PNO - PN - Chị Nguyễn Thị Thuy (SN 1976, Kim Thành, Hải Dương) bị mất tích khi đi giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út (“Mất dấu” người lao động tại Ả Rập Xê út, Báo Phụ Nữ ngày 24/7) không phải trường hợp rủi ro duy nhất tại thị...
LƯƠNG THẤP, MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG KHẮC NGHIỆT
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) và Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam, hiện có khoảng 15.000 lao động Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại Ả rập Xê út. Do không quy định hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài như các quốc gia khác nên Ả rập Xê út là một trong hai thị trường lao động lớn tại Trung Đông, cùng với UAE, mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng. Từ đầu năm 2013 tới nay, 723 lao động Việt Nam đã sang Ả rập Xê út làm việc, dẫn đầu số lượng XKLĐ tại khu vực này. Giúp việc gia đình (GVGĐ) tuy chỉ chiếm thị phần nhỏ, nhưng lại gặp nhiều rủi ro hơn cả.
So với lao động xuất khẩu sang các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc… người GVGĐ tại Ả rập Xê út nhận mức lương không cao, khoảng 1.100 - 1.200 Riyals (SR), tương đương sáu-bảy triệu đồng. Bên cạnh mức lương thấp, ông Đoàn Kiến Trung - Phó phòng Quản lý lao động Cục QLLĐNN thừa nhận, xử sự của người Ả rập Xê út với lao động GVGĐ không được tốt. Nhiều trường hợp, chủ nhà đồng ý trả mức lương 1.200 SR nhưng người lao động (NLĐ) chỉ nhận được khoảng 900 SR. Thậm chí, một số lao động giúp việc tại đây còn bị bạo hành, lạm dụng tình dục…
Hơn một năm làm GVGĐ tại Ả rập Xê út, khi tiền tiết kiệm chưa đủ bù hết các khoản đặt cọc và chi trả cho “cò mồi” thì chị Đặng Thị Lý (SN 1977, Ba Vì, Hà Nội) đã phải về nước. Chia sẻ với PV Báo Phụ Nữ, chị Lý ngậm ngùi: “Hợp đồng lao động quy định thời hạn lao động hai năm nhưng sang tới nơi, chủ nhà bắt tôi phải làm đủ ba năm mới được về. Điều kiện ăn uống và sinh hoạt rất khắc nghiệt. Nhiều tháng trời tôi chỉ được ăn bánh mì, ăn bí và khoai thay vì ăn cơm. Không chỉ làm cho chủ nhà, tôi phải dọn dẹp cho cả nhà mẹ đẻ của ông chủ, bạn bè của họ… mà không được trả thêm một đồng lương nào”. Trở về nước trong tình trạng trắng tay nhưng chị Lý tự an ủi mình vẫn còn may mắn hơn những lao động GVGĐ thường xuyên bị chủ nhà đánh đập vì làm không đúng ý họ.
Trung tuần tháng Bảy, chị Lê Thị Thanh Phương (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã gửi đơn tới Cục QLLĐNN, xin đưa chị ruột của mình là Lê Thị Thanh Thủy (SN 1975) về nước. Theo đơn thư, chị Lê Thị Thanh Thủy sang Ả rập Xê út lao động với tư cách người GVGĐ vào tháng 6/2013. Sau khi đến địa chỉ làm việc, chỉ ba ngày sau, nhà chủ đã chuyển chị Thủy sang một nhà khác không đúng địa chỉ hợp đồng. Chủ lao động còn đòi tịch thu hộ chiếu cùng giấy tờ tùy thân, không cho chị Thủy sử dụng điện thoại di động để liên lạc về gia đình. Do công việc quá sức, không phù hợp với sức khỏe nên chị Thủy phải bỏ việc và đến tá túc ở đồn cảnh sát.
KHÔNG KHUYẾN KHÍCH, VẪN ĐI!
Có một thực tế, trước khi sang Ả rập Xê út, người GVGĐ thường được cam kết làm việc tám giờ/ngày, đảm bảo quyền nghỉ phép, nghỉ ốm, tăng lương ngoài giờ làm việc… tương tự luật lao động ở Việt Nam, nhưng chính tại quốc gia này, GVGĐ là loại hình vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh. Ngoài ra, lao động nước ngoài sẽ không được phép rời khỏi Ả rập Xê út nếu như không có sự đồng ý của chủ sử dụng lao động.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cho rằng, GVGĐ trong các gia đình đạo Hồi không đơn giản. Bởi, phong tục tập quán của đạo Hồi không giống với châu Á, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt, khắt khe. “Hầu như giờ giấc làm việc tại đây không có. Ở các gia đình hay tổ chức tiệc tùng và có cháu nhỏ, người giúp việc thường phải thức phục vụ, làm việc rất khuya… Đặc biệt, người GVGĐ Việt Nam không thành thạo ngôn ngữ nên dẫn tới quá trình làm việc gặp nhiều bất cập”, ông Tân phân tích.
Điều đáng nói, khi rủi ro xảy ra đối với người GVGĐ tại Ả rập Xê út thì việc xử lý rất phức tạp. Ông Đoàn Kiến Trung cho hay, trong trường hợp chủ nhà giấu NLĐ, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam rất khó để liên lạc. Chủ lao động sẵn sàng đưa lao động sang địa điểm khác ngoài đăng ký. Theo quy định của quốc gia này, một người đàn ông có thể cưới nhiều vợ nên không thể xác định được người giúp việc Việt Nam đang làm việc tại nhà của người vợ nào. Ngoài ra, thủ tục xin visa cho doanh nghiệp khi có sự cố sẽ mất nhiều thời gian nên GVGĐ có thể bị kẹt lại thời gian dài.
Với một thị trường lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro, Cục QLLĐNN cũng như Hiệp hội XKLĐ không hề khuyến khích NLĐ sang làm GVGĐ, nhưng con số này vẫn không thuyên giảm. Ông Đoàn Kiến Trung cho biết thêm, hiện nay Philippines, Sri Lanka, Indonesia… đã ngừng cấp lao động giúp việc cho Ả rập Xê út.
DOANH NGHIỆP PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM
Theo quy định Việt Nam, các doanh nghiệp XKLĐ phải cử người sang nước tiếp nhận để nắm được tình hình thực tế, giám sát lao động GVGĐ có làm công việc và trả lương như trong hợp đồng hay không. Tuy nhiên, vì khoảng cách địa lý lớn, chi phí tốn kém nên nhiều doanh nghiệp phải cử chung một người sang giám sát tại Ả rập Xê út. Thậm chí, không ít đơn vị phớt lờ quy định này, dẫn đến tình trạng không kiểm soát, thậm chí “mất dấu” lao động GVGĐ. Ông Đoàn Kiến Trung cho rằng, rủi ro ở thị trường này là không tránh khỏi, vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để có thể hạn chế tối đa. Cục QLLĐNN khẳng định, trong những tình huống xấu, doanh nghiệp XKLĐ phải là người đồng hành cùng lao động GVGĐ. Với những trường hợp chủ lao động không thực hiện đúng như hợp đồng về chế độ tiền lương, xâm phạm tinh thần và thể xác… doanh nghiệp đưa người đi XKLĐ phải bỏ tiền ra để hoàn bù.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân nhấn mạnh, dù không khuyến khích, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp không thể thiếu đầu tư cho thị phần lao động này. Trên thực tiễn, dù đã có nhiều kinh nghiệm về mảng GVGĐ sau khi triển khai tại thị trường Đài Loan, nhưng Việt Nam còn hạn chế khi tiếp cận khu vực Trung Đông. Hiện, Cục QLLĐNN và Hiệp hội XKLĐ đã có tài liệu cho giáo viên, cẩm nang cho NLĐ khi đi Ả rập Xê út, nhưng vẫn chưa có tài liệu đặc thù cho lao động GVGĐ để họ có thể tự tin và chủ động trong mọi tình huống.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.