Nghề kết cườm - Nhẹ nhàng nhưng sống được

23/05/2015 - 07:54

PNO - PN - Vợ chồng tôi có ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, anh ấy đi phụ hồ; tôi thì cặm cụi làm móng, đan len, thêu tranh, làm bánh... Đồng cam cộng khổ, tích cóp từng đồng, nhưng cuộc sống gia đình cứ chồng chất khó khăn. Tuy vậy,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong một lần đi họp Hội PN, thấy một chị mang theo hạt cườm, tranh thủ thời gian, thoăn thoắt đôi tay. Tôi vội vàng liên hệ chị, xin học, được chị giới thiệu đến một cửa hàng chuyên bán sản phẩm kết cườm. Thấy không khó, tôi giới thiệu thêm một vài chị đến đó vừa học, vừa làm, nhưng do chưa quen tay, các chị làm hạt cườm bể, rơi mất nhiều, nên bị trừ tiền, thành ra nản.

Một hôm, có chị hỏi: “Sao cô Hồng không đứng ra lãnh rồi giao chúng tôi gia công?”. Xóm tôi là dân lao động, nhiều chị ngoài 40 tuổi không xin được việc, nay có người gợi ý, lại trúng với ước mơ đang ấp ủ nên tôi quyết… liều một phen.

Năm 2010, tôi đề xuất với Hội PN phường chương trình xóa đói giảm nghèo bằng cách mở tổ hợp kết cườm, nhận dạy miễn phí cho 21 chị. Mặt khác, tôi kết nối với một chủ cửa hàng tại Q.11, đến lấy mẫu và hạt về chia cho các chị làm. Những chị ở phường khác đến học, tôi cũng dạy miễn phí.

Nghe ket cuom - Nhe nhang nhung song duoc

Các thành viên gia đình đều có thể kết cườm, cho ra đời những sản phẩm đẹp và tạo thu nhập ổn định

Mới vào học, học viên sẽ được dạy kết túi xách bằng ô bốn, sau đó dạy làm viền, kết bông lên túi… Chỉ cần làm được túi xách, sẽ làm được bất kỳ sản phẩm nào. Nghề này có thể làm mọi lúc, mọi nơi; vừa làm vừa trông nhà, trông con cháu, làm xen kẽ với việc nhà; vẫn lo được cơm nước, chợ búa.

Có chị đi học kết cườm mà dẫn con theo. Bé gái mới lớp 1, tôi tranh thủ dạy bé kết bông mai. Thù lao mỗi bông 500 đồng, ngày nào bé cũng kết vài bông, lấy tiền bỏ ống heo để dành mua tập, viết. Một phụ nữ khác gửi hai đứa con học cấp II nhờ tôi dạy, sau vài tuần, hai cháu làm rất giỏi. Vợ chồng chị Phượng - anh Thọ, bị câm điếc; có hai con, một trai, một gái. Hàng ngày, anh chị phụ hồ kiếm sống, khi có việc, khi không. Tôi liền đến nhà họ hướng dẫn, chỉ sau một tháng, chị Phượng đến lãnh hạt về làm, kiếm thêm được 40.000đ/sản phẩm.

Làm càng lâu thì tay nghề càng cao, tăng tính sáng tạo. Những túi xách đầu tiên tôi làm chỗ thưa, chỗ khít…, cứ tháo ra, kết lại, dần dần “tác phẩm” của tôi ra dáng hẳn. Nghề dễ, nhưng hơn thua ở tính sáng tạo. Trước đây tôi làm túi xách, hộp khăn giấy đơn sắc.

Sau này ở góc túi xách màu trắng, tôi kết thêm hạt màu đỏ thành hình bông hoa nhỏ, tạo điểm nhấn; thân túi sử dụng hạt lớn, miệng túi hạt nhỏ hơn cho dễ thương. Với hộp khăn giấy làm xong, tôi cho vào đó xấp khăn giấy xếp sẵn. Khi mua được món hàng “hai trong một”, khách rất hài lòng. Rồi có lần nhìn thấy con trai kết hộp trái tim để đựng đồ linh tinh, tôi bèn kết năm trái tim lại với nhau, làm thêm đáy để hình thành hộp mứt, vừa lạ, vừa xinh, rất dễ bán…

Qua bao năm theo đuổi, tôi đánh giá đây là nghề có tiềm năng, chỉ cần một chút chú ý, kiên nhẫn, ham học, chí thú làm… thì chị em có thể lo cho cuộc sống bản thân và gia đình.

MAI THỊ HỒNG (34/5, đường số 28, P.Cát Lái, Q.2, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI