Nghe điện thoại khi lái xe bị phạt: Nhiều băn khoăn...

01/06/2016 - 14:51

PNO - Đồng ý cho rằng việc đưa ra quy định phạt trên là đúng đắn, song nhiều phương tiện lái ô tô còn băn khoăn...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2016.

Theo đó, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ô tô chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng (bổ sung vào quy định xử phạt để phù hợp với Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ mà Việt Nam vừa mới gia nhập).

Phạt ô tô còn các phương tiện khác thì sao?

Đồng ý rằng việc đưa ra quy định phạt trên là đúng đắn, song tài xế ô tô đưa ra những vấn đề cần phải bàn luận thêm. Anh Hòa (Quận 1, lái xe lâu năm) ý kiến: "Ai cũng biết sử dụng điện thoại thì rất nguy hiểm rồi. Thế nhưng, cũng có lúc phải nghe. Giả sử đang sử dụng điện thoại, tia thấy CSGT từ xa, tất nhiên là bỏ xuống rồi, sao phạt được?

Đi đường thấy hoài... xui lắm mới dính. Đồng ý là việc đó gây nguy hiểm, nhưng CSGT cần thay đổi cách phát hiện vi phạm để xử lý. Chứ thế này thì khó lòng nắm bắt vì thú thực là tài xế ai cũng xót tiền, tất nhiên là sẽ có cách".

Nghe dien thoai khi lai xe bi phat: Nhieu ban khoan...

Anh Hoàng (Quận 12) liền đặt câu hỏi: "Tôi chỉ thấy nói là nghe điện thoại khiến mất tập trung dễ gây ra tai nạn. Vậy, trường hợp không nghe điện thoại bằng tay mà trong xe nghe nhạc, hoặc lái xe nghe điện thoại bằng tai phone hay bluetooth, hoặc đói quá ăn tạm cái gì đó có bị phạt không? Cái này cũng từa tựa như nhau à. Bản thân tôi thấy luật đưa ra thì đúng, xong chưa thật đầy đủ", anh Hoàng ý kiến.

Không những thế, nhiều tài xế ô tô khi được hỏi còn tỏ ra bất bình trong khi ô tô thực hiện hành vi nghe điện thoại thì bị nộp phạt còn không thấy nói gì về các phương tiện khác như xe đạp điện, xe đạp... phóng vù vù vẫn rút điện thoại trên đường nhan nhản ra thì lại chưa có quy định.

"Đã phạt thì phải đồng bộ và thống nhất chứ, ai cũng có nguy cơ gây nguy hiểm khi đang tham gia giao thông mà nghe điện thoại. Chỉ phat mỗi chúng tôi không thì không phục đâu", anh Tùng đưa ra ý kiến.

"Tài xế taxi nộp phạt nhiều nhất"

Không chỉ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân, mà nghị định này hiện đang là nỗi lo của những tài xế taxi đang hoạt động. Không ít người tỏ ra hoang mang.

Anh Bình (Lái xe cho 1 hãng taxi trên địa bàn TP.HCM) hoang mang "Kiểu này thì hãng taxi chết chắc, toàn phải vừa chở khách, vừa nhận nhiệm vụ trên đường đi, thậm chí có khi còn liên lạc với khách nữa.

Chẳng lẽ cứ mỗi lần nhận lịch đón khách lại phải táp vào lề đường sao? Đường thì chật, người thì đông, táp vào có khi còn gây ùn tắc giao thông kéo dài. Đến lúc đó còn nguy hại hơn chứ. Chưa kể có nhiều đoạn đường cấm không được dừng đỗ. Nguy quá!", anh Bình cười trừ.

"Đưa được khách kiếm được 100 ngàn 1 lượt, gặp công an cái là mất ngay gần 1 triệu. Thôi sớm giải tán mất thôi, chứ làm sao mà tồn tại nổi. Taxi giờ khổ quá, cái gì cũng khó", anh Huy (một tài xế taxi) chia sẻ.

Không chỉ đưa ra những khó khăn trong vấn đề phát hiện và thực thi, hầu hết những tài xế tài xế taxi cũng băn khoăn cụ thể số tiền bị phạt sẽ như thế nào? Cụ thể, như chị Ngọc Thanh (Quận 12) còn đặt ra vấn đề

"Cho mình hỏi khi nào thì bị phạt 800.000 đồng, khi nào bị 700.000 đồng và khi nào bị 600.000 đồng. Đã phạt thì có mức cố định mới răn đe được người tham gia giao thông, chứ mình vẫn chưa rõ điểm này", chị Thanh nói.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI