Nghề gò nhôm ở phường Hiệp Ninh

18/11/2019 - 18:00

PNO - Giá cao nhất tới thời điểm hiện tại là bộ xửng nấu và hấp bánh 3 đáy có giá 1,8 triệu đồng (giá bán tại nơi sản xuất). Kế đến là nồi 47 (đường kính và chiều cao của nồi 47cm) có giá 900.000 đồng.

Nghề gò nhôm ở P.Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh đã được công nhận là làng nghề truyền thống.

Theo ông Nguyễn Văn Hảo, tổ trưởng Tổ hợp làng nghề thì nghề nhôm của địa phương đã hình thành từ hơn 35 năm trước.

Bà Tám Lý (Nguyễn Thị Tám), người có công khai sinh nghề gò nhôm của làng, cho biết, thập niên 80 - 90, bà đi buôn các mặt hàng đũa, nhang, chổi tàu dừa từ Tây Ninh về TP.HCM và nhận thấy người dân Tây Ninh hay dùng các loại thùng hột xoài, xô xách nước, máng đựng hồ bằng nhôm, những mặt hàng này phải mua từ Sài Gòn mang về nên giá thành bị đẩy lên cao. Từ đó, bà Tám Lý nảy ra ý định học gò mấy thứ đồ dùng này để giảm giá thành sản phẩm. Thế là bà mua thùng, xô, máng nhôm về làm mẫu cho con cháu tháo ra, ráp vào để học. Nghề gò nhôm Hiệp Ninh ra đời từ đó. 

Nghe go nhom o phuong Hiep Ninh
Công đoạn giần láng sau khi gò

Đến nay, làng nghề gò nhôm Hiệp Ninh có khoảng 100 hộ với gần 300 lao động và làm ra rất nhiều sản phẩm. Các sản phẩm nhôm như nồi, chảo bán ra thị trường phải làm qua nhiều công đoạn. Thường thì phần cắt, nung, gò sẽ do cánh đàn ông thực hiện. Sau khi gò thành hình, sản phẩm được chuyển sang bộ phận giần láng, giũa mép và chà bóng trước khi hoàn tất. Thông thường, các khâu giần láng, giũa mép và chà bóng do các lao động nữ đảm trách. Tuy không nặng nhọc nhưng ở khâu giần láng chị em phải chịu đựng tiếng búa gõ đinh tai, khiến tai nhiều người bị nặng. 

Chị Tình, một thợ giần láng cho hay, nhờ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước nên những năm gần đây số lượng sản phẩm của làng nghề làm ra tăng vọt. Cũng nhờ đó chị em có việc làm ổn định với thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày. 

Sản phẩm nhôm của làng nghề Hiệp Ninh rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Giá cao nhất tới thời điểm hiện tại là bộ xửng nấu và hấp bánh 3 đáy có giá 1,8 triệu đồng (giá bán tại nơi sản xuất). Kế đến là nồi 47 (đường kính và chiều cao của nồi 47cm) có giá 900.000 đồng. Những chiếc nồi và xửng đắt tiền này, theo thời gian sử dụng sẽ bị bung đáy, thợ nhôm của làng nghề sẽ nhận gò lại đáy với giá 300.000 đồng.

Tiếp theo là chảo 80 (đường kính 80cm) có giá từ 650-800.000 đồng/cái. Các loại chảo gia dụng nhỏ hơn thì giá cả tùy thuộc đường kính và người bán, người mua…

Bà Tám Lý năm nay đã 77 tuổi nên con gái Nguyễn Thúy Hồng (55 tuổi) kế thừa nghề nghiệp của mẹ, trực tiếp hướng dẫn lại cho lớp con cháu sau này. Hiện hộ chị Hồng có 6 lao động, từ 18 đến 55 tuổi, phụ trách tất cả các khâu với mức lương khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày/người.

Chị Nguyễn Thúy Hồng cho biết, dù đã được công nhận là làng nghề truyền thống và nhiều hộ đủ điều kiện còn được vay vốn để phát triển nghề, nhưng người sản xuất vẫn phải tự “bơi” tìm thị trường tiêu thụ. Nhờ nhân lực đông, nguồn hàng dồi dào nên gia đình chị Hồng nhận bỏ mối cho các bạn hàng ở miền Tây. Còn các hộ khác hầu như vẫn phải tự đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng bằng cách chở hàng đi bán ở cac chợ. 

Trang Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI