Bỏ sự nghiệp để chăm mẹ chồng
Cô Hoàng Thị Như Huy bước sang tuổi 68, cái tuổi đã tích cóp cho mình kha khá “của để dành”. Cô Như Huy “rất Huế”, cô là một nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nghệ nhân nhân dân.
Sinh ra trong gia đình nhà giáo truyền thống. Cha cô là thầy giáo, nhà thơ ưu tú Hoàng Văn Ngũ, làng Trung Đơn, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Mẹ cô là người phụ nữ xứ Huế thuộc dòng dõi thế phiệt trâm anh.
Từ nhỏ, cô đã thừa hưởng tính hiếu học từ cha và tài khéo léo từ mẹ. Lớn lên, cô nữ sinh trường Đồng Khánh Như Huy thông suốt toán văn, giỏi giang nữ công gia chánh. Năm 1976 cô kết hôn với ông Trần Công Chánh, một chàng trai Huế.
Từ năm 1976 - 1981, cô dạy văn tại Quảng Nam. Một ngày, cô hay tin mẹ chồng ở Huế gặp tai nạn, không thể chủ động được cuộc sống. Người con dâu 28 tuổi buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và lòng hiếu đạo. Cô rời bục giảng ở Quảng Nam, về quê để gần gũi, chăm sóc
mẹ chồng.
Cô nhớ lại: “Thời điểm đó tôi phải làm đủ nghề: viết văn thuê, làm bếp, dạy bếp... để có tiền lo toan cho gia đình. Từng tốt nghiệp đại học sư phạm nên khi phải bỏ nghề, tôi cũng u uẩn một thời gian dài. Nhưng tôi nhớ lời cha dặn, có chữ “công” trong bộ công-dung-ngôn-hạnh thì ở đâu cũng được, làm gì cũng được, miễn công việc chân chính.
Tôi đi xin việc khắp nơi không được nên chuyển sang làm bếp và rồi gắn bó, say mê nghề. Đây là một nghề vừa lao động chân tay, vừa lao động trí óc, cần nhiều kiến thức từ y học, văn hóa tới nghệ thuật sáng tạo...”.
Yêu bếp bằng cả trái tim
Suốt những năm theo nghề nấu nướng, cộng tác phát triển du lịch tại địa phương, cô Như Huy vừa trau dồi tài năng, kiến thức ẩm thực có sẵn, vừa không ngừng sáng tạo để đạt đến những đỉnh cao.
Từ những món ăn dân dã như mắm đam, bún bò, bánh ít, bánh đúc... cho đến những thức được phục vụ chốn cung đình như mắm gạch cua, bánh đào tiên, mứt màu hoa, chè sen bọc nhãn lồng… được cô Như Huy trực tiếp chọn nguyên liệu, đứng bếp và trang trí để thiết đãi thực khách.
Với cô, nấu bếp không chỉ là nghề đảm bảo thu nhập cho gia đình trong thời điểm khó khăn, mà còn là tình yêu được cộng hưởng giữa đam mê và tài năng, là khát vọng được lưu giữ và sáng tạo những món ăn đậm hương vị dân tộc.
Trong nhiều năm, dù là bếp trưởng của nhiều nhà hàng, khách sạn lớn bậc nhất tại thành phố Huế, là giáo viên trưởng bộ môn kỹ thuật chế biến món ăn tại nhiều trường trung cấp, cao đẳng du lịch, nhưng cô Như Huy vẫn miệt mài thử sức, học hỏi. Cô tham gia lớp Bếp công nghiệp đầu tiên của Việt Nam do Saigontourist tổ chức năm 1996, là thủ khoa của lớp.
|
Cô Như Huy trong hội thi giành huy chương ẩm thực của Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp năm 1998 tai Le Touquet |
Năm 1998, vượt qua gần 670 thí sinh đến từ khắp địa cầu, cô đoạt giải xuất sắc tại hội thi Đầu bếp quốc tế, được Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp trao danh hiệu Viện sĩ ẩm thực Việt Nam.
Năm 1999, lần đầu tiên cô thi viết về ẩm thực (tạp chí Văn hóa nghệ thuật ăn uống phối hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức) và đoạt giải cao nhất.
Hữu xạ tự nhiên hương, tiếng về cô Như Huy đã lan ra hải ngoại, khiến du khách tìm đến đồng thời một số tổ chức và trường du lịch hải ngoại đã mời cô sang giảng dạy, giao lưu.
“Mỗi món ăn ngon đều có câu chuyện của riêng mình. Người đầu bếp không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một bác sĩ, vì thông qua thực phẩm sạch và ngon, họ mang đến một cuộc sống khỏe mạnh về thể chất và an lành về tinh thần.
Cuộc sống dù hiện đại đến đâu cũng không thể thiếu bàn tay khéo léo, dịu dàng của người phụ nữ khi nhóm bếp lửa. Và với tôi, nghệ thuật ẩm thực cũng chính là nghệ thuật của cái đẹp, nghệ thuật của cuộc sống”, cô chia sẻ thêm.
|
Cô Như Huy hướng dẫn sinh viên Mỹ nấu món Huế |
Say với Tình ẩm thực
Sau đợt mưa to, tôi ghé An Chi Viên, nắng luồn vào khu vườn, từng cụm lá ánh lên lấp lóa. Luống đậu bắp, xà lách, cà chua bi, mướp… đang trổ mã xanh rờn. Cô Như Huy vừa thu hoạch thành phẩm vừa cười hỉ hả, cô bảo đây là quà để cô mang tặng bà con chòm xóm trong thời điểm dịch bệnh.
Đứng trong giàn mướp, cô chia sẻ: “Cô bây giờ cũng dần bước sang tuổi cổ lai hy rồi, già rồi, như quả mướp, quả bầu, chỉ biết lớn xuống. Cô không còn trẻ để mỗi ngày đều tìm tòi, sáng tạo, vươn lên như ngày xưa nữa”.
Cô nói vậy, nhưng tôi biết cô Như Huy chọn về nơi ẩn dật không chỉ để thư thái bình yên cho chặng cuối cuộc đời. Những hiện vật trưng bày trong căn nhà nhỏ cô gọi là An Chi Viên đều là những “dấu hiệu”, những báu vật thấm thía hơi thở của người nghệ sĩ ẩm thực tài danh. Cô tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê ẩm thực để trọn một đời nhóm lên bếp lửa, gìn giữ hương vị.
Cây cô trồng trong vườn hầu hết là cây gia vị. Trong gian bếp cô ngâm thêm rượu, cấy giấm, ngào mứt, tẩm ướp trà hoa nhài, hoa mộc, hoa sen...
Đêm đêm cô miệt mài chấp bút và biên tập cuốn sách “siêu to siêu khổng lồ” mang tên Tình ẩm thực dày 1.000 trang. Cô Như Huy từng xuất bản những cuốn sách về ẩm thực đó là Miếng ngon ba miền (Nhà xuất bản Phụ nữ 2000) và Nghệ thuật ẩm thực Huế (Nhà xuất bản Thuận Hóa 2008). Với công trình cuối này, cô đặt trọn tâm huyết, trí tuệ và bút lực.
Cô chia sẻ: “Tôi không dự trù được thời gian chính xác xuất bản Tình ẩm thực, nhưng mỗi ngày, sau giờ lao động với đất với nắng, tối đến tôi lại miệt mài biên tập biên soạn nội dung, đêm này 10 trang, đêm khác 15 trang... Tôi hy vọng công trình này giúp góp thêm chút sức gìn giữ tinh hoa ẩm thực dân tộc, đồng thời tiếp sức cho các thế hệ đầu bếp trẻ.
Ẩm thực không chỉ chứa đựng những thông điệp văn hóa, với phụ nữ, đó còn là công-dung-ngôn-hạnh, là chìa khóa mở ra hạnh phúc…”.
Diệu Thông
|
Cô Hoàng Thị Như Huy nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân |
Sau nhiều năm miệt mài cống hiến, năm 2004 cô Như Huy nhận giải Giáo viên tiêu biểu Việt Nam. Năm 2005, cô được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cho những cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và du lịch. Năm 2008, cô vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ẩm thực. Năm 2015, cô được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ẩm thực Việt Nam. Và đến năm 2019 cô nhận danh hiệu cao quý: Nghệ nhân nhân dân.