Nghề dệt thổ cẩm truyền thống: Nỗi buồn và hy vọng

11/11/2020 - 13:43

PNO - Không chỉ phục vụ nhu cầu may mặc, nghề dệt thổ cẩm còn lưu trữ những giá trị văn hoá cộng đồng của các dân tộc thiểu số.

Tại Việt Nam, có khoảng 30 dân tộc thiểu số có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời. Vải thổ cẩm không chỉ cung cấp chất liệu may mặc, mà còn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của các đồng bào dân tộc thông qua việc bố trí màu sắc, họa tiết. 

Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang bị mai một dần. Quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người đang diễn ra mạnh mẽ nên xu hướng Việt (kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Thay cho trang phục bằng vải thổ cẩm truyền thống, đồng bào dân tộc đang sử dụng nhiều trang phục hiện đại trong cuộc sống hằng ngày, vải thổ cẩm dần ít được sử dụng hơn. 

Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Cách bố trí màu, hoạ tiết thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân tộc đó
Cách bố trí màu, họa tiết thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân tộc đó

Các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngày càng ít. Số nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy cũng đã quá lớn tuổi hoặc đã mất. Tại tỉnh Đắk Nông, theo thống kê của Sở Văn hoá  - Thể thao và Du lịch, hiện có 643 nghệ nhân làm nghề dệt thổ cẩm, nhưng chỉ khoảng 50 người có khả năng truyền nghề.                                

Nghệ nhân Hồ Văn Hồi (dân tộc Vân Kiều, huyện Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Nghề này bị mai một rồi. Hiện tại, ở đây vẫn còn một số nghệ nhân làm nghề nhưng họ không còn mặn mà với nghề nữa. Đây là thực tế rất đáng buồn”.

Lực lượng trong độ tuổi lao động cũng không còn nhiều người thiết tha với nghề dệt vì thu nhập không đủ sống. Họ có nhiều lựa chọn khác: đi làm công ăn lương, rời buôn, bản lên thành phố kiếm sống, hoặc đi học cao hơn...

Anh Hồi quyết tâm giữ nghề dù nhiều khó khăn
Anh Hồi quyết tâm giữ nghề dù nhiều khó khăn

Anh Hồi cho rằng nếu có chính sách đầu tư hợp lý của nhà nước, cùng những biện pháp thực tế tạo được đầu ra tốt cho sản phẩm, nghề dệt thổ cẩm mới thu hút được nhiều nghệ nhân, nhất là những người trẻ. 

Nhiều nghệ nhân người Ê-đê cho biết khó khăn hiện tại của họ là vốn để đầu tư, thứ hai là đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm. Có giải quyết được vấn đề này mới có thể mang đến hy vọng sáng sủa hơn.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm chia sẻ về nghề truyền thống:

 

Từ thực tế đó, Lễ hội văn hoá thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai năm 2020 tổ chức tại Đắk Nông đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ban tổ chức, đó là tìm kiếm nhiều cơ hội hơn cho nghề truyền thống này sau lễ hội.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Lễ hội sẽ tiếp thị vải và các sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm đến người tiêu dùng, các đơn vị may mặc, sau đó tiến tới quảng bá tại các địa điểm du lịch...

Liên kết các hợp tác xã, câu lạc bộ với các công ty kinh doanh thổ cẩm để tìm kiếm thị trường, nắm kỹ hơn về thị hiếu và sự quan tâm của khách hàng với các loại sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số. 

Gần đây, chất liệu thổ cẩm cũng được khéo léo đưa vào nhiều trang phục hiện đại, thậm chí trang phục dạ hội, hoặc những sản phẩm sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như: giỏ, drap giường...

Đây cũng là hướng đi có thể cân nhắc để tiếp tục phát triển, nhưng phải tham khảo ý kiến của các đồng bào để đảm bảo giữ được tính văn hoá truyền thống.

Vải thổ cẩm được ứng dụng vào trang phục hiện đại
Vải thổ cẩm được ứng dụng vào trang phục hiện đại

Song song đó, các làng nghề và nghệ nhân sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Hiện tỉnh Đắk Nông đang xây dựng Hồ sơ khoa học nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là Di sản cấp quốc gia 2020.

Đây cũng là một bước đi giúp hình ảnh thổ cẩm, nghề dệt được biết đến nhiều hơn, thu hút sự chú ý.

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai  diễn ra từ 24-29/11 với  sự tham gia của 14 tỉnh và các đoàn nghệ nhân, diễn viên 8 nước: Lào, Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kích cầu du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đêm khai mạc lễ hội vào tối 24/11 sẽ lồng ghép lễ đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu tại Đắk Nông do UNESCO công nhận. Trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ diễn ra Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020Lễ hội khinh khí cầu, vòng chung kết Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020


Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI