Nghe ngân hàng máu cạn kiệt, người dân TPHCM cấp tốc đi hiến máu

15/06/2021 - 17:13

PNO - Nhờ vào sự chia sẻ của người dân, sau 2 tuần, ngân hàng máu ở TPHCM đã ổn định, đáp ứng nhu cầu cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

 

Biết được thông tin thiếu máu dự trữ, nhiều người đã rủ đồng nghiệp, người thân cùng đi hiến máu
Biết được thông tin thiếu máu dự trữ, nhiều người đã rủ đồng nghiệp, người thân cùng đi hiến máu

7g sáng, chị Ngọc Anh (25 tuổi) cùng đồng nghiệp đến điểm hiến máu tại quận 10, TPHCM để đợi xe lấy máu lưu động của ngân hàng máu đến tiếp nhận. Chị chia sẻ, vừa đọc được thông tin các bệnh viện thiếu máu dự trữ, chị cùng đồng nghiệp, người quen liền liên hệ đăng ký hiến máu.

“Sáng giờ có vài người ngần ngại nên về, nhưng đa số đều đợi đến lượt lấy máu. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi hạn chế nói chuyện, tiếp xúc”, chị cho biết.

Tại khu vực hiến máu, có khoảng 20 người đến theo lịch hẹn, mọi người được chia thành 5 nhóm nhỏ, sau khi được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn, khai báo y tế, chị Ngọc Anh và một người bạn cùng 2 người khác vào khu vực đăng ký, khám sức khỏe và được lấy máu. 

Mọi người đều tự giác tuân thủ 5K và thực hiện các quy trình theo tờ hướng dẫn tại điểm tiếp nhận máu, nhân viên y tế cũng hỗ trợ tối đa để việc tiếp nhận máu diễn ra nhanh chóng. Mỗi người sẽ mất khoảng trên dưới 30 phút để khám sức khỏe, điền thông tin hiến máu và hoàn tất việc lấy máu.

Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Ngân hàng máu đã tăng cường thêm điểm tiếp nhận máu cố định tại Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM
Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, ngân hàng máu đã tăng cường thêm điểm tiếp nhận máu cố định tại Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM

Anh Nguyễn Thanh Tú (28 tuổi) đang đợi đến lượt hiến máu. Anh vui vẻ cho biết: “Tôi đi hiến máu cùng em họ, vừa rồi em tôi có việc gấp nên xin hiến máu trước và về rồi. Tôi có nhóm bạn đi hiến máu chung được 4 lần. Tuy nhiên, dịch COVID-19 phức tạp quá nên chúng tôi tạm ngưng gần một năm nay. Khi thấy thông tin ngân hàng máu sắp cạn, chúng tôi chia nhau ra các điểm hiến máu để tránh tụ tập đông. Trước khi đi tôi hơi lo lắng nhưng khi đến nơi thấy rất an tâm vì quy trình tiếp nhận máu khá an toàn.

Bác sĩ Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM cho biết, những ngày qua, nhiều người dân trên địa bàn TP đã nhiệt tình tham gia hiến máu cứu người. Nhờ vậy, trữ lượng máu tại ngân hàng máu đang dần ổn định trở lại, đảm bảo đáp ứng việc cung cấp đến các bệnh viện trên địa bàn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 còn phức tạp, người dân khi đi hiến máu nên tuân thủ quy định 5K.

Hiện tại, Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để phòng, chống COVID-19, ngoài điểm tiếp nhận máu ở Bệnh viện Truyền máu huyết học (số 118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5) và Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố (số 106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình), ngân hàng máu đã tăng cường thêm một điểm tiếp nhận máu cố định là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM (24 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3). 

Người dân nếu có nhu cầu đi hiến máu, vui lòng liên hệ trước với Bệnh viện Truyền máu huyết học qua số điện thoại 0919660010 và 0942960965, nhân viên y tế sẽ hẹn lịch lấy máu theo khung giờ, địa điểm hợp lý, đảm bảo hạn chế tập trung đông người.

Những lưu ý trước và sau khi đi hiến máu

Trước khi đi hiến máu:

- Tuân thủ quy định 5K trong phòng, chống dịch COVID-19

- Mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh

- Đêm trước hiến máu nên ngủ sớm, ngủ ít nhất 6 tiếng

- Nên ăn nhẹ, không tiêu thụ thức ăn nhiều đạm, nhiều mỡ

- Uống nhiều nước (khoảng 300-500ml)

- Không nên uống sữa, rượu, bia

- Đối với nữ, không nên hiến máu khi có kinh nguyệt và trong vòng 1 tuần khi có kinh nguyệt 

Sau khi đi hiến máu:

- Nằm, ngồi nghỉ tại chỗ khoảng 10 phút, chỉ rời khỏi điểm hiến máu khi thực sự thấy thoải mái

- Đè chặt miếng băng dán nơi kim chích khoảng 10 phút, giữ băng keo cá nhân từ 4-6 tiếng

- Chườm khăn lạnh và nước đá nếu vết chích bị sưng, bầm tím

- Khi về nhà, nếu thấy chóng mặt, buồn nôn, mệt… cần nằm nghỉ, để đầu thấp, kê cao chân

- Không lái xe đi xa, không làm việc, tập luyện thể thao gắng sức trong ngày lấy máu

- Ăn đủ, uống nhiều nước, bổ sung thức ăn giàu dưỡng chất như thịt, trứng, sữa…

- Không thức khuya, không uống rượu bia trong những ngày tiếp theo. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI