Nghề điều dưỡng bị xem như… osin của bác sĩ

30/05/2022 - 17:31

PNO - Ngày nay, vẫn còn nhiều người xem các điều dưỡng như… osin của bác sĩ, mặc dù để sớm hồi phục sức khỏe, ngoài bác sĩ điều trị, người bệnh phải được các điều dưỡng chăm sóc tốt.

Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu bệnh nhân F0 trở nặng
Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu bệnh nhân F0 trở nặng

Đó là một trong những nỗi niềm của nghề điều dưỡng tại buổi ra mắt dự án sách "Những đóa hoa kiên cường - Chuyện nghề điều dưỡng" ngày 30/5 do Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ tổ chức.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Lữ Mộng Thùy Linh - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM cho biết tháng 7/2021, dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM, các hoạt động khám chữa bệnh bị gián đoạn, tập trung toàn lực cho phòng, chống dịch. Đây cũng là lần đầu TPHCM huy động lực lượng đông đảo nhất, bao gồm cả y tế công lập và y tế tư nhân tham gia chống dịch.

Bà Linh chia sẻ, sau đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã đề nghị các bộ phận chức năng ghi nhận, thu thập lại tất cả hình ảnh, tư liệu về hệ thống y tế, việc chăm sóc sức khỏe người dân làm bài học kinh nghiệm. Vì vậy, dự án "Những đóa hoa kiên cường" không chỉ là sự tri ân, công nhận nghề điều dưỡng mà còn góp phần tạo điều kiện để phát triển lực lượng điều dưỡng cho ngành y. Do đó sắp tới, dự án có thể được Sở Y tế TPHCM xem xét triển khai, mở rộng.

Điều dưỡng lấy niềm vui xuất viện của bệnh nhân làm động lực cho mình
Điều dưỡng lấy niềm vui xuất viện của bệnh nhân làm động lực cho mình

Điều dưỡng Bích Thủy - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long nhớ lại, chị thương nghề nhưng cũng khóc nhiều, từ khi đi thực tập đã bị bệnh nhân, thân nhân người bệnh gằn giọng đòi hành hung. Tiêm đau, đòi đánh. Chờ lâu, đòi đánh, có người thì nói tiêm… gì kỳ, giật kim đòi tiêm lại… rồi áp lực gia đình, công việc, nhưng mọi thứ không buồn bằng chứng kiến bệnh nhân ra đi nên chị càng cố gắng hơn nữa, và sẽ vui hơn nếu một lần bệnh nhân hỏi thăm chị.

Điều dưỡng Mỹ Hạnh nhiều khi suy nghĩ: “Cái nghề gì kỳ cục, giờ người ta thức thì mình đi làm, giờ người ta ngủ mình vẫn thức để làm việc. Người ta bệnh, mình chăm sóc. Rồi lỡ một ngày ba mẹ hay người thân ở quê bị bệnh, mình có thể ở bên cạnh chăm sóc hay không? Dòng suy nghĩ bâng quơ ấy chỉ thoáng qua vì tôi hiểu đây không còn là công việc mà là trách nhiệm của ngành nghề mình theo đuổi và của tình người. Người bệnh đã tin tưởng giao sức khỏe, mạng sống của họ cho mình thì mình phải cố gắng làm tốt hơn. Chỉ mong lỡ khi có chuyện, ba mẹ và người thân của tôi cũng sẽ được chăm sóc tốt”.

Đa số người cho rằng điều dưỡng là osin của bác sĩ, chứ không nhận ra ngoài bác sĩ điều trị chuyên môn, nếu không được điều dưỡng chăm sóc tận tình, người bệnh sẽ khó hồi phục hơn, ảnh BVCC
Nhiều người cho rằng điều dưỡng là osin của bác sĩ, chứ không nhận ra ngoài bác sĩ điều trị chuyên môn, nếu không được điều dưỡng chăm sóc tận tình, người bệnh sẽ khó hồi phục (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, các điều dưỡng vẫn yêu nghề, phấn đấu và vượt qua tất cả khó khăn để đến với người bệnh. Bà Lê Ngọc Anh Phượng - đại diện Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, hiện nay nghề điều dưỡng phải đối mặt với nhiều định kiến xã hội, khiến nhiều người e ngại khi chọn ngành này. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ trung bình điều dưỡng của Việt Nam là 11,4/10.000 dân. Tỷ lệ này chưa bằng một nửa so với toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng để đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. WHO dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là đa số người dân vẫn suy nghĩ điều dưỡng là giúp việc cho bác sĩ chứ không góp phần hồi phục sức khỏe người bệnh. Hầu hết người bệnh khi xuất viện cũng chỉ nhớ bác sĩ chứ không phải là điều dưỡng. Mặc dù, trong giai đoạn khốc liệt nhất của dịch bệnh nói riêng và mắc bệnh nặng nói chung, chính điều dưỡng là người chăm sóc bệnh nhân suốt ngày đêm. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI