Nghệ nhân ưu tú không qua trường lớp
Ở tuổi 85, ông Đôn vẫn say mê, hào hứng khi nói về chiếc áo dài. Hình ảnh người mẹ với con dao cua nhỏ xíu cùng chiếc đũa cả được dùng để canh, cắt vải, rồi may thành những chiếc áo dài khiến ông không thể nào quên. Đến năm 15 tuổi, ông bắt đầu làm quen với chúng, từ hiệu may của người anh họ, bắt đầu với những chiếc áo dài dành cho nam giới, phom rộng, và những đường may thẳng.
“Sáng đi học, chiều về tôi lại cặm cụi với vải vóc. Anh cắt vải xong, rồi đưa cho tôi khâu, bắt đầu từ những chỗ đơn giản nhất. Cứ như thế, ngày qua ngày, không qua trường lớp gì cả, tôi đã cắt may được áo dài. Có lẽ, đó cũng là cái duyên, một sự sắp đặt. Năm 21 tuổi, tôi bước ra làm nghề độc lập” - ông nói.
Ngày đó, muốn khâu đẹp, chuẩn phải cầm kim dọc. Ông làm nhiều, thành ra quen tay, nên vừa nói chuyện, tay ông vẫn có thể luồn kim xỏ chỉ, may áo. Có những giai đoạn, cuộc sống khó khăn, ông phải học may thêm đồ âu, làm thêm một số công việc lặt vặt để trang trải cuộc sống. Cũng có thời điểm ông làm cán bộ văn hóa, sáng tác văn chương nhưng cuối cùng vẫn trở lại với nghề may. “Văn chương phú lục chẳng hay/ Bỏ nghề về tập thợ may kiếm tiền” - ông hài hước nói về đời mình.
|
85 tuổi nhưng nghệ nhân Lê Đức Đôn vẫn nói say sưa về áo dài |
Những năm chiến tranh khốc liệt, nghề may áo dài cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng ông vẫn giữ một tình yêu chung thủy với nghề. Ông nói: “Đàn ông, phụ nữ Việt mặc áo dài đều đẹp cả. Hễ thấy áo dài, mình thấy quê hương, nguồn cội mình trong đó”.
Đất nước hòa bình, áo dài thịnh hành trở lại, cũng là lúc nghề may phát triển. Ông cũng kiếm được thu nhập khá từ công việc này để nuôi sống gia đình. Hàng loạt mẫu áo ra đời, đi khắp nơi, mang theo một tình yêu lớn từ người thợ đất Hải Phòng.
Áo dài của nghệ nhân Lê Đức Đôn có điểm riêng là không xếp bốn ly trước ngực và sau lưng, nhưng vẫn ôm sát đường cong của người phụ nữ. Quan trọng hơn, những chiếc áo vẫn thường được may bằng tay, tỉ mỉ đến từng đường kim mũi chỉ.
Khi áo dài phát triển với nhiều kiểu dáng hiện đại hơn, công nghệ phục vụ việc may tốt hơn, ông vẫn cập nhật để bắt kịp thời đại. Nhưng theo ông, quan trọng nhất phải giữ được phần thân trên cho đúng, rồi muốn biến tấu thế nào cũng được, vì hồn cốt của áo dài tập trung ở đó.
Người thầy không phấn trắng bảng đen
May áo dài không dễ. Tà áo phải kín đáo, thanh lịch, nhưng vẫn tôn lên những đường cong của phụ nữ. Đặc biệt, vóc dáng có như thế nào, khi mặc áo dài đều phải khép tà vào nhau, đó là tiêu chí quan trọng nhất của nghệ nhân Lê Đức Đôn. Những người có phần bụng to, mông to trở thành thử thách cho người thợ.
Nhưng hàng chục năm qua, ông vẫn chưa có nỗi sợ nào. Bởi ông biết rõ bản thân luôn vượt qua tất cả, để bất kỳ ai tìm đến ông, đều được mặc chiếc áo dài đẹp nhất có thể. Với những trường hợp khó, ông mua vải thường để may mẫu rồi căn chỉnh trên đó, sau đó mới cắt thành mẫu thật. Ông vẫn luôn yêu cầu khách thử áo trước khi may hoàn chỉnh, để có được phom áo vừa vặn nhất. Khi tình yêu đủ nhiều, tự khắc, người thợ sẽ biết làm những điều tốt nhất cho sản phẩm của mình.
Ông không giấu nghề. Ngay với những người gặp mặt lần đầu, ông cũng thoải mái chia sẻ về bí kíp cắt vải, chữa ngực áo không phẳng, làm sao để hai tà khép vào nhau, hay canh vải để họa tiết ăn khớp...
|
Bà Huỳnh Ngọc Vân (bìa phải) diện áo dài nhung và một nữ hướng dẫn viên diện áo tứ thân (thứ hai từ trái sang) do nghệ nhân Lê Đức Đôn mang tặng Bảo tàng Áo dài |
Nghệ nhân Lê Đức Đôn đã dạy hơn 2.000 học trò, tại nhiều trung tâm đào tạo cũng như bên ngoài. Trong đó, phần lớn may trang phục hiện đại, hoặc tham gia vào các dây chuyền công nghiệp. Còn lượng thợ may áo dài chỉ khoảng 100 người, bởi để hoàn thành một chiếc áo dài, phải tốn rất nhiều thời gian, nhưng tiền công lại không nhiều nên ít người theo được. Về sau này, khi áo dài được sản xuất theo phương thức công nghiệp, người thợ càng đối diện với nhiều áp lực hơn.
Học trò của ông giờ có nhiều người thành đạt, trở thành chủ của nhiều cửa hiệu nổi tiếng tại nhiều tỉnh, thành. Điều quan trọng nhất ông dạy học trò, đã là thợ may thì không được than khó. Với họ, ông là thầy, nhưng không phấn trắng bảng đen. Ông luôn quan niệm nghề may thành bại ở chỗ thực hành, nên thường tập trung tối đa thời gian cho học trò ở công đoạn này. Thậm chí, có khóa học kéo dài ba tháng, nhưng ông chỉ rút lại hai tháng để không tốn nhiều thời gian của họ.
Từng nhiều lần được đề bạt làm nhiều chức vụ tại địa phương nhưng ông đều từ chối. “Làm những vị trí đó, cuộc đời mình chỉ sống được cho mình. Còn nghề may này, mình sống cho nhiều người hơn. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến những danh hiệu mình đang có hiện tại. Điều duy nhất tôi nghĩ là cố gắng làm những chiếc áo thật đẹp, và truyền nghề lại cho mọi người” - ông bảo.
Đi đâu, ông cũng mang theo tập tài liệu dạy cắt may được soạn thảo từ cách đây nhiều năm để hướng dẫn, tặng cho mọi người. Trong đó, những hình ảnh đều được ông vẽ tay, rồi photocopy lại.
Ở tuổi 85, thị lực giảm sút, ông không thể tiếp tục nghề may, nhưng vẫn có thể truyền nghề. Cảm giác đâu đó vẫn còn những người đang tiếp tục giữ lửa, đủ khiến ông hạnh phúc, đủ để ông thấy mình được sống trọn vẹn một kiếp người.
Nguyễn Thành Lâm