Nghề giáo bấp bênh vì thiếu học sinh

20/11/2024 - 12:17

PNO - Việc nhiều trường học phải đóng cửa vì thiếu học sinh do tỉ lệ sinh thấp đang đe dọa triển vọng của nghề giáo ở nhiều nơi trên thế giới. Cùng với đó, tình trạng học sinh thường xuyên vắng mặt ở lớp tăng lên sau đại dịch cũng khiến các giáo viên bận lòng.

Đóng cửa trường học do thiếu học sinh

Tỉ lệ sinh thấp khiến nhiều nhà trẻ và trường học ở châu Á không đủ học sinh để hoạt động - Nguồn ảnh minh họa: AFP - JIJI
Tỉ lệ sinh thấp khiến nhiều nhà trẻ và trường học ở châu Á không đủ học sinh để hoạt động - Nguồn ảnh minh họa: AFP - JIJI

Một số tỉnh của Trung Quốc đã phải cắt giảm giáo viên trong năm 2024 khi số trẻ em trong độ tuổi đi học giảm dần. Điều này phản ánh những thách thức ngày càng trầm trọng của quốc gia này về mặt nhân khẩu học. Tỉnh Giang Tây công bố: các vị trí giảng dạy mới tại những trường mẫu giáo, tiểu học và trung học sẽ bị cắt giảm 54,7%, xuống còn 4.968 chỗ trong năm 2024. Con số này chưa đến 1/3 so với số lượng tuyển dụng của 2 năm trước.

Tương tự, ở tỉnh Hồ Bắc, số lượng giáo viên được tuyển dụng năm nay cũng giảm 20% so với năm ngoái. Lý do chính cho sự sụt giảm này là Trung Quốc đang có tỉ lệ sinh “siêu thấp” - chưa đến 1,4 trẻ/phụ nữ. Trung tâm Nghiên cứu dân số và Phát triển Trung Quốc ước tính số ca sinh đã giảm một nửa trong giai đoạn 2016-2023, xuống còn 9,02 triệu. Tỉ lệ sinh giảm đã ảnh hưởng lớn đến các trường học. Tỉnh Giang Tây đã đóng cửa 1/5 số trường học ở các vùng nông thôn. Tỉnh Hồ Nam tuyên bố sẽ không xây dựng thêm trường mẫu giáo nào ở các vùng nông thôn...

Trong sân Trường trung học tư thục Chung Hsing ở Đài Loan (Trung Quốc), bàn ghế chất cao, khu vui chơi giờ chỉ là những đống đổ nát. Trường đã đóng cửa vào năm 2019 do số lượng tuyển sinh thấp. Năm 2023, tỉ lệ sinh của hòn đảo này là 0,865 trẻ/phụ nữ. Từ năm 2011-2021, số học sinh ở các trường tiểu học và THCS của Đài Loan đã giảm từ 2,3 triệu xuống dưới 1,8 triệu. Cô Lai - sống ở TP Đài Bắc và có đứa con 22 tháng tuổi - chia sẻ: “Chi phí chăm sóc trẻ em hiện nay rất cao, cả về thời gian và tiền bạc. Thật khó để tôi cân nhắc đến việc sinh con thứ hai nếu không được tăng lương và giảm giờ làm việc”.

Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Nhật Bản, nơi có 2.567 trẻ em trong danh sách chờ vào nhà trẻ trên cả nước trong tháng 4/2024, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp kỷ lục trong 6 năm liên tiếp.

Tại Hàn Quốc, chưa đến 400.000 trẻ em bước vào bậc tiểu học trong năm 2024 - đánh dấu lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 400.000. Cho Young-tae - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính sách dân số tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) - nhận định: “Đây không chỉ là vấn đề về tỉ lệ sinh, mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau”. Tất cả, từ các cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng khác trước trường học cho đến ngành giáo dục tư nhân trị giá 16 tỉ USD tại Hàn Quốc… đều đang bị ảnh hưởng vì tình trạng tỉ lệ sinh thấp. Giáo viên mất việc làm và sự suy giảm của nền giáo dục Hàn Quốc là điều không thể tránh khỏi.

Giáo viên mệt mỏi vì học sinh vắng mặt

Đối với giáo viên, mỗi chiếc bàn trống là một sự lãng phí, ảnh hưởng xấu đến niềm vui của họ đối với công việc. Thống kê cho thấy, hơn 1/4 học sinh ở Mỹ thường xuyên nghỉ học. Nghiên cứu từ tạp chí bình duyệt của Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục Mỹ cho thấy: sự hài lòng của giáo viên giảm dần khi tình trạng học sinh vắng mặt tăng lên.

Michael Gottfried - đồng tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư về giáo dục tại Đại học Pennsylvania - cho biết: “Cốt lõi của việc trở thành giáo viên là hướng dẫn và giúp trẻ em phát triển. Học sinh vắng mặt khiến giáo viên không thể hoàn thành sứ mệnh đó”. Tình trạng học sinh vắng mặt cũng có thể làm tổn hại đến mối quan hệ thầy trò.

Trong nghiên cứu trước đây, Gottfried và các đồng nghiệp phát hiện rằng, giáo viên cảm thấy ít gần gũi hơn với những học sinh vắng mặt thường xuyên. Họ thường có suy nghĩ những học sinh này khép kín về mặt xã hội, có thành tích học tập kém hơn ngay cả khi trên thực tế, những học sinh này vẫn học tốt và cư xử bình thường.

Tỉ lệ học sinh vắng mặt, không có mặt thường xuyên ở lớp lên đến khoảng 15% trên toàn nước Mỹ trước năm 2020 giờ tiếp tục tăng lên 28% vào năm 2023. Jeff Swisher - giáo viên dạy lịch sử tại quận Griffith, bang Colorado - cho biết: học sinh vắng mặt vì nhiều lý do, việc giúp học sinh xử lý bài tập sau các đợt nghỉ học làm cạn kiệt thời gian và năng lượng của anh. Nếu học sinh vắng mặt 1 ngày, Swisher chỉ cần 5-10 phút để chuẩn bị tài liệu dạy bù, nhưng nếu học sinh vắng mặt trong một dự án nhóm, anh có thể mất thêm 45 phút để tạo ra phiên bản thay thế của bài học.

Một đồng nghiệp của Jeff Swisher - cô Paricio Moreau - cho biết, cô coi tình trạng học sinh vắng mặt là “bình thường mới”. Với từ 2-3 học sinh thường xuyên vắng mặt trong mỗi lớp học, cô phải dành thêm nhiều giờ mỗi tuần để chuyển tất cả các bài giảng lên internet và thay đổi các dự án nhóm sang bài tập khác để có thể bù đắp kiến thức cho những học sinh vắng mặt.

Linh La (theo The Guardian, Korea Herald, SCMP, Japan Times, Education Week)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI