|
Phơi lác nhuộm ven đầm Ô Loan - Ảnh: Út Nam |
Bắt lác “bơi” qua sông
Vợ chồng ông Phan Tiến miệt mài cắt lác trên cánh đồng Gò Bùn (xã An Cư). Vợ ông cắt, còn ông giũ rồi bó lại, vác chất thành từng đống to. Ông Tiến cho hay: "Cánh đồng này nằm phía trên đầm Ô Loan nên thường hay nhiễm mặn, cây lúa chịu đời không nổi nên chỉ có cây lác phát triển. Qua lời kể của những người cao niên trong xóm thì cánh đồng lác này có từ thời ông cố, nay trên 100 năm tuổi".
Đồng lác trải rộng, một nửa diện tích nằm ở phía bên kia sông Gò Bùn. Bên đó không có đường nội đồng nên để vận chuyển bó lác to về nhà phải bắt lác “bơi” qua sông cặp vào mé đầm, nơi đầm ô Loan ăn sâu vào đồng lác, mới có đường vận chuyển về nhà. Cách bắt lác “bơi” là kết bè rồi dùng sức người kéo, có người thả bó lác xuống nước rồi đẩy cho lác nối đuôi nhau “bơi” qua sông.
“Cảnh lác bơi qua sông hiếm có nên gần đây nhiều người đến săn ảnh, canh me quay phim”, ông Tiến cho hay.
|
Bè lác qua sông - Ảnh: Dương Thanh Xuân |
Nói về cảnh chụp ảnh, quay phim lác “bơi” qua sông, ông Bùi Văn Thảo ngừng tay cắt lác chia sẻ: "Cách đây 3 hôm, có người đến canh me chụp ảnh, quay phim. Họ bồi dưỡng tiền xứng đáng công cán, mình chịu khó cho lác bơi… kiếm tiền. Có tay máy bắt diễn đi diễn lại, họ biểu sao mình làm vậy".
Những cọng lác to được chẻ làm hai rồi mang đi phơi. Lác phơi hai nắng là khô. Nhuộm lác là công đoạn quan trọng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm. Có thể tóm gọn quy trình: nấu nước sôi rồi pha màu, trụng lác. Lưu ý chỉ trụng sơ qua, nếu ngâm lâu thì nước sôi làm cho lác chín mềm, bở rệt. Để giữ màu lâu và sắc nét hơn, khi lác "ngậm" màu tiếp tục đem phơi nắng.
|
Sắc màu của lác - Ảnh: Út Nam |
Bà Trần Thị Hạnh, đang phơi lác nhuộm, khoe: "Có người chụp hình ngoài ruộng rồi hỏi thăm theo về nhà, khi tôi nhuộm lác, họ leo lên mái nhà chụp xuống. Họ chụp gần 100 tấm hình".
Nghề chiếu… công đôi
Lác nhuộm màu phơi khô sẽ được dùng đan chiếu. Theo nhiều người ở xóm Chiếu, nghề gì làm một mình, ăn một mình được chứ nghề đan chiếu thủ công phải làm công đôi, tức hai người, người đẩy lác vào khung, người kia cầm khung thao tác dập.
Việc thu hoạch lác cũng công đôi: người cắt, người giũ. Thường một bó lác nặng gần bằng 10 bó lúa nên hai người làm mới nổi.
|
Đan chiếu công đôi - Ảnh: Út Nam |
Một cái khó trong khâu thu hoạch lác là phơi, bởi để lâu bó lác đổ mồ hôi mềm ợt. Vậy nên bà con thu hoạch lác theo từng đợt, một ngày cắt 10 bó phơi khô, mới cắt đợt khác.
Chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Phú Tân, cho hay: "Tôi làm nghề sơn móng tay móng chân nhưng đến mùa thu hoạch lác tôi nghỉ vài bữa để về phụ ba tôi phơi lác. Khi phơi lác, phải thức canh vì sợ trời mưa dông. Nếu lác bị ngấm nước mưa thì trở màu đỏ bầm, phải phơi liên tiếp 4-5 nắng nữa mới khô".
Mỗi năm, nông dân thu hoạch lác vào tháng Tư và tháng Tám âm lịch. Đến mùa thu hoạch, tờ mờ sáng là nông dân có mặt ở cánh đồng Gò Bùn, Đồng Dỡ, Gò Giữa. Từ 10g đến 14g cánh đồng lác nắng cháy da nên bà con né buổi này. Chiều đi muộn nên tranh thủ làm đến đỏ đèn mới về.
|
Phơi lác ven đầm Ô Loan - Ảnh: Út Nam |
Ở xóm Chiếu, bên cạnh những người đan chiếu thủ công truyền thống, một số hộ đã sắm máy móc làm xưởng dệt chiếu.
Theo người dân xóm Chiếu, lác khô cân cho xưởng 18.000 đồng/kg. Trung bình 1 sào lác thu 6 triệu đồng, chi phí các khâu hết 3 triệu. Trong xóm có người trồng 2 sào lác, phơi khô bán cho xưởng 1 sào, còn 1 sào để lại đan thủ công. Cũng có người trồng 1 sào lác phơi khô được 30 bó, bán cho xưởng 20 bó, "để dành" 10 bó để đan lúc nông nhàn, lấy công làm lời.
Người dân xóm Chiếu đan 2 loại, chiếu thường là chiếu giữ màu tự nhiên của và chiếu bông là chiếu nhuộm. Hiện 1 đôi chiếu bông rộng 1,5m có giá 80.000 đồng, còn chiếu thường 50.000 đồng. Một ngày công đôi thường đan được 3 đôi chiếu.
|
Chở chiếu đi bán - Ảnh: Út Nam |
Trước đây, bà con xóm Lưới Gõ (xã An Cư) chuyên làm nghề thả lưới bắt cá ở đầm Ô Loan, giờ nhiều người chuyển sang đan chiếu. Trên đường bê tông ven đầm Ô Loan, lác phơi đủ màu xanh, đỏ, vàng, tím. Cùng với đó những chiếc chiếu thành phẩm trải khắp sân chờ đưa đi tiêu thụ.
Bà Trần Thị Tâm, người dân địa phương, cho hay: "Hồi trước ở đây làm nghề thả lưới bắt cá dưới đầm Ô Loan, nay đầm "đói" nên một số người làm thêm nghề đan chiếu. Lác được nhuộm phơi khô để trong nhà, rảnh khi nào đan lúc đó. Đan xong sai đứa nhỏ chở đôi chiếu bán cho thương lái kiếm tiền đi chợ".
Ông Nguyễn Quý Ngà - Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An - cho biết: "Cách đây 3 năm, cánh đồng lác 30ha, nay nông dân mở rộng trồng 40ha. Đối với nghề đan chiếu, những năm qua, nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Sản phẩm chiếu của làng nghề không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định...".
Út Nam