Việt Nam là quốc gia đầu tiên được thực hiện mô hình này
2 chiếc hộp kể chuyện được thiết kế, thực hiện nhờ vào sự hợp tác của đội ngũ nhân sự từ các bảo tàng của TPHCM, những cán bộ tham gia khóa tập huấn của Bảo tàng Confluences, Bảo tàng Lyon, Đại sứ quán Pháp.
Mô hình này là một chiếc hộp, bên trong có bảng điều khiển để khách tham quan có thể lựa chọn dữ liệu mong muốn tìm hiểu, sau đó sẽ được thuyết minh tự động về hiện vật. Mục đích là nhằm phục vụ người dân TPHCM, giúp họ hiểu rõ hơn về di sản của mình, đồng thời khám phá các bảo tàng của thành phố.
Hiện 2 chiếc hộp này được đặt tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng TPHCM. Trong đây có dữ liệu của 4 bảo tàng, gồm 2 đơn vị trên và Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Chiếc hộp này có thể di chuyển linh hoạt ở nhiều nơi.
|
Những vị khách đầu tiên được trải nghiệm mô hình hộp kể chuyện tại Bảo tàng TPHCM vào chiều 5/7 |
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên mà phía Pháp thực hiện mô hình này, tương tự tại thành phố Lyon của Pháp. Tại Pháp, chúng được đặt ở nhiều nơi như: trường học, bệnh viện, nhà ga… Chúng giống như một bảo tàng thu nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ cho biết bảo tàng vinh dự khi là một trong 2 đơn vị đầu tiên được đặt chiếc hộp này. Sau đó, chiếc hộp sẽ được di chuyển luân phiên giữa các đơn vị với mục tiêu chung là kéo công chúng đến với bảo tàng.
Bà Helène-Lafont Couturier (Tổng Giám đốc Bảo tàng Confluences) cho biết tại Pháp, mô hình chiếc hộp này có ý nghĩa lớn, thu hút du khách đến tham quan bảo tàng, tăng cường khả năng giáo dục… Bà hy vọng công chúng, người dân tại Việt Nam, TPHCM sẽ có dịp trải nghiệm lại những hiện vật tiêu biểu của các bảo tàng trong thành phố với nhiều cảm xúc mới mẻ thông qua mô hình này.
Bà Đoàn Thị Trang - phó giám đốc phụ trách Bảo tàng TPHCM cho biết, là đơn vị đầu tiên tiếp nhận hộp kể chuyện, vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm. “Về kế hoạch phát huy hộp kể chuyện, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung những nội dung, tài liệu, hiện vật, những câu chuyện... làm sao để hình ảnh của các bảo tàng đến gần với công chúng. Về hình thức tuyên truyền, quảng bá, thì chính những cán bộ của bảo tàng, người dân thành phố sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong việc lan tỏa văn hóa đến bạn bè năm châu. Đó là chiến lược lâu dài của Bảo Tàng TPHCM, đưa công chúng đến bảo tàng và đưa bảo tàng gần hơn với công chúng”, bà Trang nói.
|
Bà Đoàn Thị Trang - phó giám đốc phụ trách Bảo tàng TPHCM phát biểu tại sự kiện |
Mong có nhiều cơ hội hợp tác với Pháp để đào tạo nhân lực cho bảo tàng
Theo ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào giới thiệu, trưng bày là phần tất yếu của lộ trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, và các Bảo tàng tại TPHCM cũng không ngoại lệ.
2 chiếc hộp kể chuyện cho các Bảo tàng tại TPHCM là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm mô hình mới về kể chuyện hiện vật, có thể tiếp xúc với mô hình công nghệ hiện đại trong trưng bày khi đến tham quan tại bảo tàng. Ông cảm ơn phía Pháp, và hy vọng trong thời gian tới sẽ có cơ hội được hợp tác với Pháp trong lĩnh vực đào tại nguồn nhân lực cho các bảo tàng.
|
Ông Trần Thế Thuận, giám đốc Sở VH-TT TPHCM trải nghiệm mô hình hộp kể chuyện |
Dự án thuộc Quỹ đoàn kết dành cho các dự án đổi mới mang chủ đề Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam. Dự án được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM.
Dự án này chính thức khởi động vào tháng 5/2022, do Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp tài trợ lên đến 15 tỷ đồng (600.000 Euro). Ngoài ra, còn có 3 tỷ đồng (100.000 Euro) do nhiều đối tác Pháp mang lại như: bảo tàng, cơ quan nhà nước, trường đại học và chính quyền địa phương Pháp.
“Những con số này minh chứng cho tầm quan trọng mà Pháp đã dành cho các dự án hợp tác song phương hơn 20 năm qua trong lĩnh vực di sản, văn hóa và bảo tàng. Tôi rất vui mừng khi hôm nay, một phần quan trọng của dự án đã được thực hiện”, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser (Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM) chia sẻ.
Bà cho biết 2 dự án còn lại đang thực hiện trong chương trình này là: cải tạo Trung tâm Du khách Vườn Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), hỗ trợ xây dựng nội dung trưng bày Trung Tâm Giáo dục truyền thông môi trường Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).
|
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser vui mừng khi dự án đầu tiên trong chương trình đã được thực hiện |
Ngoài những dự án này, trong hơn 1 năm qua, dự án đã tổ chức hơn 10 khóa tập huấn với các chuyên gia Pháp, nhằm mang lại lợi ích cho giới chuyên môn và sinh viên Việt Nam với nhiều chủ đề như: công tác truyền đạt nội dung, truyền thông, xây dựng nội dung trưng bày, trách nhiệm sinh thái các bảo tàng, bảo quản bộ sưu tập. 2 chuyến học tập tại Pháp (tháng 11/2022 và tháng 6/2023) giúp khoảng 30 cán bộ Việt Nam có dịp khám phá các cơ sở chuyên ngành Pháp, nhằm tăng cường thực hành và chia sẻ kinh nghiệm của họ với những đồng nghiệp Pháp. |
Trung Sơn