Nghề "môi giới nghỉ việc" ở Nhật Bản

02/09/2024 - 20:31

PNO - Ở Nhật, để có thể nghỉ việc, người lao động không thể tự mình quyết định mà phải thông qua trung gian.

Các nhân viên văn phòng đi bộ ở khu vực Kasumigaseki, Tokyo — Ảnh: Getty Images
Các nhân viên văn phòng đi bộ ở khu vực Kasumigaseki, Tokyo - Ảnh: Getty Images

Văn hóa làm việc ở Nhật Bản đề cao sự trung thành và tận hiến, nên việc nhân viên muốn chủ động nghỉ việc không dễ dàng. Một nhân viên văn phòng ở Nhật Bản đã chia sẻ với CNN về hành trình nghỉ việc nhờ có môi giới giúp sức.

Yuki Watanabe (24 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) từng làm trong ngành viễn thông và thanh toán điện tử, cho biết cô từng phải làm ít nhất từ 9g sáng đến 9g tối, dành 12 tiếng mỗi ngày trong văn phòng. “Tôi rời văn phòng muộn nhất là 11g đêm” - cô chia sẻ.

Watanabe cho biết, thách thức lớn nhất khi nghỉ việc là văn hóa làm việc theo kiểu áp đặt từ trên xuống của Nhật Bản. Việc rời văn phòng đúng giờ hoặc tạm nghỉ một thời gian đã đủ khó khăn rồi. Còn việc nộp đơn xin từ chức thường bị xem là thiếu tôn trọng đỉnh điểm tại Nhật, nơi mà người lao động, theo truyền thống, phải gắn bó với chủ lao động trong nhiều thập niên, thậm chí là cả đời.

Cô tìm đến Momuri, công ty môi giới được thành lập vào năm 2022, chuyên “giúp những nhân viên nhút nhát rời bỏ ông chủ đáng sợ của họ”. Dịch vụ "môi giới nghỉ việc" có trước đại dịch COVID-19, nhưng chỉ thật sự phổ biến sau đại dịch.

Shiori Kawamata - giám đốc điều hành của Momuri - cho biết, chỉ riêng trong năm qua, họ đã nhận được tới 11.000 yêu cầu từ khách hàng. Với chi phí 22.000 yen (khoảng 150 USD), hoặc 12.000 yen (gần 82 USD) cho người làm việc bán thời gian, công ty cam kết giúp nhân viên nộp đơn xin từ chức, đàm phán với chủ lao động, cũng như cung cấp khuyến nghị về luật sư nếu phát sinh tranh chấp pháp lý.

“Một số người tìm đến chúng tôi sau khi đơn xin nghỉ việc của họ bị xé 3 lần và chủ lao động không cho nghỉ việc, cả khi họ quỳ xuống đất”. Bà cho biết, một số công nhân kể rằng họ sẽ bị ông chủ quấy rối nếu cố gắng nghỉ việc, thậm chí ông chủ còn đến tận nhà bấm chuông cửa nhiều lần. Cũng có người bị lôi đến một ngôi đền ở Kyoto, vì chủ lao động cho rằng họ… “bị nguyền rủa” - bà Kawamata nói.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, gần đây, số người nộp đơn yêu cầu bồi thường do căng thẳng tinh thần khi làm việc đã tăng đến 2.683 trường hợp (cùng kỳ năm trước là 341).

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI