Nghe để hiểu, hiểu để thương cho đúng

03/04/2025 - 16:35

PNO - Đó là những gì được đúc kết tại tọa đàm “Lắng nghe để thấu hiểu cảm xúc và nhu cầu” do Hội LHPN quận 8 phối hợp với Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Xã hội Tâm Nhung tổ chức vào ngày 3/4.

Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của rất đông hội viên, phụ nữ
Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của rất đông hội viên, phụ nữ

Nghe để hiểu, hiểu để thương cho đúng là những gì được đúc kết tại tọa đàm “Lắng nghe để thấu hiểu cảm xúc và nhu cầu”, do Hội LHPN quận 8 phối hợp với Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Xã hội Tâm Nhung tổ chức vào ngày 3/4.

Tại tọa đàm, vấn đề thiếu khả năng lắng nghe được đem ra phân tích, mổ xẻ.

“Mẹ bận lắm, con ra ngoài kia chơi!”, “Ôi trời ơi, chuyện nhỏ như con thỏ, có gì mà bức xúc?”, “Con phải như thế nào bạn mới như thế với con chứ?”...

Đó là phản ứng thông thường của nhiều bà mẹ khi nghe con kể chuyện bị bạn bè ở lớp nghỉ chơi. Vì bận rộn, có bà mẹ từ chối lắng nghe con bằng cách liên tục xua tay. Có người lại giả vờ lắng nghe nhưng tâm trí tập trung cho công việc khác. Nhiều bà mẹ chưa kịp lắng nghe đã vội phán xét con mình. Đó là những biểu hiện của việc thiếu khả năng lắng nghe - một trong những vấn đề của xã hội hiện nay.

Từ những câu chuyện gần gũi, đời thường, tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai - giảng viên khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam - đã cho thấy nhiều hệ lụy của việc thiếu khả năng lắng nghe giữa các thành viên trong gia đình. Trong đó, sự đứt gãy của việc kết nối gia đình đã khiến người trẻ tìm đến mạng xã hội thay vì tìm đến cha mẹ, người thân. Một trong những nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do trẻ không được lắng nghe đúng cách.

Chủ đề tọa đàm không chỉ thu hút sự quan tâm của nữ giới
Tọa đàm cũng thu hút nhiều nam giới

“Yêu thương là cội nguồn, gốc rễ của gia đình. Nếu không hiểu rõ cảm xúc, nhu cầu của người thân thì khó mà thương và yêu cho đúng. Việc cùng nhau chia sẻ, lắng nghe và hiểu biết sâu hơn về những cảm xúc và nhu cầu của nhau sẽ giúp chúng ta xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn, nơi mỗi cá nhân được quan tâm và tôn trọng. Sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng phát triển bền vững” - tiến sĩ Thanh Mai khẳng định.

tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai - Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai gợi mở nhiều vấn đề thú vị về câu chuyện lắng nghe

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giữa nam và nữ giới có nhiều khác biệt trong việc lắng nghe. Nam giới thiên về việc “nghe với giải pháp” còn phụ nữ chỉ muốn được trải lòng, muốn được “nghe để thấu hiểu”. Sự “vênh” này đã khiến nhiều cặp vợ chồng ngại mở lời chia sẻ với nhau, dẫn đến mối quan hệ gia đình dần trở nên “đóng băng”.

Vậy thì, lắng nghe như thế nào cho đúng?

Tiến sĩ Thanh Mai chỉ ra, trong cuộc sống cũng như công việc, việc lắng nghe không chỉ đơn thuần là nghe âm thanh, mà còn là sự thấu cảm, là khả năng nhận diện và phản hồi đúng với cảm xúc, nhu cầu của người đối diện. Nghe thấu hiểu là lắng nghe với sự chú tâm và tương tác nhằm thấu hiểu cảm xúc của người nói bên dưới lớp thông tin mà họ bày tỏ. Do đó, khi chưa sẵn sàng, đừng vội lắng nghe.

Nhiều người
Người tham dự hào hứng chia sẻ góc nhìn của bản thân

Theo tiến sĩ Thanh Mai, việc lắng nghe đúng mang lại lợi ích cho cả 2 phía.

Người nói sẽ cảm nhận sự an toàn, cảm thấy được giải tỏa cảm xúc, được thừa nhận. Và đôi khi, kể một câu chuyện cũng là lúc họ thêm một lần lắng nghe lại chính câu chuyện của chính mình, và đôi khi sẽ tự tìm thấy cách giải quyết.

Người lắng nghe cũng học được cách bao dung, kiên nhẫn và lòng trắc ẩn; hiểu rõ cảm xúc và nhu cầu của người nói, từ đó có sự kết nối và hỗ trợ, giúp phát triển những mối quan hệ tích cực. “Lắng nghe và thấu hiểu chính là món quà ý nghĩa nhất mà mọi người có thể tặng người thương của mình” - tiến sĩ Thanh Mai đúc kết.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI