Nghe chuyện tiếu lâm, một bệnh nhân cười sái quai hàm

07/04/2017 - 17:20

PNO - Mỗi tháng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM tiếp nhận 30-40 bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng sái quai hàm, không thể ngậm lại được do cười giỡn quá mức; trong đó có cả nguyên nhân nghe chuyện tiếu lâm

Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn - BV Răng Hàm Mặt cho biết, đây là tình trạng trật khớp thái dương hàm (dân gian gọi là ), mà nguyên nhân thường gặp do đột ngột cười to, ngáp to.

Bác sĩ Tuấn kể, nhiều bệnh nhân (BN) bị “sái quai hàm” đến bệnh viện trong tình trạng lo lắng, đau đớn, khó nói, không ngậm miệng được và nước miếng tuôn thành dòng.

Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị H. (50 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) khá hoảng loạn, miệng cứ ú ớ, nói không thành lời, một tay bà nâng chiếc cằm lên cho đỡ đau, một tay luôn phải cầm giấy lau nước miếng.

Người nhà bà kể, bà đang ngồi nói chuyện với con cháu và phá lên cười khi một thành viên kể . Đang cười, bỗng dưng bà đứng hình miệng không ngậm lại được và giọng đớt đát, không nuốt được khiến nước miếng chảy thành dòng.

Người nhà cố gắng đẩy, nắn hai hàm lại giùm bà, nhưng bất thành. Mọi người lấy dầu nóng thoa cũng chẳng ăn thua và cơn đau mỗi lúc một tăng. Bà phải lấy tay đỡ cằm và nhanh chóng vào bệnh viện.

Chỉ vài thao tác, các bác sĩ nắn chỉnh miệng của bà về vị trí bình thường và từ giờ, bà không được cười hay ngáp “thả ga” vì nguy cơ bị tái phát rất cao. Kể từ đó, gia đình không còn dám kể cho bà nghe.

Nhập viện hai lần vì ngáp cho đã

Chị Thu P. - nhân viên BV Chợ Rẫy cũng một phen ú tim khi đang xem ti vi thì cơn buồn ngủ kéo đến và chị ngáp “cho đã”. Nhưng miệng há xong thì không sao khép lại được.

Lần đầu bị tình trạng này, chị đau và sợ đến phát khóc. Cả nhà sau khi thử nắn, xoay cằm, đầu cho chị đủ kiểu mà vẫn “giữ nguyên hiện trường” nên đưa chị vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy nắn lại.

Sau đó, chị được băng cố định cằm, đầu trong ba ngày và cũng được bác sĩ nhắc nhở không được ngáp to. Thế nhưng, chỉ một tháng sau, khi vừa ngủ dậy, chị vươn vai và ngáp một phát cho sảng khoái thì miệng... giữ nguyên hiện trường. Cả nhà lại đưa chị vào bệnh viện nắn hàm lại.

Nghe chuyen tieu lam, mot benh nhan cuoi sai quai ham
Bác sĩ chỉnh nắn hàm cho một bệnh nhân bị "sái quai hàm"

Đến nay, chưa đầy một năm kể từ ngày khởi phát bệnh sái quai hàm, chị P. đã bị lại 4 lần và lần nào cũng “đau muốn chết”. Chị nói: “Bây giờ tôi luôn lấy tay vịn cằm khi cười hay ngáp và người nhà cũng thường xuyên phải nhắc tôi: cười từ từ, ngáp từ từ để hạn chế tái phát”.  

Hay như chị Ngọc Nhi (ở đường Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM) đang chăm sóc con nhỏ mới ba tháng nên thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. Một đêm, trong lúc đang cho con bú, chị buồn ngủ nên cứ ngáp hoài, định “ngáp cho đã” nhưng ngáp xong miệng cũng không ngậm lại được, phải vô Bệnh viện Răng Hàm Mặt nắn lại.

Cười nhỏ, ngáp nhẹ

Tuy trật khớp thái dương hàm không phải tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa tính mạng, nhưng những ai từng mắc bệnh này cũng khổ sở, lo lắng chẳng kém người mắc bệnh mạn tính.

Bởi nguy cơ tái đi tái lại rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi đang ăn, đang cười, đang nói, đang ngáp… cũng có thể bị “đứng hình”.

Nghe chuyen tieu lam, mot benh nhan cuoi sai quai ham
 

Khổ nhất là khi bị những vấn đề liên quan đến răng miệng - dù rất nhẹ như sâu răng, trám răng… cũng trở nên khó khăn khi điều trị vì người bệnh cứ há miệng hơi rộng là bị trật khớp đau đớn.

Thậm chí, việc cạo vôi răng cũng rất nhiêu khê, đã có trường hợp một bệnh nhân nam, 38 tuổi, phải mất đến ba ngày tới lui bệnh viện mới cạo xong vôi răng - dù bình thường thao tác này bác sĩ mất chưa đến 30 phút.

Vì mỗi ngày bệnh nhân chỉ có thể đủ sức chịu được 30 phút và trong thời gian đó còn phải dừng liên tục cho miệng bệnh nhân nghỉ ngơi, nếu không sẽ trật khớp.

Bác sĩ Tuấn kể, đã không ít trường hợp vừa mới nói bệnh nhân há miệng để khám răng, thì miệng đã bị “treo”, BS phải nắn lại, khiến cả BS và BN đều bị áp lực.   

Chứng trật khớp thái dương hàm khá phổ biến và dễ tái phát. Tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, chất lượng sống và luôn làm người bệnh lo sợ.

Khớp thái dương hàm bao gồm một hõm khớp phía sau một lồi khớp phía trước thuộc xương thái dương và lồi cầu xương hàm dưới. Trật khớp thái dương hàm xảy ra khi lồi cầu xương hàm dưới vượt qua khỏi lồi khớp xương thái dương.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do dây chằng bị dãn, thoái hóa hoặc do cấu trúc của lồi khớp. Những người có cấu trúc lồi khớp vừa phải hoặc cao cùng hệ thống dây chằng khớp vững chắc sẽ ít gặp tình trạng “sái quai hàm”.

Ngược lại, những ai có cấu trúc lồi khớp thấp, dây chằng dãn hay thoái hóa sẽ dễ bị tình trạng “miệng treo” khi há miệng quá to, há đột ngột như ngáp, cười… Trong đó, việc bị “sái quai hàm” lần đầu dễ khiến người bệnh hoang mang, lo lắng và càng lo thì càng làm cơ khớp căng cứng.

Hơn nữa, khi mới bị lần đầu, dây chằng còn vững chắc nên việc nắn chỉnh cũng khó khăn. Và nếu người bệnh không chú ý và há miệng quá to thì bệnh dễ tái phát, tuy nhiên những lần sau dễ nắn chỉnh hơn, vì dây chằng đã dãn.

Lưu ý, khi bị “sái quai hàm” không được tự ý hoặc nhờ người khác bẻ, nắn chỉnh lại quai hàm. Vì điều này rất nguy hiểm, bởi nếu không có chuyên môn, dễ làm tình trạng trật khớp thái dương hàm nặng hơn, thậm chí có thể để lại những di chứng đau đớn, méo miệng, việc điều trị cũng khó khăn và tốn kém hơn.

Nếu chẳng may bị “sái quai hàm”, người bệnh cần bình tĩnh, thư giãn để không làm tình trạng nặng hơn và đến ngay cơ sở y tế để được khám, nắn chỉnh.  

Dấu hiệu sớm của bệnh là: há miệng nghe tiếng kêu lụp cụp, đau - mỏi vùng trước tai. Khi đó, cần há miệng từ từ với độ to vừa phải, hạn chế ăn những thức ăn cứng, dai.

Để phòng ngừa và hạn chế bệnh trật khớp thái dương hàm, cần đi khám răng miệng định kỳ, qua đó có thể phát hiện được những nguy cơ gây trật khớp thái dương hàm, không nên ngáp to hoặc cười lớn đột ngột - nhất là vào buổi sáng và trưa, khi vừa ngủ dậy.

Do cơ khớp chưa có thời gian làm việc nên hành động ngáp, cười sẽ khiến quai hàm chuyển động mạnh, đột ngột dễ trật. Bên cạnh đó, cần chọn thức ăn mềm, lỏng, tránh thực phẩm quá cứng hoặc giòn, làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI