2023 tượng mèo độc bản
Cách đây 2 năm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lên ý tưởng mỗi năm, anh sẽ ra mắt bộ sưu tập linh vật tương ứng với con giáp của năm đó. Năm Nhâm Dần 2022, anh bắt đầu thực hiện bộ sưu tập đầu tiên về hổ với 2022 tác phẩm độc bản. Sự đồ sộ và tính độc bản gây ấn tượng mạnh mẽ với giới sưu tầm và những ai yêu mến nghệ thuật điêu khắc, sơn mài. Sang năm 2023 - năm Quý Mão, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tiếp tục thực hiện bộ sưu tập 2023 tác phẩm về mèo.
|
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bên cạnh tượng điêu khắc mèo |
Nếu gọi là bất ngờ thì hẳn sự lặp lại ở năm sau khó lòng tạo bùng nổ như lần đầu ra mắt. Nhưng, với những ai theo dõi hành trình sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đều thấy anh không lặp lại một cách nhàm chán, khuôn mẫu, mà tìm hướng đi cho từng tác phẩm. Với mèo và hổ, việc tạo hình con vật là bài toán khó với người sáng tạo, buộc họ phải quan sát, nghiên cứu về tập tính loài vật, quan niệm về chúng đặt trong văn hóa dân gian.
Ở bộ sưu tập mèo năm nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết tác phẩm mất nhiều thời gian nhất của anh là bộ bàn ghế mèo với 7 chiếc ghế mèo và 1 bàn cá, được anh đặt tên là Bữa tiệc ngày xuân. Mỗi chiếc ghế tương ứng với một màu sắc, kiểu dáng hoàn toàn khác biệt để giữ được tính độc bản của từng sản phẩm. Trên chính chiếc ghế, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đưa vào đó một số tranh dân gian Đông Hồ đã được thay đổi kích thước nhằm tăng thêm giá trị, tính thẩm mỹ cho tác phẩm.
“Triết lý làm việc của tôi là nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người. Do đó, ngoài trang trí, theo tôi, tác phẩm phải có công năng sử dụng như ghế, bàn… Gần đây, tôi dành thời gian với các con giáp, vì vào dịp lễ tết, mọi người thường tìm đến con vật cho năm mới. Từ đó, tác phẩm sẽ dễ tiếp cận từng cá nhân, văn hóa cũng vì thế mà dễ lan tỏa”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
|
Tượng mèo thuộc bộ sưu tập 2023 con mèo của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát |
2023 tác phẩm mèo được thực hiện trên chất liệu gỗ hay đá. Sau khi tạo hình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẽ phủ sơn mài cho tác phẩm. Tùy vào kích thước, kiểu dáng và màu sắc sau khi mài hoàn thiện, mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt nhất định. “Điểm khó nhất trong bộ sưu tập lần này là làm sao không trùng lặp. Loài mèo vì sự gần gũi, thông thái nên được mọi người yêu mến và đưa vào nhiều tác phẩm. Riêng với tôi, phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, quan sát mới tìm được thần thái phù hợp. Ngoài ra, tôi nhìn loài mèo qua lăng kính văn hóa dân gian để tạo ra phần hồn cho tác phẩm”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nói thêm.
Giữ văn hóa bản địa để “ra thế giới”
Cụm từ “ra thế giới” không hẳn là đưa tác phẩm chu du năm châu, mà có nghĩa trên “sân nhà”, giữa muôn trùng sản phẩm văn hóa ngoại lai đang hiện hữu, nghệ thuật truyền thống vẫn có chỗ đứng, được hiểu và được yêu. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nhiều năm qua đã bắt đầu hành trình gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống, hay nói đúng hơn là giữ sức sống của một làng nghề.
Khi còn là cậu bé ham tìm tòi, học hỏi, Nguyễn Tấn Phát đã cùng ông nội và bố làm công việc trùng tu các công trình di sản. Tuổi thơ anh gắn với văn hóa đình chùa, miếu mão ở xứ Đoài, và sớm hiểu nghệ thuật sơn mài. Đến khi vào Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Tấn Phát chọn ngay ngành sơn mài, Khoa Mỹ thuật truyền thống. Cho đến nay, anh đã có 21 năm theo đuổi nghệ thuật sơn mài, đi từ cơ bản đến tìm ra hướng đi riêng cho bản thân.
|
Bộ ghế Bữa tiệc ngày xuân |
Với nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, nghệ thuật điêu khắc kết hợp sơn mài mà anh lựa chọn theo đuổi không quá khó để thực hiện, điểm khó là làm sao để nâng tầm chất lượng, kết hợp nhiều kỹ năng trong một tác phẩm. Bên cạnh đó, tác phẩm phải giữ được hồn Việt, mang trong mình các yếu tố văn hóa Việt, để không chỉ là một vật phẩm thông thường, chúng giúp giữ gìn và quảng bá những gì thuộc về nguồn cội, trầm tích văn hóa trăm năm.
Nhiều năm qua, tại xưởng làm việc của mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát miệt mài truyền nghề miễn phí cho người dân địa phương. Anh mong muốn cùng bà con giữ được làng nghề cổ cho Đường Lâm, để du khách đến đây có một nơi tham quan, tìm hiểu về nghề điêu khắc sơn mài, hoặc trải nghiệm trực tiếp. Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, quá trình truyền nghề đã tiếp cận được nhiều người, nhưng khó lòng giữ họ ở lại, bền bỉ theo đuổi như anh. Trong thời gian tới, anh mong được địa phương hỗ trợ , để việc dạy và học nghề miễn phí được đẩy mạnh, góp phần giữ được làng nghề truyền thống.
Diễm Mi