Nghề kim hoàn bao giờ trở lại thời hoàng kim? - Bài 1: Về nơi cung cấp thợ bạc cho cả nước

20/02/2025 - 10:25

PNO - Lời tòa soạn: Là một trong những nghề có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, nghề kim hoàn từng có những thời kỳ phát triển rực rỡ. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề này hiện đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ biến mất và chỉ có thể phục hưng khi thị trường vàng trong nước vận hành đúng quy luật cung cầu, phù hợp với thông lệ quốc tế và phát triển ổn định.

Làng Kế Môn, xã Điền Môn, thị xã Phong Điền, TP Huế được xem như cái nôi của nghề kim hoàn Việt Nam. Làng vẫn nằm đó bên dòng sông Ô Lâu xanh biếc, hiền hòa nhưng nghề thì suy vi, người làm nghề (thợ bạc) phải chuyển sang các nghề khác.

Thợ giỏi đến từ Kế Môn mà ra

Làng Kế Môn nằm cách trung tâm TP Huế chừng 45km về phía đông bắc. Dù đã gần 70 tuổi và nghỉ làm nghề 30 năm qua, ông Hoàng Hòa - thành viên ban điều hành làng Kế Môn - vẫn nhớ như in những năm tháng mưu sinh bằng nghề thợ bạc: “Ngày đó học nghề vất vả lắm. Trong gần 3 năm đầu, tui phải gánh nước, thổi lửa cho nhà thầy, không được tận tay sờ vào miếng vàng, miếng bạc bởi người trong nghề quan niệm rằng thợ kim hoàn phải am hiểu về thủy và hỏa trước, rồi mới được động đến kim”.

Con đường rộng rãi, khang trang do con em làng Kế Môn làm thợ vàng ở nước ngoài đóng góp xây dựng - ẢNH: THUẬN HÓA
Con đường rộng rãi, khang trang do con em làng Kế Môn làm thợ vàng ở nước ngoài đóng góp xây dựng - Ảnh: Thuận Hóa

Với kinh nghiệm nhiều năm làm thợ cả, ông Hoàng Hòa đúc kết, yếu tố cần có nhất của thợ bạc là sự cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ. Thợ kim hoàn lành nghề nhất thiết phải nhuần nhuyễn 4 kỹ năng gồm tạo mẫu trên sáp, sửa nguội, xi mạ và phân kim. Phải mất 3-5 năm đào tạo, học viên mới thạo nghề. Ngoài ra, thợ kim hoàn còn cần có tố chất nghệ sĩ để có thể tạo ra các sản phẩm mang vẻ đẹp riêng, độc đáo.

Ông Hoàng Ngọc Sơn - nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng xứ Huế - dẫn tôi ra cánh đồng bao la trước mặt dềnh nước bên sông Ô Lâu, nơi có di tích lịch sử Cồn Nổi. Cạnh di tích, có xây linh vật tưởng niệm hình đe và búa làm kim hoàn. Ông nói, đã thành lệ, trước lúc khăn gói đi lập nghiệp ở xứ khác, người làng đều ra đây khấn vái tạ từ và khi trở về cũng đến Cồn Nổi này lạy làng, lạy tổ tông trước khi bước chân qua cổng làng.

Ông tự hào: “Hiện tại, không thể kể hết tên các thợ vàng, tiệm vàng có gốc gác từ làng Kế Môn. Qua thống kê sơ bộ của ban điều hành làng, tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 300 tiệm vàng do con em người làng Kế Môn mở. Kế đến, TP Đà Nẵng, TPHCM, tỉnh Quảng Trị mỗi nơi có từ 100-200 tiệm vàng lớn nhỏ của con em người Kế Môn. Còn ở hải ngoại, anh em hay nói đùa với nhau là nếu người Huế nào qua Mỹ mà thất lạc thì chỉ cần đến một tiệm vàng nào đó do người Việt Nam quản lý, sẽ gặp con em Kế Môn nhờ hỗ trợ”.

Trong bài Nghề kim hoàn của người Kế Môn tại Mỹ đăng trên trang web của làng (langkemon.com.vn), nghệ nhân Hoàng Lý - ở TP Houston, bang California, Mỹ - viết: “Nghề kim hoàn ở Mỹ tập trung ở 2 bang California và Texas - nơi có người Kế Môn định cư đông nhất. Ở bang California, có các tiệm vàng ở các thành phố San Francisco, Oakland, San Jose, Sacramento, Stockton và Fresno; còn ở Texas, ngoài 2-3 tiệm ở North Texas, số đông còn lại tập trung ở Houston. Mỗi bang có khoảng trên dưới 20 tiệm. Có thể nói, 20 năm từ 1980-2000 là thời kỳ vàng son của nghề kim hoàn của người làng Kế Môn ở Mỹ”.

Ông viết tiếp: “Sau vụ khủng bố 11/9/2001, kinh tế Mỹ gặp khó khăn và bắt đầu suy thoái, nghề kim hoàn tại đây cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Bù lại, một lớp chủ trẻ người Kế Môn có vốn liếng, có tri thức đã biết xoay xở, phát triển nghề mình theo hướng công nghiệp hóa để hội nhập sâu vào thị trường của người bản địa. Vì vậy, dù một số tiệm nay đã đóng cửa nhưng nhìn chung, số đông vẫn duy trì hoạt động”.

Không còn thợ bạc ở quê nhà

Theo sử sách, làng Kế Môn được thành lập vào thế kỷ XIV. Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh, vua Quang Trung đặt kinh đô ở Phú Xuân, Huế và ra lời kêu gọi người tài ra giúp nước. Thuở ấy, ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế xin làm nghề kim hoàn, lúc đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình bị nạn, được người dân làng Kế Môn cứu. Để đền đáp ơn cứu mạng, sau khi vào cung, ông Độ đã trở về dạy nghề cho người dân trong làng. Từ đó, làng Kế Môn được biết đến là nơi làm ra những sản phẩm kim hoàn bền, đẹp hơn nhiều nơi khác.

Nhà thờ tổ nghề kim hoàn ở làng Kế Môn
Nhà thờ tổ nghề kim hoàn ở làng Kế Môn

Theo một số nghệ nhân kim hoàn ở làng Kế Môn, kỹ thuật tạo mẫu trên sáp là khó và quan trọng nhất. Trước đây, thợ kim hoàn chủ yếu sử dụng búa, đe, giũa để tán mỏng vàng khối rồi uốn, gò chúng thành hình thù mong muốn. Tuy nhiên, những kỹ thuật này chỉ thích hợp khi chế tác vàng ta vốn mềm dẻo, không hợp để chế tác vàng tây có độ cứng, bóng cao hơn.

Sau khi lên ý tưởng và phác thảo trên giấy, thợ kim hoàn dùng các công cụ như compa, dao, giũa các loại để cắt, gọt phôi sáp, tạo hình hài cho sản phẩm. Với những mẫu phức tạp như mặt dây, nhẫn dạng ổ đá kết liền nhau, nhiều chi tiết, người thợ phải làm từng chi tiết nhỏ rồi hàn chúng lại với nhau. Đặc biệt, với những mẫu con vật, người thợ phải làm chảy sáp rồi đắp lên bề mặt để tạo chi tiết cho sản phẩm. Đây được coi là mẫu khó nhất trong tạo sáp bằng tay.

Ông Hoàng Hòa phân tích: “Do làm thủ công, đòi hỏi tay nghề cao, sự chịu khó, tính tỉ mỉ, kiên nhẫn trong nhiều chi tiết, không có điều kiện trang bị máy móc để cạnh tranh với các công ty lớn nên lớp thợ cả có gốc làng Kế Môn vơi dần, thế hệ con cháu lại không mặn mà với nghề này”. Ông cho hay, bây giờ, tìm khắp làng không có tiệm vàng nào, nên cũng không có thợ làm vàng. Thợ bỏ làng đi tới các đô thị khắp cả nước hoặc ra hải ngoại rồi truyền nghề khắp nơi.

Trước đây, muốn đến làng Kế Môn, người ta phải đi đò, đi xe khách vất vả, nay thì đường làng được rải nhựa, bê tông, xe hơi vào đến tận nhà. Những người con xa quê đã đóng góp, làm cho làng “thay da đổi thịt”. Ở làng, có trung tâm thương mại Điền Môn do ông Hồ Huệ đóng góp 8 tỉ đồng để xây dựng. Ông Huệ trước đây là thợ làm vàng ở làng Kế Môn, nay sinh sống ở TPHCM. Trước đây, vào mùa lũ, làng Kế Môn bị nước lũ cô lập trong mấy ngày, nhưng nay không còn cảnh ấy nhờ có tuyến đường tránh lũ do con em thợ kim hoàn làng Kế Môn đóng góp gần 4 tỉ đồng xây dựng.

Trong làng Kế Môn, có rất nhiều ngôi nhà đẹp nhưng luôn “cửa đóng then cài”. Hỏi ra mới biết, chủ nhân hiện đang sinh sống ở Mỹ, Úc, Canada hay gần thì cũng TPHCM, Đà Lạt, Vũng Tàu. Làng nay sung túc, đẹp đẽ hơn nhưng những người nặng lòng với nghề kim hoàn vẫn tiếc nhớ cái thời làng nghề còn lục đục tiếng đe búa, tiếng mài kim loại.

Ở từ đường nhà thờ tổ của làng Kế Môn vẫn đang treo bài thơ Tặng người thợ bạc, phản ánh khá sinh động cảnh làng nghề xưa:

Lò bạc nghe ra tiếng cũng thèm

Ngày ngày luyến tiếp khách hàng sang

Dát hàn theo thế hình long hổ

Đầu chạm làm nên cảnh phụng loan

Lắm thuở cầm cung day mũi bạc

Từng phen lên ngựa trải ngàn vàng

Rao tài bủa vớt oai lừng lẫy

Nghề nghiệp lâu dài vững đặc san.

Kỳ tới: Giữ lửa nghề trên đất Thăng Long

Thuận Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI