Trên chất liệu những bài nhạc cổ nguyên bản, chị kết hợp giai điệu, sáng tạo trong viết lời, cho ra đời nhiều “phiên bản” ca Huế mới mẻ, sống động, phù hợp với người chơi, người nghe trẻ tuổi. Sau cùng, mục tiêu của chị vẫn là lan tỏa tình yêu nhạc cổ đến với mọi người.
Từng mâu thuẫn khi chọn gắn bó với đàn tranh
Phóng viên: Gia đình có phải là cái nôi giúp chị nuôi lớn niềm say mê nhạc cổ?
Thạc sĩ nghệ thuật âm nhạc Đặng Thị Quỳnh Nga: Chúng tôi không phải là gia đình có truyền thống chơi nhạc cổ. Sau năm 1975, từ Quảng Bình, nhà tôi chuyển vào Huế sinh sống. Mẹ tôi là cán bộ Phòng Tổ chức hành chính của Học viện Âm nhạc Huế (trước đây là Trường Quốc gia Âm nhạc). Chúng tôi ở trong một căn hộ tập thể nhỏ ngay khuôn viên trường. Mỗi ngày được nghe tiếng đàn, tiếng hát từ các anh chị, lớp học vang lên, bất giác chúng tôi cũng nhen nhóm một nỗi tò mò, một tình yêu ban sơ dành cho âm nhạc. Hầu như thế hệ chúng tôi lúc đó, ai cũng học nhạc. Đứa đàn bầu, đứa đàn nhị, sáo… Tôi chọn đàn tranh. Năm lớp Hai, lần đầu tiên được đặt trên đùi một chiếc đàn tranh, tôi đã bồi hồi dạo lên những giai điệu khiến mình say mê.
* Qua năm tháng, tình yêu với đàn tranh đã được chị vun đắp, nuôi dưỡng như thế nào?
- Song song với học văn hóa, tôi học đàn, dành tình yêu cho âm nhạc truyền thống, giữ tình yêu đó như một dòng chảy xuyên suốt. Tôi đã học 13 năm hệ sơ trung cấp đàn tranh, Đại học Nhã Nhạc (chuyên ngành đàn tranh và đàn nhị) tại Học viện Âm nhạc Huế.
Trong quá trình học tập, khổ luyện, tôi may mắn được thụ giáo rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành và các giảng viên trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Tôi còn được tiếp thu từ các nhà lý luận âm nhạc: giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê; giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh; giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong… và các giáo sư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ những cơ duyên ấy, tôi đã có được vốn tri thức và kỹ năng chuyên môn khá trọn vẹn.
* Ngoài tấm bằng chính thức của Đại học Nhã nhạc - Học viện Âm nhạc Huế, chị còn học và tốt nghiệp thêm văn bằng 2 thuộc chuyên ngành ngoại ngữ của Trường đại học Ngoại ngữ Huế? Hẳn chị từng có những mâu thuẫn trong việc định hướng nghề nghiệp?
- Thời điểm những năm 2000, Huế đã khá phát triển về du lịch. Hệ thống nhà hàng, khách sạn mọc lên rất nhiều nên cần đến đội ngũ thông thạo ngoại ngữ làm hướng dẫn viên, thông dịch viên. Ngoài ra, nghề biên dịch, giáo viên tiếng Anh ở các nơi cũng rất được săn đón. Lúc đó, tôi rơi vào giằng xé, đắn đo. Tôi nghĩ, nếu mình chọn hành nghề với tấm bằng cử nhân Anh văn thì sẽ sớm trưởng thành, dày dạn trong nghề nghiệp, đời sống kinh tế của bản thân và gia đình cũng được cải thiện nhờ những lợi ích ngay trước mắt. Trong số bạn bè cùng trang lứa, có nhiều người chọn “chuyển mình”, chuyển nghề rất thức thời. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cùng những mối duyên nghề đã xuất hiện, kết nối, cộng hưởng, tôi vẫn chọn ở lại, cắm rễ với đàn tranh và nhạc cổ. Dạy đàn tranh trở thành cái nghiệp đi cùng tôi suốt 2 thập niên thăng trầm.
|
Lớp học đàn tranh theo mô hình 1-1 của cô giáo Đặng Thị Quỳnh Nga |
Dụ, dỗ và dạy
* Hiện tại, chị đang dạy học ở Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Làm cô giáo dạy nhạc có điều gì khác so với cô giáo dạy văn hóa?
- Tôi có một triết lý dạy học khá đặc biệt: dụ, dỗ và dạy chứ không dọa. Các thầy cô giáo khác khi dạy toán, dạy văn thường dọa học sinh là nếu các em không làm đủ bài tập về nhà sẽ thế này, không im lặng nghe cô giảng sẽ thế kia. Nhưng với người đứng lớp như tôi, bước đầu tiên là phải dụ. Tôi nói cho các em nghe về cái hay, cái đẹp của đàn tranh. Sau đó, trong quá trình học, nếu em nào có biểu hiện thiếu mặn mà hay thiếu tập trung thì tôi chuyển sang dỗ dành. Lúc đó, tôi mềm mỏng, nhẹ nhàng như một người mẹ dành sự ngọt ngào cho cô con gái bé bỏng. Sau khi các em xuôi lòng, tôi mới bắt đầu dạy lý thuyết và những kỹ thuật chơi đàn.
Cũng có những trường hợp tôi được phép dọa. Những lúc đó, dù dọa trò nhưng cảm xúc của tôi lại tràn đầy tự hào. Tôi tự tin dọa trò, vì tôi nắm được “điểm yếu” của các em. Vì các em đã say mê, dành tình yêu quá lớn cho đàn tranh nên tôi không lo các em giận mà từ bỏ. Để khích lệ các em chơi đúng, hay hơn, vượt qua những giới hạn, tôi hay dọa kiểu: “Nếu em cứ chơi như vậy thì mai mốt ra ngoài biểu diễn đừng bao giờ nói là học trò cô Nga. Cô Nga không dạy đánh kiểu đó đâu”.
Tôi không chỉ dạy lý thuyết, kỹ thuật chơi đàn mà còn giúp các em tôi luyện tinh thần “thép” để mỗi ngày trôi qua, các em càng an tâm, vững vàng hơn với sự lựa chọn của mình. Tôi truyền cho các em cách tư duy, cân nhắc về việc chọn nghề nghiệp trong cuộc sống. Nghề nào nghiệp nấy, miễn mình yêu đủ, dành trọn vẹn tâm và lực cho nó thì sẽ sống được, sống tốt với nghề.
* Chị đánh giá thế nào về sức sống của tiếng đàn tranh trong dòng chảy âm nhạc truyền thống cũng như âm nhạc đương đại hiện nay?
- Mỗi loại nhạc cụ đều mang khả năng chuyên chở nhiều cung bậc âm thanh khác nhau. Tuy vậy, đàn tranh dễ làm quen hơn. Âm thanh của nó cũng bay bổng, luyến láy nhiều hơn. Chỉ cần dạo một vệt đàn thật đơn giản, người nghe lập tức đã thấy được sự trong trẻo, uyển chuyển như nước chảy, mây trôi.
Ngoài khả năng diễn tấu bằng cách chơi truyền thống như vuốt dây, gảy dây, người chơi còn có thể dùng vĩ kéo hay dùng que gõ. Đàn tranh dùng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát và được chơi trong nhiều thể loại âm nhạc như các dàn nhạc dân ca, nhạc cổ truyền thống hoặc kết hợp với những ca khúc đương đại của C-pop, nhạc Âu Mỹ...
Ở thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, nhiều bạn trẻ còn biến hóa, linh hoạt sử dụng đàn tranh trong nhạc remix, dàn nhạc điện tử… khiến sức sống của nó càng dẻo dai, mạnh mẽ hơn.
|
Quỳnh Nga (bìa trái) biểu diễn đàn tranh tại thính phòng ca Huế |
* Là một phụ nữ Huế, hẳn xu hướng mà chị duy trì theo đuổi là dòng nhạc dân gian?
- Ở Huế có một loại hình nghệ thuật thuộc phạm trù âm nhạc cổ điển rất đặc sắc là ca Huế. Lúc đầu, ca Huế được hình thành trong chốn cung đình để phục vụ các chúa Nguyễn và quan lại triều đình. Sau này, ca Huế lan truyền ra dân gian, được người dân xứ Huế yêu thích bởi mang phong cách sang trọng, bác học mà vẫn đậm chất dân gian. Trong hệ thống các “nguyên liệu” tạo nên sự chặt chẽ, hoàn chỉnh, tao nhã cho ca Huế, không thể thiếu đàn tranh.
Bây giờ, ca Huế đã trở thành một “đặc sản” của vùng đất cố đô, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trên tinh thần “xưa bày, nay giữ” đó, tôi nguyện trọn đời trở thành người đồng điệu, tri âm trong hành trình chung cuộc hòa âm này.
Chủ động đến với khán giả
* Tinh thần tận hiến, đồng điệu ấy có phải là động lực để chị mở thêm những lớp dạy đàn miễn phí tại nhà?
-Để lan tỏa tình yêu đàn tranh, tình yêu nhạc cổ thì mình phải dò dẫm đi từng bước nhỏ. Hễ nơi nào có đường, dù chỉ là một ngách nhỏ, tôi vẫn xoay chuyển để bám lấy, duy trì. Tôi mở những lớp học miễn phí để kèm cặp, dạy kỹ thuật đánh đàn cho những ai có sở thích, đam mê với bộ môn đàn tranh. Để kèm cặp, hướng dẫn học trò chơi đàn tranh, tôi phải vận hành lớp học theo mô hình 1-1. Nghĩa là 1 cô 1 trò, hiếm lắm mới có lúc 1 cô 2 trò vì ngoài khó khăn trong việc quy tụ được những em cùng độ tuổi cùng yêu thích đàn tranh thì cảm xúc, năng lực chơi nhạc của mỗi em cũng khác nhau. Có em chưa biết đàn tranh là gì.
Các em tìm đến tôi để học từ các nốt đầu tiên. Bên cạnh đó, có những em đã biết, đã chơi được đàn ở những bản nhạc đơn giản, bây giờ muốn nâng cao kỹ thuật. Những lúc đó, tôi cần phải có những bài dạy chuyên sâu, hướng dẫn cho các em cách chơi những bài nhạc bản lớn và khó, mang âm hưởng thính phòng.
* Ở những lớp học miễn phí này, có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản? Chị đã làm gì để có bước chuyển phù hợp?
- Có chứ, đó là lúc học trò có thái độ thiếu tôn trọng giáo viên. Trong thời gian duy trì các lớp học miễn phí, có những em đến học đều đặn nhưng cũng có những em đến chỉ vì muốn được trải nghiệm, vì tính tò mò. Có những sinh viên trường âm nhạc khi đăng ký thì rất hăng hái nhưng học được vài buổi thì nghỉ ngang.
Tuy nhiên, mệt mỏi thì có nhưng chán nản thì không. Ngay từ đầu, tôi đã xác định đây là môn nghệ thuật không quá phổ biến. Hẳn các em cũng có nhiều mâu thuẫn, phân vân trong việc chọn lựa, hệt như mình ngày xưa. Sau này, tự tôi cũng nhận ra điểm hạn chế của việc dạy học miễn phí. Khi miễn phí, học viên sẽ có cảm giác dễ dàng từ bỏ hơn vì ngoài thời gian, họ không mất thêm điều gì cả.
Tôi chuyển sang thu phí vì nôm na, tôi cũng suy nghĩ như cách mà những người phụ nữ tập yoga, tập gym muốn vượt qua giới hạn của bản thân, đẩy lùi những cơn lười biếng thì phải gắn vào đó những lợi ích, thiệt hại về mặt chi phí. Với lớp học đàn cũng vậy. Khi tôi thu tiền đầu tháng rồi mà học viên không tham gia đều đặn, họ sẽ có cảm giác mất tiền. Do đó, tôi hy vọng họ sẽ chăm chỉ, chuyên cần hơn.
Tư duy này xem ra khá hiệu quả. Bây giờ, từ những lớp học đó, tôi đã kết nối thành lập câu lạc bộ Duyên Tranh hoạt động đều đặn, sôi nổi với số thành viên gần 50 người. Các bạn có thể đến đây để học, chơi đàn, giao lưu, kết nối, tham gia biểu diễn trong những thính phòng nhạc cổ hay sân khấu ở trường học, khu dân cư.
* Hiện nay, ngoài chơi đàn, chị còn viết lời cho các bài ca, điệu lý. Điều đó cộng hưởng, bổ trợ lẫn nhau như thế nào?
- Nhận thấy tầm quan trọng, nét hay nét đẹp của ca Huế trong cái nôi văn hóa chung, các phòng ban chức năng ở Huế đã thực hiện dự án “Đưa ca Huế vào trường học”. Ban đầu, khi tham gia dự án này, tôi nghĩ cần phải có những phiên bản ca Huế mới mẻ, phổ biến, sống động và gần gũi hơn. Để làm quen bước đầu, tôi phải “phổ cập” đến mọi người những sản phẩm âm nhạc mới mẻ dựa trên nền tảng chất liệu những bài ca truyền thống.
Đó là lý do tôi phải bắt tay vào việc tập tành, học hỏi sáng tác giai điệu, viết lời ca.
Tôi và nhiều người tâm huyết đã không chờ khán giả đến mà chúng tôi chủ động đến với khán giả. Hễ trường nào có những tiết học về văn hóa dân gian, những buổi ngoại khóa còn trống giờ là chúng tôi sắp xếp, đề nghị được hợp tác, dàn dựng các chương trình giao lưu, biểu diễn âm nhạc.
|
Gia đình nghệ nhân đàn tranh Đặng Thị Quỳnh Nga |
* Đồng thời cũng là một nghệ sĩ, chị hay biểu diễn đàn tranh ở đâu?
- Ở Huế bây giờ, du lịch phát triển rất mạnh nhưng những thính phòng, sân khấu dành cho loại hình nhạc cổ, âm nhạc dân gian không nhiều. Tôi tham gia đội nhạc biểu diễn trên thuyền sông Hương, trong các chương trình âm nhạc của các cơ quan, đơn vị. Có những địa điểm luôn mang đến cho tôi nhiều xúc cảm. Đó là trên sân khấu các trường học hay một sảnh bệnh viện phục vụ miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân… Hễ đâu có khán giả là chúng tôi mang tiếng đàn và ca Huế đến.
Có một nơi mà suốt gần chục năm nay tôi luôn gắn bó, chơi đàn miễn phí là thính phòng ca Huế ở 25 Lê Lợi, thành phố Huế. Ở đây, vào tối thứ Ba hằng tuần, âm nhạc du dương, êm ái của những làn điệu Nam Ai, Nam Bình… lại vang lên. Khán giả khá đông, gồm nhiều thành phần: sinh viên, người già, du khách nước ngoài…
Không chỉ là nơi để thưởng thức, ca Huế thính phòng đã thu hút mọi người đến học hỏi, rồi từ đó truyền bá tình yêu nhạc cổ, để ca Huế ngày càng được nhiều người yêu quý hơn.
Khi không màng đến không gian biểu diễn là nơi nào, không quan trọng vấn đề thù lao có hay không, chỉ say mê được chơi đàn và lan tỏa, là lúc tình yêu nhạc cổ trong tôi đã đến mùa chín rộ nhất.
Thời gian tới, tôi mong muốn được ươm mầm thêm nhiều tài năng đam mê nhạc cổ, tiếp tục lan tỏa, tiếp lửa cho nhiều chương trình, dự án cộng đồng hữu ích để bạn bè trong nước và ngoài nước biết đến một loại hình di sản đặc sắc, nhân văn, độc đáo trên vùng đất cố đô.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Diệu Thông (thực hiện) Ảnh: Nhân vật cung cấp