Trời đã khuya nhưng những ánh đèn trong xưởng vẫn sáng rực. Sự hối hả, tất bật dường như khiến thời gian trôi nhanh hơn. Nhưng, niềm hạnh phúc khiến anh quên hết những mệt nhọc. Những chiếc áo dài thủ công đặc biệt này sẽ rời Việt Nam, đến Úc, Nhật Bản để khoe sắc trong các sự kiện văn hóa lớn.
Đất nước, con người Việt Nam cùng hòa quyện với văn hóa đặc trưng nước bạn trên những tà áo lụa mềm mại, mượt mà qua những đường cong quyến rũ. Áo dài đã không dừng lại ở trang phục làm đẹp cho phụ nữ Việt, mà trở thành một trong những ngôn ngữ ngoại giao. Với Trung Đinh, chúng còn gói trọn cả đam mê, lý tưởng và một thời tuổi trẻ đầy mạo hiểm. Con đường anh đi tuy thầm lặng nhưng không vì đó mà thiếu sự rực rỡ, lộng lẫy.
Quay về
* Phóng viên: Có 2 cách để tạo ra một thành quả: đi theo lộ trình và rẽ hướng. Sự nghiệp của anh ở hiện tại xuất phát từ con đường nào?
- Nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh: Tôi từng làm giám đốc sáng tạo cho một thương hiệu thời trang Ý, thiết kế và xuất khẩu dòng hàng cao cấp. Nhưng sau một thời gian, tôi muốn quay về sáng tạo với áo dài. Đầu tiên, khi tìm hiểu thị trường, tôi thấy những tiêu chuẩn trong mảng nghề áo dài vẫn chưa cao. Nhiều người vẫn xem vẽ áo dài là công việc tạm bợ. Giá thành của những sản phẩm này rất rẻ trên thị trường.
Sau khi dạo một vòng TPHCM, tôi thấy phần lớn là tranh sơn dầu, nên tự hỏi những họa sĩ vẽ tranh lụa ngày xưa đang ở đâu, sống bằng công việc gì. Thời điểm này, vẫn còn một số họa sĩ có đam mê với chúng. Nhưng chỉ có đam mê mà kinh tế không vững thì khó theo đuổi lâu dài. Vì thế, tôi muốn khôi phục, định vị lại việc vẽ thủ công trên áo dài.
Lụa Việt Nam lại không sống tốt trên chính quê hương là điều khiến tôi trăn trở rất nhiều. Trong khi đó, phần lớn nhà thiết kế chọn những chất liệu có sẵn trên thị trường, nhập khẩu… Người tiêu dùng thời trang chịu sự chi phối, ảnh hưởng của các nhà thiết kế. Nếu nhà thiết kế Việt Nam ưu tiên chọn lụa Việt Nam thì những làng lụa hoàn toàn có thể “sống” tốt. Những điều này thôi thúc tôi “phải làm một điều gì đó”.
|
Nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh trong các buổi work shop, lớp học dạy nhuộm vải, vẽ thủ công |
* Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn rằng, một sản phẩm không có sức sống tốt trên thị trường hẳn cũng có lý do…
- Lụa mềm nên chỉ may được những phom dáng trang phục căn bản. Nếu muốn dựng phom hoặc xử lý các kỹ thuật phức tạp thì lụa hạn chế hơn so với nhiều chất liệu khác. Công nghệ, kỹ thuật dệt chưa được cải tiến nhiều nên thành phẩm về mẫu mã, màu sắc có thể chưa bằng một số nơi khác.
Nhiều người thường có quan điểm những gì thuộc về truyền thống cần bảo tồn. Tôi cho rằng phải làm cho chúng phát triển. Lụa Việt Nam có hạn chế nhưng chúng ta cần tạm hài lòng với những điều kiện đang có và tiếp tục cải tiến, chỉnh sửa bằng kỹ thuật chuyên môn.
Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ cùng tham gia vào việc này để lụa Việt Nam có thể sống tốt trên chính quê hương mình. Bởi khi người Việt Nam không tự hào, không mặc trang phục bằng lụa Việt Nam thì làm sao có thể thuyết phục thế giới bên ngoài.
* Lựa chọn để bắt đầu lại chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt khi đang được sống trong một môi trường dễ chịu, đi trên một con đường tương đối thuận lợi.
- Khi nhen nhóm suy nghĩ, tôi bắt tay thực hiện bởi 2 lý do: tôi không làm thì ai sẽ làm; nếu không bây giờ thì là bao giờ. Dù vậy, đây không phải sự lựa chọn dễ dàng. Mức lương của tôi vào thời điểm năm 2013 là khoảng 3.500 euro/tháng. Khi tôi nộp đơn xin nghỉ việc, sếp tôi không đồng ý. Bạn bè, người thân cũng nghĩ tôi đang có vấn đề gì đó.
Song, tôi nghĩ rằng khi làm một công việc với mức lương cao, mình chỉ lo cho cuộc sống cá nhân, gia đình tốt chứ không tạo được công ăn việc làm cho nhiều người. Những sản phẩm, sự sáng tạo của tôi đều đứng dưới một thương hiệu nước ngoài.
Một điều khác khiến tôi áp lực không kém, là nếu thất bại, sẽ ra sao. Gia đình có thể thất vọng rất nhiều. Vì thế, trong 3 năm đầu tiên, tôi vừa đi làm công việc ở hãng thời trang, vừa duy trì hoạt động của một nhóm học trò bên ngoài.
|
Nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh và cộng sự vẽ áo choàng cho Ngọc Châu mang dự thi Miss Universe 2022 |
* Hơn 10 năm trước chưa phải là thời điểm áo dài có sức sống tốt trên thị trường. Việc vẽ tranh lụa cũng không có tín hiệu khả quan. Để nói về sự an tâm thật khó, đúng không?
- Ban đầu, tôi tập trung một vài bạn trẻ có đam mê về hội họa. Họ là người quen, người bạn khi học về thời trang, hội họa và cả những người vẽ tranh “hàng chợ”. Tôi phân tích cho họ cần có những thay đổi gì để công việc tốt hơn, có giá trị hơn. Nhiều người mong muốn có thể lấy được 100.000 - 200.000 đồng/chiếc áo khi vẽ, ngay lập tức. Họ cho rằng việc tạo ra những chiếc áo có giá hơn chục triệu đồng là viển vông. Đó là thất bại đầu tiên của tôi. Cũng đúng vì tôi không có gì để chứng minh cho họ về kết quả tôi mong muốn đạt được.
Khi mới ra mắt, tôi đã đưa ra áo dài vẽ thủ công, giá 200 USD. Dĩ nhiên, khi định giá với con số này thì kỹ thuật, cách thể hiện của tôi cũng khác. Nhiều người khen đẹp nhưng họ không hoặc khó chấp nhận mức giá trên vì khá cao so với tình hình kinh tế thời đó. Tôi vẫn kiên định, nhất quyết không bán rẻ. Tôi phải tự lực duy trì hoạt động này một thời gian trước khi có khách hàng. Chưa kể, khi nghỉ việc ở công ty cũ, tôi phải bồi thường một khoản tiền.
Đây là thời điểm khá khó khăn về kinh tế. Ban đầu, tôi cũng chuẩn bị một số tiền đủ để vận hành mọi thứ trong 2 năm. Nếu không thành công, tôi sẽ bắt đầu lại. Dù sao, phải đi mới biết mình làm được gì.
|
Một số thiết kế áo dài vẽ thủ công của Trung Đinh |
* Việc đi một hướng khác biệt, ngược chiều với đám đông hẳn cũng cho anh thêm nhiều trải nghiệm?
- Khi số lượng học trò tăng lên cũng là lúc tôi bị một số nhóm, cá nhân sản xuất theo lối vẽ khuôn, sử dụng sơn xịt… phản ứng tiêu cực. Nhiều người đưa thông tin rằng tôi lừa đảo, bốc phét. Gia đình ở xa, đôi lúc chỉ nắm được thông tin này qua mạng xã hội nên rất lo lắng. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản, nếu không làm sai, không có gì phải sợ. Tôi phải đi đến cùng cho mong muốn của mình.
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành thời trang, từng học hội họa nên đã có kiến thức nền vững. Điểm khó là làm sao vẽ để họa tiết hòa vào vải, mềm mại, không cứng, thô. Tôi tự nghiên cứu, thử nghiệm nhiều phương pháp. Rất nhiều ngày, tôi vẽ thâu đêm. Tôi không nhớ đã thất bại bao nhiêu lần vì kỹ thuật, quy trình chưa đúng, nguyên vật liệu chưa chuẩn. Tôi mất khoảng 1 năm mới cho ra được quy trình chuẩn nhất để vẽ trên vải nhưng vẫn phải hoàn thiện thêm trong quá trình làm sau đó.
Bức tranh đa sắc
* Thay vì đẩy mạnh hoạt động kinh doanh độc quyền, anh lại chọn con đường dạy nghề. Điều gì đã thôi thúc anh như thế?
- 10 năm có thể hơi ngắn để đạt được tất cả, thay đổi thị trường, tư duy hội họa trên áo dài… Kinh doanh áo dài cũng là cách để lan tỏa áo dài. Tôi có thể có 100 khách hàng nhưng nếu có 100 người như tôi và mỗi người có thêm 100 khách hàng thì câu chuyện khác đi rất nhiều. Muốn nâng tầm một nghề, lan tỏa một kỹ thuật thì không thể giữ cho riêng mình. Ở đây không có đúng - sai mà là sự phù hợp với định hướng, mong muốn của từng người.
|
Ngọc Châu trình diễn thiết kế vẽ hình cảnh sắc TPHCM về đêm trong bộ sưu tập Non nước Việt Nam của Trung Đinh |
* Những khởi đầu mới mẻ luôn có nhiều điều thú vị. Việc làm thầy chắc cũng không ngoại lệ?
- Thời gian dạy những học trò đầu tiên cũng khá khó khăn bởi tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng chưa hoàn thiện. Vì đối tượng học đa dạng nên trình độ cũng khác nhau, không giống như ở trường đại học đã được kiểm tra đầu vào.
Khi dạy, có người hiểu ngay nhưng có người, tôi phải giảng giải, nói đi nói lại rất nhiều lần. Phản ứng của mỗi người phụ thuộc vào trình độ văn hóa. Thật sự, đôi lúc tôi cũng tủi thân khi đối diện với những phản ứng chưa hay. Nếu chỉ đơn thuần làm kinh doanh, chắc chắn tâm lý tôi sẽ khác hơn rất nhiều. Sau 3 năm, lớp học bắt đầu ổn định. Nhiều bạn trẻ đăng ký học vì thích thú hoặc mong muốn hoàn thiện kỹ năng làm nghề.
* Người thầy như người đưa đò nhưng không phải chuyến đò nào cũng bình lặng, đi qua những vùng nước êm ả…
- Trong lớp tôi có một học trò bị câm điếc bẩm sinh. Gia đình đã đưa bạn đến nhiều trường, trung tâm dạy nghề nhưng đều bị từ chối. Ban đầu, tôi không dám nhận, vì tôi không biết ngôn ngữ của người câm điếc. Tôi sợ khi nhận, dạy không thành, lại lỡ đi tuổi trẻ của bạn. Cô của bạn ấy nói gia đình cũng đoán được quyết định này nhưng không trách tôi. Ánh mắt rất buồn của bạn ấy khiến tôi suy nghĩ suốt buổi chiều hôm đó. Tôi tự hỏi, nếu mình không nhận thì cuộc đời bạn ấy cứ mãi lận đận như thế sao.
Cuối cùng, tôi nhận lời. Hành trình kéo dài 2 năm này thật sự rất khó khăn. Tôi vừa thực hành xong liền dừng lại, ghi ra giấy cho bạn ấy hiểu. Có những khâu dạy cho học trò bình thường vốn khó, thì với bạn này phải kiên nhẫn hơn rất nhiều. Tôi lại hay la khi học trò làm sai. Mà tôi không thể la bạn ấy được. Mỗi lần như thế, tôi phải viết chữ thật to.
|
Nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh và cô học trò câm điếc bẩm sinh Ngọc Ánh |
* Làm thầy, cũng là hành trình tự học để hoàn thiện bản thân. Anh nghĩ đúng chứ?
- Hành trình đã đi, nghề tôi đang làm truyền cảm hứng cho nhiều học trò. Đôi khi tôi cũng học được nhiều điều thú vị từ họ. Mỗi người là một cá tính, một màu sắc. Bạn sẽ được nhìn thấy sự đa dạng và biết cách tôn trọng sự đa dạng đó.
Trong lớp, có một cô khá lớn tuổi, làm việc gì cũng từ tốn, chỉn chu. Trước đó, tôi rất hay bực bội, thậm chí cáu với những cuộc gọi rao bán đất nền, sim số đẹp hay bảo hiểm… Tuy nhiên, cô thì khác. Khi nghe những cuộc gọi này, cô trả lời nhẹ nhàng. Cô nhắn nhủ tôi rằng hãy xem đó là công việc của họ và đôi khi họ cũng chịu áp lực để làm việc đó. Bên cạnh đó, thử xem họ là con, em, cháu của mình và đặt giả thiết người thân của mình bị người ngoài nặng lời, mình có xót không. Từ đó, tôi tiếp nhận những cuộc gọi này với tâm thế dễ chịu hơn.
* 10 năm “ở ẩn”, gần như im ắng trước truyền thông, mãi gần đây anh mới “ra mặt” nhiều hơn. Vì sao thế?
- Ban đầu, tôi mong muốn xây dựng bộ môn hội họa thủ công trên áo dài, khăn lụa thành sản phẩm quốc gia nhưng không dám nói ra. Bây giờ, tôi có thể tin mong muốn này gần thành sự thật. Qua các mùa Lễ hội Áo dài TPHCM, chúng đã được đông đảo công chúng biết đến. Hội họa thủ công, lụa Việt Nam được nâng tầm, áo dài Việt Nam được lan tỏa. Tôi đã và chuẩn bị tham gia nhiều sự kiện văn hóa để góp phần quảng bá điều này.
Trong khoảng 10 năm qua, tôi chỉ tập trung làm nghề cho thật tốt. Hiện tại, tôi đã đào tạo được hơn 4.000 học trò thuộc nhiều lứa tuổi, tầng lớp, đối tượng… Trong đó, có người học để có thêm kỹ năng phục vụ bản thân, có người học để giải trí, làm nghề… Chuyện xây dựng nghề cho nhiều người, tôi đã làm được. Nay tôi muốn làm nốt việc còn lại là phát triển, định vị mảng nghề này thật mạnh trong xã hội.
“Tôi không phản đối chuyện cách tân áo dài dẫu tôi luôn đi theo xu hướng truyền thống. Khi làm văn hóa, bạn cần chọn áo dài truyền thống làm điểm tựa nhưng khi muốn lan tỏa cho số đông thì buộc phải cách tân, tiệm cận thời trang hiện đại, để giúp mọi người có thể sử dụng nhiều hơn. Tôi nghĩ trước nay, các nhà thiết kế, nhà làm văn hóa đều tạo ra áp lực cho người mặc áo dài, rằng trang phục này nên xuất hiện trong những dịp trang trọng. Hãy xem áo dài là một trang phục bình thường, mặc lên giúp mọi người đẹp, tự tin. Đơn giản như vậy thôi. Đừng tạo ra những “chiếc khuôn” cho áo dài, rằng phải đi đứng thế này, thế kia… Mặc áo dài có thể chạy nhảy, chơi kéo co… miễn đừng gây ra những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa. Từ việc “làm quá” lên như thế, mọi người sẽ có tâm lý ngại mặc áo dài”. Nghệ nhân Trung Đinh |
Cứ theo lời trái tim chỉ dẫn
* Rèn luyện việc cho đi cũng là cách để cuộc đời chúng ta được vui vẻ, hạnh phúc hơn. Anh đã thực hiện điều ấy ra sao?
- Nhiều năm qua, tôi là đại sứ đồng hành xuyên suốt cùng Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam. Mọi người thường nghĩ ung thư vú chỉ gặp ở nữ nhưng thực ra nó vẫn xảy ra với nam giới. Vì thế, tôi mong mọi người hiểu rõ điều này để quan tâm, chăm sóc sức khỏe hơn. Bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn cần được chia sẻ, yêu thương. Riêng bệnh nhân ung thư vú, đặc biệt là nữ giới, phải trải qua 2 lần đấu tranh rất khắc nghiệt. Lần thứ nhất, họ phải đấu tranh giữa sự sống - cái chết. Lần thứ hai, họ phải đấu tranh với việc cắt bỏ ngực và những hệ lụy có thể kéo theo. Điều đó khiến tôi đồng cảm rất nhiều.
Mỗi năm, tôi và học trò thường vẽ những chiếc túi canvas với họa tiết hoa sen làm chủ đạo, để bán gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân bị ung thư vú. Tôi dành tặng toàn bộ số tiền bán được cho bệnh nhân ung thư vú. Đây là sản phẩm để gây quỹ từ thiện nhưng vẫn phải đảm bảo đó là những tác phẩm giá trị. Bên cạnh đó, tôi còn bỏ thêm một ít chi phí cho các hoạt động khác. Điều tôi mong muốn nhất là mọi người cùng chung tay để những người bệnh khó khăn có thêm động lực để sống.
Tôi cũng nhận hỗ trợ 9 trẻ em bị ung thư cần lọc máu. Tôi được học trò giới thiệu, đồng hành với quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần. Ban đầu, họ chỉ mong 1 mạnh thường quân đồng hành chăm lo cho 1 bé. Danh sách đó còn lại 9 em chưa có người đồng hành, hỗ trợ. Tôi tự hỏi, khi mình lựa chọn xong, 8 em còn lại sẽ ra sao. Tôi không thể chọn. Vì thế, tôi quyết định hỗ trợ tất cả, trong khi chờ đợi các em có thêm mạnh thường quân hỗ trợ.
Trong suốt quãng thời gian đó, có những em đã không qua khỏi nên danh sách này cũng có sự thay đổi. Tôi luôn là người cuối cùng. Nếu không có mạnh thường quân, tôi sẽ lo hết.
* Khi đưa ra quyết định như thế, anh nghĩ đến điều gì đầu tiên?
- Tôi cũng từng trải qua thời ấu thơ khó khăn. Sau này, khi nhìn lại, tôi thấy mọi việc đều nhẹ nhàng. Tôi may mắn có cơ hội phấn đấu để tìm thấy những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Tôi muốn chia sẻ điều đó với những người kém may mắn hơn mình. Đơn giản, tôi làm theo những gì trái tim chỉ dẫn. Tôi không cầu mong bản thân sẽ có được bất kỳ điều gì từ việc cho đi này.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Thành Lâm (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp