Dạy học là một nghề đặc biệt bởi đối tượng và sản phẩm của nó cũng hết sức đặc biệt - đó chính là con người, vì vậy người ta luôn có những đòi hỏi rất khắt khe. Tuy nhiên, những gì người thầy được hưởng lại không tương xứng với những gì mà xã hội đòi hỏi ở họ.
Nhân ngày Nhà giáo 20/11, Báo Phụ Nữ có cuộc trò chuyện cùng nhà giáo Hoàng Thị Thu Hiền (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) về chuyện nghề.
* Nhiều thầy cô giáo nhìn nhận nghề của mình quá nhiều rủi ro. Vì sao lại có nhận xét rất “đắng” như vậy cho một nghề cao quý thưa cô?
- Nghề nào cũng áp lực, nhưng ngoài sự vất vả về thể chất, người thầy ngày nay còn phải chịu nhiều áp lực về tinh thần và rất dễ bị “nổi tiếng”. Cũng dễ hiểu, trong khi công tác quản lý còn quá nhiều bất cập, kinh tế phát triển nhưng đạo đức ngày càng xuống cấp, đồng tiền trở thành hệ quy chiếu trong các mối quan hệ… thì độ rủi ro của nghề dạy học - một nghề nhạy cảm, vì đối tượng và sản phẩm đều là con người - sẽ càng cao là điều tất yếu.
Trong xã hội ngày nay, người ta hay nhìn vào túi tiền để đánh giá và đối xử với người khác. Mà thầy cô giáo, nếu chỉ sống bằng lương thì ai cũng đói. Cho nên hình ảnh và hành xử của xã hội nói chung với người thầy cũng bị ảnh hưởng. Người thầy không còn được uy nghiêm và lung linh như trước, thậm chí bị coi thường. Khi đã coi thường, người ta có thể hành xử tùy tiện với chính thầy cô.
Đáng buồn nhất hiện nay là lối học thực dụng đang ngày càng phổ biến, học vì điểm, để đạt danh hiệu này khác, học cho xong chuyện… Việc học để biết, để chung sống, để nâng cao kiến thức, tâm hồn đang bị mờ dần.
Những năm 2000 trở về trước, việc học của học trò còn sự đam mê, lãng mạn lắm. Nhiều em đam mê đến tôn sùng. Trong hoàn cảnh ấy, tự khắc người thầy phải làm gì đó để không làm đổ vỡ thần tượng nơi các em, không để các em phải thất vọng. Cho nên thầy phải chỉn chu từ lời nói, cử chỉ, trang phục; bài giảng phải hay, phải truyền lửa.
Mình vẫn nhớ mãi năm mình dạy một lớp cấp II, dạy xong bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương, dặn các em về nhà học thêm một số bài thơ khác của tác giả. Vào giờ sau mình kiểm tra, bạn có tưởng tượng được không, 90% học sinh (HS) trong lớp thuộc 10 bài trở lên, có những em tới 20 bài và “đỉnh” nhất là 35 bài. Quả là một sự lãng mạn tuyệt vời.
Nhưng nay thì khác lắm rồi, kể cả học sinh chuyên văn cũng không còn sự lãng mạn khi học văn, thuộc thêm dăm ba bài thơ ngoài chương trình đã là hàng hiếm. Bạn tin không khi mà HS chuyên vào được đội tuyển đi thi lại xin ra vì không muốn mất thời gian. Thầy tâm huyết say mê, trò hờ hững vô tình thì làm sao không “đắng” được!
* Cụ thể cho cái sự “đắng” ấy là thầy cô ngày nay rất dễ bị “ném đá”?
- Đúng vậy! Hở ra là bị “ăn gạch”, bị phụ huynh và HS “soi”. Chỉ cần nghe phản ánh thế này, thế kia thì ngay lập tức giáo viên bị hiệu trưởng gọi lên “chỉnh”. Không phải hiệu trưởng nào cũng sáng suốt và đủ sức bảo vệ giáo viên của mình.
Thêm vào đó cũng không ít học trò sử dụng mạng xã hội làm vũ khí công kích thầy cô mình. Học trò ghi âm lời nói hoặc quay lén hình ảnh khi thầy cô đang nóng giận rồi tung lên mạng, lập tức bao nhiêu “gạch đá” bay tới, hình ảnh về người thầy bị méo mó. Không ít cha mẹ HS thường “nghe con lon xon mắng người” mà không kiểm chứng điều con nói là đúng hay sai. Báo chí đôi khi cũng vội vã đưa tin khi có chuyện gì đó… Tai nạn đến từ nhiều phía khiến thầy cô khó mà chống đỡ.
Làm người bình thường khi sai đã bị chê trách. Làm thầy, nếu sai thì búa rìu dư luận sẽ nhiều hơn. Tâm lý xã hội đòi hỏi người thầy phải chuẩn mực, nên chỉ cần lệch chuẩn là bị “ném đá”.
* Nhưng không có lửa làm sao có khói. Câu chuyện này có nguyên nhân từ đâu, thưa cô?
- Tất nhiên một số ít thầy cô cũng không làm tròn phận sự. Nhưng nghề nào cũng có người tốt và người chưa tốt, thậm chí xấu. Một số người xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của nghề.
Nhưng lỗi đến từ nhiều phía và mình phải công bằng. Tôi có thể khẳng định: căn nguyên sâu xa từ bệnh thành tích. Cha mẹ thích con đạt được HS giỏi, có bằng khen để khoe; nhà trường cũng thích có nhiều HS giỏi và ngành giáo dục lúc nào cũng cần những con số báo cáo thật đẹp. Từ đấy dẫn đến HS bị điểm thấp là thầy cô bị phê bình.
Cho nên thầy cô phải ra đề sao cho HS không bị điểm kém, phải chấm làm sao để tập bài mình chấm đạt điểm cao. Nhiều trường hợp môn sử, môn địa phải nhường cho môn toán để HS có điểm môn chính cao… Vậy thì ông thầy phải dạy làm sao nếu không phải là chạy đua với chương trình, “đua” với điểm số?
* Ngày xưa rất nhiều nhà giáo ít bằng cấp, không học hàm nhưng vẫn được học trò kính trọng như thần tượng. Ngày nay, thầy nhiều bằng cấp nhưng mối quan hệ thầy trò rất… nhạt?
- Vị thế ông thầy ngày xưa ít dính dáng đến đồng tiền. Còn ngày nay, các mối quan hệ đã bị thị trường hóa, thầy cô bị dính dáng đến tiền nhiều quá nên vị thế cũng thấp đi.
Ngày xưa nhiều thầy cô không học hàm học vị nhưng lại đào tạo ra rất nhiều tiến sĩ. Các thầy cô ấy rất giỏi, nhiều kiến thức, được học trò xem như là “từ điển sống”, kính trọng và tôn sùng...
Còn ngày nay, cuộc sống hư danh nhiều, chuộng bằng cấp nên đua nhau đi học để có nhiều bằng nhưng lại ít kiến thức trong đầu. Nhiều bạn tốn thời gian để có được tấm bằng, nhưng chỉ là “tiến sĩ giấy” chứ không áp dụng được bao nhiêu vào bài giảng để nâng tầm kiến thức cho HS.
Người thầy không chỉ cho học trò kiến thức mà còn dạy học trò lối sống, cho nên sự gắn kết thầy - trò là vô cùng quan trọng. Thầy trò ngày xưa gần gũi, có nhiều thời gian bên nhau. Giờ đây tụi nhỏ học vì điểm, thầy mà ra bài khó, cho điểm thấp là hết thần tượng ngay. Trước mặt gọi thầy, sau lưng thì gọi ông này bà kia. Nhiều ông thầy ngày nay cũng không biết giữ mình... Chính những thứ đó làm thần tượng sụp đổ.
* Đòi hỏi người thầy thì rất cao, nhưng thu nhập lại thấp đến không thể tưởng. Những “kỹ sư tâm hồn” đang gánh nhiều áp lực và sự bất công?
- Như tôi đã nói, nghề nào cũng áp lực, nhưng ngoài sự vất vả về thể chất, người thầy ngày nay còn phải chịu nhiều áp lực về tinh thần và rất dễ bị “nổi tiếng”. Đó là chưa kể, ngành giáo dục cứ liên tục đổi mới, nhưng không ổn định, thiếu nền tảng và thiếu tầm chiến lược, khiến người thầy phải liên tục chạy theo. Có khi hôm nay còn áp dụng phương pháp này thì ngày mai đã đổi phương pháp khác, rồi kiểm tra giáo án… Người thầy giờ đúng vừa khó lại vừa khổ.
* Cô có thấy nghề giáo đã mất sức hấp dẫn?
- Lương giáo viên, nói thẳng là thua lương bảo vệ. Theo hợp đồng thì bảo vệ được 4 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên mới ra trường chưa tới 3 triệu đồng. Có những giáo viên về hưu lương chỉ hơn 1 triệu đồng, làm sao để sống? Không tính đến việc phải dạy thêm, làm thêm thì thu nhập từ nghề giáo quá rẻ mạt. Điều đó giải thích vì sao ngành sư phạm có điểm tuyển sinh thấp nhất. Ai cũng muốn con mình được học thầy cô giỏi. Liệu điều này có được đáp ứng khi đầu vào ngành sư phạm quá xót xa như hiện nay?
* Nếu ngành sư phạm tiếp tục không thu hút được những người giỏi và tâm huyết nhất thì…?
- Nghề giáo xuống cấp và bị xem thường thì chắc chắn giáo dục không phát triển, xã hội sẽ đi xuống. Dẫu muốn hay không, ông thầy vẫn là một trong những người ảnh hưởng đến nhân cách HS nhiều nhất và tất cả mọi người đều trải qua thời HS. Muốn có ảnh hưởng tốt thì người thầy phải tốt trên nhiều phương diện: nhân cách, tâm hồn, đạo đức, trí tuệ và tài năng.
Muốn thế thì Nhà nước phải tạo điều kiện để người thầy có vị thế. Nếu nghề nghiệp mang lại cho họ cuộc sống tốt thì không ai dại gì không giữ gìn, vun đắp phẩm giá của mình. Sở dĩ thầy giáo ngày xưa uy nghi, đạo mạo là vì lương của họ nuôi sống được cả gia đình.
“Lương sư hưng quốc”, câu nói đó ngàn đời vẫn đúng. Nhìn vào hình ảnh của người thầy, nhìn vào cách đối đãi của xã hội đối với người thầy người ta sẽ đánh giá được đạo đức và sự phát triển của một đất nước.
* Đã 30 năm chứng kiến sự thịnh - suy, thăng - trầm của nghề dạy học, cô có thể dự đoán về tương lai của nghề này?
- Người thầy được tôn vinh như thời các ông đồ là không thể. Để nghề giáo được tôn vinh như là “kỹ sư tâm hồn” cũng rất khó, trừ khi có sự thay đổi thật mạnh mẽ trong chính sách của Nhà nước. Thời hoàng kim đã xa rồi.
* Nếu được chọn lại, cô có chọn nghề giáo?
- Nếu có kiếp sau mình vẫn sẽ nguyện làm một người thầy đứng trên bục giảng bởi đơn giản mình yêu cái nghề này. Dẫu có những cay đắng, nhọc nhằn, áp lực, nhưng nghề giáo vẫn lương thiện hơn hết.
Không nghề nào có được cơ hội tiếp xúc với toàn người trẻ, được sống và được “lây nhiễm” những tâm hồn tươi trẻ trong sáng nhiều như nghề giáo. Nghề giáo làm cho mình được trẻ mãi không già.
* Xin cảm ơn cô.
Tiêu Hà (thực hiện)