Chật vật giữ nghề
Khi đến đây, chúng tôi nhận ra rằng, không nhiều người Định Công biết đến những câu ca cổ: “Thông ngôn ký lục, bạc chục không màng/ Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay”, “Làng anh đất thợ kim hoàn/ Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay”…
 |
Công đoạn “đậu” của thợ bạc Định Công - ẢNH: UÔNG NGỌC |
Xưởng đậu bạc (làm kim hoàn thủ công) của gia đình nghệ nhân Quách Tuấn Anh nằm khiêm tốn trong đền thờ tổ nghề kim hoàn. Những công đoạn khéo léo, cẩn trọng và tài hoa của người thợ bạc đã gắn bó với anh từ thuở nhỏ nên dù tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân, anh vẫn chọn nghề kim hoàn để lập nghiệp.
Anh bảo, khi nhắc đến nghề chế tác kim hoàn truyền thống của làng, cha anh (cố Nghệ nhân ưu tú Quách Văn Trường), anh họ của anh (Nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiểu) vẫn gọi bằng cái “danh” giản dị: thợ bạc.
Xưởng đậu bạc của anh có chừng 10 thợ trẻ. Họ miệt mài, cần mẫn bên góc bàn để tạo hình và hoàn thiện sản phẩm. Điềm đạm, kiệm lời, nghệ nhân Quách Tuấn Anh cho hay, anh vừa thiết kế, vừa làm thợ, vừa tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, vừa kiêm luôn khâu đào tạo nghề: “Thợ đậu bạc kiên trì, miệt mài, tỉ mẩn, rất tâm huyết, sáng tạo với sản phẩm nhưng lại rất hạn chế trong việc bán hàng hay giới thiệu sản phẩm. Do làm thủ công nên mỗi sản phẩm của thợ đậu bạc đều phải qua 7-8 công đoạn. Bởi vậy, với những sản phẩm thông thường như dây chuyền, bông tai, thợ cũng phải mất 3 ngày mới xong”.
 |
Ông Nguyễn Chí Thành - người làng Định Công làm nghề kim hoàn đời thứ tư trên phố Hàng Bạc |
Bên ngọn lửa đèn khò và chiếc bàn làm việc nhỏ với hàng trăm dụng cụ, nghệ nhân Quách Văn Hiểu lặng lẽ, cần mẫn đậu từng mảnh chỉ bạc. Gạt mồ hôi, ông cười: “Nhiều công đoạn lắm. Đầu tiên là thiết kế mẫu trên giấy, rồi bỏ các thanh bạc vào nấu, sau đó cán, rút bạc thành từng sợi, dựng hình sản phẩm theo mẫu, đậu bạc, cuối cùng là đánh bóng và làm sáng sản phẩm”. Theo ông, học nghề này không khó, nhưng để làm và giữ nghề thì không dễ. Trước đây, có nhiều thợ được ông Quách Văn Trường đào tạo, nhưng chỉ một số mở được cửa hàng riêng bởi ngoài tay nghề, còn đòi hỏi khả năng kinh doanh, nắm thị hiếu, tâm lý khách hàng, tạo thương hiệu.
Khoảng lặng ở phố Hàng Bạc
Trong ký ức của ông Nguyễn Chí Thành - 75 tuổi, người làng Định Công sống và làm nghề kim hoàn đời thứ tư ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - từng có thời, khắp con phố Hàng Bạc này, người người, nhà nhà cùng chế tác vàng, bạc. Phía trong, thợ ngồi lấp ló, đèn khò chốc chốc lại bập bùng trước mặt; bên ngoài, khách ra vào tấp nập; tiếng đe, tiếng búa chộn rộn khắp phố, trở thành thứ thanh âm đặc trưng, thân thuộc.
Ông kể, từ sau năm 1954, Nhà nước quản lý chặt vàng bạc, Mỹ gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nên nghề kim hoàn ở làng Định Công mai một. Năm 1972, hợp tác xã giải thể, rồi giai đoạn bao cấp thiếu thốn, khó khăn, nghề này gần như biến mất khỏi làng, các hoạt động chế tác, bán mua tấp nập trên phố Hàng Bạc cũng không còn như trước. Ông trầm ngâm: “Học nghề thợ bạc không khó, nhưng theo được nghề hay không lại là chuyện khác, bởi bây giờ rất hiếm người chuộng đặt làm bằng thủ công, phần đông chỉ thích mua những món đồ có sẵn (hàng công nghiệp)”.
 |
Hiện nay, trên phố Hàng Bạc, chỉ còn cửa hàng mỹ nghệ Hồng - Châu của ông Nguyễn Chí Thành nhận sửa chữa, chế tác nữ trang thủ công |
Trên phố Hàng Bạc, nửa dãy phố phía nhà ông Thành là những gia đình gốc làng Định Công nhưng nhiều năm nay, chỉ còn ông Thành và một người cháu họ đang giữ nghề. Khi nghe hỏi thăm nhà ông Thành, tưởng chúng tôi tìm thầy để học nghề, những cụ già sống gần đó bảo: “Bây giờ, người ta nhập sản phẩm chế tác bằng máy về bán chứ không mấy ai học làm thợ bạc đâu. Người Hàng Bạc bây giờ cũng có ai dạy hay làm nghề kim hoàn nữa đâu. Họ đều cho thuê mặt bằng cả”.
Từng giành nhiều giải thưởng về sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cũng là người phát triển dòng tranh đậu bạc, nghệ nhân Quách Tuấn Anh trăn trở: “Tham gia trưng bày, triển lãm, sản phẩm của tôi nhận được những nhận xét tích cực từ khách hàng. Họ rất yêu mến sản phẩm kim hoàn làm bằng thủ công nên dù có khó khăn, tôi vẫn làm sản phẩm kỹ, không chạy theo thị trường. Khi sản phẩm có đầu ra tốt thì tôi lại phải tuyển thợ. Tôi có thể đào tạo miễn phí cho rất nhiều người, nhưng sau một thời gian là họ nản, đào tạo 10 người mới được 1 người đạt chuẩn”.
“Được nhiều khách hàng tìm đến là cơ hội của làng nghề, nhưng chúng tôi lại không đáp ứng được hết nhu cầu. Chúng tôi luôn áy náy vì cơ hội đến mà không khai thác được và làng nghề vẫn trì trệ”. Nghệ nhân kim hoàn Quách Tuấn Anh |
Những năm trước, mỗi khi nhắc đến nghề thợ bạc, tôi thấy gương mặt ông Nguyễn Chí Thành rạng rỡ hẳn lên, giọng nói hào sảng, nụ cười tươi. Nhưng thời gian gần đây, gặp lại ông, tôi chỉ thấy một vẻ mặt đầy ưu tư. Sau khoảng lặng khá dài, ông tắt ngọn đèn trước mặt, ngưng tay, gọng kính trễ xuống: “Tôi nói bao nhiêu năm nay rồi, thậm chí là nói trong các hội thảo, hội nghị nhưng chưa thấy bất kỳ sự thay đổi nào. Tôi không xin hỗ trợ. Tôi chỉ muốn những người thợ như tôi được miễn các loại thuế, phí. Năm nay tôi 75 tuổi, chỉ sửa chữa chứ không kinh doanh, lại là thợ thủ công duy nhất ở đây, sống một mình mà vẫn phải đóng các loại thuế, phí như mọi nhà khác. Không có bất kỳ sự khuyến khích nào thì chúng tôi giữ nghề để làm gì”.
Câu nói của ông Thành cứ vang trong tâm trí tôi khi tôi rời cửa hiệu duy nhất còn đậm chất Hà Nội xưa trên phố Hàng Bạc. 2 bên con phố kim hoàn này vẫn tấp nập người ra vào, mua bán; nữ trang bạc, vàng lấp lánh trong những tủ kính sáng choang.
“Đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công” Kim hoàn là một trong những nghề truyền thống lâu đời của đất Thăng Long - Hà Nội. Ngoài phố Hàng Bạc, làng nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công, còn có một số làng nghề liên quan đến kim hoàn, kim khí khác như nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm). Nhưng hiện nay, các làng nghề kim hoàn và liên quan của Hà Nội đều hoạt động cầm chừng, có làng chỉ còn 1 gia đình giữ nghề. Từ ngàn năm trước, nghề chế tác vàng, bạc ở làng Định Công đã nức tiếng khắp kinh kỳ, được người đời truyền tụng. Thợ Định Công không chỉ thạo kỹ thuật làm nhẵn bóng (trơn), nối (đấu), chạm trổ trên sản phẩm (chạm) mà đặc biệt giỏi ở kỹ thuật kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc, rồi từ đó cắt, ghép thành các chi tiết nhỏ (đậu). Nhà sử học Phan Huy Chú xem kim hoàn Định Công là 1 trong 4 nghề tinh hoa của đất Thăng Long khi trích dẫn câu vè “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Sau này, thợ bạc làng Định Công rủ nhau ra phường Đông Các (nay là phố Hàng Bạc) làm nghề cùng cánh thợ từ làng Đồng Xâm (tỉnh Thái Bình) lên, Châu Khê (tỉnh Hải Dương) sang. Cùng làm nghề kim hoàn nhưng mỗi làng lại có đặc trưng riêng: người Đồng Xâm mở cửa hiệu bán khuyên tai, nhẫn, kiềng, ống vôi; người Châu Khê đúc bạc nén phục vụ triều đình. Nghề kim hoàn của làng Định Công phồn thịnh nhất là trong giai đoạn từ những năm đầu thế kỷ XIX đến trước năm 1954. Khi đó, hầu hết các hộ trong làng đều có người theo nghề, làng có hàng trăm xưởng chế tác, tiếng đe, búa rộn ràng khắp một vùng ven sông Tô Lịch. Dần dần, những gia đình thuê cửa hiệu làm ăn phát đạt đã mua đất, tậu nhà trên phố Hàng Bạc rồi định cư hẳn ở đó. |
Kỳ tới: Làm thợ bạc ở xứ “đeo vàng đỏ tay”
Uông Ngọc