Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống: 'Còn sức tôi còn vẽ'

28/11/2018 - 07:02

PNO - Không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, tranh Hàng Trống còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

Cha là nghệ nhân Lê Đình Liệu, cụ Lê Đình Nghiên, sinh năm 1950, hiện là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. Cụ Nghiên vẽ tranh từ hồi 11, 12 tuổi, rồi theo nghề “cha truyền con nối”...

Trong buổi trò chuyện hiếm hoi, chia sẻ sơ lược kiến thức, kỹ thuật về tranh Hàng Trống với những bạn trẻ tại TP.HCM, nghệ nhân Lê Đình Nghiên hết sức xúc động khi biết dòng tranh này vẫn còn được nhiều người trẻ quan tâm. Để chuẩn bị cho chuyến đi đến với giới trẻ, trước đó, ông đã cặm cụi làm việc đêm ngày suốt 5 tháng liền, tạo ra những bức tranh đẹp nhất cho người xem thưởng lãm.

Nghe nhan cuoi cung cua dong tranh Hang Trong: 'Con suc toi con ve'

Phóng viên: Thưa ông, đâu là những điểm độc đáo của tranh Hàng Trống?

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên: Là màu sắc và họa tiết. Màu sắc trong tranh Hàng Trống được các nghệ nhân xưa sử dụng rất điêu luyện, nhuần nhị. Chỉ với 6 màu, gồm: xanh lá cây, xanh da trời, hồng, cam, vàng, đỏ điều, đen và trắng, họ đã tạo nên một thế giới vừa rực rỡ, vừa tương phản, gần gũi mà cũng rất uy nghiêm trong tranh Hàng Trống. Tất cả những màu sắc này đều được chưng cất, chế tạo từ những vật liệu tự nhiên.

Tranh Hàng Trống được vẽ theo nhiều chủ đề - từ tranh thờ, tranh chơi tết cho đến tranh của các nhân vật trong truyện, tranh thế sự… do đó, họa tiết trong tranh cũng rất phong phú. Nó phản ánh nét đẹp văn hóa, những giá trị thẩm mỹ của thời đại mà nó gắn bó.

Nghe nhan cuoi cung cua dong tranh Hang Trong: 'Con suc toi con ve'

* Một người bình thường, mất khoảng bao lâu để có thể thông thạo kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống?

- Tôi vẽ tranh Hàng Trống từ nhỏ, bắt đầu từ những khâu đơn giản nhất. Sau hơn chục năm mới có thể nắm bắt được kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm rồi mới có thể vẽ trơn tru được. Đến lúc ấy mới tự tin bán một bức tranh do mình vẽ ra thị trường. Đó là một quá trình thực hành liên tục và đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì, nhẫn nại. Không thể chỉ mới vẽ ngày một ngày hai hay vài ba năm mà đòi hỏi tranh mang lại hiệu quả kinh tế được.

Đây chính là một trong những lý do khiến người trẻ hiện nay, trong đó có con trai tôi, ít mặn mà với tranh Hàng Trống nói riêng và tranh dân gian nói chung. Dòng tranh này yêu cầu sự tỉ mẩn, công phu; trong khi thế giới của những người trẻ hôm nay phẳng và phải nhanh hơn rất nhiều.

Nghe nhan cuoi cung cua dong tranh Hang Trong: 'Con suc toi con ve'

Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống là dự án nghiên cứu suốt 5 năm của Trịnh Thu Trang. Cuốn sách giới thiệu khái quát về lịch sử tranh Hàng Trống, những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của dòng tranh này và là một sự sẻ chia nỗi tiếc nuối khi tranh Hàng Trống đang dần bị lãng quên.

Ở phần cuối, Trịnh Thu Trang bóc tách những họa tiết của tranh Hàng Trống, gợi ý ứng dụng vào đời sống hiện đại trên nhiều chất liệu, phương thức: vải vóc, quần áo, bao bì, vỏ gối…

* Trong suốt những năm tháng theo nghề, đâu là những kỷ niệm đặc biệt nhất với ông?

- Là những năm tháng cực thịnh - tranh vẽ không kịp để bán. Mỗi dịp chuẩn bị tết, cả gia đình tôi phải huy động các thành viên nông nhàn để làm những giai đoạn thủ công. Những đoạn quan trọng hơn thì ông tôi, bố tôi hoặc tôi làm.

Không khí hồi đấy náo nhiệt lắm. Giáp tết, bà tôi hoặc mẹ tôi mang một chiếc chiếu, trải ở vỉa hè, cạnh hàng hoa, bày bán hàng trăm bức tranh. Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ ta có thể thấy được cảnh đó nữa. Kỷ niệm còn trong những năm tháng chiến tranh, chúng tôi cần vẽ tranh theo đơn đặt hàng của một đơn vị, nhưng không tìm đâu ra màu để vẽ, hạn giao tranh thì đã gần kề. Trong cái khó ló cái khôn, tôi nảy ra ý tưởng dùng thuốc đỏ thay thế cho màu cam. May mắn là khi vẽ lên, màu cam hoàn toàn “ăn”.

Một lần khác, tôi vẽ tranh cho một khách hàng ở sát biên giới. Bạn biết đó, ở đấy thì tranh Trung Quốc tung hoành, thống trị. Thế nhưng, người ta vẫn tìm về cội nguồn, đặt và muốn treo một bức tranh Hàng Trống trong nhà. Điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi. Ngày nào còn người yêu, còn người muốn tìm hiểu, tranh Hàng Trống vẫn còn cơ hội được biết đến và tiếp nối.

Nghe nhan cuoi cung cua dong tranh Hang Trong: 'Con suc toi con ve'

* Nghệ thuật gắn liền với sáng tạo. Trong khi đó, tranh Hàng Trống được tạo nên từ những bản in khắc gỗ theo chủ đề, rồi sau đó nghệ nhân vẽ và tô màu cho nó. Sự sáng tạo trong tranh Hàng Trống nằm ở đâu?

- Thời cực thịnh, tranh Hàng Trống có khoảng mấy trăm bộ, với những chủ đề khác nhau. Để đến được giai đoạn đó, phải trải qua rất nhiều năm mày mò của nghệ nhân và nhu cầu chơi tranh của khách hàng. Những chủ đề nào bán chạy, được khách ưa chuộng, nghệ nhân sẽ làm bản khắc gỗ để tranh có thể đến được với nhiều người hơn, đồng thời giảm giá thành.

Những đề tài phổ biến trong tranh Hàng Trống hiện nay đã trở nên quen thuộc với tâm thức người Việt. Giữa những biến động, thay đổi từ thời cuộc, tranh Hàng Trống cũng chững lại. Do đó, rất khó để đưa đề tài mới vào, người xem sẽ phản ứng ngay. Tôi cũng có làm vài bức độc bản, nhưng chỉ theo đơn đặt hàng. Hiện tại, tôi đang cố gắng hoàn thiện thêm về chất liệu, đường nét, nâng cấp về kỹ thuật để tranh có thể được giữ lâu nhất.

Nghe nhan cuoi cung cua dong tranh Hang Trong: 'Con suc toi con ve'

* Không ít người trẻ băn khoăn, với dòng tranh thờ của tranh Hàng Trống thì khi chơi, liệu có thể hiện sự báng bổ, bất kính?

- Người ta chơi tranh Hàng Trống không chỉ vì nét đẹp mà còn vì tính thẩm mỹ, nét văn hóa mà bức tranh chuyển tải. Do đó, khi chơi tranh, nhất là tranh thờ, ta nên treo ở nơi trang trọng là được. 

* Ngoài truyền thống gia đình, điều gì khiến ông gắn bó với tranh Hàng Trống cho đến tận bây giờ, ngay cả ở giai đoạn suy thoái?

- Những giai đoạn khó khăn cũng là khó khăn chung của toàn xã hội, đâu phải chỉ riêng mình tôi hay gia đình tôi. Thành thử, tôi chưa bao giờ có ý định dừng vẽ. Lúc nào khá, vẽ nhiều, tiền bạc xông xênh một chút. Lúc nào khó, không bán tranh được, tôi vẫn cứ vẽ để đó.

Trong bối cảnh hiện đại, nhiều dòng tranh nước ngoài ùa vào, tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng dần mất đi sức hút, dần bị khách hàng bỏ rơi. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tôi thấy tranh Hàng Trống đang được nhìn nhận trở lại, nhiều người quan tâm đến dòng tranh này, trong đó có không ít người trẻ. Do vậy, ngày nào còn sức thì tôi còn vẽ, để tranh có thể đến được tay nhiều người. Một năm 365 ngày, tôi hầu như chỉ dừng vẽ vào một, hai ngày tết.

Tôi cũng cố gắng truyền nghề cho con trai mình, nhưng tôi không ép nó. Đó là duyên phước và ý muốn của  tổ tiên.

Nghe nhan cuoi cung cua dong tranh Hang Trong: 'Con suc toi con ve'
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang thực hiện vẽ tranh Hàng Trống trước các sinh viên 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ! 

Yếu tố Việt Nam trong tranh Hàng Trống

Theo nhà sưu tập tranh Thanh Uy - người hiện đang sở hữu hơn 200 bức tranh Hàng Trống nhiều chủ đề - tranh Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVI.

Dù du nhập từ Trung Quốc và chịu ảnh hưởng rõ nét từ văn hóa Trung Hoa qua các đề tài về Đạo giáo hoặc những lời chúc tụng, truyện Tam Quốc… theo thời gian, tranh Hàng Trống đã tiếp cận và hòa hợp vào văn hóa Việt Nam, tạo nên những chủ đề riêng biệt, điển hình là tranh thờ Đạo Mẫu (Cô Bơ, Tam phủ, Tứ phủ, Đức Thánh Trần), tranh thế sự với những bức chợ quê rộn ràng, tươi vui...

Không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, tranh Hàng Trống còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

Lê Phan 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI