PNO - PNO - Mẹ tôi xuất thân từ gia đình khá giả, không cần phải lo cái ăn cái mặc. Ông bà ngoại dạy con rất kỹ, mẹ các dì tôi đều đảm đang, khéo léo. Mẹ lại xinh xắn, dễ thương nên được nhiều người để ý. Cha tôi là bạn học,...
edf40wrjww2tblPage:Content
Ông bà ngoại sợ mẹ tôi khổ, vì nhà cha tôi lúc đó rất nghèo, lại đông anh em, mà lương thầy giáo cũng eo hẹp quá. Nhưng tình yêu, gặp thử thách lại càng thổi bùng ước muốn bên nhau. Thấy mẹ kiên quyết ông bà ngoại cũng thôi không cấm cản, nhưng vẫn không ủng hộ. Ngày mẹ tôi cưới, ông ngoại buồn so, bà ngoại thì thờ ơ, mẹ phải tự mình sắm sửa, lo liệu mọi thứ. Ngày vui chẳng trọn vẹn, hình cưới của cha mẹ tôi không thấy tấm nào mẹ cười tươi.
Mẹ bảo dù đã biết gia đình bên nội tôi nghèo, nhưng lại chẳng mường tượng được lại nghèo đến như thế! Một mẹ chồng, 3 cô em chồng chưa lập gia đình cùng một em trai nhỏ sống chung một căn nhà ọp ẹp. Sáng nấu cơm nhưng chiều chưa chắc lại có gạo để nấu. Tiền lương mẹ làm ra vừa để trả dần nợ đám cưới vừa phụ lo chi tiêu, nhưng chẳng thấm vào đâu. Sau đám cưới mẹ mới biết số vàng cưới toàn đi mượn, nay phải tháo ra trả lại. Mẹ tủi thân khóc hết nước mắt. Nhà đã thiếu trước hụt sau, mẹ chồng, em chồng lại khó khăn, xét nét, mẹ tôi tự an ủi mình rằng ít ra vẫn còn chồng thương yêu, che chở.
Nhưng mẹ tôi cũng lầm, vì rằng thương thì chồng rất thương nhưng che chở thì chẳng được bao nhiêu. Hết giờ đứng lớp là cha tôi lại tụ họp cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè, nhiều khi về được đến nhà đã say mềm. Cưới nhau vừa được ba ngày, cha đi nhậu suốt đêm bỏ mình mẹ thao thức trông đợi. Mò về nhà lúc tờ mờ sáng, cha say không biết trời đất, ói tùm lum. Mẹ vừa dọn dẹp lau chùi vừa nuốt nước mắt vào trong, biết trước số phận mình sẽ còn nhiều đau khổ.
Ngày đi làm, chiều về lo cơm nước giặt giũ cho cả nhà, mẹ tôi ngày nào cũng gặp phải sự dò xét, soi mói của má chồng và các cô em chồng. Không chỉ bảo, đỡ đần, lại còn chê lên chê xuống, cơm khô, canh mặn, chỗ này chưa sạch chỗ kia bừa bộn. Mẹ tôi im lặng chịu đựng, cố gắng chu toàn để yên cửa yên nhà. Nhà ngoại ở gần bên nhưng mẹ không có thời gian để về thăm nom, dành ra được thời gian cũng chẳng dám về thường, vì sợ nhà chồng trách mắng. Chịu bao nhiêu cay đắng nhưng mẹ tôi chẳng dám nửa lời than vãn, chưa một lần kêu buồn kể khổ với người thân. Mẹ vẫn luôn giữ cho cha tôi hình ảnh tốt đẹp với nhà vợ. Mỗi lần đám tiệc, anh chị, con cháu bên ngoại đều hết mực ngưỡng mộ cha mẹ tôi quá đẹp đôi, khen mẹ tôi may mắn vì có chồng thương yêu chiều chuộng.
Đồng lương công chức còm cõi, cha mẹ tôi quyết định nghỉ việc đi buôn. Chuyến ghe đầu tiên khởi hành là lúc tôi vừa tròn thôi nôi. Cả gia đình chòng chành theo con sóng, bao phen gặp mưa bão, qua vùng nước xoáy, tưởng chừng không giữ nổi mạng sống. Những chuyến ghe ngược xuôi buôn bán đem lại chút ít vốn liếng, nhưng nỗi nhớ nghề day dứt cha tôi từng ngày. Mỗi chiều nhìn đàn học trò tan trường ríu rít, cha lại ngậm ngùi nhớ bục giảng, ưu tư trĩu nặng. Mẹ tôi bàn bạc, hay là mình bán ghe, anh về xin dạy lại.
Trở về nghề cũ, cha tôi vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Nhưng nỗi lo cơm áo thì lại chất nặng, ám ảnh cả trong giấc ngủ. Phía sau nhà có mấy công vườn của ông nội để lại, vốn bỏ hoang bấy lâu, cha mẹ tôi ra sức cải tạo, canh tác. Mùa vụ tới, chưa kịp thu hoạch thì bà nội tôi bảo đã rao bán mảnh vườn, đứa nào muốn làm riêng thì bỏ tiền ra mua lại! Cha mẹ tôi chết lặng trong lòng, nghe như sét đánh ngang tai. Ông tôi mất sớm, đất vườn là của chung, nào có giấy tờ chuyển nhượng, cha mẹ tôi đuối lý, mà cũng không cam tâm đem công sức bấy lâu đổ đi, đành gom góp, chạy vạy khắp nơi để chuộc lại một ít.
Từ lần đó, tình cảm gia đình bên nội tôi trở nên lạnh nhạt, cha tôi buồn phiền, bất mãn bà nội nên mượn rượu giải sầu, ngoài giờ lên lớp thì thường xuyên đắm chìm trong men say, mẹ tôi cáng đáng luôn công việc đồng áng. Rồi vườn cây bắt đầu sinh huê lợi, mẹ tôi lại khéo vun vén, kinh tế gia đình dần dễ thở hơn. Cha mẹ tôi quyết định sinh thêm đứa nữa. Ngày em gái tôi chào đời, cha tôi thất vọng, hụt hẫng vì không phải cậu quý tử như mong đợi. Bà nội tôi không thèm ngó ngàng đến. Em gái tôi khó, khóc dạ đề suốt mấy tháng trời, mẹ tôi vừa sinh xong, một tay chăm sóc con nhỏ, một tay lo liệu cơm nước dọn dẹp cho cả gia đình chồng, lại còn phải chăm sóc cha tôi thường xuyên say sưa. Những tháng ngày đó, mẹ tôi suy nhược, héo úa tận trong lòng, mẹ khóc không biết bao nhiêu nước mắt, nhưng vẫn không than thở với người thân câu nào.
Hai chị em tôi lớn lên, cha mẹ ra ở riêng, một căn nhà nhỏ dưới mé sông, cuộc sống không còn quá thiếu thốn như trước. Chị em tôi ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, cha tôi không còn say sưa bét nhè, mẹ cũng không còn quá khổ sở vì sự khắt khe của nhà chồng, vì lúc này các cô tôi đều đã lập gia đình, chú út đã lớn, có thể phụ chăm lo cho nội. Tôi đã thực sự có những năm hạnh phúc. Nhưng tận sâu trong lòng, cha tôi vẫn mong muốn có mụn con trai nối dõi. Mẹ tôi mang thai lần thứ ba, lại là một em gái, nhưng em vắn số, chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã ra đi. Sức khỏe mẹ suy giảm rõ rệt, cha tôi chạnh lòng, bảo không sinh nữa, chỉ cần hai đứa tôi là đủ hạnh phúc rồi. Tôi rất vui, vì thấy gia đình lại đầm ấm, và mẹ tôi không cần phải đau đớn nữa.
Tôi học cấp 3, em gái cũng đã lớn, nhà đã không còn khó khăn chật vật, chúng tôi chuyển sang căn nhà lớn hơn một chút, vẫn sát vách nhà nội tôi. Cha tôi lại buồn. Ông bảo không chịu nổi lời trêu chọc của bạn bè vì sẽ suốt đời làm ông ngoại, ông bảo khi hai chị em tôi lớn, đều đi xa nhà, rồi theo chồng, ông sẽ buồn lắm. Thêm vào đó là áp lực từ bà nội tôi.
Bà bảo bà già rồi, giờ chỉ mong mỏi thằng cháu đích tôn để yên lòng nhắm mắt. Đẻ con gái, có giỏi giang đến đâu cũng chẳng thể nối dõi tông đường. Vậy là ông thuyết phục mẹ tôi sinh thêm một lần nữa, lần này ông đảm bảo sẽ là con trai, vì đã đi xem thầy, đi bác sĩ tư vấn rất kỹ. Mẹ tôi ngán ngẩm, nhưng vẫn không thể cứng lòng trước sự năn nỉ ỉ ôi, trước niềm khao khát của ông. Tôi biết chuyện, và giận cha vô cùng. Tôi không hiểu sao cha không bỏ được cái suy nghĩ cổ hủ đó. Và tôi càng trách cha không biết nghĩ đến mẹ tôi. Lúc đó, mẹ tôi đã bốn mươi tuổi, đã được bác sĩ khuyến cáo về những tai biến khi sinh nở, vì mẹ tôi vốn sinh khó, ba lần trước sinh con là ba lần suýt chết.
Rồi cha tôi cũng được toại nguyện. Em trai tôi ra đời, kháu khỉnh xinh xắn. Mẹ tôi ngày càng suy nhược sau ca đẻ mổ. Người ốm yếu xanh xao, thường xuyên đau yếu. Cha tôi vui như được cho vàng, lần đầu tiên tự nguyện giặt giũ, chăm sóc vợ đẻ. Ông thay đổi nhiều sau khi có em trai tôi. Nhưng những cơn sóng gió thì cứ luôn rình rập, chực chờ ập xuống. Nuôi thêm đứa trẻ, tôi lại học xa nhà, chi phí cứ đội lên từng ngày. Mẹ tôi lại càng lam lũ, cơ cực hơn trước. Mảnh vườn nhỏ không đủ sinh lợi, mẹ tôi kiếm việc buôn bán bên ngoài, dần dần mẹ tôi trở thành trụ cột chính trong nhà, bà gần như kiệt sức. Nhưng dường như vẫn chưa đủ, bà nội tôi già yếu, lại thay đổi tính khí, trở nên khó chiều như một đứa trẻ. Lúc quên lúc nhớ, hay giận dỗi, hay khóc lóc kể lể. Đã vậy nội còn sinh ra tính hay gom góp, lượm lặt những thứ không phải của mình, rồi giấu đem bán kiếm tiền. Mẹ tôi không biết bao nhiêu lần phải đi xin lỗi chòm xóm, khuyên nhủ bà thì bà đùng đùng giận dữ, bỏ cơm.
Cứ như vậy, đến bây giờ, khi đã ngoài năm mươi, mẹ tôi vẫn chưa thể nghỉ ngơi, chưa hưởng được cái an nhàn buổi xế chiều. Mẹ bảo, phận làm dâu chẳng có thời hạn, chẳng biết khi nào hết khổ.
HỒNG ANH
Gần đây, câu chuyện thương tâm của một thai phụ ôm con trai hơn 2 tuổi nhảy xuống sông Lô đã tạo ra nỗi xót xa trong cộng đồng. Giữa những bàn tán của giới nữ, một lần nữa, đề tài “làm dâu” lại được các bà, các chị quan tâm: Giá như, chị ấy được nhà chồng cảm thông, giá như chị ấy biết cách bảo vệ mình…
“Chat với Hạnh Dung” cũng nhận được không ít tâm sự của những nàng dâu mới. Có người bỡ ngỡ trước “văn hóa” lạ lùng của nhà chồng: bắt các con dâu ăn riêng dưới bếp. Có người “choáng” trước phát biểu của mẹ chồng: “Chồng đánh vợ là chuyện bình thường”; “Đàn ông có vợ bồ bịch đâu có sao”…
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những phụ nữ thành công trong việc “hòa hợp” với nhà chồng, vừa “nhập gia, tùy tục”, vừa giữ được bản sắc riêng của mình.
PNO mở chuyên đề “Làm dâu” mong tạo được sự kết nối giữa các bà vợ, để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm ứng xử đối với nhà chồng, nhằm có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.
Kính mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:
-Trang chủ của PNO, vào mục Gửi bài ở cuối trang -Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com -Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".