên phải là những nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn t’rưng mà ông yêu như hơi thở của mình.
|
Nghệ nhân ưu tú A Biu bên giai điệu cồng chiêng say đắm lòng người |
Ánh lửa trại bập bùng soi chiếu những chiêng tre cổ xưa, những mặt nạ, cối giã gạo, nhà rông… Trong bữa tiệc cồng chiêng, thời gian như ngưng đọng. Khách đấy, nghệ nhân đây cùng cuốn vào những vòng múa xoang nhịp nhàng, cuốn hút.
Ông A Biu nói đùa rằng ở làng này đến thú nuôi cũng ghiền nghe chiêng, cứ đánh lên một tiếng là chạy đến. Ngẫm lại, cũng biết đâu đấy, tiếng cồng chiêng thấu động đất trời, muôn cây vạn vật đều nghe, chúng chắc cũng ngấm cung bậc mê hồn này mà tìm đến.
Từ năm 2003, nhà ở rẫy, ông đổi 50 bao lúa quyết tâm mua đất cất nhà sàn tại làng Plei Klech với tâm nguyện biến nhà mình thành không gian văn hóa. Cái đói vẫn nấp ở hũ gạo trong bếp không cuốn trôi giấc mộng A Biu. Bởi tiếng cồng chiêng đã cướp hồn từ khi A Biu còn là cậu bé cứ tung tăng theo cha đi lễ mừng nước giọt, mừng lúa mới, dựng nhà rông…
Là một người làm ngành y nhưng cha ông cũng thường xuyên giữ chân đánh nhịp một trong dàn cồng chiêng. Anh ông thì thuộc nhiều bài, ông cứ thế nhẩm theo và nằm lòng đến mấy chục bài. Nhưng không có chiêng để đánh, ông cứ phải đi mượn để rồi khi trả, đôi tay ông lại nhớ mảnh đồng đầy quyền năng.
Trở lại thế gian nhờ… chưa kịp đẽo hòm
Có thời gian dài làm nghề giáo, ông A Biu luôn khát khao truyền dạy tất cả những gì mình biết, mình quý. Như hôm tôi ghé nhà, ông có hẹn đi dạy võ cổ truyền cho các bé gái ở cô nhi viện Vinh Sơn 5 bên xã khác.
Trên chiếc xe Win “có tuổi”, ông chở tôi xuyên hoàng hôn, vượt đường đèo dốc hun hút sâu dưới tán cây rừng, bên dốc đứng chênh vênh. Về nhà, võ sư được thưởng liền bữa cơm ngon do bà xã Y Hyal tỉ mẩn chuẩn bị.
Rượu ghè nhà ủ đã kịp đủ tuổi, đủ nồng đượm, ngọt ngào để cho khách và bà chủ nhà mềm môi, chỉ ông chủ là không nếm. Rượu đã lấy đi của đời ông quá nhiều nên từ lâu ông đã “khai trừ” nó.
“Kỳ tích” của ông là lần đạp xe đi lấy rượu cách nhà 10km. Ông đi gần trọn ngày, lấy 10 lít rượu về nhà chỉ còn… một xị sót lại. Bạn bè đã kéo yên xe ông và “chén tạc chén thù” suốt chặng đường về. Ông từng dõng dạc tuyên bố: “Tao chẳng thà bỏ vợ chứ không bỏ rượu”.
Kể lại thời xưa, ông ngắt câu đoạn nào, bà buông ống cơm lam, lắc đầu nhăn mặt đoạn nấy. Ký ức đen tối nhất của bà là khi ông ngoài đường về, nồng nặc rượu, lục nồi không có cơm, không có thức ăn, ông đục nồi giữa khuya hay rọc luôn bao lương thực. Bà tủi buồn, khóc nghẹn, lặng lẽ cõng con gái út về làng mình.
Xỉn quắc cần câu, đôi chân loạng choạng, ông nhờ người anh chạy theo vợ con kẻo rừng khuya thú dữ.
Dù vậy, bà vẫn không rời xa ông. Một phần bà nghĩ số phận đã sắp đặt, phần nhiều vì thương ông vốn chăm lo vợ con, chỉ vì bất đắc chí mới ra nông nỗi.
“Hồi đó chú hư lắm. Hư lâu, hư hoài cho đến khi bả… có võ”- võ sư A Biu nhìn vợ, nheo cười. Lần bà xung thiên mạnh tay dạy cho kẻ nát rượu một bài học đã làm ông bừng tỉnh. Thế nhưng, ông vẫn chưa cai rượu hẳn cho đến một ngày…
Đang tuốt lúa ở rẫy, bỗng ông đau bụng, ngộp thở. Dân làng xúm lại khiên võng leo dốc, băng rẫy hơn ba cây số đưa ông về nhà. Khi bà gấp rút quơ đồ đạc để đưa vào bệnh viện, ông thập tử nhất sinh vẫn trỗi tính ương gàn, nhất định không đi. Ai nói gì ông cũng gạt; ông giãy giụa, nằm vạ.
Trong giây phút thoi thóp chờ tử thần đến rước, ông lơ mơ nghe đâu đó vọng lên tiếng cồng rùng rợn, bất giác ông nhớ nhà mình chưa có hòm (xưa kia người Ba Na luôn dùng cây rừng đẽo cái hòm đặt sẵn ở hiên nhà để chủ động khi hữu sự).
Ông tạm chấp nhận đi bệnh viện trong thời gian chờ chở hòm. Kết quả chẩn đoán ở bệnh viện: ông bị thủng bao tử. Ông được bác sĩ cứu.
Bài tình ca đồng điệu
Khi biết bà quen ông, ai cũng cảnh báo xấu vì người anh trong gia đình ông tán gái, chối bỏ trách nhiệm bị làng phạt nộp chiêng, sợ ông cũng chung “máu” đào hoa.
Cố khép lòng nhưng dù có tránh mặt đầu thôn cuối bản, hai con tim vẫn ngoái tìm nhau. Bà mạnh dạn viết thư tỏ tình với ông, khi hai người học chung trường phổ thông rồi tiếp tục gắn bó khi vào trường sư phạm, ở cùng ký túc xá.
Với đồng lương giáo viên vào thập niên 1970, ông bà quyết tâm để dành mua heo làm thịt đãi bà con trong ngày cưới. Họ nhà trai đem mâm cỗ nhưng chưa đến nhà gái, dượng của cô dâu đã phàn nàn: “Rể gì mà rể, miếng thịt còn không có, trong khi tôi mổ hẳn một con bò đãi họ”.
Tủi phận, chú rể rơi nước mắt trên giường tân hôn. Cô dâu ôm choàng chú rể khóc.
|
Giận gì giận, vợ chồng nghệ nhân ưu tú A Biu đã có ống cơm lam dẻo ngọt làm lành |
Cái khó càng không buông tha khi bốn đứa con lần lượt ra đời. Nhà hết gạo mà lúa ngoài rẫy chưa chín, ông phải đi mượn đỡ xấp bánh tráng cho các con ăn bữa trưa, chiều tính tiếp. Mượn lúa hay mót được lúa rồi cũng gian nan, một cối ba lần giã vì nhà chỉ có cối nhỏ loại để… đâm tiêu.
Đêm khuya, ông đi bắt dế làm mồi câu cá, bốn giờ sáng ông ra gỡ cá rồi về nhà vội vàng đi dạy học.
Nghèo khó là vậy nên ông hiểu vì sao bà cản, bà nhăn nhó, xót của khi ông cứ lấy tiền huê lợi lúa, mì để đi khắp Tây Nguyên sưu tầm chiêng. Ông không giải thích, cũng không đối đầu, thừa lúc bà đi vắng, ông “đánh úp” bằng cách bán bò đổi chiêng.
Mười một bộ chiêng gia đình sở hữu trong đó có ba bộ chiêng vô giá chiêng Lào, Bom Pat và Klang Brông là từng ấy lần bà thở dài. Không phải bà chẳng yêu nghệ thuật này, thậm chí bà vốn là một cô gái múa xoang rất duyên dáng trong nhạc điệu cồng chiêng, nhưng nỗi sợ đói và sợ con cái đứt đường ăn học khiến bà dè sẻn với đam mê.
Giờ thì đại gia đình cồng chiêng vừa đón thêm thành viên mới, hy vọng càng dầy thêm đoàn nghệ thuật ba thế hệ với ông cháu, con trai, con dâu…
Cháu nội bị khiếm thính cũng gia nhập đội hình nhờ quan sát ông để canh nhịp, đánh đồng loạt. Con trai út của ông được đào tạo ngành y cũng bị ma lực của tiếng cồng chiêng dẫn dắt. Học từ cha, anh không chỉ đánh được nhiều bài mà đã có thể chỉnh chiêng, xua tan nguy cơ thất truyền của dòng họ nhiều đời yêu quý nghệ thuật này.
Chỉnh chiêng là gò nắn chiêng để tiếng không bị phô do di chuyển hoặc để lâu ngày, một kỹ thuật khó đòi hỏi khả năng thẩm âm cực nhạy và giàu kinh nghiệm. Tất bật đi truyền dạy biểu diễn cồng chiêng cho lớp trẻ và chỉnh chiêng cho các nghệ nhân, cho sinh viên Trường đại học Tây Nguyên, NNƯT A Biu ít khi thảnh thơi.
"Chú ngày một bước ra, được vươn xa, được trọng vọng còn cô lùi về bếp chặt nứa, đốt than làm đặc sản cơm lam gà nướng, cô có lo hay buồn về khoảng cách này không?”, tôi hỏi. Bà Y Hyal hồn nhiên: “Cô không có tính ghen và cô biết tính chú…”. Ông hài hước điền ngay: “Biết tính chú chỉ thích… đồ cổ”.
NNƯT A Biu kể một lần bán chiêng, đếm tiền lại mới biết khách trả thừa đến tám triệu đồng. Ông bà gọi khách để trả lại mới hay đấy là tiền khách cố tình tặng. Khoảng cách vợ chồng không phải ở cái hào nhoáng xa hoa mà ở sự tương hợp trong đối nhân xử thế, ông bà đúc kết.
Như thời gian ông làm trưởng thôn, bà và ông cũng đồng lòng phạt nương nhẹ khi người dân lỡ làm những điều sai trái với phong tục làng. Mì hay cà phê xuống giá thì phạt ít thôi để nhà họ còn có cái ăn. Ông bà cùng chọn lối sống chia sẻ với người kém may mắn như một cách đáp ơn những ai xưa kia đã cứu giúp mình.
Tô Diệu Hiền