Nghề kết cườm giúp chị em thêm thu nhập

03/11/2016 - 06:40

PNO - Sau gần hai tháng hoạt động, mô hình tổ kết cườm nghệ thuật (KCNT) của Hội LHPN Q.Tân Phú (TP.HCM) đã giúp nhiều chị em có việc làm, tăng thu nhập.

Cuối tháng 8/2016, sau gần ba tháng tham gia lớp học nghề KCNT do Hội PN quận và Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng tổ chức, hơn 50 học viên đã tốt nghiệp và mạnh dạn thành lập các tổ KCNT trên địa bàn quận. Toàn quận hiện có ba tổ KCNT (P.Tây Thạnh, P.Tân Quý và P.Phú Thọ Hòa), là nơi để chị em làm kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, khách hàng cho nhau.

Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, thành viên tổ KCNT của P.Tây Thạnh nhộn nhịp chị em đến “triển lãm” sản phẩm kết cườm. Dưới bàn tay khéo léo, sáng tạo của các chị , nhiều mẫu giỏ xách, túi đeo, bình hoa đủ màu sắc được kết từ cườm. Chị Hương là học viên tham gia lớp học trễ hơn chị em khác, nhưng nhờ có khiếu và chịu khó học hỏi, chỉ sau một tháng, chị đã thuần thục các kiểu kết cườm.

Không chỉ tự mày mò, sáng tạo nhiều mẫu hoa đẹp, chị còn dạy nghề miễn phí cho phụ nữ (PN) trong khu phố. Chỉ vào bình hoa mai làm từ đủ loại hạt cườm, chị Hương giới thiệu: “Sản phẩm hoa mai được khách hàng yêu thích. Mọi thứ đều làm bằng tay, từ việc chọn mẫu bông, hạt cườm, màu sắc thích hợp. KCNT đòi hỏi tỉ mỉ, mỗi sản phẩm mỗi cách kết khác nhau, phải đều và chặt tay mới có sản phẩm đẹp, bền”.

Nghe ket cuom giup chi em them thu nhap
Tổ KCNT đã mang lại nguồn thu nhập, niềm vui cho nhiều chị em hội viên.

Mang theo chậu hoa lan tím vừa hoàn thành, chị Trương Thị Lan Anh khoe với mọi người: “Mẫu này vừa đưa lên mạng đã có khách ở Bình Dương đặt rồi. Gần tết, cố gắng sáng tạo thêm nhiều mẫu hoa để giới thiệu với khách hàng”. Chị Lan Anh vừa chăm con nhỏ, vừa kết cườm để có thêm thu nhập.

Chị mua nguyên liệu, làm một vài mẫu hoa, rồi đem sản phẩm giới thiệu cho người thân, bạn bè. Lâu dần, chị có thêm khách lẻ ở tỉnh, thích mẫu nào hoặc có yêu cầu riêng, chị nhận và giao hàng tận nhà. Những bình hoa lớn như lan hồ điệp, cẩm tú cầu chưng ở phòng khách đòi hỏi thời gian hoàn thiện lâu, sử dụng nhiều hạt cườm, giá bán từ 1 - 1, 5 triệu đồng.

Chị Phí Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội LHPN P.Tây Thạnh hào hứng: “Hiện nay, mỗi thà nh viên của tổ tự giới thiệu sản phẩm thông qua trang mạng xã hội, điện thoại… Để quảng bá sản phẩm thủ công do PN làm, sắp tới, Hội PN phường dự định mở trang quảng cáo về loại hình KCNT, từ đó tìm kiếm nhiều đầu mối thu mua sản phẩm, giúp các chị có đầu ra ổn định hơn”.

Là thành viên trẻ tuổi của tổ KCNT, Nguyễn Kim Thy (P.Tây Thạnh) chia sẻ, sau khi học xong cao đẳng, ra trường chưa xin được việc làm, Thy tham gia lớp học để biết thêm một nghề, càng học lại càng yêu thích. Thy khoe sản phẩm hộp đựng khăn giấy do em kết từ cườm, bán rất chạy. Công việc tại nhà giúp em có thời gian chăm sóc cha mẹ, lại có nguồn thu nhập ổn định. “Mong rằng tổ sẽ duy trì và mở rộng để các bạn khác cũng có cơ hội như em”, Thy nói.

Dịp 20/10 vừa qua, sản phẩm hoa hồng của chị Lê Thị Kim Phượng, 29 tuổi (P.Phú Thọ Hòa) “cháy” hàng. Nhiều chị em gần xa mua làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Cành hồng với bông hoa lớn cùng với nhiều bông hoa nhỏ li ti với giá 40.000đ/sản phẩm; trung bình một ngày chị có thể làm 10 sản phẩm, nếu trừ chi phí nguyên vật liệu, thu nhập của chị vào khoảng 80.000 - 100.000đ/ngày.

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị Phượng một mình nuôi đứa con trai khuyết tật. Chị sống cùng mẹ và em gái còn đi học. Ngày trước, khi chưa có việc làm, chị phụ mẹ làm thịt heo đem bán ở chợ, thời gian còn lại chăm sóc con trai. Con chị đã 11 tuổi nhưng mọi sinh hoạt cá nhân phải cần đến mẹ, nên chị mong tìm được công việc tại nhà, vừa có thu nhập, vừa lo cho con trai. Khi Hội PN tổ chức lớp học KCNT, chị Phượng tham gia ngay.

Chị tâm sự: “Học xong, nhờ mấy chị bên Hội động viên, tôi bắt tay làm ra các mẫu móc khóa, bông hoa, ví cầm tay… để bán thử. Các dì, chị thương hoàn cảnh nên hay đến nhà đem sản phẩm mời chào phụ. Những ngày lễ lạt , mấy dì cũng xúi đem hàng bày bán để quảng cáo sản phẩm. Số tiền bán được tuy không nhiều, nhưng bản thân có cái nghề, thu nhập đều đặn cũng phần nào giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình”.

Một buổi giúp việc nhà, buổi còn lại, chị Huỳnh Thị Hồng Đào (P.Phú Thọ Hòa) mày mò sáng tạo nhiều mẫu giỏ xách, bóp, đầm dự tiệc với đủ loại hạt cườm. Chị Đào bật mí: “KCNT không khó, nếu chăm chỉ, chịu khó thực hành, sẽ thạo nghề nhanh. Chưa từng biết đến KCNT nhưng chỉ sau vài buổi học; tôi dần có cảm tình với bộ môn này. Không chỉ là làm kinh tế, chị em còn nhận được niềm vui vì sản phẩm kết cườm do mình làm ra được mọi người đón nhận, yêu thích”.

Tại các tổ KCNT, các thà nh viên luôn chỉ dạy, chia sẻ nhau về kỹ thuật kết cườm. Các tổ KCNT đã tạo việc làm cho PN nhàn rỗi, dạy nghề cho nhiều sinh viên, người nhập cư tại địa phương.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI